Làm thế nào để ngừng nghĩ quá nhiều?

lam-the-nao-de-ngung-nghi-qua-nhieu

Bạn suy nghĩ bao nhiêu tiếng một ngày?

Bạn suy nghĩ bao nhiêu tiếng một ngày?

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó,” có thể bạn sẽ trả lời như vậy. Thế để tôi nói thẳng ra luôn nhé: Bạn suy nghĩ suốt, nhưng lại chưa bao giờ xem xem mình đã dành ra bao nhiêu thời gian để suy nghĩ. Nghe như nghiện ấy nhỉ. Tôi biết thế, bởi tôi cũng nghiện việc suy nghĩ mà.

Nghĩ quá nhiều là một vấn đề phổ biến, nhưng khi nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn, nó có thể dẫn tới sự gián đoạn giấc ngủ, “tê liệt khả năng phân tích,” và thậm chí còn đe dọa đến sức khỏe tâm thần của bạn. Vấn đề này chẩn đoán đã khó rồi, nói chi đến chữa trị.

Khi tôi ăn quá nhiều, tôi có thể nói, “Tôi ăn quá no rồi. Tôi cần ăn ít đi.” Khi tôi làm việc quá nhiều, tôi có thể nói, “Tôi đang kiệt sức rồi. Tôi cần làm việc ít đi.” Khi tôi uống bia rượu quá nhiều, tôi có thể nói, “Tôi cần dừng lại. Tôi muốn một chai nước.” Nhưng khi tôi suy nghĩ quá nhiều, chỉ nói “Tôi đã quá cả nghĩ” là không đủ. Tôi cần một cách tiếp cận khác để giải phóng bộ não của mình.

Vấn đề là hầu hết mọi người không cho rằng suy nghĩ quá nhiều là một vấn đề. Khi ai đó chỉ trích việc đó, chúng ta thường cho rằng vấn đề liên quan đến những suy nghĩ tiêu cực. Đồng thời chúng ta cũng có xu hướng cho rằng, những suy nghĩ tích cực là tốt. Nhưng như vậy là sai.

Những lời khuyên trong sách self-help thường nói rằng hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nhân đôi suy nghĩ tích cực. Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là một lời khuyên có lý. Nhưng sự thật là khi bạn sử dụng não bộ quá mức, bất kể cho mục đích tích cực hay tiêu cực, nó đều có thể sẽ bị tắc nghẽn giống như ống cống thoát nước vậy. Kết quả là? Suy nghĩ không rõ ràng. Dẫn đến đưa ra những quyết định tệ hại.

BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ

Suy nghĩ không được xem như một thói quen cần hạn chế bởi nó có mối liên quan chặt chẽ đến bản sắc cốt lõi của chúng ta. Không ai nói điều này hay hơn Marcus Aurelis trong Meditations: “Cuộc đời ta là những gì ý nghĩ của ta tạo nên.”

Điều anh ấy đang nói đến nghĩa là cuộc sống của chúng ta được định hình bởi chất lượng các ý nghĩ của chúng ta. Tôi tin điều đó. Tuy nhiên, đa số chúng ta đều cho rằng chúng ta không phải là những gì chúng ta nghĩ.

Chúng ta nói: “Chà, tôi không thể ngừng nghĩ về những chuyện thế này. Đấy chính là tôi.” Không, đấy không phải bạn. Bạn có thể quyết định nên mặc kệ những ý nghĩ gì. Tôi thích cách Eckhart Tolle đặt vấn đề trong The Power Of Now: “Khởi nguồn của tự do là nhận thức được rằng bạn không phải thực thể sở hữu – người suy ngẫm.”

Cách duy nhất để ngừng xác định bản thân bằng những suy nghĩ của mình chính là ngừng truy đuổi tất cả những suy nghĩ đó. Thay vào đó, quyết định sống trong khoảnh khắc hiện tại – khi mà bạn không có thời gian để nghĩ mà chỉ có thời gian để trải nghiệm.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG TRONG KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI?

