11 đặc điểm của người biết tự hoàn thiện bản thân

11-dac-diem-cua-nguoi-biet-tu-hoan-thien-ban-than

Tự hoàn thiện bản thân sẽ trông như thế nào, và làm sao để có được năng lực này?

Tự hoàn thiện bản thân là khả năng nhận ra được tất cả năng lực của mình. Nó nằm ở vị trí đỉnh cao trong tháp nhu cầu Maslow, và được xem như phần ngoại lệ trong cuộc sống không nhất thiết phải đạt được, vì hầu hết mọi người vẫn đang loay hoay giải quyết những nhu cầu khác cấp bách hơn.

Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã phát triển một hệ thống phân cấp các nhu cầu, đại diện cho toàn bộ những mong muốn khác nhau ảnh hưởng đến hành vi của con người. Hệ thống phân cấp này thường được hiển thị dưới hình dạng một kim tự tháp, với cấp độ thấp nhất sẽ đại diện cho những nhu cầu cơ bản, những mong muốn nâng cao sẽ nằm ở phía trên, và lên đến đỉnh kim tự tháp sẽ là mong cầu phức tạp nhất.

Tự hoàn thiện bản thân, chính là nhu cầu thuộc cấp cao nhất trong kim tự tháp. Hệ thống phân cấp Maslow cho thấy, khi tất cả những nhu cầu từ phần đáy kim tự tháp đi lên đều được đáp ứng, chúng ta sẽ bắt đầu tập trung vào những mong muốn ở phần đỉnh này để phát huy hết năng lực của mình. 

Một điều quan trọng cần lưu ý, là tự hoàn thiện bản thân không đồng nghĩa với việc phải trở nên hoàn hảo hay đạt được tất cả những mục tiêu trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là một trạng thái tinh thần cho phép chúng ta tiếp cận các vấn đề, các mối quan hệ, và những nhu cầu bằng sự chấp nhận và thấu hiểu.

Image: Verywell / Theresa Chiechi

Những Đặc Điểm Của Người Biết Tự Hoàn Thiện Bản Thân

Người mong muốn tự phát triển bản thân, thường sở hữu một vài tính cách cho phép họ được ở trong trạng thái viên mãn. Ngoài đặc tính ban đầu như Maslow đã đề xuất, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại đã mở rộng đặc điểm này, và đề xuất thêm những tính cách đặc biệt liên quan đến nhu cầu phát triển tiềm năng của bản thân.

Một vài đặc điểm chính về tự hoàn thiện bản thân bao gồm:

1. Người biết tự hoàn thiện bản thân sẽ có nhiều trải nghiệm đỉnh cao

Một đặc tính của người có khả năng tự phát triển, là họ thường xuyên có được những trải nghiệm ở mức độ cao nhất. Theo tháp Maslow, một trải nghiệm cực đỉnh, sẽ liên quan đến những cảm xúc vui sướng, phấn khởi, và kinh ngạc một cách mãnh liệt. Trong những lần trải qua những tình trạng như vậy, mọi người thường sẽ quên mất thời gian, và cảm nhận được sâu sắc rằng những gì mà họ đang trải nghiệm là rất quan trọng, có giá trị, độc nhất, và đặc biệt.

Những kiểu trải nghiệm này cũng có thể thay đổi. Nhiều người sẽ cảm nhận được bản thân mình về cơ bản đã hoàn toàn khác đi, hoặc sẽ có được những góc nhìn sâu sắc hơn về thới giới xung quanh và bản thân.

Nói cách khác thì những trải nghiệm đỉnh cao là khoảnh khắc phi thường, mà nhiều người đã giác ngộ và chuyển hoá bản thân.

2. Họ liên tục ý thức về lòng biết ơn với đời

Khả năng tự hoàn thiện bản thân, cũng được đánh dấu bởi cách mà chúng ta duy trì một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống. Ví dụ, thay vì xem những trải nghiệm thường ngày là tầm thường hoặc nhạt nhẽo, người biết tự phát triển bản thân sẽ tìm thấy những điều mới lạ và có cảm giác kinh ngạc, thú vị, hay vui sướng với những điều tưởng chừng như đã quá quen thuộc. Họ luôn giữ trong mình một tâm thế biết ơn với những điều tuyệt vời trong cuộc sống, bất kể những chuyện ấy vẫn thường xuyên diễn ra mỗi ngày.

