Tại sao phán xét người khác lại là vấn đề của bạn (mà không phải là của họ)

tai-sao-phan-xet-nguoi-khac-lai-la-van-de-cua-ban-ma-khong-phai-la-cua-ho

Thật dễ dàng để phán xét. Việc thấu hiểu thì khó hơn nhiều. Sự thấu hiểu đòi hỏi lòng trắc ẩn, kiên nhẫn, và sẵn lòng để tin tưởng rằng những trái tim tử tế đôi khi cũng lựa chọn những phương thức dở tệ.

“Thật dễ dàng để phán xét. Việc thấu hiểu thì khó hơn nhiều. Sự thấu hiểu đòi hỏi lòng trắc ẩn, kiên nhẫn, và sẵn lòng để tin tưởng rằng những trái tim tử tế đôi khi cũng lựa chọn những phương thức dở tệ. Với sự phán xét, chúng ta trở nên chia rẽ. Với sự thấu hiểu, chúng ta sẽ cùng phát triển.” 

~Doe Zantamata

“Tại sao anh ấy lại không nói gì cả thế?”

Tôi đang ngồi bên bàn ăn tối cùng với người yêu và các bạn mình. Mọi người đang tương tác và nói chuyện với nhau, ngoại trừ người ấy của tôi. Anh chỉ yên lặng ngồi đó. Tôi buộc phải thừa nhận rằng, tình thế này khiến tôi rất không thoải mái.

Tại sao anh lại yên lặng đến thế? Chúng tôi đã hẹn hò được sáu tháng và thường thì, khi chỉ có hai chúng tôi, anh ấy nói rất nhiều, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận sôi nổi, anh biết rõ quan điểm của bản thân và không ngại nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng lúc này, ngồi bên bàn ăn với những người bạn, anh chỉ là chiếc bóng của anh mọi khi.

Thành thật mà nói, tôi cảm thấy hơi xấu hổ. Các bạn tôi sẽ nghĩ gì đây? Có phải họ cũng đang âm thầm đánh giá anh ấy hay không? Họ có cho rằng anh ấy thật nhạt nhẽo và vô vị không?

Khi trở về nhà, tôi đâm ra bực bội và khó chịu. Bạn đã bao giờ trải qua cái cảm giác ấy chưa, khi mà tất cả những gì bạn thật sự muốn là thành thật một cách tàn nhẫn với ai đó? Để giải thích chính xác rằng họ đã làm sai điều gì và thay vì thế họ đáng lý ra nên hành xử như thế nào? Tôi thật muốn lên lớp anh ấy. Để nói với anh ấy rằng: “Thật là bất lịch sự khi không tương tác trong các cuộc hội họp xã hội. Như thế thật là kỳ quặc. Anh không biết cư xử à? Thật nhếch nhác! Anh bị làm sao thế? Vấn đề của anh là gì thế?”

Tôi không hề nói những lời đó với anh ấy. Thay vì vậy, tôi cho phép những gì đã xảy ra ở bên mình trong một vài ngày. Dần dần, tôi bắt đầu hướng cái ngón tay tôi đã chỉ vào anh ấy sang tôi. Có lẽ toàn bộ vấn đề không phải là từ phía anh, có lẽ có vấn đề gì đó với tôi chăng?

Đó là khi tôi ngộ ra. Anh ấy không có vấn đề gì cả. Mà là tôi kìa.

Tôi nhận ra rằng sự giáo dưỡng đã mang đến cho tôi những giá trị và “sự thật” nhất định về các mối quan hệ và tương tác xã hội. Đây là cách mà bạn cư xử: Bạn tích cực tham gia vào các cuộc trò chuyện, bất kỳ điều gì khác cũng được xem là bất lịch sự. Bạn đặt câu hỏi hỏi cho mọi người và chia sẻ các câu chuyện trong suốt các cuộc tụ họp xã hội; nếu không, người khác sẽ cho rằng bạn không quan tâm. Đó là những gì tôi đã học được khi lớn lên.

Bởi vì bạn trai của tôi không hành động giống như những gì tôi từng được dạy, tôi đã phán xét anh ấy. Thay vì tự hỏi bản thân rằng tại sao anh ấy lại hành xử như vậy, tôi đã gán nhãn lên anh ấy. Khi chúng tôi trở về nhà, tôi đã, trong tâm trí mình, gán cho anh là bất lịch sự, nhàm chán, nhút nhát, và không sống đúng theo những tiêu chuẩn mà tôi hằng mong đợi ở một người bạn trai.

Giờ đây, tám năm sau, tôi biết rằng chồng mình đã yên lặng trong suốt bữa tối đó là bởi vì anh cần nhiều thời gian hơn bên những người lạ trước khi anh hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Anh không làm như vậy bởi vì bất lịch sự. Mà ngược lại, tôi biết rằng anh vô cùng quan tâm đến tôi và các bạn mình, anh chỉ thể hiện nó theo một cách khác mà thôi.