Suy nghĩ là một công cụ. Thay vì sử dụng công cụ đó liên tục suốt 16 hay 17 tiếng đồng hồ khi bạn thức, hãy chỉ lấy nó ra dùng khi bạn cần.

Nhưng làm thế nào đây? Tôi đã áp dụng quy trình 4 bước sau để dừng suy nghĩ quá mức:

  1. Nâng cao nhận thức mỗi ngày. Nhận ra rằng nghĩ quá nhiều dẫn bạn đi xa khỏi những mục tiêu của mình chứ không phải điều ngược lại.
  2. Bắt đầu quan sát những suy nghĩ của mình. Mỗi lần nghĩ đến một chuyện, đừng có đi theo nó. Thay vào đó, chỉ cần nhận thấy rằng bạn đã bắt đầu suy nghĩ. Khi làm như vậy, tâm trí bạn sẽ không bị cuốn đi.
  3. Giới hạn việc suy nghĩ của bạn trong những khoảng thời gian riêng. Ví dụ, khi viết lịch trình hoặc đặt ra các ưu tiên trong ngày, hãy ngồi xuống và thật sự suy nghĩ. Cho bản thân một lượng thời gian cụ thể - 15 phút đi. Suốt khoảng thời gian đó, bạn hoàn toàn có thể theo dấu những suy nghĩ của bản thân. Điều chúng ta đang cố ngăn chặn chính là việc không ngừng suy nghĩ cơ.
  4. Tận hưởng cuộc sống. Tạm buông bỏ tất cả những suy nghĩ về hôm qua và ngày mai. Bất kể bạn khao khát đạt được thành tựu trong tương lai nhiều đến mức nào và bất kể bạn từng khổ sở ra sao trong quá khứ, hãy trân trọng một điều rằng hiện tại bạn vẫn còn sống.

Tôi không định ngồi đây và bảo bạn rằng “hãy tận hưởng việc rửa bát.” Đó không phải phong thái của tôi. Khi tôi làm những gì tôi không thích, tôi học cách chỉ làm thôi mà không đánh giá gì.

Nhưng khi tôi làm việc gì đó tôi thực sự thích, bất kể nó lớn hay nhỏ, tôi đều tận hưởng hết mình. Khi nghe nhạc, xem phim, dành thời gian với gia đình, bạn bè hay người yêu, tôi chính là đang sống trong hiện tại.

Tôi không nghĩ đến những mục tiêu, thất bại, việc ngày mai phải làm. Tôi chỉ ở đây. Ngay đây thôi. Cũng giống như giây phút bạn dành ra để đọc những dòng này vậy. Khi nó đi qua, nó đi qua mãi mãi. Hãy nhận thức điều đó ở một mức độ sâu sắc hơn và bạn sẽ chẳng bao giờ dám rời xa hiện tại nữa.

Đồng ý với tôi không? Đừng nghĩ quá nhiều về điều đó nhé.

___________________________

Nguồn:  https://forge.medium.com/how-to-stop-overthinking-c3a98e81dc2a?fbclid=IwAR3ytJzGkRor-D6NHmAiQrQoT-OXiQ5RIESobrxSCkkDEarYWSJoxdvg5Dw

Dịch: Tâm lý học mỗi ngày

_________________________

Nếu Bạn đang cần sự hỗ trợ về tâm lý, hãy gọi cho Psychologist Vietnam - Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khỏe Tinh Thần cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và chủ doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về thể chất, tinh thần, với nhiều nhà tham vấn trong nước và nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.

Liên hệ với chúng tôi để được tham vấn và đưa ra lộ trình trị liệu (online, trực tiếp) phù hợp:

Phone: 0812151220 (Whatsapp/Viber/Telegram)

Facebook: https://www.facebook.com/PsychologistVietnam

Email: [email protected]

Địa chỉ: 136 Nguyễn Phạm Tuân, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

menu
menu