2 câu hỏi giúp hàn gắn một mối quan hệ

Ít ai trong chúng ta để ý rằng tình yêu cũng cần được chăm sóc và duy trì như mọi thứ quý giá khác.
Ít ai trong chúng ta để ý rằng tình yêu cũng cần được chăm sóc và duy trì như mọi thứ quý giá khác. Hằng ngày, những thử thách nho nhỏ như thất vọng, bực bội hay những va chạm vụn vặt có thể âm thầm tạo ra khoảng cách giữa hai người yêu nhau, dần làm mờ nhạt đi sự chân thành trong mối quan hệ. Chúng ta có thể trở nên giận dữ mà chẳng hay biết, hay cảm thấy xa cách mà không hề ý thức được. Khoảnh khắc nhận ra có gì đó không ổn thường đến khi nhìn sang người bạn đời trong một bữa tối yên lặng và cảm thấy tim mình bỗng như vô cảm, không còn chút xúc động nào, như thể mình đã... mất đi tình yêu. Hoặc khi đi công tác xa và nhận ra, dễ dàng hơn mình tưởng, rằng bản thân có thể xiêu lòng trước ai đó khác.
Những đóng băng cảm xúc tưởng chừng bí ẩn này, thực ra không hề bí ẩn chút nào. Chúng là kết quả của sự tích tụ lặng lẽ, từ từ những nỗi thất vọng nhỏ chưa được giải quyết kịp thời. Để tránh nguy cơ này, các cặp đôi nên đều đặn dành thời gian cho nhau, trong không khí cởi mở và nhẹ nhàng, để cùng nhau trả lời hai câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng và hữu ích:
- "Anh/Em đang giận gì ở em/anh vậy?"
- "Anh/Em có làm điều gì khiến em/anh thấy sợ không?"
Chúng ta thường vô tình làm tổn thương người mình yêu vì không thể hoàn toàn đáp ứng những mong muốn thầm kín của họ. Đôi khi, kỳ vọng đó có lý, đôi khi cũng không hẳn. Nhưng điều quan trọng là sự giận dữ cần được bày tỏ và lắng nghe. Điều này không đòi hỏi sự hoàn hảo, mà chỉ cần người kia sẵn lòng ngồi lại, lắng nghe một cách lịch sự và cảm thông khi ta – dù nhẹ nhàng – phàn nàn rằng họ không đáp ứng được kỳ vọng. Ai có thể cần đến một tình yêu không có tì vết, khi điều chúng ta thực sự cần là cơ hội được giãi bày nỗi thất vọng mà không gặp sự chống đối? Có ai hoàn mỹ không quan trọng, miễn là họ không tự ái khi ta tâm sự những điều làm mình chưa hài lòng.
Khi trả lời câu hỏi đầu tiên, có thể chúng ta sẽ nói rằng mình "giận" vì bạn bè của người kia quá buồn chán, vì công việc của họ không tốt hơn, vì họ hay để nhà bếp lộn xộn hoặc vì họ quá lo lắng về mẹ mình. Họ cũng có thể thấy khó chịu vì chúng ta hay lo lắng, dễ cáu kỉnh, quá nguyên tắc hay xét nét người khác. Chúng ta không cần nổi nóng khi bày tỏ sự giận dỗi. Mọi thứ có thể diễn ra trong một bầu không khí điềm tĩnh, vui vẻ, không cần tìm kiếm giải pháp hay câu trả lời tuyệt vời nào. Điều quan trọng là có cơ hội để buông bỏ những thất vọng trong một không khí thông cảm và cùng nhau xin lỗi.
Tương tự, tình yêu có thể bị đè nén một cách tinh tế bởi những nỗi sợ. Chúng ta khiến nhau lo sợ mọi lúc, bằng những hành động thiếu lý trí, sự bừa bộn, hay sự không đáng tin. Nỗi sợ âm thầm bào mòn niềm tin mà phiên bản yếu đuối trong chúng ta vẫn khao khát tìm thấy ở người kia. Một đứa trẻ nhỏ bé trong chúng ta luôn cần một chỗ dựa an toàn, và có thể đã rụt rè khi bạn đời của mình cao giọng hoặc về trễ mà không báo trước. Điều đáng lưu tâm không phải là chúng ta không bao giờ gây ra tổn thương, mà là chúng ta cần bình tĩnh và chân thành lắng nghe khi người ấy ngọt ngào chia sẻ rằng họ đã bị tổn thương.
Hãy ngừng đối xử với mối quan hệ như một chiếc máy mà ta hiếm khi bảo dưỡng, dù ta luôn dành điều đó cho những thiết bị, đồ dùng trong nhà. Chúng ta không cần phải lo sợ mối quan hệ sẽ bí ẩn tan vỡ, nếu chúng ta có đủ dũng khí để thường xuyên chấp nhận rằng, có thể mình đã khiến người mình yêu thương phải giận và lo sợ nhiều đến nhường nào.
Nguồn: TWO QUESTIONS TO REPAIR A RELATIONSHIP