Trầm cảm có phải là bệnh không? Bản chất của việc trầm cảm trở lại.

tram-cam-co-phai-la-benh-khong-ban-chat-cua-viec-tram-cam-tro-lai

Trầm cảm là gì? Nó có phải bệnh không? Một rối loạn tâm thần? Sự mất cân bằng sinh hóa? Một sự rối loạn chức năng của não bộ? Một hội chứng tâm lý?

Tác giả, TS. Stephen Diamond, là một nhà tâm lý học lâm sàng và tâm lý học pháp lý tại Los Angeles. Nguyễn Hồng Anh lược dịch từ bài gốc “Is Depression a Disease? The Recurring Nature of Depression” đăng trên Psychology Today ngày 01/09/2008 (truy cập ngày 28/07/2016).

 

Trầm cảm là gì? Nó có phải bệnh không? Một rối loạn tâm thần? Sự mất cân bằng sinh hóa? Một sự rối loạn chức năng của não bộ? Một hội chứng tâm lý? Một khủng hoảng hiện sinh hoặc tinh thần? Ở đây tôi muốn thảo luận về trầm cảm với tư cách một nhà tâm lý học lâm sàng và tâm lý học pháp lý đã thực hành trị liệu tâm lý được hơn ba thập kỷ.

Theo tôi, câu hỏi quan trọng liệu trầm cảm (đơn cực hoặc lưỡng cực) có phải là bệnh không xuất phát từ việc áp dụng mô hình y khoa cho lý thuyết và thực hành tâm thần học và tâm lý học có phần cần ngờ vực. “Mô hình y khoa” (medical model) là gì? Mô hình y khoa là một hệ thuyết nền tảng của thực hành y học lâm sàng: Các triệu chứng được xem như biểu hiện của các tiến trình sinh lý bệnh học ([vẫn gọi đơn giản là] bệnh) có thể được chẩn đoán và điều trị. Mục đích của điều trị y khoa là loại bỏ, ngăn chặn hoặc kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Để làm giảm đau đớn và kéo dài sự sống nhiều nhất có thể. Kể từ thời Hippocrates, các thầy thuốc đã trung thành với hệ thuyết và cách thực hành này.

Mô hình y khoa là một cách nhìn đặc thù về đau đớn, hủy hoại, rối loạn chức năng và, rốt cục là, cái chết. Nó là một hệ thuyết, một lăng kính giúp các thầy thuốc và những người khác hiểu về các hiện tượng bất thường như bệnh bạch cầu (leukemia), tiểu đường, và giờ, trầm cảm và nhiều rối loạn tâm thần khác. Nhưng dù mô hình y khoa đã có những đóng góp lớn lao trong việc chẩn đoán và trị bệnh, việc áp dụng nó cho các trải nghiệm đặc thù như trầm cảm, chứng loạn thần, và lo âu là có vấn đề.

Không thể phủ nhận là những người trầm cảm nặng là người ốm. Trầm cảm có thể gây suy nhược và trong một số trường hợp dẫn tới tử vong. Các triệu chứng thực thể như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau kinh niên, tiêu chảy, mất ngủ, v.v. thường xảy ra với trầm cảm chính yếu (major depression). Sử dụng thuật ngữ y khoa thì “điều trị” là bắt buộc. Câu hỏi thực sự là nên điều trị dạng nào? Câu trả lời một phần tùy thuộc vào cách hiểu về nguyên nhân gây trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần chính yếu khác như rối loạn lưỡng cực và loạn thần. Có nhiều lý thuyết khác nhau về nguyên nhân gây trầm cảm, nhưng không lý thuyết nào đã được chứng minh hoàn toàn thuyết phục. Các lý thuyết nhân quả này đưa ra các giải thích về sinh học, tâm lý học, xã hội và tinh thần. Nghiên cứu chỉ ra khả năng có ít nhất một vài yếu tố bẩm sinh về gien (genetic predisposition) đối với trầm cảm đơn cực và lưỡng cực, cũng như các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt và rối loạn phân liệt cảm xúc. Nhưng yếu tố bẩm sinh sinh học không phải là quan hệ nhân quả. Một số tác nhân khác (đôi khi không được nhận dạng) như: mất mát, stress, sự tách biệt/cách ly, chấn thương/thương tổn (trauma), sự vô nghĩa, sự thất vọng, lạm dụng chất kích thích, sự giận dữ bị kìm nén lâu ngày có thể, và thường, góp phần quan trọng, nếu không muốn nói góp phần chính, dẫn tới những rối loạn nói trên.

