20 cung bậc cảm xúc
Đây là những bài luận nhỏ định nghĩa về các cung bậc cảm xúc mà ta đều có thể nhận biết nhưng đôi khi lại thấy thật khó để định rõ và lý giải chúng.
Đôi khi thật khó giãi bày với người khác về việc ta thực sự cảm thấy ra sao; và với chính bản thân ta mà nói thì việc này cũng thật gian nan. Vì thế mà hầu như, nếu người khác hỏi rằng ta sao rồi, ta sẽ trả lời, ‘Ổn’ – nhưng thực ra ta chỉ đưa ra một lời bày tỏ vắn tắt về những gì đang diễn ra trong tâm mình.
Và đây là một công cụ nhằm giúp chúng ta vượt qua sự mơ hồ của bản thân: những bài luận nhỏ định nghĩa về các cung bậc cảm xúc mà ta đều có thể nhận biết nhưng đôi khi lại thấy thật khó để định rõ và lý giải chúng.
1. Xấu xí
Chúng ta vô tình nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương và trong chốc lát, chúng ta cảm thấy thất vọng với: cái mũi kỳ quặc, mái tóc không ưng ý, nước da trông có vẻ bệnh tật, nhưng hơn hết, chính là một cảm giác rất phổ biến, biểu hiện thiếu thốn tình cảm một cách ngu xuẩn.
Cảm giác dường như lúc đó tất cả những nỗi sợ tồi tệ nhất về bản thân chúng ta đều trở thành sự thật. Tất cả nỗ lực của chúng ta để chạy thoát khỏi con quái vật bên trong mình đều thất bại. Trong một khoảnh khắc, ta cảm thấy số trời đã định bản thân là một bóng ma gớm ghiếc.
Nhưng vấn đề là cảm giác xấu xí hoàn toàn chẳng liên quan gì đến ngoại hình thật sự của một người. Có những người đẹp cảm thấy phát ốm về vẻ ngoài của họ trong khi nhiều người nhỏ thó già nua lại vui vẻ thoải mái về bản thân mình.
Luôn có vô vàn lí do để bạn cảm thấy bản thân dễ nhìn hay xấu xí; thông minh hay ngu ngốc, vì vậy vấn đề không bao giờ là đôi mắt chúng ta nhìn nhận như thế nào mà là tâm hồn ta cảm nhận ra sao.
Chính tâm trạng bên trong dẫn dắt cái nhìn khó chịu của chúng ta với khuôn mặt trong gương của mình và nó cũng phản chiếu những cảm giác về sự ích kỷ, nhếch nhác và nham hiểm bên trong nội tâm của chúng ta. Do vậy, khi cảm thấy buồn, chúng ta không thật sự cần một bộ quần áo hay một kiểu tóc mới đâu. Thứ mà chúng ta cần, nói một cách đơn giản và khéo léo, chính là được nhìn bởi đôi mắt dịu dàng của một người rộng lượng nào đó mà sự đánh giá của họ có thể giải cứu chúng ta khỏi nỗi tự căm ghét bản thân đang nuốt chửng chính mình.
Điều không may là, chính vào lúc ta cảm thấy ghê tởm bản thân mình, có thể rất khó để xin sự giúp đỡ của một người khác. Chúng ta căm ghét bản thân mình đến mức không dám hi vọng rằng ai đó khác có thể thích mình. Chúng ta thậm chí còn đáp lại những tín hiệu tích cực bằng những lời chửi thề thô tục nhằm chứng minh bản chất không được ưa thích của mình.
Trong trạng thái bế tắc của mình, chúng ta cần ai đó giải thích tình trạng của mình với thế giới, để làm rõ việc chúng ta bị lạc lối và xấu hổ chứ không phải quái quỷ hay thấp kém. Có lẽ chúng ta cần để cho những lời nói tốt đẹp của người khác xoa dịu bản thân ít nhất là trong một khoảnh khắc nào đó.
2. Thực tế
Ta lười biếng và đòi hỏi quá lâu rồi. Nhưng giờ đây, đâu đó có sự rõ ràng và mục đích, và ta sẵn sàng hành động. Ta quyết tâm không để những hoài nghi hay phức tạp bao trùm lấy mình. Ta muốn nhìn thấy kết quả hữu hình. Ta mệt mỏi với việc mơ mộng và trốn tránh. Tâm trạng thực tế của ta nhanh chóng mất kiên nhẫn với sự cầu toàn.
Ta không tập trung vào việc mọi chuyện sẽ trở nên như thế nào, hay ta sẽ làm gì nếu thời gian và tiền bạc không thành vấn đề. Rất nhiều sự trì hoãn trước đây bắt nguồn từ nỗi sợ: ta không dám bắt đầu, sợ rằng mình sẽ làm hỏng chuyện và không hoàn thành được lý tưởng. Những giờ ta đã sẵn sàng đương đầu với thế giới thực, và chấp nhận những khó khăn mà hiện thực gây ra. Thỏa hiệp không phải là ý tồi, đó là một nước đi cần thiết,, trưởng thành để đạt được kết quả. Ta có lẽ trông như thể một kẻ vô hồn, như thể ta không thể thấu hiểu được thơ ca hay sự phức tạp của sinh tồn. Đây không phải thời gian để nghe một bản sonata hay một đoạn triết lý. Nhưng điều ta muốn người khác hiểu chính là việc ta đã đi đến tâm trạng rõ ràng, sung sức như thế này thông qua một con đường đầy gian nan.
Ai cũng biết về sức cám dỗ của việc ở không, ta hoàn toàn nhận ra sự quyết rũ của những ảo mộng vu vơ. Ta biết tỏng sự khác biệt giữa suy luận, cầu toàn và ao ước là kẻ thù ngăn cản bạn hoàn thành công việc. Ta quyết tâm đi tìm giải pháp thiết thực không phải vì ta mềm mỏng hay nông cạn mà vì ta đã có quá quen thuộc với việc trôi dạt không chủ đích. Ngay lúc này - sau một độ tuổi nào đó - cuối cùng ta cũng bắt đầu với công việc.
3. Muốn khóc
Ta thực sự đâu có khóc vào thời điểm đó – nhưng nước mắt cứ chực trào ra. Một loạt những điều nho nhỏ khiến ta lâm vào tình cảnh này. Thực lạ, không phải những điều tồi tệ mới làm ta khóc; chúng thực ra là những điều vô cùng đẹp đẽ, mong manh hay thuần khiết.
