Vượt qua bản ngã - Chiến thắng kẻ thù lớn nhất của bạn

vuot-qua-ban-nga-chien-thang-ke-thu-lon-nhat-cua-ban

Đó chính là Bản ngã. Nó khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, ngay cả khi nó biến bạn thành một chú hề.

Thoát ra khỏi đầu mình 

Trích từ cuốn Ego is enemy (Vượt qua bản ngã - Chiến thắng kẻ thù lớn nhất của bạn)

tác giả Ryan Holiday

.

.

Đó là Holden Caulfied, một cậu bé chỉ biết quan tâm đến bản thân, vừa rảo bước trên những con phố của Manhattan, vừa vật lộn để thích nghi với thế giới. Đó là Arturo Bandini, một thanh niên trẻ ở Los Angeles, người luôn sống tách biệt với mọi người xung quanh khi cố gắng trở thành một nhà văn nổi tiếng. Đó là Binx Bolling, một người thuộc tầng lớp thượng lưu ở New Orleans những năm 50, đang cố thoát khỏi “chuỗi thường nhật” của cuộc sống.

Những nhân vật hư cấu này đều có một điểm chung: họ không thể thoát ra khỏi đầu mình.

Trong tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger, Holden không thể ở trường, sợ phải lớn lên đến điếng người và tuyệt vọng trốn chạy khỏi tình trạng đó. Trong tiểu thuyết Ask The Dust (tạm dịch: Vượt lên nghịch cảnh của John Fante, nhân vật nhà văn trẻ không trải nghiệm cuộc sống mà anh đang sống - anh ta nhìn nó “qua những trang truyện”, tự hỏi sẽ ra sao nếu mỗi khoảnh khắc trong đời mình là một bài thơ, một vở kịch, một câu chuyện, một mẩu tin mà anh ta là nhân vật chính. Trong tiểu thuyết The Moviegoer (tạm dịch: Người xem chiếu bóng) của Walker Percy, nhân vật chính Binx bị nghiện xem phim và thích thú với những cuộc đời lý tưởng được khắc họa sinh động trên màn ảnh hơn là nỗi buồn bực khó chịu trong bản thân mình.

Thật nguy hiểm khi phân tích tâm lý của một nhà văn qua tác phẩm của họ, nhưng đây là những cuốn tiểu thuyết tự truyện nổi tiếng Khi ta nhìn vào cuộc sống của các nhà văn: J.D.Salinger đã vô cùng khổ sở bởi nỗi ám ảnh bản thân và sự thiếu trưởng thành, khiến thế giới trở nên quá sức chịu đựng với ông - khiến ông lẩn tránh mối liên hệ với con người và làm tê liệt tài năng thiên bẩm. John Fante đã đấu tranh để dung hòa cái tôi khổng lồ cùng sự bất an với tình trạng mờ mịt trong phần lớn sự nghiệp, cuối cùng đành phải từ bỏ tiểu thuyết mà vùi mình vào sân golf và các quán rượu ở Hollywood. Chỉ đến khi sắp qua đời, bị mù vì bệnh tiểu đường, ông mới có thể quay trở về thực tại. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Walker Percy, The Moviegoer , chỉ ra đời sau khi ông chiến thắng sự lười biếng của tuổi trẻ và những cơn khủng hoảng hiện sinh kéo dài đến tận tuổi 40.

Những nhà văn này có thể đã giỏi đến thế nào nếu họ có thể thoát khỏi vấn đề của mình sớm hơn? Cuộc sống của họ đáng ra đã dễ dàng hơn biết nhường nào? Đó là một câu hỏi cấp bách mà họ đẩy vào lòng độc giả qua những nhân vật.

Thật đáng buồn vì đặc điểm này không chỉ tồn tại trong tiểu thuyết hư cấu. 2500 năm trước, Plato đã kể về những người mắc tội “say mê những ý nghĩ của mình.” Thậm chí, nó phổ biến đến mức không khó để tìm thấy những người "thay vì tìm cách hiện thực hóa điều mà mình khao khát thì họ lại bỏ qua để tránh né việc phải mệt mỏi suy xét các tình huống có thể xảy ra. Họ giả định rằng điều họ muốn luôn sẵn có và tiến hành sắp xếp phần còn lại, họ thích thú tưởng tượng về mọi thứ mà họ sẽ làm khi có được điều họ mong muốn, cứ như vậy, tâm hồn lười biếng của họ càng trở nên chây ỳ hơn." Họ là những con người thích sống trong hư cấu hơn hiện thực.

Tướng George McClellan thời Nội chiến Mỹ là một ví dụ hoàn hảo cho nguyên mẫu này. Ông được chọn để chỉ huy lực lượng Liên bang vì ông đáp ứng được tất cả những điều kiện mà một vị tướng giỏi cần có: tốt nghiệp đại học West Point, có kinh nghiệm chiến đấu, là sinh viên chuyên ngành lịch sử, phong thái uy quyền và được cấp dưới kính nể.

