10 cách giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn
Những khoảng thời gian khó khăn dù chúng có ý nghĩa như thế nào đối với bạn thì chúng đều là một phần bình thường trong cuộc sống chúng ta. Phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề có thể giúp ta vượt qua chúng dễ dàng hơn.
Có lẽ bạn đang phải trải qua một khó khăn về tài chính, người thân yêu của bạn đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe, bạn vừa bị mất việc hay một mối quan hệ không lành mạnh khiến bạn suy sụp.
Bạn có thể không hoàn toàn kiểm soát được các khó khăn này, nhưng bạn có quyền lựa chọn cách mà chúng ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của bạn.
Vượt qua những thách thức này là điều hoàn toàn có thể. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã đưa ra 10 cách giúp ta có thể đương đầu với các thời điểm khó khăn như sau:
Duy Trì Hoặc Thay Đổi Quan Điểm Cá Nhân
Nếu bạn đang phải đối mặt với một khoảng thời gian đầy thử thách, việc cảm thấy choáng ngợp là điều tất nhiên.
Nhà trị liệu tâm lý tại Boston - Angela Ficken nói rằng “Khi đối mặt với những nỗi đau hoặc sự thất vọng về mặt cảm xúc, bạn có thể cảm thấy như thể mình sẽ mắc kẹt ở đó mãi mãi. Chỉ suy nghĩ đó thôi cũng có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của những cảm xúc ấy và khiến nó trở nên tồi tệ hơn.”
Điều chỉnh lại quan điểm của bạn - nhìn mọi thứ từ một góc độ mới có thể giúp bạn thoát khỏi lối suy nghĩ này.
Ficken gợi ý: “Bất cứ chuyện gì bạn muốn nói cho bạn thân của bạn nghe, bây giờ hãy làm điều tương tự với chính mình. Một ví dụ cho việc điều chỉnh lại quan điểm là 'Tôi có cảm giác điều này sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng về mặt logic thì tôi biết là không phải vậy. Tôi đã từng trải qua nhiều chuyện khó khăn hơn trước đây và đã vượt qua được chúng. Tôi biết lần này tôi cũng sẽ vượt qua được.’”
Ôm Trọn Cảm Xúc
Cố vấn sức khỏe tâm thần tại Brooklyn, New York - Rachelle Heinemann giải thích rằng: “Cảm xúc sẽ không biến mất nếu chúng ta phớt lờ chúng. Chúng sẽ xuất hiện ngay sau đó theo những cách mà chúng ta không thể nào hiểu rõ. Cách tốt nhất là thừa nhận trải nghiệm cảm xúc của bạn và cho phép bản thân cảm nhận chúng.”
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Simi Valley, California - Donna Novak giải thích rằng việc kìm nén cảm xúc có thể khiến tình huống trở nên khó giải quyết hơn về lâu dài.
Cô ấy giải thích: “Hãy để bản thân cảm nhận mọi cảm xúc. Nỗi buồn, sự thất vọng, sự đau thương. Hãy cho phép bản thân có một nơi để khóc, để đau và để buồn.”
Nhà tâm lý học lâm sàng tại tiểu bang Rhode Island - Jennifer Weaver-Breitenbecher cho biết việc thể hiện và cảm nhận cảm xúc của bản thân là một phần thiết yếu trong quá trình chữa lành.
Cô ấy nói rằng: “Đây không phải là lúc để cố gắng trở nên mạnh mẽ. Đó là một sai lầm. Cảm nhận những cảm xúc đó thật khó khăn nhưng ta buộc phải làm vậy. Hãy cho phép bản thân được đau buồn hoặc đối mặt với những gì đang diễn ra.”
Luyện Tập Phóng Chiếu Tích Cực
Những tình huống khó khăn nhất đều có một mặt tích cực hoặc một thời hạn kết thúc. Chẳng hạn như ngày cuối cùng của một năm học khó khăn.
Nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép tại Linthicum Heights, Maryland - Sam Bolin đã nói trên Psych Central (một trang web cung cấp thông tin và tin tức về sức khỏe tâm thần) rằng việc tập trung vào những điều tích cực trong tương lai “là một chiến lược hiệu quả đối với những người đang trải qua khoảng thời gian khó khăn.”
Bolen khuyên chúng ta nên thực hiện phương pháp phóng chiếu tích cực. Phương pháp này nói về việc tập trung vào những điều tích cực xuất hiện trong một tình huống bất kỳ.
Ông ấy đề xuất việc thực hiện thiền định theo hướng dẫn hoặc thiền tổng quát ít nhất 5 phút mỗi ngày. Ông nói rằng trong khi thiền, hãy tập trung vào một hoặc nhiều kết quả bạn mong muốn với tình huống đó.
Một phép chiếu tích cực đòi hỏi bạn phải chuyển những ý nghĩ tích cực thành lời nói. Ví dụ:
- Tỷ lệ khỏi bệnh của tôi là 85% và nếu tôi tuân thủ kế hoạch điều trị, tôi có thể nằm trong nhóm đó.
