15 điều bạn không nên làm khi bạn đời của bạn là người hướng nội
Tác giả: Rotimi Oluwaseyitan
- Đừng ép họ xã giao nhiều hơn mức họ muốn
Người hướng nội cần thời gian ở một mình để “sạc” lại năng lượng. Việc ép họ xã giao nhiều hơn mức họ có thể làm sẽ khiến họ mệt mỏi và căng thẳng. Vì thế, hãy tôn trọng các giới hạn của người bạn đời, cho họ thời gian và không gian họ cần để phục hồi năng lượng.
- Đừng khiến họ thấy tội lỗi vì họ muốn có thời gian ở một mình
Hầu hết mọi người đều cần thời gian ở một mình để tái tạo năng lượng và xử lý các suy nghĩ và cảm xúc của bản thân - đặc biệt là những người hướng nội. Khi họ muốn ở một mình, không có nghĩa là bạn đã lầm lỗi gì với họ. Người hướng nội chỉ đơn giản là vận hành theo cách riêng so với người hướng ngoại; vậy thôi.
Đừng có những bình luận “hờn dỗi” kiểu: “Anh/Cô không thích dành thời gian ở cùng tôi sao?” hay: “Tôi chưa bao giờ thấy phiền khi ở bên anh/cô, sao anh/cô không làm được như vậy với tôi?” Những câu nói kiểu này có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của hai bạn.
Bạn hãy cố gắng hiểu cho nhu cầu được ở một mình của người bạn đời và ủng hộ họ. Nếu hai bạn sống cùng nhau, bạn có thể giúp họ tạo một không gian riêng - một “nơi trú ẩn” mà họ có thể tìm đến khi cần ở một mình.
- Đừng làm phiền khi họ tập trung vào công việc nào đó
Khi người hướng nội đang thực hiện một nhiệm vụ nào đó, như tập trung tra cứu thông tin hoặc mải mê lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần, họ thường tập trung cao độ. Và họ cũng có khuynh hướng thích những hoạt động cần nhiều sự tập trung. Làm phiền họ khi họ đang tập trung có thể là một trải nghiệm khó chịu đối với họ. Vì vậy, bạn hãy kiên nhẫn chờ đến thời điểm thuận tiện hơn. Hoặc chờ đến khi họ nghỉ giải lao và tìm đến bạn.
- Đừng ép họ nói nhiều hơn hoặc thể hiện cảm xúc nhiều hơn
Người hướng nội thường thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân theo cách hơi khác so với người hướng ngoại. Thí dụ: họ có thể thích viết ra một lá thư sâu sắc hơn là nói chuyện mặt đối mặt với ai đó về những đề tài nghiêm túc. Họ có thể có vẻ lặng lẽ trong nhóm lớn, nhất là khi họ ở gần những người họ không biết rõ (như một buổi họp mặt với các họ hàng xa của bạn).
Vì thế, đừng ép bạn đời của bạn nói nhiều hơn hoặc thể hiện cảm xúc nhiều hơn mức họ cảm thấy thoải mái. Đừng nói những câu như: “Sao anh/em im lặng quá vậy?” hoặc: “Anh/Em góp chuyện đi, mọi người đang chờ nghe anh/em nói đó.” Hãy hiểu rằng họ sẽ nói chuyện khi họ sẵn sàng. Thông thường, điều đó sẽ xảy ra khi các bạn ở cùng những người bạn thân thiết hay các thành viên gia đình thân thuộc.
- Đừng nghĩ rằng họ không thích dành thời gian ở cùng bạn chỉ vì họ thích những hoạt động khác với những hoạt động của bạn
Người hướng nội thường thích dành thời gian ở một mình hoặc với những nhóm ít người thay vì phải tương tác với nhiều người cùng một lúc. Nhưng họ vẫn thích dành thời gian ở bên bạn. Nếu không, họ đã không chọn việc chung sống với bạn!
