10 sự thật kỳ lạ về tâm lý con người mà chúng ta khó mà tìm được trong sách giáo khoa
Người IQ cao không có nhiều bạn bè; 80% cuộc nói chuyện đều là chuyện phiếm... là một trong nhiều sự thật về tâm lý con người.
1. Những người IQ cao thường không nhiều bạn bè
Thời nguyên thủy con người tham gia vào việc săn bắn hái lượm tập thể, tình bạn khi đó là cần thiết cho sự tồn tại của chính họ cũng như bộ tộc. Ngày nay, dù con người vẫn kết bạn, nhưng không chỉ vì những lợi ích như vậy.
Một nghiên cứu năm 2016 của Hiệp hội tâm lý học Anh đã chỉ ra, những người có chỉ số thông minh (IQ) cao không có nhiều bạn bè. Nguyên nhân là do não bộ của họ để tâm nhiều hơn đến việc giải quyết những vấn đề lớn và họ coi giao tiếp là lãng phí thời gian.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra, ai đó ít bạn không có nghĩa là họ thông minh hay là điều tốt, bởi tình bạn có tác động tích cực đến tâm lý cũng như thể chất của mỗi cá nhân. Nếu có thời gian nên tránh xa máy tính hay sách vở, nên giao tiếp với những người thú vị.
2. Nhận thức về màu sắc thay đổi khi bị trầm cảm
Cuộc sống của người trầm cảm "mất đi màu sắc" không chỉ là cách nói ẩn dụ mà đó là sự thật về y học.
Trong một nghiên cứu về màu sắc năm 2010 tại Anh, mỗi khi bị trầm cảm, võng mạc người thường kém nhạy cảm với các màu tương phản, có nghĩa là khả năng phân biệt màu sắc kém. Võng mạc cũng hoạt động theo cách ngược lại: Nếu xung quanh chỉ là màu xám, con người cũng dễ sinh ra tâm trạng u sầu và dễ bị trầm cảm. Màu xám thường được coi là một màu trung tính, màu không có cảm xúc.
3. Đừng khoe khoang về kế hoạch, nếu không sẽ chẳng có gì thay đổi
Nếu bạn quyết định bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, chẳng hạn như không ăn sau 18h, chạy bộ vào buổi sáng hoặc học ngoại ngữ... đừng nói với ai về kế hoạch này. Nếu không sẽ không có gì xảy ra.
Giáo sư tâm lý học Peter M Gollwitzer của Đại học New York, Mỹ đã từng chứng minh mối tương quan này là đúng. Theo đó, khi bạn nói về kế hoạch của mình, não bộ bản thân đã coi nhiệm vụ này là "hoàn thành" và rất khó thuyết phục điều ngược lại.
4. Biết ngoại ngữ đưa ra quyết định tốt hơn
Để đưa ra quyết định tốt nhất, không cần quá lo lắng, hãy suy nghĩ bằng ngôn ngữ thứ hai.
Năm 2012, nhà tâm lý học Boaz Keysar của Đại học Chicago, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tâm lý với 300 người Mỹ và Hàn Quốc. Kết quả cho thấy trước khi đưa ra quyết định quan trọng, nếu suy nghĩ bằng ngôn ngữ thứ hai sẽ làm giảm những thành kiến trước đó, cách tiếp cận vấn đề vì thế sẽ cân bằng hơn.
5. Người trẻ bị trầm cảm thường xuyên hơn
Một cuộc khảo sát trực tuyến trong 6 năm với hơn 2.000 người từ 18 tuổi trở lên được thực hiện bởi Hiệp hội Tâm lý Mỹ năm 2013 cho thấy, những người không hạnh phúc nhất thế giới là đều dưới 30 tuổi.
"Những người trẻ tuổi thường có xu hướng căng thẳng hơn những người lớn tuổi. Nguyên nhân là do họ sẵn sàng thừa nhận điều này, phần khác là họ thấy chông chênh, không biết mình sẽ bước tiếp thế nào trong tương lai", một phần nghiên cứu ghi rõ.