- Tuy không có nhiều cơ hội việc làm nhưng tôi có một bản lý lịch tuyệt vời và lịch sử làm việc ấn tượng.
- Nhà xuất bản đã từ chối bản thảo của tôi, nhưng đây là một phần bình thường của quá trình và nó có nghĩa là tôi đang cố gắng.
Bolen nói rằng “Khi bạn tập trung tốt hơn trong việc thiền định của bản thân, chi tiết quá trình sẽ tác động cụ thể hơn đối với từng thành tựu đã góp phần cải thiện cuộc sống của bạn."
Từ Bỏ Nhu Cầu Kiểm Soát
Mặc dù cách giải quyết tốt nhất trước một tình huống khó khăn là chịu trách nhiệm, nhưng đôi khi buông bỏ cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần của bạn.
Nhà trị liệu sức khỏe tâm thần tại Columbus, Ohio - Billy Roberts cho biết: “Một cách giúp bản thân vượt qua thời điểm khó khăn chính là hãy chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm của mình. Trớ trêu thay, nhiều người thậm chí còn chỉ trích bản thân gay gắt hơn khi gặp những tình huống khó khăn hơn hoặc khi họ gặp quá nhiều áp lực.”
Cố vấn sức khỏe tâm thần tại thành phố New York - Gina Marie Guarino khuyên rằng hãy học cách chấp nhận.
Cô nói: “Thời điểm khó khăn luôn đi kèm với những thử thách nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, và bạn càng cố gắng kiểm soát kết quả thì bạn càng tự gây ra nhiều căng thẳng hơn cho chính mình”.
Đi Tìm Ý Nghĩa Và Mục Đích
Roberts trả lời trên Psych Central rằng mặc dù biết khi nào nên buông bỏ là tốt, việc cố gắng đạt được “nhận thức về ý nghĩa và mục đích” cũng vậy. “Nhận thức được ý nghĩa và động lực tiến lên giúp chúng ta luôn tràn đầy năng lượng và hy vọng.”
Bí quyết là xác định mặt tích cực trong bối cảnh khủng hoảng nằm ngoài tầm tay của bạn.
Hãy nghĩ rằng chuyện mất việc cũng đồng nghĩa với việc bạn có nhiều thời gian hơn để giúp con cái làm bài tập về nhà. Hoặc có thể việc này lại cho bạn có thêm động lực bắt tay vào thay đổi lối sống lành mạnh hơn sau khi nhận được một chẩn đoán y tế mới.
Nếu mục đích và ý nghĩa không hiện ra rõ ràng ngay lập tức, bạn cũng có thể tìm kiếm chúng trong những khoảnh khắc hàng ngày.
Hình Thành Những Nghi Thức Lành Mạnh
Những nghi thức có thể giúp bạn vững vàng trước một thời điểm thay đổi và bất định.
Những nghi thức đó có thể là:
- Thực hành chánh niệm thường xuyên
- Cam kết tập thể dục buổi sáng mỗi ngày
- Luyện tập các kỹ thuật thư giãn khác nhau
- Hẹn bạn bè cùng đến quán cà phê mỗi tuần một lần
- Viết nhật ký mỗi tối
- Tắm nắng hoặc tận hưởng khí trời 15 phút mỗi ngày
Trong một mối quan hệ yêu đương, các nghi thức cũng có thể mang lại sự thoải mái nhất định trong khoảng thời gian mà mối quan hệ đang gặp trục trặc.
Người đồng sáng lập Just Mind Counseling tại Austin, Texas - William Schroeder giải thích rằng: “Các cặp đôi cần chủ động bảo vệ mối quan hệ của mình bằng những nghi thức lành mạnh như dành thời gian hẹn hò vào buổi tối mà không có con cái bên cạnh, một khoảng thời gian dành cho nhau mà không bàn đến công việc, những điều giúp họ duy trì sự kết nối và cân bằng. Việc biết được điều gì giúp bạn trở lại đúng hướng đi của mình thật sự rất có ích.”
Kết Nối Với Hệ Thống Hỗ Trợ Của Bạn
Hệ thống hỗ trợ của bạn là tất cả những người quan tâm đến bạn, họ có thể ở đó để giúp đỡ bạn một cách thiết thực, cho bạn một lời khuyên hoặc một sự động viên.
Bác sĩ tâm thần tại thành phố New York Bryan Bruno cho biết: “Việc chú ý tới các mối quan hệ của mình rất quan trọng vì điều này có thể rất hữu ích. Bạn có thể cảm thấy bị cô lập khi phải trải qua khoảng thời gian khó khăn, nhưng việc bản thân được bảo vệ bởi một hệ thống hỗ trợ đáng tin cậy là điều rất cần thiết.”