Ta có thể cảm thấy mắt mình ngân ngấn nước trước sự xuất hiện của mấy cánh hoa xinh vươn mình khỏi mặt đất cằn cỗi sau một mùa đông lạnh giá; hay một đôi vợ chồng nọ đang vui vẻ chuyện trò với đứa con nhỏ trong quán café (đứa nhỏ đang nói về một chú chim cánh cụt trong một cuốn sách nào đó); hay một người bạn bất ngờ chào ta thật nồng nhiệt hay là khoảnh khắc người cha nghiêm nghị làm lành với cậu con trai ương ngạnh trong một thước phim nào đó.
Nguồn cơn xúc động của ta hiện hữu ở những nơi chốn mà muộn phiền cuộc sống va chạm với những điều vẫn còn tốt đẹp và tử tế trong thế gian này.
Vẻ đẹp mà ta nhìn thấy (trong một bộ phim, trong công viên, trong một cuốn sách) khiến những thực tại xấu xí trong cuộc sống thường nhật trở nên tươi sáng. Ta những muốn khóc trước những lời nhắc nhở sâu sắc về một thứ thiên đường khó kiếm, về những điều mà ta hằng khao khát và chịu dằn vặt vì lẽ đó.
Nếu như ta xem xét cái dự án khác thường về việc cố gắng tạo ra một con robot có thứ cảm xúc muốn khóc này, ta hẳn phải làm ra một điều gì đó thật tàn ác: ta muốn chắc chắn rằng con robot này hiểu rõ về đau khổ, rằng nó có khả năng căm ghét chính mình và cảm thấy bị lạc lối và hoang mang; bởi vì điều này đi ngược lại với bối cảnh của những nỗi đau mà khung cảnh đẹp đẽ mới trở nên vô cùng quan trọng, chứ không phải chỉ đơn giản là tốt đẹp thôi đâu. Sự xúc động trong ta đang cho ta biết một điều gì đó quan trọng: rằng cuộc sống của ta vốn dĩ nghiệt ngã hơn nhiều so với thời ta còn thơ ấu, và rằng mong ước của ta về những điều đơn giản đẹp đẽ và tốt lành tương ứng càng trở nên mãnh liệt hơn.
Khi mà ta muốn khóc, ta không cần tới sự an ủi hay một lời khuyên rằng nên cảm thấy biết ơn về những điều tốt đẹp mà ta vẫn còn nắm giữ. Lý tưởng nhất, ta chỉ mong muộn phiền trong ta gặp được nỗi buồn trong lòng người khác. Nghe thật lạ nhưng có lẽ ta muốn lặng lẽ khóc đôi chút bên một ai đó hiểu được lòng ta.
4. Khoái cảm
Đây là thứ cảm xúc rất khác xa so với ham muốn về chuyện ấy. Cái cảm xúc này ít cụ thể hơn nhiều và bao quát hơn nhiều. Khi ta trải qua điều này, ta sẽ sống trong một trạng thái duy cảm tự nhiên về hầu hết mọi thứ: một quả tranh chín, một cây sồi xum xuê lá, tiếng chảy róc rách của đài phun nước phía sau vườn, một chiếc khăn len cashmere mềm mại, bảng điều khiển của chiếc xe hơi thể thao…
Trong một tâm trạng như vậy, ta đáp lại những chi tiết ngẫu nhiên về những người đồng loại của mình: cái cách mà một người đứng; độ nghiêng của đôi gò má một ai đó; hay cái cổ tay, vết tích của khuỷu tay trong tay áo; một giọng nói êm tai, thông minh; đôi giày của ai đó như đang tiết lộ về sự ham muốn bị che giấu. Ta muốn làm kẻ xấu – theo cái nghĩa vui đùa. Ta thấy thật ngẫu hứng, tinh nghịch, không theo khuôn phép. Ta yêu thích một đêm hè ấm áp hay cái cảm giác làn da ta trở nên thật tươi mát và mềm mại sau khi tắm. Ta nhận thấy một làn gió thoảng, một vườn cây um tùm xanh lá, những đốm sáng mờ ảo đang nhấp nháy ngoài khơi xa. Ta những muốn quay tròn trong điệu vũ rộn ràng của cuộc sống.
Tâm trạng ấy có thể là mối đe dọa với những người đang tin tưởng vào ta. Họ có thể cho rằng ta muốn từ bỏ mối quan hệ hiện tại hay bắt đầu một mối quan hệ mới. Nếu như ta cố gắng nói ra những điều mình cảm nhận, có nguy cơ ta sẽ bị hiểu lầm nghiêm trọng.
Ở đây ta có thể phản đối cái quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về dục tình. Điều này được thể hiện qua sự tác động đến toàn bộ đời sống mà ta có thể tìm thấy trong những hiện tượng tự nhiên: trong những con sóng dịu dàng vỗ vào bờ đá; trong ánh hoàng hôn nhuộm tím một ngọn đồi, trong sự bung nở của những khóm hoa xuân – hay là, thông thường hơn, trong sự rung động khi một miếng vải nhè nhẹ cạ vào nơi đầu gối. Hơn thế nữa, đối với những người Hi Lạp xưa mà nói, sự nhận biết về sức mạnh của dục tình là hoàn toàn độc lập, và không hề đe dọa tới, những sự cam kết khác trong đời sống chúng ta.
Khi ta ở trong trạng thái duy cảm này, ta không hề muốn leo lên giường mà ngủ một cách hời hợt như thế, ta nhận biết được rằng mọi sinh vật sống đều lệ thuộc vào quá trình sinh sôi nảy nở mà tạo ra những rung động và đồng cảm trong ta và trong cả đời sống thiên nhiên quanh ta nữa. Sự mẫn cảm trong ta chính là sự tôn kính trước những sức mạnh đã tạo ra nguồn sống cho tất cả những điều mà ta yêu mến.
5. Chạnh lòng (Melancholy)
Chạnh lòng không phải là oán giận hay cay đắng, nó là một dạng u buồn xuất hiện khi chúng ta nhận ra cuộc đời cố hữu đã khó khăn, với nỗi đau và sự thất vọng ấy là một phần cơ yếu của trải nghiệm phổ quát (ai cũng trải qua).