3. Tự hoàn thiện bản thân liên quan đến sự chấp nhận

Một đặc tính của người biết tự hoàn thiện, là chấp nhận bản thân và những người xung quanh như những gì vốn có. Kiểu người này ít khi cảm thấy ức chế, và có thể hiểu được bản thân cũng như biết tận hưởng cuộc sống mà không cảm thấy có lỗi.

Người có khả năng tự phát triển không chỉ chấp nhận bản thân mình, mà còn đón nhận người khác bởi chính con người họ. Mọi người đều được đối xử bình đẳng bất kể họ đến từ đâu, địa vị hiện tại như thế nào, hoặc có tình trạng kinh tế xã hội và văn hoá ra sao.

4. Người biết tự hoàn thiện là người thực tế

Ý thức về chủ nghĩa hiện thực là một đặc điểm quan trọng có ở kiểu người này. Thay vị sợ hãi về những điều khác biệt hoặc chưa biết đến, người biết tự phát triển có thể nhìn nhận cuộc sống theo cách hợp lý và có logic khi mọi việc diễn ra.

5. Biết tập trung vào vấn đề

Những người có khả năng tự phát triển, thường có ý thức mạnh mẽ về đạo đức và trách nhiệm cá nhân. Họ thích áp dụng những kỹ năng giải quyết vấn đề của mình vào những tình huống thực tế, và thích giúp đỡ người khác cải thiện cuộc sống của họ.

Ví dụ, người biết tự hoàn thiện bản thân có thể giúp một người bạn của họ tìm cách vượt qua một vấn đề nào đó trong công việc, hoặc trong cuộc sống thường ngày.

6. Họ là kiểu người độc lập

Người biết tự phát triển cũng có xu hướng sống độc lập. Họ không chạy theo những định nghĩa thông thường của mọi người về hạnh phúc hay cảm giác thoả mãn. Quan điểm khác biệt này giúp họ hiểu được giá trị của mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, và đánh giá cao cái đẹp của từng trải nghiệm cá nhân.

7. Người biết tự hoàn thiện bản thân xem trọng quyền riêng tư

Họ là những người đánh giá cao sự riêng tư và tận hưởng cuộc sống cô độc. Mặc dù họ cũng thích bầu bạn với người khác, nhưng việc dành thời gian cho bản thân là điều cần thiết để khám phá con người mình, và trau dồi những năng lực tiềm ẩn.

8. Họ có khiếu hài hước thông minh

Người có khả năng tự hoàn thiện bản thân, thường có bộ óc khôi hài. Họ biết cách nói đùa trong một vài tình huống và tự cười nhạo mình, nhưng không phải theo kiểu châm biếm hay đùa cợt gây tổn hại đến cảm xúc người khác.

Chẳng hạn như trong một câu chuyện, họ sẽ tự cười chính mình nếu lỡ nói ra một điều ngớ ngẩn, nhưng sẽ không làm điều đó với người khác khi người ấy cũng mắc lỗi tương tự.

9. Cư xử tự nhiên thoải mái là một dấu hiệu của sự tự phát triển bản thân

Một đặc điểm nữa của người biết tự hoàn thiện bản thân, là thường có xu hướng cởi mở, thoải mái, và không cảm thấy ngượng ngập. Mặc dù kiểu người này có thể tuân theo những kỳ vọng chung được xã hội chấp nhận, nhưng họ không cảm thấy bị gò ép bởi những chuẩn mực trong suy nghĩ hay hành vi của mình.

10. Họ ý thức về mục đích của mình

Tự hoàn thiện bản thân cũng được hiểu là có ý thức về mục đích sống. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng người biết tự hoàn thiện, sẽ thường cảm thấy như họ có một nhiệm vụ đặc biệt, có nghĩa vụ, hoặc trách nhiệm đối với cuộc đời này.

Mục đích mà họ hướng đến thường mang tính chất nhân đạo. Họ cảm thấy được kết nối sâu sắc với mọi người, và có trải nghiệm về sự đồng cảm to lớn với những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Chính những thấu cảm và mục tiêu đã thúc đẩy họ làm việc, để tạo nên một thế giới tốt đẹp.

Một ví dụ về đặc điểm tính cách này, là một người luôn ra sức hành động để giảm bớt những bất công trong xã hội.