Nhưng dù nguyên nhân căn bản của trầm cảm là gì, hiện các nhà lâm sàng vẫn chưa đưa ra được cho người trầm cảm các phương pháp điều trị hiệu quả và quyết liệt nhất. Áp dụng dược lý tâm thần (psychopharmacology) trong điều trị trầm cảm nặng, dù có những hạn chế, đã có tính đột phá và cứu mạng người trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm và thuốc điều hòa khí sắc làm được những điều mà trị liệu tâm lý không làm được: chúng làm giảm tương đối nhanh các triệu chứng gây đau đớn và suy nhược của trầm cảm và do đó đưa những biến động khí sắc nguy hiểm đến trạng thái ổn định. Điều này có chứng minh rằng trầm cảm căn bản là một bệnh lý sinh học? Không hề. Nó chỉ cho thấy rằng chúng ta đã may mắn tìm ra phương tiện sinh hóa để ứng phó với và kiểm soát những triệu chứng nguy cấp nhất của trầm cảm: rối loạn ăn và ngủ, mất hứng thú, thờ ơ, tâm trạng trầm uất hoặc hưng cảm, lo âu, xu hướng tự sát, v.v. Nhưng như TS Kramer khẳng định trong bài viết gần đây của ông, kể cả khi những triệu chứng của trầm cảm được giảm nhẹ nhờ dùng thuốc, tình trạng trầm cảm bên dưới hiển nhiên vẫn còn, nên kể cả những người đang dùng thuốc vẫn có nguy cơ rơi vào các đợt mới trong tương lai. Hơn một nửa số người trải qua đợt trầm cảm lần thứ nhất có xu hướng tiếp tục trải qua các đợt trầm cảm mới ở một thời điểm nào đó [trong tương lai]. Xác suất tái phát tăng vọt (90%) nếu đã trải qua ba lần trầm cảm. Nguy cơ này nghĩa là gì? Nó dường như gợi ý rằng điều trị sinh hóa không giải quyết được vấn đề. Tính dễ tổn thương kéo dài tiềm tàng này có nghĩa là gì? Nó là cốt lõi trầm cảm, là trái tim của con rắn đa đầu Hydra.

Một số rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm, có thể được ví với Hydra huyền thoại: một con quái vật lớn trong thần thoại với chín cái đầu rắn, mỗi đầu đều tiết ra nọc độc chết người. Nhiều người phải chịu đựng vô số triệu chứng – như lo âu, trầm uất, đau kinh niên, bứt rứt, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, các đợt hoảng loạn, v.v. – mà sau khi đã bị chế ngự bằng thuốc, lại quay trở lại còn khủng khiếp hơn. Người anh hùng Hercules trong thần thoại Hy Lạp đã phải đánh nhau với Hydra hủy diệt. Lừa nó ra khỏi hang, chàng lần lượt chặt đứt những cái đầu rắn của nó. Nhưng chẳng mấy chốc, mỗi chỗ bị chặt lại mọc ra hai cái đầu mới. Hơn nữa, Hydra gớm ghiếc còn có một cái đầu bất tử không thể tiêu diệt được. Hercules cuối cùng đã đánh bại Hydra hủy diệt như thế nào? Trước tiên, Hercules dùng lửa đốt những chỗ bị chặt để ngăn những cái đầu mới mọc ra. Sau đó, chàng chôn cái đầu bất tử của Hydra dưới một tảng đá lớn để vô hiệu hóa nó. Nhưng bởi vì cái đầu này là bất tử, Hydra không bao giờ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Nó chỉ bị làm yếu đi và bắt quy phục.