Nỗi chạnh lòng nối kết đau khổ với vẻ đẹp và tri kiến. .... Không ai thực sự hiểu được người khác, sự cô độc cơ bản như vậy, và nó phổ quát cho mọi người. Mỗi cuộc đời đều có đầy đủ tầm vóc của hổ thẹn và đau đớn. Nhiều thứ ta muốn nhất đều có mâu thuẫn: muốn được an toàn nhưng lại muốn tự do; có tiền nhưng lại không muốn làm nô lệ cho đồng lương; muốn ở trong những cộng đồng gắn bó nhưng lại không muốn bị bóp chẹt trong sự trông đợi và yêu cầu của người khác. Muốn đi khắp thế gian nhưng cũng lại muốn cắm rễ một chỗ. Muốn lấp đầy nhu cầu ăn uống, làm tình và nằm kểnh trên ghế sofa - nhưng lại muốn mảnh khảnh, tỉnh táo, chung tình và khỏe mạnh.
Tri kiến của thái độ chạnh lòng (ngược với thái độ cay đắng hay oán giận) nằm ở chỗ hiểu được sự u buồn không chỉ có bạn thôi, không chỉ bạn đâu, mà cái đau đớn ấy cho loài người nói chung. Sự chạnh lòng ít có tính cá nhân hơn. Bạn thấy thương tiếc cho hoàn cảnh của loài người.
Có những phong cảnh chạnh lòng và những bản nhạc chạnh lòng, những bài thơ chạnh lòng và những thời điểm chạnh lòng trong ngày. Khi ta lần đầu tiếp xúc với chúng, ta thấy có sự vang dội trở lại của nỗi sầu trong ta mà không có sự liên đới cá nhân nào, khiến chúng đặc biệt gây sầu khổ.
Một nền văn hoá càng mang nhiều sầu muộn, chạnh lòng thì các thành viên của nó càng ít bị hành hạ bởi những thất bại của họ, những ảo tưởng đã mất và những hối tiếc.
Sự chạnh lòng khi được sẻ chia, là sự khởi đầu của tình bạn.
6. Tự xót thương mình
Ta biết rằng ta quả có hơi phóng đại nhưng điều này mang đến cảm giác thật dễ chịu, thậm chí là cần thiết, khi chìm đắm vào trong tâm trạng ấy. Dưới sức ảnh hưởng của nó, ta cảm thấy được mọi thứ bất công nhường nào, rằng ta cô độc ra sao, và rằng người đời thực là độc ác trong khi ta vẫn luôn tử tế và tốt bụng nhường ấy.
Tự thương hại là nền tảng của một thành tựu quan trọng. Hãy thử tưởng tượng xem mọi chuyện sẽ ra sao nếu như ta không thể tự thương lấy mình. Nếu như bạn nghĩ về hình ảnh một bậc phụ huynh dỗ dành đứa trẻ, thì thực tế họ đang dạy đứa bé ấy cách tự chăm sóc bản thân. Dần dà ta học cách tiếp thu hành vi ấy từ cha mẹ và trở nên có thể cảm thấy tiếc nuối cho chính mình trong khi những người khác không làm được điều đó cho ta. Điều này không nhất thiết phải có lý, nhưng đó là một thứ cơ chế giải quyết vấn đề, là lớp vỏ bảo vệ đầu tiên mà ta tạo nên nhằm đối phó với vô số những lần thất vọng và vỡ mộng mà cuộc đời ban tặng cho ta.
Con đường thoát khỏi sự tự thương hại gắn với việc vươn lên khỏi hoàn cảnh của bản thân mình. Ta sẽ nhận ra rằng đau đớn của mình thực ra rất quen thuộc trong nỗi bất hạnh chung của toàn nhân loại. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là sự đau khổ của ta chẳng có nghĩa lý gì, mà thật ra mọi khổ đau đều có ý nghĩa nhất định và vì thế mà chúng ta có thể đoàn kết thành một khối thống nhất, để mà – khi ta có thời gian để nhìn vào nỗi đau của chính mình – ta sẽ thấy thông cảm với những người khác nữa. Đau khổ không nhất thiết phải là một thứ cảm xúc cô độc, nó cũng có thể đưa chúng ta xích lại gần nhau.
Chúng ta không nên bị cô lập. Thay vì thế, khi ta nhìn lại từ vị trí này đây, ta không phải thấy rằng tự thương hại là một thứ cảm xúc lạ lùng hay đáng trách. Cơ chế tự phòng vệ nguyên thủy này – việc đổ lỗi cho tất cả mọi người và tự phóng đại nỗi đau của bản thân – tự nó xứng đáng được nhận một mức độ cảm thông nhất định: chính nó cũng đáng được thương hại.
7. Khao khát yêu thương
Đây, dĩ nhiên, là một từ khó nghe – nhưng ta nên học cách chấp nhận thứ cảm xúc này, tha thứ cho chính bản thân ta vì cái cảm xúc đó và giữ nó cho riêng mình. Mặc dù ta được dạy cách liên hệ sự trưởng thành với tính độc lập, nhưng đôi khi, việc mong muốn được biết một cách chắc chắn và thuyết phục rằng ta vẫn còn được khao khát bởi ái nhân là điều hoàn toàn tự nhiên.
Cái nhu cầu được nghe rằng ta được cần đến chưa bao giờ phai nhạt cả - cũng như là nỗi sợ hãi bị cự tuyệt vậy. Sâu thẳm trong tâm trí ta, sự chấp nhận chưa bao giờ là một điều chắc chắn; vẫn luôn có đó những đe dọa mới đối với sự vẹn tròn của tình yêu. Nguồn gốc của nỗi bất an này nếu nhìn từ bên ngoài có thể thật nhỏ nhoi. Có thể là người kia đi làm vào khung giờ bất thường; hoặc là người ta vui vẻ nói chuyện với một người lạ trong buổi tiệc; hoặc đã khá lâu rồi hai người chưa ân ái. Có lẽ người ấy không còn quá nồng nhiệt với ta nữa khi mà ta bước vào căn bếp. Hoặc chăng họ không buồn mở miệng nói chuyện cùng ta trong suốt nửa tiếng đồng hồ.
Ngay cả sau nhiều năm ở bên một ai đó, ta vẫn có thể cảm thấy thật khó khăn và sợ hãi khi gặng hỏi bằng chứng về việc ta được cần đến – nhưng thêm vào đó là sự phức tạp đến kinh khủng: giờ thì ta cho rằng không thể nào lại tồn tại một sự lo lắng như vậy. Điều này khiến ta khó có thể nhận biết được cảm giác bất an trong lòng mình, đặc biệt là nếu như chúng bị kích thích bởi một vấn đề “thật nhỏ nhặt”, chứ đừng nói đến việc trao đổi với người khác theo những cách thức sẽ mang đến cơ hội giành được sự thấu hiểu và cảm thông mà ta hằng khao khát.