Bạn hãy nhớ rằng có thể người hướng nội thích những hoạt động nhẹ nhàng, êm ả như dạo bộ, xem phim, hoặc cùng bạn dùng bữa tối trong sự yên tĩnh thay vì đi đến một nhà hàng mới mở có đầy thực khách ồn ào. Nhưng làm ơn đừng cho rằng việc họ thích những hoạt động lặng lẽ có nghĩa là họ không thích dành thời gian ở cùng bạn!
- Đừng phê bình họ vì họ không cởi mở hơn
Tương tự luận điểm số 4, chê bạn đời vì anh/cô ấy không thể xã giao nhiều hơn có thể khiến anh/cô ấy tổn thương và tự ti. Hướng nội là một tính cách lành mạnh và không thể thay đổi. Vâng, bạn đời của bạn có thể học hỏi và trưởng thành hơn - có thể họ sẽ cần cải thiện kỹ năng giao tiếp chẳng hạn - nhưng tính hướng nội hiện diện trong bộ gien của họ rồi, vì thế thông thường họ sẽ yêu thích sự yên bình và an tịnh. Muốn người khác hành xử trái với bản chất thật của họ là không công bằng.
Thay vì phê phán họ, hãy tôn trọng tính cách thật của họ. Chẳng phải bạn yêu họ một phần cũng là vì tính cách của họ còn gì?
- Đừng cho rằng sự im lặng của họ có nghĩa là họ giận hay họ buồn chán
Với một số người, ngồi im lặng bên cạnh ai đó có thể là điều đáng chán hay là việc không thoải mái. Tuy nhiên, với người hướng nội thì khác. Việc họ giữ im lặng thường không có nghĩa là họ thiếu thoải mái hoặc buồn chán; đúng hơn thì, đó là lúc họ cảm thấy thư thả. Hãy cho phép người bạn đời hướng nội của bạn thư giãn theo cách của anh/cô ấy khi ở cạnh bạn. Đó là một cách rất ý nghĩa để bạn kết nối và thể hiện rằng bạn hiểu những nhu cầu của bạn đời.
- Đừng tưởng rằng họ không vui vẻ chỉ vì họ không thể hiện điều đó ra bên ngoài
Cũng giống luận điểm trên, đừng nghĩ rằng người bạn đời hướng nội của bạn đang không vui chỉ vì họ không thể hiện sự vui vẻ ra ngoài như cách bạn hay làm. Rất có thể họ thích thể hiện niềm vui của bản thân bằng những cách yên ả, nhẹ nhàng hơn.
- Đừng kỳ vọng họ trở thành tâm điểm của bữa tiệc
Người hướng nội thường không thoải mái khi trở thành tâm điểm của sự chú ý và khi phải xã giao thường xuyên. Đừng bắt họ trở thành tâm điểm của bữa tiệc hoặc yêu cầu họ tán gẫu liên tục nếu có nhiều khách ghé nhà hai bạn chơi hoặc nếu hai bạn đi chơi cùng nhiều người. Thay vào đó, hãy tôn trọng sự có mặt của người bạn đời và những đóng góp theo cách riêng của anh/cô ấy. Chẳng hạn như, nếu hai bạn tổ chức một bữa tiệc tối, người bạn đời hướng nội của bạn có thể là người lắng nghe tuyệt vời và biết cách đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy thoải mái.
- Đừng cho rằng họ không thích kết bạn mới hoặc không thích gặp gỡ những người mới
Chỉ vì ai đó là người hướng nội không có nghĩa rằng họ không muốn kết bạn mới hay gặp những người mới. Chỉ là họ thường thích làm những điều đó trong những nhóm ít người hoặc với những người có các mối quan tâm chung với họ thay vì trong những sự kiện xã giao đông người. Người hướng nội không nhìn nhận mọi người theo kiểu ai cũng là bạn của họ (như người hướng ngoại thường nhìn nhận), và điều đó là bình thường!
- Đừng khiến bạn đời cảm thấy họ bất bình thường chỉ vì họ là người hướng nội
Hướng nội không phải là nét nhân cách kỳ quặc hoặc bất thường.