6. Mệt mỏi có thể thúc đẩy sự sáng tạo
Tạp chí Khoa học Mỹ năm 2013 từng có một nghiên cứu: "Nếu đang cố gắng làm công việc sáng tạo, bạn sẽ gặp nhiều may mắn nếu mệt mỏi".
Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng hãy nhìn lý do thực sự: Não không từ chối những ý tưởng có vẻ điên rồ ngay từ cái nhìn đầu tiên mà bạn thường nói "không" khi còn tỉnh táo. Đó là lý do vì sao những ý tưởng tuyệt vời thường xuất hiện dưới vòi hoa sen sau ngày dài làm việc.
Một ý tưởng điên rồ có thể trở thành sự khởi đầu của một dự án lớn. Nếu bạn là người thích sáng tạo, quá trình sáng tạo đó có thể bắt đầu vào buổi tối và nếu bạn là người ngủ muộn, cảm hứng có thể đến vào sáng sớm.
7. 80% mọi cuộc trò chuyện đều là chuyện phiếm
Tiến sỹ Nicholas Emler, nhà tâm lý học người Anh từng tiến hành nghiên cứu tâm lý trên 300 người và đưa ra kết luận: "80% cuộc trò chuyện của chúng ta chỉ là những câu chuyện phiếm, phần lớn là thông tin về bạn bè, đồng nghiệp".
Tuy nhiên, nói chuyện phiếm không phải là xấu, đó là một cách giao tiếp quan trọng vì giúp mọi người duy trì kết nối xã hội. Thích chuyện phiếm cũng không phụ thuộc vào giới tính vì nam giới cũng có xu hướng thích chia sẻ, giao tiếp nhiều như nữ giới.
8. Tiền có thể mua được hạnh phúc
Trong cuốn sách "Tiền bạc hạnh phúc: Khoa học của việc chi tiêu thông minh hơn", tác giả Elizabeth Dunn và Michael Norton đã dựa trên nhiều năm nghiên cứu định lượng và định tính để giải thích cách tiền có thể mua được hạnh phúc. Theo đó, bạn có thể mua được cảm giác hạnh phúc nhưng số tiền đó không nên được chi tiêu cho bản thân mà cho người thân, bạn bè hoặc tổ chức từ thiện.
Norton, Giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Harvard, Mỹ cho hay: “Đưa tiền cho người khác thực sự khiến mọi người hạnh phúc hơn. Một trong những lý do là nó tạo ra các kết nối xã hội". Bằng cách cho người khác, bạn đang tạo ra kết nối, và điều đó thực sự khiến bạn hạnh phúc.
9. 20 giây là đủ thiết lập lòng tin
Để thiết lập lòng tin, bạn nên ôm một người trong khoảng 20 giây, tất nhiên là phải được người đó đồng ý.
Sự thật này được giải thích như sau: Khi ôm một ai đó, con người thường sản sinh ra oxytocin, một loại hormone tiết ra khi con người cảm thấy an toàn. Loại hormone này có tác dụng trấn an, giúp tâm trạng trở nên bình tĩnh và thư giãn hơn.
10. 80% suy nghĩ là tiêu cực
Năm 2005, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đã xuất bản một bài báo liên quan đến suy nghĩ của con người mỗi ngày. Theo đó, một người trung bình có khoảng 12.000 đến 60.000 suy nghĩ mỗi ngày. Trong số đó, 80% là tiêu cực và 95% là những suy nghĩ lặp đi lặp lại giống hệt như ngày hôm trước.
Nghiên cứu này cũng khẳng định, cơ thể con người phản ứng với cách bản thân suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Khi cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng để con người biết rằng có điều gì đó không ổn. Ví dụ, huyết áp cao hoặc loét dạ dày có thể phát sinh sau một vụ việc đặc biệt căng thẳng.
Vy Trang - Vnexpress
(Theo Brightside)