Ta không bao giờ vượt qua được cái nhu cầu cần được chấp nhận này. Đây không phải là lời nguyền dành cho sự yếu đuối và không tương xứng. Bất an là dấu hiệu của sự lành mạnh; điều đó có nghĩa là ta không cho phép mình lợi dụng người khác. Điều đó có nghĩa là ta đủ thực tế để thấy rằng sự việc có thể trở nên tồi tệ - và rằng ta đủ cố gắng để quan tâm tới. Ta nên dành ra thời gian, có thể là thường xuyên như vài giờ một lần, khi ta cảm thấy không ngại ngùng và chính đáng trước việc yêu cầu một lời khẳng định. ‘Anh thật sự cần em; liệu em có còn muốn anh không?’ nên trở thành lời yêu cầu bình thường nhất. Ta nên xóa bỏ những mối liên hệ tới sự chỉ trích và hình ảnh người đàng ông chân chính xoay quanh cái từ ‘cần được thương yêu’ – và nhận ra tâm trạng cho điều này là gì: một dấu hiệu của sự trưởng thành và lành mạnh.
8. Tội lỗi
Ở trong tâm trạng này, ta nhận biết toàn bộ cảm giác chán nản và buồn phiền về hành vi của mình. Hầu hết thời gian, ta có khuynh hướng tích cực xua đi những suy nghĩ tự buộc tội bản thân. Khi ta đối mặt với lời cáo buộc của người khác, ta thường giận dữ bảo vệ mình: rằng đó đâu phải lỗi của ta; ta không đáng bị buộc tội; ta chẳng làm gì hết cả. Nhưng giờ đây, ta đã sẵn sàng hơn trước trong việc thừa nhận theo nhiều cách khác nhau rằng ta đã hành xử thật tồi tệ và mới thật ngu ngốc làm sao.
Ta có thể thừa nhận rằng ta đã phạm nhiều sai lầm. Rằng ta đã làm tổn thương người khác: chẳng hạn như ta chẳng thèm hồi âm trước những tin nhắn hỏi thăm. Hay có những tình bạn mà ta để cho trôi đi không vì một lý do lớn lao nào cả. Cũng có thể đó là những bí mật mà ta từng phản bội; những người mà ta từng cười nhạo và xem thường. Ta đã làm kha khá những điều xấu xí và tự biến mình thành kẻ ngốc.
Thường thì, cái tâm trạng này sẽ đi quá xa. Ta vùi dập bản thân mình không vì một lý do chính đáng nào hết cả. Ta khắc nghiệt đối với bản thân hơn so với những người bạn khác. Ta dường như cứ xoáy sâu vào cái ký ức thời thơ ấu mà tại đó người khác không mấy nghĩ tốt về ta, hay về những người mà ta không thể làm vừa lòng. Ta bắt đầu tự miệt thị mình: ‘Mi đúng là đồ chuột nhắt,’ ta có thể sẽ tự nhủ với mình như vậy. Sự chán ghét bản thân trở thành một cơn nghiện đáng sợ, làm sao nhãng ta khỏi cái nghĩa vụ chuộc lỗi và trưởng thành.
Sự tự trách không tồn tại vì mục đích nào cả, nhưng một chút cảm giác tội lỗi có những ý nghĩa nhất định về mặt trưởng thành. Dưới tác động của nó, ta tránh được những rủi ro của việc tự cho mình là đúng. Điều khiến cho con người ta thất vọng không phải là vì họ phạm sai lầm, mà là bởi họ từ chối thừa nhận chúng với một thái độ khoan dung.
Trong tâm trạng tội lỗi, ta thừa nhận sai lầm của mình và chọn chỗ đứng cho mình trong cộng đồng những kẻ tội đồ trên thế gian này. Ta nhận ra ta có thể trở nên kinh khủng đến nhường nào – vào trong quá trình đó, ta đảm bảo rằng mình sẽ không tiếp tục tái phạm trong tương lai nữa.
9. Biết ơn
Thói quen thông thường của tâm trí là cẩn thận ghi nhớ những điều không được đúng đắn trong cuộc đời mình và ám ảnh với tất cả những gì không có được.
Nhưng trong một tâm trạng mới, có thể là sau rất nhiều những khát khao và rối loạn, ta dừng lại và nhận thấy một số điều – cũng thật đáng kể - không phải là sai lầm. Ngôi nhà thật xinh đẹp trong khoảnh khắc này. Ta ở trong tình trạng sức khỏe tốt, mọi chuyện đều được tính đến. Nắng chiều thật dễ chịu. Đôi khi bọn trẻ rất ngoan. Người bạn đời của ta – đôi khi – thật tuyệt vời. Gần đây khá ôn hòa. Hôm qua, ta đã được hạnh phúc cả buổi tối. Ta cũng yêu công việc của mình ở thời điểm hiện tại.
Lòng biết ơn là thứ tâm trạng lớn lên cùng với tuổi tác. Thật hiếm khi ta thấy vui thích trước một nhành hoa hay một buổi tối yên ả ở nhà, một tách trà hay một chuyến đi bách bộ trong rừng cây nếu ta mới tròn hai mươi tuổi. Bởi vẫn còn có những điều lớn lao hơn, vĩ đại hơn để mà bận tâm tới: tình yêu lãng mạn, thành tựu sự nghiệp và việc thay đổi quan điểm chính trị.
Tuy nhiên, rốt cuộc ta lại hiếm khi hoàn toàn thờ ơ trước những điều nhỏ bé. Dần dần, hầu như tất cả những khát vọng lớn hơn và trước đó của ta đều bị đánh bại, có thể là bởi một thất bại lớn. Một ai đó có thể gặp phải những vấn đề khó khăn trong mối quan hệ thân tình. Một ai đó có thể phải vật lộn trước khoảng cách về kỳ vọng nghề nghiệp và những thực tế có sẵn của mình. Một ai đó có thể có được cơ hội quan sát thế giới này chậm rãi và kiên trì thay đổi theo hướng tích cực ra sao. Một ai đó hoàn toàn thấy được sự điên cuồng và gian manh loài người – và với sự lệch lạc, ích kỷ và điên rồ của một con người.
