[Review sách] Chữa lành những sang chấn tuổi thơ

review-sach-chua-lanh-nhung-sang-chan-tuoi-tho

Quyển sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ dành cho những người từng trải qua những sang chấn trong cuộc sống, giúp họ hiểu rõ bản thân.

Sách phù hợp người đang và sắp làm cha mẹ, cho những nhà giáo dục, và những người có quá khứ sang chấn hoặc người thân của họ trải qua sang chấn.

Tại sao nhiều người sở hữu tính cách bị cho là tiêu cực? Lý giải từ hậu quả của sang chấn

Quyển sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ (Tiếng Anh: What happened to you?) đề cập đến những vấn đề một người gặp phải, thường ở giai đoạn trẻ nhỏ, dẫn đến những hậu quả về sau liên quan đến tính cách và sức khỏe tinh thần của họ.

Có những người trong cuộc sống hay bị gọi là kẻ thích lấy lòng người khác, kẻ tự hoại, kẻ gây rối, kẻ lý sự, kẻ bỏ cuộc, kẻ suốt ngày bị sa thải, kẻ kém cỏi trong các mối quan hệ,…

Theo các tác giả, những người này có thể gặp phải một sang chấn nào đó trước đây, dẫn đến những tính cách đặc trưng của họ. Những thứ có thể tạo nên sang chấn phổ biến là: bố mẹ ly hôn, bố mẹ/người giám hộ quá hà khắc, bị bạo hành thể chất hoặc tinh thần,… Các kỷ niệm không mấy tốt đẹp lặp đi lặp lại khiến não hình thành một cơ chế phản ứng, dẫn đến các tính cách (được xem là tiêu cực) ở người bị sang chấn.

Theo các tác giả, khi gặp một người có các dấu hiệu “thất bại” như trên, thay vì hỏi “Tại sao anh ta lại hành động như vậy?”, hãy hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với anh ta?” (chính là tựa đề quyển sách). Cách tiếp cận này sẽ tránh được việc đổ lỗi cho một người, mà sẽ hiểu hơn điều họ đã phải trải qua.

Toàn bộ quyển sách là cuộc trò chuyện giữa bà Oprah Winfrey, được mệnh danh là nữ hoàng truyền hình Mỹ, người cũng có quá khứ sang chấn, và tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry. Quyển sách được xếp trong danh sách bán chạy nhất của New York Times.

Trong quyển sách này, hai tác giả nêu ra một số vấn đề con người hay gặp phải:

  • Tại sao có những người hay bỏ cuộc trước khó khăn
  • Nguyên nhân một số nam giới/nữ giới hay phá hỏng mối quan hệ của mình, có xu hướng vướng vào những mối quan hệ độc hại
  • Có những người luôn nói những điều làm hài lòng người khác nhưng trái mong muốn bản thân
  • Chấp nhận mình bị đối xử tệ vì cảm thấy mình đáng bị như thế
  • Những người dễ nổi nóng trước mọi hoàn cảnh, hoặc trong một số trường hợp
  • Có những người không giỏi đối phó với căng thẳng, luôn né tránh tranh cãi
  • ….

Tất nhiên nếu bóc tách các vấn đề nói trên sẽ có những nguyên nhân khác nhau. Song, đối với những người từng trải qua sang chấn trong giai đoạn nào đó của cuộc sống, thì có thể dẫn đến những hệ quả như trên. Tuỳ vào từng tình huống mà người đó gặp phải, họ sẽ mang những tính cách khác nhau về sau mà họ không mong muốn.

Bên cạnh phân tích theo khía cạnh tâm lý, vị chuyên gia nói khá dễ hiểu ở góc độ khoa học não bộ. Ông cho rằng những sự việc xảy ra trong đời người, nhất là với trẻ em, sẽ tạo nên những di chứng lên não bộ, do đó các hành vi nói trên của con người chịu tác động từ não chứ không đơn thuần là hành vi tâm lý.

Từ những tổn thương của não, tác giả phân tích rộng hơn về nạn phân biệt chủng tộc, các hậu quả để lại với cựu chiến binh,…

Trong một số chương đầu, các tác giả có nêu ra giải pháp cho một số hậu quả sau sang chấn. Ở chương gần cuối, sách cũng đưa ra vài đúc kết để người đọc tự chữa lành cho mình hoặc có cách để giúp đỡ người khác.

Điều mình thích và không thích từ quyển sách

Về nội dung, sách nói khá dễ hiểu và ngắn gọn về cấu trúc não bộ và cách não chi huy các hành động của con người. Từ đây, các tác giả nêu ra nhiều ví dụ thông qua rất nhiều câu chuyện bị sang chấn khác nhau. Do đó hầu hết nội dung sách sẽ nói về câu chuyện cụ thể, không có nhiều lý thuyết. Đây là điểm sẽ có người thích và không thích.

Sách trình bày dưới hình thức các cuộc trò chuyện giữa bà Oprah Winfrey và Tiến sĩ Bruce D. Perry. Do đó, cả quyển sách như một kịch bản của chuỗi các video trên truyền hình, đơn thuần chỉ hỏi và đáp. Ở từng chương, hiếm có các đoạn tổng kết hay phân từng đoạn nhỏ, vì vậy người đọc sẽ khó nắm bắt các ý chính nếu chỉ lướt qua. Muốn hiểu vấn đề, chúng ta phải đọc kỹ từng chương và tự đúc rút các nội dung cho mình.

Quyển sách cũng không nêu bật giải pháp cụ thể theo kiểu gạch đầu dòng, mà trình bày dưới dạng câu trả lời của vị bác sĩ đối với những vấn đề mà người dẫn chương trình truyền hình nêu ra. Trước đây mình rất thích kiểu trình bày này, vì nó không bị máy móc theo kiểu bước 1 làm gì, bước hai làm gì, nó gần gũi và tự nhiên. Nhưng giờ mình thấy rằng nếu nhấn mạnh từng ý, đưa ra các gạch đầu dòng có lẽ sẽ mạch lạc và dễ theo dõi hơn.

Dù sao đi nữa mình cũng đã đọc hết quyển sách, do đây là chủ đề mình quan tâm. Mình bỏ bê quyển sách trong gần một năm, sau đó hai-ba chương cuối mình đọc rất nhanh chỉ trong hai buổi tối rảnh rỗi.

Điều nhắn gửi cuối cùng của quyển sách khiến mình thay đổi khá mạnh góc nhìn về cuộc sống: Hãy xem sang chấn như một món quà, vì nó giúp bạn thấu cảm với người khác. Nó cũng đã giúp hình thành nên bạn ngày hôm nay (dù bạn có là ai cũng hãy trân trọng bản thân).

Có người nghĩ sang chấn như một khiếm khuyết của cơ thể hoặc tâm hồn, nhưng quyển sách cho rằng đó có thể là một món quà cuộc sống ban tặng theo một cách nào đó.

Review bởi Hải Đăng

Đặt sách tại: https://s.shopee.vn/1qHfR55wOn

menu
menu