Vậy tại sao ông lại biến thành vị tướng Liên bang tệ nhất, thậm chí cả khi so với lực lượng đông đảo các tướng lĩnh vị kỷ và kém cỏi trong cuộc chiến đó? Bởi ông chẳng bao giờ thoát ra khỏi đầu mình. Ông đã say mê viễn cảnh mình được đứng ở vị trí tướng lĩnh. Ông có thể chuẩn bị đội quân cho cuộc chiến như một vị tướng chuyên nghiệp, nhưng khi dẫn đoán quân vào trận, khi mà lốp cao su tiếp xúc với mặt đường, thì vấn đề nổi lên.

Ông dần tin tưởng một cách ngờ nghệch rằng kẻ thù đang tăng lên gấp nhiều lần (thực tế là không hề - ông có lợi thế về quân số gấp ba lần). Ông đã tin vào nguy cơ đe dọa và âm mưu không ngớt từ các đồng minh chính trị của mình (nó chẳng hề có thực). Ông đã lầm tưởng rằng cách duy nhất để thắng trận là một kế hoạch hoàn hảo và một chiến dịch tiên quyết duy nhất (ông đã sai). Vậy nên ông đã bị tê liệt và về cơ bản là không làm gì cả...trong suốt nhiều tháng trời.

McClellan đã không ngừng nghĩ về chính mình và điều ông đang làm tuyệt vời như thế nào - ông tự chúc mừng bản thân về chiến thắng vẫn chưa xảy ra và hơn thế nữa, về những thất bại thảm hại mà ông đã cứu vãn được. Khi ai đó - kể cả cấp trên - thắc mắc về câu chuyện hư cấu dễ chịu này, ông đã phản ứng như một con lừa nóng nảy, ảo tưởng, tự phụ và ích kỷ. …

Một sử gia từng chiến đấu dưới trướng McClellan ở Antietam sau này đã kết luận rằng: “Cái tôi của ông ấy thật khổng lồ - chẳng biết dùng từ nào để miêu tả nó nữa.” Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng cái tôi tương đương với sự tự tin - thứ mà chúng ta cần gánh vác. Thực sự, nó có thể phản tác dụng. Với McClellan, bản ngã đã tước đoạt của ông khả năng hành động. Nó đã cướp mất khả năng cảm thấy cần phải hành động.

Những cơ hội mà ông đã liên tục bỏ lỡ có thể chỉ bị coi là trò cười nếu như nó không phải trả giá bằng hàng nghìn mạng sống. Tệ hơn nữa khi thực tế rằng hai tư lệnh Liên minh miền Nam - Lee và Stonewall Jackson - chỉ bằng việc nắm được thế chủ động đã có thể gây khó khăn cho ông bằng đội quân và nguồn lực kém hơn nhiều. Đó là điều có thể xảy ra khi những thủ lĩnh bị mắc kẹt trong đầu họ. Nó cũng có thể xảy ra với chúng ta.

Tiểu thuyết gia Anne Lamott từng miêu tả rất rõ về bản ngã. Bà cảnh báo, nếu bạn không cẩn thận, kênh KFKD (K-Khốn kiếp) sẽ phát liên tục trong đầu bạn suốt 24 giờ mỗi ngày, như đài radio.

Chiếc loa bên phải của nội tâm bạn sẽ phát ra một dòng suy tưởng không ngừng thêu dệt về bản thân, kể lể về sự đặc biệt của mình, một người vô cùng cởi mở, tài năng, thông minh, hiểu biết, khiêm nhường và bị hiểu lầm. Chiếc loa bên trái lại phát ra những bản nhạc rap tự hạ nhục chính mình, với danh sách những điều bạn làm chưa tốt, về tất cả những lỗi lầm bạn gây ra hôm nay cũng như trong toàn bộ cuộc đời, sự nghi ngờ, sự quả quyết rằng mọi thứ bạn đụng đến đều hỏng bét, rằng bạn chẳng biết giữ mối quan hệ, rằng bạn là kẻ xảo trá về mọi mặt, thiếu tình yêu và sự vị tha, là kẻ bất tài, thiển cận…

Bất cứ ai - đặc biệt là những người tham vọng - cũng có thể bị cuốn vào câu chuyện này, cả nghĩa tốt lẫn xấu. Rất tự nhiên khi những người trẻ tham vọng (hay có thể là người có tham vọng non nớt) dễ bị kích động và bị cuốn vào dòng suy nghĩ cũng như cảm xúc của họ. Đặc biệt trong một thế giới mà chúng ta được dạy rằng phải biết giữ gìn và phát triển “thương hiệu cá nhân.” Chúng ta buộc phải kể những câu chuyện để rao bán sản phẩm và tài năng của mình, và sau một thời gian đủ dài, chúng ta đã quên mất ranh giới giữa câu chuyện hư cấu và đời thực.

