Làm sao để trở nên thú vị - The School of Life
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta – khi bước ra ngoài, hòa vào thế giới và giao tiếp với mọi người – là lo sợ rằng, tận sâu trong lòng, mình thực sự khá nhạt nhẽo.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta – khi bước ra ngoài, hòa vào thế giới và giao tiếp với mọi người – là lo sợ rằng, tận sâu trong lòng, mình thực sự khá nhạt nhẽo.
Nhưng tin tốt lành, cũng là một chân lý cơ bản: không ai thực sự nhàm chán cả. Họ chỉ có nguy cơ bị xem là tẻ nhạt khi không hiểu rõ bản thân hoặc không dám (hay không biết cách) thể hiện con người thật của mình với người khác.
Con người, khi được nhìn thấy một cách chân thật và tự nhiên, không che đậy, không gượng ép, luôn là một điều thú vị. Khi ta cho rằng ai đó “nhàm chán”, thực chất, ta chỉ đang chỉ ra rằng họ chưa đủ dũng cảm hay tập trung để nói cho chúng ta biết cảm giác thực sự khi được sống trong thân phận họ.
Ngược lại, ta luôn trở nên lôi cuốn khi có thể chia sẻ chân thành những gì mình thực sự khao khát, ghen tỵ, hối tiếc, đau buồn và mơ ước. Bất kỳ ai thành thật kể lại “tư liệu” về hành trình tồn tại của mình đều có khả năng khiến người khác say mê lắng nghe.
Người thú vị không phải là người từng trải qua những điều vĩ đại hay kỳ lạ bên ngoài. Họ là những người biết lắng nghe bản thân, hiểu rõ những rung động thầm kín trong tâm hồn và có thể thuật lại một cách chân thực nỗi đau, sự kịch tính và nét kỳ lạ của việc làm một con người giữa cuộc đời này.
Vậy, điều gì cản trở chúng ta trở nên thú vị như vốn dĩ chúng ta đã là?
Trước tiên và quan trọng nhất, ta trở nên nhàm chán khi đánh mất niềm tin rằng chính cảm xúc của mình mới là thứ có khả năng lôi cuốn người khác nhất. Vì quá khiêm tốn hoặc theo thói quen, ta gạt sang một bên những nhận thức tinh tế nhất của mình để chạy theo những lối mòn khuôn sáo, an toàn. Khi kể một câu chuyện, ta thường tập trung vào những chi tiết bề ngoài – ai có mặt, khi nào, thời tiết ra sao – thay vì đủ can đảm để chia sẻ tầng sâu cảm xúc ẩn dưới những sự kiện ấy: khoảnh khắc hối hận, một tia rung động bất ngờ, cơn hờn dỗi đầy tủi hổ, khủng hoảng sự nghiệp hay niềm phấn khích kỳ lạ lúc 3 giờ sáng.
Việc phớt lờ cảm xúc không chỉ là sự lơ đễnh; đôi khi nó còn là một chiến lược có chủ ý để ta né tránh những nhận thức có thể làm lung lay cái tôi và ý niệm của mình về sự “bình thường”. Chúng ta huyên thuyên những câu chuyện vô nghĩa vì thiếu dũng khí nhìn sâu vào bên trong chính mình.
Thật đáng chú ý khi những đứa trẻ 5 tuổi thường thú vị hơn nhiều so với người lớn tuổi. Điều khiến trẻ em cuốn hút không phải vì chúng có cảm xúc phong phú hơn (dĩ nhiên là không), mà bởi chúng trung thực và không chút ngần ngại khi bộc lộ những suy nghĩ của mình. Với sự non nớt và bản năng trung thành với bản thân, chúng sẵn sàng kể hết những gì chúng thực sự nghĩ về bà ngoại, em trai, về kế hoạch “cải cách” thế giới hay cách chúng muốn mọi người xử lý… mũi của mình.
Chúng ta trở nên nhàm chán không phải vì bản chất mà bởi nỗi ám ảnh phải trở nên bình thường – một áp lực bắt đầu thống trị chúng ta từ khi bước vào tuổi dậy thì. Dù đôi khi đã chân thật về cảm xúc, ta vẫn có thể tẻ nhạt vì chưa hiểu rõ chính mình. Thay vì mô tả sâu sắc, ta chỉ khăng khăng nhấn mạnh: “Thật tuyệt vời!”, “Thật kinh khủng!” hay “Thật đẹp!” nhưng không đưa ra những chi tiết có thể khiến người khác cảm nhận một cách sống động. Ta không chán vì không muốn chia sẻ, mà vì ta chưa biết mình đủ rõ để kể lại.
May mắn thay, khả năng trở nên thú vị không phải là món quà chỉ dành cho một số người đặc biệt hay phụ thuộc vào tài năng thiên bẩm. Nó chỉ đòi hỏi sự tập trung, trung thực và chú ý. Người mà ta cho là thú vị thực chất chỉ là người hiểu rõ điều tất cả chúng ta đều mong muốn trong các cuộc trò chuyện: một cái nhìn chân thật, không che đậy về cuộc sống qua đôi mắt của một người khác, và một sự an ủi rằng chúng ta không hoàn toàn cô độc giữa những cảm xúc rối ren, kỳ lạ và mãnh liệt nhất trong lòng mình.
Nguồn: HOW TO SEEM INTERESTING
By The School of Life