Khi mà tôi hiểu ra điều này, tôi biết rằng sự phán xét của tôi chẳng liên quan gì tới anh ấy cả – tất cả là về tôi. Thông qua việc phán xét nửa kia của mình, tôi đã nhận ra rằng, trên hết, tôi đang phán xét chính mình. Sự phán xét của tôi không bao giờ là về anh ấy – mà là về chính tôi.

Sự thấu hiểu này không chỉ mang đến cho tôi nhiều lòng trắc ẩn hơn, ít phán xét hơn, và sự gần gũi hơn trong mối quan hệ của chúng tôi, mà nó còn mang đến cho tôi một cái nhìn mới và những giá trị mới khiến cho cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn.

Dưới đây bạn sẽ tìm thấy các bước mà tôi đã tuân theo:

  1. Xác định: Bạn đưa ra phán xét gì về người khác?

Bước đầu tiên là nhận biết (những) sự phán xét mà bạn đưa ra về người khác. Trong trường hợp của tôi, đó là những suy nghĩ kiểu như “Anh ấy thật là bất lịch sự và kỳ cục,” “Mình giỏi hơn anh ấy trong việc tương tác xã hội,” và “Có lẽ bọn mình không hợp nhau? Mình cần một ai đó biết giao tiếp.”  Thường thì sự phán xét bao gồm một cảm giác rằng bạn vượt trội hơn, rằng bạn biết hoặc hành xử tốt hơn người khác.

Chỉ cần nhận biết về những phán xét mà bạn đang thực hiện (mà không cần phải phán xét bản thân vì có chúng). Đây là bước đầu tiên trong việc chuyển hóa sự phán xét.

  1. Tự hỏi bản thân: Con người này đáng lẽ ra nên như thế nào?

Trong hoàn cảnh cụ thể, bạn hãy tự hỏi bản thân rằng bạn nghĩ người kia nên là hay nên hành động như thế nào. Theo ý bạn, đâu là hành vi tốt nhất trong tình huống này? Hãy thành thật với bản thân và viết ra chính xác điều hiện lên trong tâm trí bạn, đừng kiềm chế bản thân ở đây.

Trong trường hợp của tôi, tôi muốn nửa kia của mình tham gia đầy đủ vào các cuộc trò chuyện. Tôi muốn anh ấy hoạt ngôn, thú vị, và tò mò về các bạn tôi.

  1. Hãy đi sâu hơn: Tại sao theo cách này lại quan trọng đến vậy?

Hãy tò mò và tự hỏi bản thân rằng, tại sao việc trở thành hay hành hành động theo cách mà bạn thích lại quan trọng đến vậy? Nếu như một người không hành động theo cách đó, thì nó nói lên điều gì về con người này? Hậu quả của việc không trở thành hay hành động theo cách thức của bạn là gì?

Đối với tôi, các kỹ năng xã hội được diễn giải thành biết cách cư xử và rằng bạn hành xử phù hợp. Tôi từng nghĩ rằng những người không cư xử “đúng” cách, theo quan điểm của tôi vào thời điểm đó, là do họ không được cha mẹ dạy dỗ tốt. Tôi gán nhãn họ như là những người không thú vị và không đóng góp vào hội nhóm. (Giờ đây, tôi đã hiểu hơn, nhưng tôi sẽ sớm đề cập thêm về vấn đề này).

  1. Xác định: Giá trị nằm bên dưới sự phán xét của bạn đến từ đâu?

Bạn hãy tự hỏi bản thân rằng những giá trị và niềm tin cơ bản nào đang thúc đẩy những phán xét của bạn. Bạn đang kể cho bản thân nghe câu chuyện nào về tình huống cụ thể này? Hãy tuyệt đối trung thực ở đây.

Trường hợp của tôi như sau: Việc không thích giao du là tiêu cực và đồng nghĩa với yếu đuối. Không giỏi các kỹ năng giao tiếp là kỳ quặc và lạ lùng. Điều đó có nghĩa là bạn kém – năng lực kém, kỹ năng kém, kém thông minh, và cuối cùng là không đáng được coi trọng. (Cần phải nói rõ, đây là tiếng nói của sự phán xét và bất an trong tôi, và rõ ràng đó không phải là sự thật).

Tôi đã học được từ quá trình lớn lên của mình rằng các kỹ năng xã hội được đánh giá cao. Tôi từng được dạy để trở nên hoạt ngôn, để tham gia vào các tương tác xã hội, và để nói năng rõ ràng mạch lạc. Nếu như bạn không sống đúng như những kỳ vọng này, bạn sẽ cảm thấy kém cỏi và ít xứng đáng hơn.

  1. Đưa ra sự lựa chọn: Giữ lại hay thay thế các giá trị của bạn?

Khi bạn đã xác định những giá trị và niềm tin cơ bản của mình, bạn cần phải đưa ra lựa chọn: Bạn sẽ giữ lại hay thay thế chúng. Và các câu hỏi quan trọng là: Các giá trị và niềm tin của bạn có phục vụ cho bạn hay không? Chúng có phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và nguyện vọng của bạn hay không?

