13 điều cần nhớ khi đồng hành với người trầm cảm

13-dieu-can-nho-khi-dong-hanh-voi-nguoi-tram-cam

Những tầng sâu của nỗi buồn và việc trải nghiệm đau đớn về tinh thần có thể khiến chúng ta trở nên biết cảm thông và sáng tạo hơn.

1. Trầm cảm không phải là một lựa chọn

Trầm cảm là một trong những trải nghiệm khó chịu và vô vọng nhất mà một người có thể trải qua. Đôi khi cảm thấy buồn, đôi khi cảm thấy trống rỗng, và đôi khi hoàn toàn chẳng cảm thấy gì cả. Có những lúc trầm cảm có thể khiến cho một người cảm thấy tê liệt cả về tinh thần và thể xác, không thể làm nổi những việc bình thường họ vẫn thích làm hoặc những việc họ biết là họ nên làm. Trầm cảm không phải chỉ là một ngày tồi tệ hay một lúc mang tâm trạng xấu và không phải là một điều có thể “tự nhiên hết” được. Hãy nhớ rằng không có ai lựa chọn bị trầm cảm cả.

2. Nói những điều như “mọi chuyện sẽ tốt lên thôi,” “bạn chỉ cần ra khỏi nhà thôi,” hoặc “bạn sẽ ổn thôi” là vô nghĩa.

Nói với ai đó những điều này thật dễ dàng bởi vì bạn nghĩ rằng bạn đang đưa ra cho họ một giải pháp hoặc đang chỉ cho họ một cách đơn giản để làm họ cảm thấy khá hơn và giảm bớt nỗi đau cho họ, nhưng những câu nói kiểu này thực ra là rỗng tuyếch, mang tính xúc phạm, và về cơ bản là vô nghĩa.

Nói những câu như thế này với người trầm cảm chỉ càng làm cho họ cảm thấy căng thẳng hơn, khiến họ cảm thấy như thể là họ thiếu năng lực, và như thể là bạn không hiểu những gì mà họ đang phải trải qua nên cứ cố gắng băng một vết thương nghiêm trọng bằng một mẩu băng cầm máu cho một người bị đứt tay. Họ hiểu rằng bạn đang cố gắng giúp họ nhưng nói ra những điều này chỉ càng làm họ cảm thấy tệ hơn. Một cái ôm lặng lẽ sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc nói ra những điều tầm thường này.

Thay vào đó, bạn có thể nói:

Tôi ở đây là vì bạn. Tôi tin tưởng vào bạn. Tôi tin rằng bạn mạnh mẽ hơn như thế này và tôi tin rằng bạn có thể vượt qua được chuyện này. Tôi có thể làm gì để giúp bạn? Bạn nghĩ là điều gì sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn?

Hãy tránh việc đưa ra lời khuyên mà thay vào đó hãy cho họ biết rằng bạn ở đó vì họ và hãy hỏi họ những câu hỏi để giúp họ tìm ra điều gì sẽ làm họ cảm thấy khá hơn.

3. Đôi khi họ sẽ phải đẩy bạn ra xa trước khi họ có thể để bạn lại gần hơn.

Những người trầm cảm thường cảm thấy rất khó chịu với cảm giác rằng họ đang là gánh nặng cho những người khác. Bởi vậy, họ sẽ cô lập bản thân và xua đuổi những người họ cần nhất để thoát khỏi những phiền muộn về việc bệnh trầm cảm của họ đang làm cho những người mà họ yêu quý cảm thấy mệt mỏi. Khi họ trở nên xa cách, chỉ cần cho họ biết rằng bạn vẫn ở đó, nhưng đừng cố ép họ phải gặp gỡ hay nói chuyện về chuyện gì đang xảy ra nếu họ không muốn.

4. Bạn có quyền cảm thấy bực bội.

Chỉ vì ai đó đang phải chống chọi với trầm cảm không có nghĩa là bạn phải thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ hoặc luôn phải e dè lời ăn tiếng nói và hành động của mình mỗi khi bạn ở bên họ. Những người trầm cảm có nhu cầu được cảm thấy họ được yêu thương và ủng hộ nhưng nếu mọi chuyện bắt đầu tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của bạn thì bạn có quyền thừa nhận điều này và tìm ra những cách để tiếp tục hỗ trợ họ mà không phải hy sinh bản thân mình.