Và do vậy, ‘những điều nhỏ bé’ bắt đầu trở nên khác biệt; không còn là một sự sao nhãng nhỏ nhoi khỏi đích đến vĩ đại, không còn là một sự miệt thị trước tham vọng lớn lao, mà là một sự thỏa mãn chân thật giữa những chuỗi dài khó khăn và những âu lo, và cách xa những lời tự phê bình, một chốn an yên nhỏ bé dành cho hy vọng giữa biển cả chán chường. Ta trân trọng một lát bánh mì, một cuộc gặp gỡ thân tình, một bồn tắm nước nóng, một buổi sớm mùa xuân – và sẽ ghi nhớ rằng mọi chuyện còn có thể tệ hơn thế rất nhiều, và có lẽ sẽ thực sự xảy ra vào một ngày nào đó.
10. Yêu mọi người
Điều này không xảy ra thường xuyên; ta dành phần lớn cuộc đời ta quan tâm chủ yếu tới bản thân mình, về sự sống còn của ta và thành công của ta, được xác định một cách hẹp hòi. Tuy nhiên, trong những lúc hiếm hoi, ta bắt đầu nghĩ về người khác theo một cách giàu tưởng tượng hơn. Thay vì chỉ trích và tấn công, ta cảm thấy tự do để yêu thương một cách ngẫu nhiên và hào phóng. Ta nhận thấy rằng phản ứng thích hợp đối với nhân loại không phải là sợ hãi, hoài nghi hay gây hấn, mà vẫn luôn là sự cảm thông. Thế gian này tự bộc lộ mình tương đối khác: một nơi chốn của những đau khổ và nỗ lực sai lầm, đầy những người cố gắng để được lắng nghe và chỉ chăm chăm công kích người khác, nhưng đó cũng là một nơi chốn của sự dịu dàng và khao khát, của cái đẹp và sự mong manh.
Từ góc nhìn này, địa vị không là gì hết cả, tài sản cũng chẳng có nghĩa lý chi, những bất bình đánh mất sự cấp bách của nó. Nếu một số người nhất định có thể gặp chúng ta vào thời điểm này, họ hẳn sẽ choáng ngợp trước sự thay đổi của ta và trước sự ấm áp và thấu hiểu mà ta vừa đạt tới.
Ta sẵn lòng nhìn xa hơn vẻ bề ngoài không mấy hấp dẫn của người khác – nhằm tìm kiếm cái con người dịu dàng, thú vị, sợ hãi và lo lắng bên trong. Thường thì, nếu có ai đó làm ta tổn thương, ta sẽ xem người đó là kẻ tồi tệ; cái ý nghĩ rằng họ có thể cũng cảm thấy đau đớn trong lòng nghe sao thật lạ. Nếu một người trông kỳ quặc, ta sẽ thấy rằng thật quá khó để nhận ra rằng sâu thẳm bên trong họ có nhiều điều khiến ta xúc động. Nhưng trong tâm trạng yêu thương mọi người, ta có thể đón nhận một người có bề ngoài không hấp dẫn, và cố gắng hình dung họ như một đứa trẻ đang hồn nhiên chơi đùa trên sàn phòng ngủ. Ta có lẽ sẽ cố gắng mường tượng ra hình ảnh mẫu thân của họ, không lâu sau khi sinh ra họ, đang ôm ấp họ trong vòng tay của bà, đắm chìm trong tình yêu mãnh liệt dành cho sinh mệnh bé nhỏ này. Hay cũng có thể, say khướt và bất tỉnh, phớt lờ tiếng khóc tuyệt vọng của bé con. Ta có thể sẽ thấy một người giận dữ trong một nhà hàng đang gay gắt lên án về việc phần sốt cà của họ bị trình bày sai chỗ trên chiếc đĩa thức ăn - nhưng thay vì phê phán và cảm thấy bản thân tuyệt vời hơn, ta có thể sẽ cố tạo nên một câu chuyện về việc tại sao con người ấy lại trở nên quá quắt như vậy, và họ hẳn phải cảm thấy bất lực đến nhường nào trong một thế giới nơi mà một điều gì đó (và không phải là điều mà họ than vãn) đã làm họ thất vọng đến tột cùng.
Việc cảm nhận tình yêu thương nhân loại là điều hiếm hoi, nhưng ta nên để nó nhắc cho ta nhớ về một bài học đáng kinh ngạc và quan trọng: rằng với một trí tưởng tượng phù hợp, ta có thể nhìn thấy được mặt đáng yêu ở hầu hết mỗi con người.
11. Lo lắng
Sự lo lắng là một trạng thái cơ bản và không ngừng lặp đi lặp lại vì những lý do chính đáng: bởi vì ta là những sinh vật sống có thể bị tổn thương nặng nề về mặt thể xác, một hệ thống phức tạp của những cơ quan yếu ớt đều đang chờ đợi tới lúc cuối cùng cũng để ta gục ngã thê thảm ở vào cái thời điểm mà chúng lựa chọn. Bởi vì ta không có đủ thông tin để đưa ra những quyết định quan trọng về cuộc sống. Bởi vì ta có thể tưởng tượng quá nhiều so với cần thiết và sống trong xã hội bị thống trị bởi tham vọng nơi mà sự ganh ghét và cảm giác không yên lòng chưa bao giờ chấm dứt. Thật là không cần thiết – trên cả những điều khác – khi lo lắng về việc ta lo lắng. Cái tâm trạng ấy không phải là dấu hiệu của việc cuộc đời ta đã đi sai hướng, nó chỉ có nghĩa là ta vẫn đang sống mà thôi.
Ta nên cẩn trọng hơn khi theo đuổi những điều mà ta tưởng rằng sẽ không khiến ta lo lắng. Ta có thể sẽ rơi vào đó bằng mọi cách, nhưng sẽ vì bất kỳ nguyên do nào ngoại trừ sự điềm tĩnh trong tưởng tượng – và với một chút ít hơn sự hăng hái và một chút nhiều hơn sự hoài nghi. Ta sẽ vẫn lo lắng khi mà ta cuối cùng có được một ngôi nhà, tình yêu và thu nhập hợp lý.
Ta nên hoàn toàn miễn cho bản thân mình cái gánh nặng của sự cô độc. Ta không phải là người duy nhất phải đối mặt vấn đề này. Ai cũng bất an hơn những gì mà họ sẵn sàng thổ lộ cùng ta. Ngay cả những ông chủ doanh nghiệp và những người đang yêu cũng ít nhiều vật vã. Ta đều đã thất bại trong việc thừa nhận với chính mình về việc bao nhiêu hoang mang thì được xem là đủ.