11. Người biết tự hoàn thiện bản thân sẽ tập trung vào hành trình của mình

Mặc dù những người biết tự hoàn thiện bản thân luôn kiên quyết thực hiện mục tiêu, nhưng họ không xem những điều đơn giản là phương tiện để hoàn thành nó một cách qua loa. Hành trình thực hiện và hướng đến mục đích sống, cũng quan trọng và thú vị như khi đã đạt được thành quả.

Ngoài Lề Về Tự Hoàn Thiện Bản Thân

Theo một nghiên cứu năm 2018 xem xét về những đặc điểm tính cách, liên quan nhiều nhất đến khả năng tự phát triển, thì những người biết tự hoàn thiện bản thân đều đi trên con đường tiến hoá phi thường được mệnh danh Maslow. Mặc dù không phải là một phần của hệ thống phân cấp ban đầu, nhưng Maslow đã mô tả về khả năng siêu việt của một người ở mức độ cao hơn, đó là khi họ có góc nhìn xa hơn so với những mối bận tâm hiện tại và quan điểm cá nhân, từ đó sẽ đạt được trạng thái như được đồng nhất với thế giới, và những con người sống trên Trái Đất này.

Làm Thế Nào Để Đạt Được Khả Năng Tự Hoàn Thiện Bản Thân

May mắn thay là có nhiều cách giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn, sống chân thực hơn, và tìm được mục đích cũng như ý nghĩa trong cuộc sống.

  • Biết chấp nhận: Hãy học cách chấp nhận bản thân và những người đang ở cạnh chúng ta. Mặc dù nhiều người hay cảm thấy khó chịu vì có nhiều điều muốn thay đổi hoặc làm khác đi, nhưng hãy cố gắng nhìn nhận người khác và tình huống xảy ra theo cách tử tế.
  • Thực hành chánh niệm: Nghĩa là luyện tập khả năng tập trung vào những gì đang xảy ra trong hiện tại với tâm thế chấp nhận. Sự chánh niệm có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về con người mình, và thế giới xung quanh.
  • Thể hiện sự đồng cảm: Biết đồng cảm và có lòng trắc ẩn với người khác, là điều quan trọng để tự hoàn thiện bản thân. Những ai đạt được cấp độ cao nhất trong tháp Maslow, đều biết quan tâm đến người khác. Bạn có thể luyện tập sự đồng cảm bằng cách tưởng tượng mình đang ở tình huống của người khác để suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề, tình nguyện vì mục đích phát triển thế giới, và tìm cách giúp cho cộng đồng địa phương trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sinh sống.
  • Học cách cởi mở: Người tự hoàn thiện bản thân có thể nhìn đời với một tâm thế mới mẻ, biết chiêm nghiệm những quan điểm từ người khác, và tiếp cận thế giới bằng một tâm hồn cởi mở. Học cách mở lòng đón nhận những điều khác biệt, sẽ giúp bạn hiểu hơn về những gì liên quan đến bản thân, và cuộc đời này mà bạn có thể đã bỏ lỡ.
  • Thử tìm đến phương pháp trị liệu: Trong nhiều trường hợp, việc trị liệu tâm lý có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về chính mình, và cảm thấy đủ đầy hơn. Liệu pháp nhân văn, Liệu pháp lấy khách hàng làm trung tâm, Liệu pháp Gestalt (Tập trung vào cuộc sống hiện tại thay vì quá khứ), và Liệu pháp hiện sinh, tất cả đều là những cách tiếp cận điều trị được phát triển từ quan điểm nhân văn trong tâm lý học, giúp xây dựng kỹ năng tự hoàn thiện bản thân.

Đôi Lời Từ Verywellmind.com

Tự phát triển bản thân có thể cải thiện được sức khoẻ của bạn, nhưng điều quan trọng cần biết là mỗi người có một cách tự hoàn thiện khác nhau. Để có thể phát triển hết những tiềm năng của mình thì cần có thời gian, nó thiên về hành trình thay đổi và phát triển nhiều hơn là trạng thái đạt được thành quả. Thông qua một vài đặc tính về kiểu người biết tự hoàn hiện bản thân, bạn có thể dựa vào đó để luyện tập với những chiến lược giúp phát triển cuộc sống của mình.

(*) Tác giả: Kendra Cherry, một chuyên gia phục hồi chức năng tâm lý xã hội, nhà giáo dục tâm lý và là tác giả của "Cuốn sách tâm lý vạn vật - Everything Psychology Book".

Dịch giả: Amy Cattuong – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: 11 Characteristics of Self-Actualized People

menu
menu