Cuối cùng, nó sẽ nuốt chửng chúng ta. Hoặc nó sẽ là bức tường ngăn cách chúng ta với những thông tin cần thiết để thực hiện công việc - theo cách mà McClellan không ngừng bị cuốn vào các tin tình báo ảo. Ý nghĩ rằng nhiệm vụ của mình tương đối đơn giản, rằng ta chỉ cần bắt đầu thôi, gần như quá rõ và dễ dàng với những ai đã suy nghĩ quá nhiều về nó.

Ông ấy và chúng ta không hề khác nhau. Chúng ta cũng đầy lo âu, nghi ngờ, bất lực, đau đớn và đôi khi có chút điên rồ. Trong khía cạnh này, chúng ta giống hệt như những thiếu niên.

Như nhà tâm lý học David Elkind từng nghiên cứu, tuổi thiếu niên được đánh dấu bằng một hiện tượng được gọi là “khán giả tưởng tượng”. Giống như việc một đứa trẻ 13 tuổi bối rối vì đã bỏ lỡ một tuần học và đinh ninh rằng cả trường đang xì xào bàn tán về rắc rối nhỏ nhặt của nó. Hoặc một cô bé mới lớn dành ba tiếng trước gương mỗi sáng như thể đang chuẩn bị lên sân khấu. Chúng làm điều này vì nghĩ rằng mỗi chuyển động của mình đều thu hút sự chú ý từ toàn bộ thế giới xung quanh.

Ngay cả lúc trưởng thành, chúng ta cũng dễ mắc phải ảo tưởng này cả khi vô tư bước xuống phố. Chúng ta đeo tai nghe và bản nhạc nền xuất hiện. Chúng ta lật cổ áo khoác lên và nhanh chóng quyết định vẻ ngoài lạnh lùng của ta hôm nay ra sao. Chúng ta tua lại trong đầu thành công mà mình đang hướng tới. Đám đông tách ra khi chúng ta bước qua. Chúng ta là những chiến binh không hề sợ hãi trên hành trình tiến tới đỉnh vinh quang.

Đó là màn giới thiệu phim. Đó là một phân cảnh trong tiểu thuyết. Cảm giác ấy thật tuyệt - tốt hơn nhiều so với cảm giác nghi ngờ và sợ hãi, tầm thường - và chúng ta bị kẹt trong đầu mình thay vì hiện diện ở thế giới thực.

Đó chính là Bản ngã. Nó khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, ngay cả khi nó biến bạn thành một chú hề.

Thực tế thì nó đang ngăn cản sự kết nối của ta với thế giới xung quanh. Một mối liên kết mà ta rất cần trau dồi và tận dụng. Ta phải đặt vị khán giả đó sang một bên. Ta phải tập trung vào phút giây thực tại và làm công việc của mình. Ta phải lờ đi tiếng nói trong đầu cũng như viễn cảnh về một người vĩ đại mà ngày nào đó ta sẽ trở thành.

Đó là những phiền nhiễu - bản ngã khiến ta phân tâm ngay khi ta có ít khả năng chống cự nhất. Vậy nên việc mà những người thành công làm là ngăn chặn những chuyến bay mộng tưởng. Họ bỏ qua những cám dỗ có thể khiến họ cảm thấy mình quan trọng hoặc làm chệch hướng mục tiêu. …

Tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi những ám ảnh tâm trí - dù cho chúng ta đang vận hành một công ty mới khởi nghiệp hay đang tiến từng nấc trên tháp quyền lực của tập đoàn, hoặc đang say đắm trong tình yêu. 

Trí tưởng tượng - trong nhiều trường hợp giống như một tài sản quý giá - rất nguy hiểm khi nó hoạt động mà không bị kiểm soát. Chúng ta phải chế ngự những nhận thức đó. Nếu không, khi bị lạc trong niềm phấn khích, một người làm sao có thể tiên đoán chính xác tương lai hoặc giải thích các sự kiện? Làm sao chúng ta có thể vừa khát khao vừa có nhận thức? Làm sao chúng ta có thể trân trọng phút giây thực tại?

Cuộc sống rõ ràng đòi hỏi ta phải có bản lĩnh. Đừng sống trong ảo tưởng, hãy sống cùng thực tế, ngay cả khi - đặc biệt là khi - nó không hề thoải mái. Hãy là một phần của những gì đang xảy ra xung quanh mình. Hãy tận hưởng và hòa nhập với thế giới.

Hãy quên đi ánh đèn sân khấu và khán giả trong trí tưởng tượng. Chẳn có ai xem bạn biểu diễn đâu. Chỉ có công việc cần phải làm và những bài học cần phải học từ mọi điều xung quanh.

 

Trích từ cuốn Ego is enemy (Vượt qua bản ngã - Chiến thắng kẻ thù lớn nhất của bạn) - tác giả Ryan Holiday

menu
menu