Ta cần phải học cách cười trước những lo âu của riêng mình – tiếng cười là biểu hiện hoa mỹ của sự khuây khỏa khi mà cho đến nay nỗi đau khổ cá nhân được phù phép thành câu chuyện cười theo công thức xã hội. Ta phải chịu đựng điều đó một mình. Nhưng ít nhất ta cũng có thể giang rộng vòng tay với xóm giềng cũng chịu tra tấn, tổn thương, và hơn hết, là lo lắng giống như ta, như khi ta nói rằng, theo một cách ân cần nhất: ‘Tôi biết chứ…’
Nỗi lo lắng xứng đáng được nhận sự tôn trọng lớn hơn: Đó không phải là dấu hiệu của sự suy đồi. Nó là một loại kiệt tác của cái nhìn sâu sắc: một biểu hiện hợp lý của sự hiện diện khó lòng lý giải nổi của ta trong một thế giới hỗn loạn và không chắc chắn nhường này.
12. Mộng mơ
Đây là thứ cảm xúc mà có lẽ ta sẽ muốn dành thật nhiều thời gian để nhìn ra ngoài ô cửa sổ - gần như là không làm gì cả, nhưng thực ra, đang bận rộn với vô số điều.
Ta có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân vì cứ mải mê nhìn ra ngoài cửa sổ. Ta đáng lý ra phải làm việc, học tập, hay tích vào những mục đã hoàn thành trong danh sách những việc cần làm. Có vẻ như đây đúng là một ví dụ lý tưởng cho cái thứ gọi là lãng phí thời gian.
Nhưng việc mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, ngược đời thay, không phải là để tìm xem điều gì đang diễn ra bên ngoài kia. Mà, thực ra, là hành động khám phá những điều đang diễn ra trong tâm hồn ta.
Thật dễ dàng để tưởng tượng rằng ta biết những gì mình nghĩ, những gì ta cảm nhận hay điều gì đang diễn ra trong đầu óc chúng ta. Nhưng hiếm khi ta hoàn toàn làm nổi điều này. Còn có quá nhiều điều làm nên con người ta mà vẫn chưa từng được khám phá và vận dụng đến. Đó là tiềm năng vẫn chưa được chạm tới. Nó vẫn còn luẩn khuất và không hề xuất hiện dưới sức ép của sự chất vấn trực tiếp.
Nếu như ta làm đúng, việc mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ sẽ mang tới cho ta một phương thức để lắng nghe những gợi ý và quan điểm tĩnh lặng hơn từ bản thể mình. Plato gợi ý một phép ẩn dụ dành cho tâm trí: những suy nghĩ của ta cũng giống như là lũ chim đang run rẩy trong chiếc lồng bộ não. Nhưng muốn để cho lũ chim an tĩnh lại, Plato hiểu rằng ta phải cần tới những giai đoạn bình yên không mục đích.
Một tâm trạng mơ màng mang tới cái cơ hội như thế đó. Khi mà ta mộng mơ, ta nhìn thế giới này xoay vần: một đám cỏ dại kiên cường trước gió; một tòa tháp xám xịt hiện ra mờ ảo trong làn mưa phùn. Nhưng ta đâu nhất thiết phải phản ứng lại; ta không có lấy ý định thao túng toàn bộ, và do đó cái phần còn ngập ngừng trong ta có cơ hội được lắng nghe, như là tiếng chuông chùa ngân vang trong lòng thành phố khi những con phố đã trở nên vắng lặng lúc đêm về.
Cái khả năng mộng mơ giữa ban ngày không được nhận biết bởi những xã hội bị ám ảnh với năng suất. Nhưng một số tư tưởng vĩ đại nhất của ta xuất hiện khi ta thôi cố gắng để trở nên có mục đích và thay vì thế tôn trọng tiềm năng sáng tạo của sự mộng mơ. Mơ mộng là một cuộc nổi dậy mang tính chiến lược chống lại những đòi hỏi quá mức của những áp lực tức thì (nhưng rốt cuộc lại không đáng kể) – nhân danh sự kiếm tìm ngắt quãng, nhưng lại rất nghiêm túc, dành cho sự thông thái nằm sâu bên trong bản thể chưa được khám phá nơi ta.
13. Kính sợ
Những tình huống khác nhau đều có thể tạo nên tâm trạng này. Có thể ta chỉ vừa bước chân ra vườn vào ban đêm, ngước mắt nhìn lên và thấy được sự bao la vô tận của bầu trời đêm. Hay ta vừa đọc xong một cuốn lược sử về sự sống trên hành tinh này vào hàng nghìn năm trước. Hay ta vừa mới xem một bộ phim tài liệu về dòng sông băng ở Nam Cực.
Ta có được trải nghiệm về tính chất bao la (của không gian, tuổi tác, và thời gian) vượt quá sự tính toán hay lĩnh hội của bản thân và khiến ta cảm thấy mình thật vô cùng nhỏ bé. Trong phần lớn cuộc đời, cảm giác về sự nhỏ bé trong ta được trải nghiệm như là một điều nhục nhã (khi điều này xảy ra, ví dụ, như dưới cơ một đối thủ trong nghề hay một người trợ tá). Nhưng giờ đây ấn tượng về sự nhỏ bé có một tác động nâng cao tinh thần kỳ lạ và cứu rỗi sâu sắc.
Ta có được ấn tượng sâu sắc về sự hoàn toàn vô dụng và tầm thường của mình trong sự sắp đặt của tự nhiên và giải phóng ta khỏi cảm giác ngột ngạt thường trực do những tham vọng và khao khát trong ta mang lại. Ta đón chào việc được đưa trở lại vị trí của mình và không xem trọng bản thân mình quá, ít nhất không phải bởi vì làm vậy cũng cao quý và gây ấn tượng như một tảng băng mười nghìn năm tuổi hay một miệng núi lửa trên sao Hỏa.
Những điều mà cho tới nay là trọng đại trong tâm trí ta (những sai phạm của chính quyền Singapore, thái độ lạnh lùng của một người đồng nghiệp, sự bất đồng trong việc sắp đặt đồ nội thất) đều trở thành nhỏ nhặt. Xét một cách cụ thể, nỗi ưu phiền trước mắt giảm xuống; không một rắc rối, thất vọng hay hi vọng trong ta còn quá đáng kể như trước nữa. Mọi điều xảy đến với ta, hay những gì ta làm, không có nghĩa lý gì nếu nhìn nhận từ quy mô vũ trụ. Ta có được cách nhìn mà tại đó những lo lắng trong ta là hoàn toàn không thích đáng.