Cảm thấy được kết nối có thể cải thiện tinh thần của bạn và giúp bạn đối mặt với những thách thức tốt hơn.
Heinemann nói: “Yếu tố quan trọng nhất quyết định cách chúng ta vượt qua thời kỳ khó khăn như thế nào chính là việc chúng ta có cảm thấy được kết nối và hỗ trợ hay không. Hãy tiếp tục gọi điện hoặc nhắn tin cho người bạn của bạn. Hãy ngồi lại với họ và kể họ nghe tất cả hoặc đơn giản chỉ cần ngồi đó mà không cần nói gì.”
Nếu bạn muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nguồn khác, hãy cân nhắc việc tham gia một nhóm cộng đồng hỗ trợ.
Novak cho biết: “Có những nhóm hỗ trợ dành cho những cá nhân đang gặp khó khăn. Khi tham gia một cộng đồng, bạn sẽ không phải một mình chịu đựng, và bạn sẽ không cảm thấy đơn độc. Bạn sẽ được ở bên những người hiểu và ủng hộ bạn.”
Tìm Kiếm Một Lối Thoát Lành Mạnh
Khi gặp khó khăn, việc tìm ra một phương thức lành mạnh để bộc lộ cảm xúc có thể giúp bạn đối phó với vấn đề dễ dàng hơn.
“Hãy tìm kiếm một cách thức lành mạnh để biểu đạt bản thân và cảm xúc. Điều này có thể thông qua việc viết nhật ký, trò chuyện cùng một người bạn thân hoặc thành viên gia đình hoặc luyện tập cách tự chăm sóc bản thân.” Novak gợi ý.
Heinemann đồng ý rằng viết nhật ký là một công cụ quản lý căng thẳng rất hiệu quả. “Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để loại bỏ những suy nghĩ ra khỏi đầu bạn và đem lại cảm giác trật tự, tổ chức hơn trong suy nghĩ. Bạn có thể viết theo lời nhắc một khung giờ cố định hoặc theo bất cứ hình thức nào tùy thích.”
Khai Thác Các Công Cụ Giúp Bạn Đương Đầu Với Vấn Đề
Xác định những gì đã giúp bạn vượt qua khó khăn trong quá khứ cũng có thể hỗ trợ bạn trong tình huống hiện tại.
Weaver-Breitenbecher khuyên rằng: “Hãy làm những điều mà bạn biết là chúng sẽ hiệu quả. Bạn thích ăn tối cùng bạn bè? Hãy lên lịch ngay đi. Bạn cảm thấy vui khi làm tình nguyện viên tại nơi bảo trợ động vật địa phương? Hãy đến chơi với vài chú chó và đọc sách cho chúng nghe. Bạn muốn tập trung cải thiện sức khỏe thể chất của bản thân để có thể vực dậy? Hãy đến phòng tập thể dục.”
Nhà tư vấn Amanda Conroy đến từ Denver khuyên rằng chúng ta nên trau dồi lòng biết ơn của mình một cách có chủ đích.
Conroy nói: “Hãy viết ra tất cả những gì bạn biết ơn và những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống của bạn. Bài tập này sẽ mang lại cho bạn hy vọng và nâng cao tinh thần của bạn. Hãy tham gia vào các hoạt động thú vị và vui nhộn. Hãy tập trung và thả mình vào những cảm xúc tích cực khi tham gia các hoạt động này.”
Schroeder khuyên bạn nên xử lý các tình huống khó khăn theo từng bước một. “Việc chia nhỏ các sự kiện quan trọng ra thành những phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn là rất cần thiết và giúp ta thích ứng với cuộc sống. Chúng ta phải tìm ra những kỹ thuật ứng phó tự nhiên và lành mạnh để có thể sống sót.”
Cân Nhắc Liệu Pháp Điều Trị
Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn sắp xếp lại những cảm xúc của bạn và phát triển các chiến lược ứng phó giúp bạn. Họ cũng có thể trở thành một nơi chốn an toàn mà ở đó, bạn sẽ cảm thấy được hỗ trợ trong quá trình xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể nhằm vượt qua những thời điểm khó khăn.
Nhìn Về Phía Trước
Vượt qua những thời điểm khó khăn là một phần trải nghiệm sống của con người. Dù chúng có gian nan đến đâu thì hầu như chúng không bao giờ kéo dài mãi mãi. Nếu có thì ta cũng có rất nhiều cách hiệu quả để giải quyết chúng.
Nếu bạn đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, hãy thay đổi quan điểm của bạn để tập trung vào những khía cạnh của vấn đề mà bạn có thể kiểm soát chúng để cảm thấy tốt hơn. Kết nối với cộng đồng hoặc người thân để nhận được sự hỗ trợ, bổ sung các nghi thức lành mạnh vào cuộc sống của bạn, cho phép bản thân cảm nhận tất cả những cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp đều là những bước quan trọng giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Tác giả: Nancy Lovering
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: 10 Ways to Help You Get Through Tough Times