Tôi đã lựa chọn thay đổi những giá trị của mình. Thay vì đánh giá mọi người dựa trên các kỹ năng xã hội, tôi đã chọn thay đổi giá trị đó bằng sự chấp nhận, tôn trọng, ham học hỏi, và bình đẳng. Cũng như việc tôi không muốn phán xét người khác dựa trên màu da, giới tính, hay sắc tộc của họ, tôi không muốn đánh giá một ai đó dựa trên cách họ cư xử trong xã hội.

Thay vì thế, tôi đưa ra một lựa chọn có ý thức nhằm chấp nhận và tôn trọng tất cả các cá nhân như chính họ là. Và trở nên ham học hỏi và tử tế, bởi vì theo kinh nghiệm của tôi, mọi người mà bạn gặp có thể dạy bạn một điều gì đó.

Biến Sự Phán Xét Thành Lợi Ích Của Bạn

Khi nhìn lại về bữa tối đó với nửa kia của mình, tôi suýt tí nữa đã rơi vào bẫy. Suýt chút nữa tôi đã đâm đầu vào một cuộc tranh cãi mà tôi sẽ làm tổn thương người yêu mình sâu sắc và tạo ra sự chia rẽ giữa chúng tôi. Cần phải có dũng cảm để chuyển ngón tay phán xét mà tôi đang chỉ vào anh ấy về phía mình.

Tôi nhận ra rằng các giá trị và niềm tin cơ bản của mình có những hậu quả, không chỉ với những người thân thiết với mình, và còn với cả bản thân tôi nữa. Chúng ngụ ý rằng nếu một ai đó có một ngày tồi tệ và cảm thấy không muốn tương tác, thì điều đó không hề ổn. Rằng những người khác và tôi không được phép là chính mình và thể hiện đúng như con người của mình (dù có hoạt ngôn hay không).

Tôi nhận ra rằng các giá trị mà dẫn đến sự phán xét của tôi không chỉ khiến tôi phán xét người bạn đời của mình, chúng còn khiến tôi phán xét bản thân mình nữa. Tôi không được phép chỉ hiện diện thôi. Tôi nhận thấy rằng quá trình lớn lên của mình đã mang đến cho tôi cảm giác bất an và bất định. Dĩ nhiên rồi, tôi đã học được cách để tương tác và là trung tâm của sự chú ý. Nhưng cảm giác đau đớn ẩn sâu vẫn còn đó. Tôi cần phải là một nhà ngoại giao. Tôi cần phải luôn luôn mỉm cười và ở trong tâm trạng tốt. Tôi cần phải tò mò và hỏi mọi người các câu hỏi.

Nếu không, tôi sẽ bị gạt ra rìa. Tôi từng cảm thấy rằng mình chỉ được chấp nhận khi mà tôi vui vẻ, thoải mái, và nhiệt tình. Điều ấy thật mệt mỏi và nó không hề khiến tôi cảm thấy an toàn.

Ngoài ra, thật ngạc nhiên làm sao, khi tôi ngừng phán xét nửa kia của mình, anh ấy đã trở nên hòa đồng và nói nhiều hơn hẳn trong các cuộc tụ họp xã hội. Tại sao ư? Bởi vì trước đó có lẽ anh đã cảm thấy cái nhìn đầy phán xét của tôi, và điều ấy thậm chí còn khiến anh không thoải mái và thu mình hơn. Khi tôi ngừng phán xét, anh đã cảm thấy được chấp nhận và được tôn trọng. Và điều ấy, hóa ra, khiến anh dễ dàng là chính mình hơn, ngay cả trong những cuộc tụ họp xã hội.

Xin được kết luận rằng: Khi bạn phán xét một ai đó, điều ấy luôn quay trở về bên bạn. Tôi đã phát hiện ra rằng bởi vì tôi phán xét người khác, tôi cũng đang hà khắc với chính mình. Tôi càng cố gắng cải thiện điều này, tôi càng trở nên rộng lượng, biết chấp nhận, và yêu thương bản thân hơn.

Lần tới, khi bạn nhận thấy mình đang phán xét một ai đó, hãy dừng lại và quan sát chính mình. Hãy thực hiện năm bước như trên và nhớ rằng: điều quan trọng là hãy thành thật, mở rộng lòng mình, và tò mò.

Hãy giải thoát bản thân khỏi xiềng xích của sự phán xét và cho phép sự chấp nhận, từ bi, và tự do được bước vào – vì chính bạn và cả những người khác. Bạn hoàn toàn có thể làm được!

 

Dịch bởi: Hương Đào

Nguồn: https://tinybuddha.com/blog/love-relationships-blog/why-judging-people-is-really-about-you-not-them/

Tác giả: Sophie Rosén Hellström

Thăm blog dịch giả ở đây

https://huongtdao.wordpress.com/2023/01/20/tai-sao-phan-xet-nguoi-khac-lai-la-van-de-cua-ban-ma-khong-phai-la-cua-ho/

menu
menu