Sự thay đổi hoàn toàn trong ta cũng không quá quan trọng nữa. Ta hiểu rõ hơn về những sức mạnh đầy lạnh lùng và vô tình đã bào mòn mọi khía cạnh của tự nhiên và, do đó, bao gồm cả cuộc đời ta nữa. Những kế hoạch của ta, rồi cũng giống như những vách đá dưới sức ép của biển cuộn sóng gầm kia, sẽ sụp đổ và vỡ vụn. Nỗi đau khổ của ta là nỗi đau chung và không thể tránh được. Gánh nặng đầy bất công của sự tồn tại vì thế mà được vơi bớt phần nào.
14. Hoài niệm
Trong một tâm trạng nhất định, dù cho thân ta gắn liền với hiện tại, tâm trí ta lại tới một nơi nào khác. Nó bị hấp dẫn bởi vô số những lời nhận định về quá khứ và sử dụng các sự kiện ở bây giờ và ở đây chỉ để quay về những gì đã xảy ra từ rất lâu rồi.
Dường như ta đã quên mất hầu hết những điều mà ta kinh qua. Một nhiếp ảnh gia tinh thần ghi lại những bức hình của hầu hết mọi điều mà ta đã trải nghiệm: bờ vịnh gần Athens mà ta từng đặt chân tới khi còn sáu tuổi; tầng hầm trong ngôi nhà cũ trước khi ta chuyển tới nơi ở mới; ánh đèn vàng rọi xuống mặt sân bên ngoài căn phòng kí túc xá trường đại học.
Trong tâm trạng hoài cổ, ta lang thang qua những tượng đài kỷ niệm trong tâm trí, đón nhận hết thảy cả những điều đẹp đẽ lẫn đớn đau – và nếm trọn cả hai điều đó ở mức độ ngang nhau. Nỗi đau khổ không còn khả năng làm tổn thương ta nữa. Ta dường như mong mỏi cái sự mãnh liệt của chúng. Ta vẫn còn nhớ như in cái cảm giác khi mối quan hệ chấm dứt, cái nhà hàng nơi lời chia tay được nói ra, những giọt nước mắt và cái ôm lần cuối…
Ta nhận ra rằng tất thảy vẫn còn đây và ta thấy chính mình quay trở lại với những hình ảnh và khung hình mà ta không ngờ rằng vẫn còn rõ ràng đến thế. Một vài kỷ niệm thì dễ chịu hơn. Ta lại trở về hồi bảy tuổi. Đó là một sáng thứ Bảy, ánh mặt trời rọi qua rèm cửa sổ; giấy dán tường điểm xuyết những đốm hoa hồng và xanh lơ. Ta nằm dài trên sàn nhà trong lúc chờ mọi người thức dậy, nghĩ ra một trò chơi trên trang giấy lớn. Tâm trạng khi ấy là bình yên và tập trung và tràn đầy hi vọng. Hay, ta đặt chân tới New York lần đầu tiên. Khi ấy ta hẳn phải ba mươi tuổi. Đó là một tối ấm áp, như là một đêm nhiệt đới và ta lang thang trên những con phố ở Hạ Mahattan; ta vẫn còn nhớ rõ những vỉa hè, những nhà hàng, và cả hình dạng của những tòa nhà.
Trong phạm vi đầy đủ của ký ức ta thấy mình lớn lao hơn là ta vẫn nghĩ. Ở một điểm nào đó hay khi người khác đi ngang qua cuộc đời mình, ta đã gặp gỡ rất nhiều – và mặc dù tất cả đã lùi sâu vào tâm trí, chúng vẫn có thể được tái hiện lại trong sự đắm chìm trong suy nghĩ hoài niệm của tâm hồn.
15. Ám ảnh
Ta không hề có ý phóng đại khi nói rằng, tình cờ bị hấp dẫn bởi ai đó. Cũng chẳng phải là khi ấy ta rơi vào lưới tình hay gì đó. Ta cảm thấy rung động; ta (mà không hề có ác ý khi dùng cụm từ này) bị ám ảnh đôi chút.
Ta những muốn thủ thỉ với tất cả những người mà ta gặp (nếu như chuyện này nghe chừng không ngốc quá). Ta những muốn kể về nơi ta gặp gỡ người ấy, về những điều mà ta đã cùng nói đến, và những chi tiết nhỏ xinh về họ. Chỉ đơn giản nói về cái con người mà ta ngày nhớ đêm mong ấy cũng có thể làm giảm bớt nỗi bất an về ham muốn trong ta. Tâm ta không ngừng hướng về người yêu dấu: người ấy mới thật là thông minh, tử tế và dí dỏm làm sao, rằng cuộc đời của đôi ta có thể cùng mở ra (như thể ta đã kết hôn với họ và có thật nhiều con – dù cho ta thậm chí còn chưa trải qua buổi hẹn đầu tiên hay nói lấy một lời với họ).
Nỗi ám ảnh của ta bộc lộ dưới dạng thức thuần khiết và hoàn hảo của khúc nhạc về triết lý tình yêu: sự bùng nổ tương tác trong giới hạn tri thức, những trở ngại đến từ thế giới bên ngoài để khám phá sâu hơn – và niềm hi vọng vô bờ.
Tiếng nói hoài nghi muốn tuyên bố rằng những tưởng tượng mê say trong một buổi họp hay trên một chuyến tàu, trên con phố hay trong siêu thị này, chẳng qua chỉ là ảo tưởng. Nhưng sai lầm của sự ám ảnh thì tinh tế hơn, nó nằm trong việc ta dễ dàng chuyển từ việc nhận ra một vài đức tính tốt tới việc đi đến một kết luận lãng mạn ngây thơ thiếu thận trọng: rằng người lạ trên chuyến tàu hay nơi vỉa hè sẽ mang đến câu trả lời hoàn chỉnh cho những nhu cầu tình cảm trong ta.
Ta nên đón chào tâm trạng ám ảnh của bản thân. Việc ám ảnh cũng chính là sự nhận biết rằng cái con người dễ thương mà ta hình dung trong đầu là sản phẩm tưởng tượng của riêng ta: một sự sáng tạo tiết lộ nhiều về bản thân ta, hơn là về họ. Nhưng những điều về ta cũng là quan trọng. Nỗi ám ảnh giúp ta tiếp cận với lý tưởng của chính mình. Có lẽ ta không thật biết về người ấy, nhưng ta lại có được một cái nhìn sâu sắc về việc ta thực sự là ai.
16. Thích ở một mình
Bởi vì nền văn hóa của chúng ta đánh giá quá cao tính cộng đồng, nên việc phải giải thích rằng ta – đôi khi – cần được ở một mình lại trở nên mới kỳ cục làm sao.