Trầm cảm có chút giống với Hydra. Bạn có thể thử loại bỏ các triệu chứng bằng thuốc (thậm chí kể cả trị liệu bằng sốc điện trong trường hợp không đáp ứng thuốc), nhưng chúng vẫn có xu hướng trở lại. Trầm cảm có thể bị đánh bại không? Không thể trừ phi tìm tới trái tim của Hydra. Gốc rễ của trầm cảm, theo quan sát lâm sàng của cá nhân tôi, cơ bản thường mang tính tâm lý hơn là sinh hóa – mặc dù hai khía cạnh này rõ ràng có ảnh hưởng lẫn nhau. Thường ở trung tâm của trầm cảm là những căm ghét, tức tối, giận dữ, oán hận bị đè nén. Bị bỏ rơi. Bị phản bội. Nản lòng. Thương tiếc khôn nguôi. Sự vô nghĩa. Sự tầm thường. Mất niềm tin. Nếu không can thiệp quyết liệt vào trung tâm cảm xúc, tinh thần và tâm lý này của trầm cảm, thì không thể giải quyết triệt để được. Chỉ có thể nén lại tạm thời. Đó là lý do tại sao điều trị trầm cảm bằng thuốc, dù vô giá, không thể thay thế được trị liệu tâm lý kết hợp với dược lý tâm thần. Tấn công kép liên tục vào Hydra-trầm cảm sẽ ngăn chặn hoặc giảm thiểu những vấn đề chính yếu, và có thể kiềm tỏa được Hydra. Trong khi nhiều người có thể luôn mang những yếu tố sinh học gien và/hoặc tâm lý có khả năng dẫn tới một giai đoạn trầm cảm mới trong tương lai, điều trị bằng liệu pháp tâm lý như nói trên có thể giúp họ kiềm tỏa được những nguy cơ, chính là đánh bại được Hydra.

Trầm cảm có thể chữa được không? Nó có nên được điều trị như các bệnh khác không? Tôi nghĩ cái đó còn tùy. Một số dạng trầm cảm nhẹ tới trung bình và thậm chí nặng rõ ràng là phản ứng mang tính hoàn cảnh đối với stress, thương tổn, mất mát và các sự việc khác xảy ra trong đời. Những cái được gọi là rối loạn hoặc thậm chí các đợt trầm cảm chính yếu có thể được phục hồi hoàn toàn trong hầu hết các trường hợp được điều trị đầy đủ, đặc biệt là trị liệu tâm lý. Trầm cảm nặng và mãn tính như rối loạn khí sắc, rối loạn trầm cảm chính yếu tái phát, rối loạn khí sắc chu kỳ và rối loạn lưỡng cực đều giống Hydra, đòi hỏi phải có điều trị tích cực qua nhiều giai đoạn kéo dài. Nhưng kể cả trong những điều kiện dường như tương đối khó can thiệp, tiếp cận tới trái tim của Hydra với trị liệu tâm lý kết hợp với dược lý có thể làm giảm cả mức độ và tần suất của các đợt trầm cảm và/hoặc hưng cảm. Bằng cách cải thiện điểm khởi phát giữa các đợt bằng trị liệu tâm lý, mức độ và tần suất của các đợt tiếp sau có thể giảm xuống. Trong khi việc chỉ dùng thuốc để đẩy lui Hydra có vẻ như sẽ khiến tăng dần liều dùng và tăng số loại thuốc cần dùng để kiềm chế nó, trị liệu tâm lý theo cách tôi gợi ý trong cuốn sách của mình có thể làm giảm sự phụ thuộc vào việc dùng thuốc, bởi ý nghĩa của trầm cảm và các nguồn gốc tâm lý của nó được trị liệu tận gốc.

Do đó, tôi đề xuất rằng trầm cảm không phải là một bệnh nên được điều trị theo cách như với tiểu đường chẳng hạn (mà bản thân bệnh này trong nhiều trường hợp đã được biết là có liên quan tới stress). Trầm cảm là một hội chứng sinh học–tâm lý–xã hội đòi hỏi nhiều hơn là chỉ can thiệp bằng thuốc và đang cần phải có những phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả hơn nữa.

 

Nguồn dịch: https://nguyenhonganh.wordpress.com/tag/depression/

menu
menu