5. Nói chuyện thẳng thắn và tạo ra những ranh giới là quan trọng.

Trong những giai đoạn khủng hoảng, điều quan trọng là cần phải lùi lại một bước và xem xem bạn có thể giúp người trầm cảm như thế nào trong khi vẫn tiếp tục duy trì những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Hãy kiên nhẫn. Hãy nói chuyện với họ về những lo lắng của bạn và giải thích những ranh giới bạn cần trong mối quan hệ của hai người. Hãy tìm ra những cách thức ổn thỏa cho cả hai người.

6. Họ có thể dễ dàng bị quá tải.

Thường xuyên kiệt sức là một tác hại phổ biến của trầm cảm. Chỉ riêng việc đi qua được hết một ngày đã có thể là một việc hết sức mệt mỏi và quá tải với người trầm cảm. Họ có thể trông như hoàn toàn bình thường vào một lúc nào đó nhưng ngay sau đó lại cảm thấy rất mệt mỏi và mất hết năng lượng, kể cả khi đêm nào họ cũng ngủ rất nhiều. Điều này có thể dẫn tới việc hủy bỏ các kế hoạch một cách đột ngột, rời các sự kiện sớm, hoặc nói không với tất cả mọi thứ. Hãy nhớ rằng điều này không liên quan gì tới những việc mà bạn đã làm. Đây chỉ là một tác hại thường gặp của việc sống chung với căn bệnh này.

7. Vấn đề không phải là ở bạn.

Khi bạn có một người thân, bạn bè đang bị trầm cảm, có thể rất khó để hiểu được những gì họ đang phải trải qua và cũng khó để biết được sự buồn rầu của họ bị ảnh hưởng từ mối quan hệ của bạn với họ là như thế nào. Nếu họ cần có không gian riêng hoặc tự dưng trở nên xa cách, đừng tự đổ lỗi cho mình và băn khoăn rằng bạn nên cư xử khác đi để hàn gắn họ. Hãy hiểu rằng, bệnh trầm cảm của họ không phải là vì bạn.

8. Tránh những đòi hỏi cực đoan.

Nói với một ai đó rằng bạn sẽ chia tay họ hoặc sẽ không nói chuyện với họ nữa nếu họ không khá hơn không phải là một liều thuốc kỳ diệu để giúp họ khỏi bệnh. Họ sẽ không thể đột nhiên trở thành người mà bạn muốn họ trở thành chỉ vì bạn cảm thấy mệt mỏi với những vấn đề của họ. Việc quyết định sẽ rời bỏ ai đó nếu những vấn đề của họ trở nên quá tải với bạn và với mối quan hệ của hai người là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng nếu bạn nghĩ rằng đặt ra tình huống lựa chọn cực đoan sẽ giúp họ thoát khỏi trầm cảm thì điều đó là không thực tế và cũng không công bằng.

9. Không phải lúc nào họ cũng muốn trải qua điều này một mình.

Nhiều người thường cho rằng những người trầm cảm chỉ muốn ở một mình. Mặc dù có những lúc họ muốn có không gian riêng, điều này cũng không có nghĩa là họ muốn hoàn toàn một mình đối diện với những nỗi bất an của mình. Hãy đề nghị lái xe đưa họ tới một nơi nào đó. Hỏi xem họ có muốn uống cà phê hay ăn một bữa ngon không. Những lúc bạn có thể lôi họ ra khỏi cuộc sống thường nhật của họ và hai người có thể kết nối thường rất có ý nghĩa với họ. Hãy đến với họ mà không cần báo trước. Hãy nhắc cho họ rằng họ không phải trải qua điều này một mình.

10. Đừng cố gắng so sánh trải nghiệm của bạn với trải nghiệm của họ.

Khi một ai đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn, chúng ta thường muốn chia sẻ với họ những câu chuyện của chính bản thân mình để họ biết rằng bạn cũng đã trải qua những điều tương tự và có thể hiểu được sự chống chọi hiện tại của họ. Khi bạn nói kiểu như, “à phải, tôi cũng một lần bị trầm cảm…” nó sẽ chỉ làm họ cảm thấy bạn đang thu nhỏ nỗi đau của họ qua lăng kính của mình. Hãy bày tỏ sự cảm thông nhưng đừng làm họ cảm thấy không muốn bộc lộ cảm xúc của mình nữa. Điều tốt nhất mà bạn có thể dành cho người bạn của mình là khả năng lắng nghe của bạn. Đó là tất cả những gì họ thực sự cần.