Hãy trân trọng những lợi ích mà người bạn đời hướng nội của bạn đem lại cho mối quan hệ giữa hai bạn! Ví dụ như: họ biết cách lắng nghe bạn, và họ dành cho bạn toàn bộ sự tập trung của họ khi bạn kể cho họ nghe về những gì đã xảy ra với bạn trong ngày. Họ thường suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, do đó những nhận xét và lời khuyên của họ thường đúng đắn và sâu sắc. Người hướng nội cũng thường thích những cuộc nói chuyện nghiêm túc một-kèm-một, và điều này có thể giúp củng cố sự gắn kết cảm xúc trong mối quan hệ giữa hai bạn. Và, sở thích của họ dành cho những không gian êm ả, nhẹ nhàng có thể tạo cho không gian sống của hai bạn một bầu không khí thanh bình, yên tĩnh.
- Đừng ép họ tham gia các hoạt động đòi hỏi sự “nhiều chuyện”
Ép người hướng nội tham gia vào những hoạt động cần tán gẫu nhiều có thể sẽ khiến họ thấy quá tải và kiệt sức. Hãy cho phép họ tương tác theo cách riêng của họ hoặc để họ rút lui khi cần. Hãy tôn trọng những giới hạn và nguyện vọng của họ. Suy cho cùng, cả hai bạn vẫn có thể tìm những hoạt động khác mà cả hai bạn cùng thích. Với lại, hai bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải làm mọi thứ cùng nhau.
- Đừng kỳ vọng họ sẽ bốc đồng như bạn (nếu có)
Người hướng nội thường không sống tùy hứng như người hướng ngoại, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Người hướng nội thường thích lên kế hoạch cho các hoạt động (họ rất giỏi trong việc lập kế hoạch!) và dành thời gian cân nhắc tất cả các phương án một cách cẩn thận. Đừng kỳ vọng họ hành xử tùy hứng nhiều hơn mức họ cảm thấy thoải mái! Ngẫu hứng là thế mạnh của bạn, không phải của họ!
- Đừng cho rằng họ không giỏi giao tiếp chỉ vì họ hướng nội
Người hướng nội thường không giao tiếp theo cách giống như người hướng ngoại, nhưng điều đó không có nghĩa là hỏi không giỏi giao tiếp. Trong thực tế, người hướng nội rất giỏi đọc ngôn ngữ cơ thể, nhận biết những thay đổi nhỏ nơi vẻ mặt hoặc giọng nói của người khác - việc này giúp họ hiểu những cảm xúc hoặc suy nghĩ không được nói ra. Người hướng nội cũng thường giỏi giao tiếp bằng chữ viết; họ có thể soạn những tin nhắn hoặc những lá thư tình rất hay!
- Đừng phán xét họ nếu họ cần ở một mình sau một sự kiện xã giao
Sau khi dự các sự kiện xã giao, người hướng nội có thể sẽ cần thời gian ở một mình để “sạc” lại năng lượng. Vì thế, bạn đừng kỳ vọng họ sẽ tham gia một sự kiện xã giao khác ngay sau một bữa tiệc lớn hay một buổi họp mặt đông người. Hoặc, có thể họ sẽ không muốn đi ra ngoài ăn tối cùng bạn sau một ngày họp hành và xã giao liên miên ở chỗ làm.
Xin nhắc lại, đừng xem nhu cầu ở một mình của người bạn đời như một dấu hiệu rằng họ chán ghét bạn hoặc thờ ơ với bạn. Thay vì vậy, hãy để họ được thỏa mãn nhu cầu ở một mình, rồi sau đó họ sẽ trở lại với nhiều năng lượng hơn.
(Lược dịch: Triệu Khánh Ngọc)
Bài gốc: https://introvertdear.com/news/16-things-you-should-never-do-to-your-introverted-partner/?fbclid=IwAR21V44QK0uwJsCBnuDUx8lpTegRHX1I7EidqHto-XAqh40U3K2TqSYiuuQ