Cách làm dịu cơn giận dữ

cach-lam-diu-con-gian-du

Theo một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, viết ra phản ứng tiêu cực lên giấy rồi xé nhỏ hoặc vứt đi thực sự có thể làm giảm cảm giác tức giận.

Theo một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, viết ra phản ứng tiêu cực lên giấy rồi xé nhỏ hoặc vứt đi thực sự có thể làm giảm cảm giác tức giận.

Trưởng nhóm nghiên cứu Nobuyuki Kawai nói ông cũng ngạc nhiên khi thấy sự tức giận gần như biến mất sau khi thực hiện phương pháp này. Nó giúp ích nhiều cho mọi người vì nếu kiểm soát được cơn giận tại nhà và nơi làm việc sẽ tránh được những hậu quả trong đời sống riêng tư và công việc.

Kết quả của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, đúc rút từ nhiều năm nghiên cứu về mối liên hệ giữa chữ viết và giảm tức giận.

Để thực hiện dự án, Kawai và sinh viên Yuta Kanaya tại Đại học Nagoya đã yêu cầu những người tham gia viết ý kiến ngắn gọn về các vấn đề xã hội quan trọng, chẳng hạn như hút thuốc ở nơi công cộng có nên bị cấm hay không. Sau đó, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Nagoya sẽ đánh giá bài viết của họ. Bất kể những người tham gia viết gì đều bị cho điểm thấp. Để nhấn mạnh quan điểm, các nghiên cứu sinh còn viết bình luận mang tính xúc phạm kiểu như "Tôi không thể tin nổi một người có học lại nghĩ như thế này" hay "Tôi hy vọng người này học được điều gì đó khi còn ở trường đại học".

Sau khi gửi lại nhận xét cho người tham gia, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ viết suy nghĩ của mình về phản hồi đó, tập trung vào những gì khiến họ nổi giận. Cuối cùng, một nhóm được yêu cầu vứt giấy họ viết vào thùng rác hoặc giữ nó trong một kẹp file trên bàn. Nhóm thứ hai được yêu cầu tiêu hủy tài liệu trong máy hủy tài liệu hoặc đặt nó trong hộp nhựa.

Người tham gia sau đó tự đánh giá sự tức giận của họ sau khi bị xúc phạm và sau khi vứt bỏ hoặc giữ tờ giấy. Đúng như dự đoán, tất cả đều cho biết họ tức giận sau khi nhận được những bình luận xúc phạm. Tuy nhiên, mức độ tức giận của những cá nhân vứt giấy của họ vào thùng rác hoặc tiêu hủy đã giảm hẳn, ngược lại với nhóm vẫn giữ tờ giấy.

Như vậy, theo Kawai, khi trở nên tức giận, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật đơn giản nói trên.

Ngoài lợi ích thiết thực, khám phá còn có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của lễ hội truyền thống hakidashisara tại đền Hiyoshi, Aichi, Nhật Bản. Tại đây, mọi người sẽ đập vỡ những chiếc đĩa nhỏ đại diện cho những thứ khiến họ tức giận và có cảm giác nhẹ nhõm hơn sau khi rời khỏi lễ hội.

Huy Phương (Theo Science X)/VNE

menu
menu