11. Hỏi bạn của mình là bạn ấy đang cảm thấy như thế nào thì được.

Họ đang thực sự cảm thấy như thế nào và họ đang chống chọi với bệnh trầm cảm của họ ra làm sao? Người trầm cảm thường hay suy nghĩ đến việc tự sát và việc hỏi thẳng họ về việc họ đang tự chăm sóc mình ra sao là hoàn toàn ổn thỏa. Tương tự như vậy là cùng bàn với họ về những biện pháp an toàn cho những trường hợp tình trạng trầm cảm của họ trở nên quá sức chịu đựng.

12. Lên lịch để dành thời gian cho họ.

Hãy đề nghị mỗi tuần một hoặc hai lần cùng họ tập thể dục, đi chợ, hoặc đi chơi đâu đó. Hãy hỏi họ xem bạn có thể nấu nướng cùng họ được không. Một trong những việc khó khăn nhất trong những đợt trầm cảm là cảm thấy quá mệt mỏi để có thể nấu được những bữa ăn tử tế, bởi vậy nếu bạn có thể nấu cho họ một thứ gì đó mà họ có thể để trong tủ lạnh ăn dần thì điều đó thực sự hữu ích.

13. Chỉ vì ai đó bị trầm cảm không có nghĩa là họ yếu đuối.

Trong cuốn sách Against Happiness: In Praise Of Melancholia (tạm dịch, Chống lại Hạnh phúc: Ngợi ca bệnh U sầu), tác giả Eric G. Wilson khám phá những tầng sâu của nỗi buồn và việc trải nghiệm đau đớn về tinh thần có thể khiến chúng ta trở nên biết cảm thông và sáng tạo hơn. Mặc dù tác giả giải thích rằng có sự khác biệt giữa trầm cảm (depression) và bệnh u sầu (melancholia), anh phản đối việc xã hội và nền văn hóa [Mỹ] cứ bị ám ảnh với ý tưởng về hạnh phúc được thổi phồng lên, và thay vào đó giải thích tại sao chúng ta có thể rút ra những điều có ích từ những khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời. Wilson viết:

“Tôi là một người e ngại rằng sự nhấn mạnh thái quá của nền văn hóa Mỹ vào hạnh phúc mà bỏ qua đau buồn có thể là một điều nguy hiểm, một sự cố tình lãng quên rất ngớ ngẩn về một phần thiết yếu của một cuộc sống tròn đầy. Hơn thế nữa, tôi còn thấy phải cảnh giác về khả năng này: khao khát chỉ có hạnh phúc trong một thế giới mà không phải nghi ngờ gì là khá bi thảm cũng đồng nghĩa với việc trở nên không thành thật, theo đuổi những điều mơ hồ không thực tế mà bỏ qua những tình huống thực trong cuộc sống. Và cuối cùng, tôi cảm thấy sợ trước những nỗ lực của xã hội chúng ta để tẩy bỏ đi bệnh u sầu ra khỏi hệ thống. Không có những bấn loạn của linh hồn, liệu tất cả những tòa tháp ham muốn tuyệt đẹp của chúng ta có đổ nhào hết không? Liệu những bản giao hưởng xé lòng của chúng ta có ngừng lại hết không?”

Tương tự, Tiến sĩ Neel Burton, một nhà tâm thần học và một triết gia, nói chuyện trên Tedx vì sao một số người quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử nhân loại đã trải qua căn bệnh trầm cảm. Anh giải thích cách thức mà nền văn hóa của chúng ta nhìn vào và ứng xử với bệnh trầm cảm và các xã hội truyền thống tiếp cận điều này theo những cách khác như thế nào, nhìn nhận những buồn khổ của nhân loại như một chỉ số về nhu cầu chú ý tới những vấn đề quan trọng trong cuộc sống chứ không phải như một dạng bệnh tâm thần.

Điều quan trọng cần nhớ là trầm cảm không phải là một điều đáng xấu hổ và trải qua trầm cảm không làm cho một người trở thành yếu đuối hay thiếu năng lực.

 

Nguyễn Hồng Anh dịch từ bài gốc tiếng Anh của Koty Neelis. Tác giả có anh trai đã tự tử vì trầm cảm. Sau cái chết của anh mình, Koty đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu nghiêm túc và cẩn thận hơn về căn bệnh này. Câu chuyện về người anh trai được chia sẻ tại đây.

menu
menu