Ta có thể cố gắng vượt qua mong muốn của mình bằng một điều gì đó liên quan đến công việc: người ta thường hiểu cho sự cần thiết phải hoàn thành một dự án. Nhưng thực ra, có một nhu cầu sâu xa và sâu sắc hơn đang thúc đẩy chúng ta: trừ khi ta cô đơn, ta có nguy cơ quên đi mất mình thật sự là ai.
Ta, những kẻ đang cảm thấy bức bí mà chẳng có thời gian cho riêng mình, lại đón nhận những người khác vô cùng nghiêm túc – có lẽ là còn nghiêm túc hơn những ai ở trong những cấp bậc đơn giản của tập tính bầy đàn. Ta chăm chú lắng nghe những câu chuyện, ta quên mình vì người khác, ta phản ứng lại với cảm xúc và sự thấu cảm. Nhưng kết quả là, ta lại không thể mãi bơi trong tình bầu bạn.
Tại một điểm nhất định, ta đã có đủ những cuộc đối thoại đẩy ta ra xa khỏi quá trình suy luận của mình, quá đủ những yêu cầu từ bên ngoài ngăn cản ta chú ý tới những rung động trong ta, quá đủ những áp lực vì sự vui tươi giả tạo mà phủ nhận tính hợp pháp của nỗi u sầu đang âm ỉ trong tâm hồn mình – và cũng quá đủ những điều lành mạnh tầm thường làm thui chột nét riêng biệt nơi ta và những khát vọng được ấp ủ bấy lâu nay.
Ta cần được ở một mình bởi vì cuộc sống bên những người khác trải qua quá chóng vánh. Tốc độ không ngừng nghỉ: với những chuyện bông đùa, những tư tưởng, và sự hứng khởi. Có đôi khi phải cần tới một giờ đồng hồ để phân tích những gì diễn ra trong vòng năm phút của đời sống xã hội. Có một điều thật lạ về tâm trí ta rằng không phải mọi cảm xúc tác động đến ta cũng đều được nhận biết, hiểu rõ hoặc thậm chí – như là nó từng – thật sự được cảm thấy. Sau khoảng thời gian ở bên những người khác, có vô số cảm giác tồn tại dưới dạng ‘chưa được xử lý’ trong ta. Có lẽ ý kiến mà ai đó đưa ra sẽ khiến ta lo lắng, thúc đẩy động lực cho những thay đổi trong cuộc sống của ta. Có lẽ một câu chuyện phiếm sẽ dẫn tới tham vọng đố kị mà xứng đáng được giải mã và lắng nghe để tiến về phía trước. Có lẽ một ai đó đã khôn khéo bắn mũi tên công kích vào ta, và ta thậm chí còn chẳng kịp nhận ra rằng mình bị tổn thương. Ta cần đến một chút thời gian tĩnh lặng để an ủi chính mình bằng việc đưa ra một sự lý giải về những sự ác tâm nhường ấy đến từ đâu. Ta vốn dĩ dễ bị tổn thương và mỏng manh hơn ta vẫn tưởng.
Với việc rút lui vào bản thể của mình, sẽ khiến ta dường như là kẻ thù của những người khác, nhưng những khoảnh khắc cô đơn của ta thực ra lại là sự tôn kính dành cho sự đẹp đẽ của tồn tại xã hội. Trừ khi ta có được thời gian cho riêng mình, ta không thể trở thành người mà ta muốn được ở bên trong số những đồng loại của mình. Ta không có được những tư tưởng độc đáo. Ta không có được quan điểm sinh động và chắc chắn. Ta sẽ - theo một cách thức sai lầm – giống như mọi người khác.
Ta bị cuốn hút trước nỗi cô đơn không phải vì ta chống đối gì nhân loại mà bởi vì ta phản ứng thích đáng với những gì mà sự bầu bạn với người khác đòi hỏi. Sự kéo dài của việc ở một mình có thể trong thực tế là một điều kiện tiên quyết đối với việc biết cách để trở thành một người bạn tốt đẹp hơn và một người đồng hành chu đáo.
17. HỜN DỖI
Dĩ nhiên, đó không phải là một nét tính cách chín chắn. Ta đã giữ im lặng khá lâu rồi. Họ cố hỏi đôi ba lần rằng ta có sao không và ta chỉ kiên quyết lắc đầu và nói (hoàn toàn không có sức thuyết phục) ‘Không có gì!’
Hờn dỗi là sự kết hợp của cơn giận vô cùng với một khao khát mãnh liệt rằng không phải trao đổi với người khác về điều khiến ta tức giận. Một người vừa có thể khao khát được thấu hiểu mà vẫn khăng khăng không chịu giải thích rõ ràng. Giải thích về bản thân mình thực ra mới là vấn đề cốt yếu: nếu như người bạn đời hay bạn bè ta yêu cầu một lời giải thích, thì đó chính là bằng chứng cho việc họ không xứng đáng để được nghe giải thích. Điều này mang lại cho người ta một đặc ân kỳ lạ khi hờn dỗi: một người chỉ hờn dỗi với người mà họ cảm thấy là sẽ hiểu được mình, nghĩa là, người mà họ tôn trọng. Đó là một món quà quà kỳ lạ của tình yêu.
Ở một vài mức độ, sự hờn dỗi cho thấy mối liên hệ với thời kỳ thơ ấu. Hồi ấy ta đâu cần phải giải thích. Những người khác nhìn thấy được điều này qua nước mắt ta, việc ta không nói ra được, và cả sự bối rối trong ta: họ tìm thấy được lời giải thích khi mà ta không có khả năng nói sõi. Đó chính là sự tử tế vĩ đại nhất – và ta thật nhớ nó.
Người có kỹ năng ăn nói lưu loát nhất có thể chỉ đơn giản không muốn giãi bày bản thân trong phạm vi một mối quan hệ hay tình bạn thân thiết; đó như thể là một sự phản bội đối với giấc mơ lãng mạn về việc được thấu hiểu mà không cần phải nói lấy một lời.
Ngay cả trong một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp, việc mong đợi một người hiểu được nỗi lòng ái nhân của họ mà không cần tới sự giải thích bằng ngôn ngữ chỉ nằm ở một mức độ nhỏ. Ta không nên giận dữ khi người thương chẳng hiểu đúng ý ta. Thay vì tuôn ra những lời lẽ khó nghe và lui về trong sự dễ chịu của tâm trạng hờn dỗi, ta nên có được sự dũng cảm – luôn luôn như vậy – để cố gắng giải thích. Ta không nên viện cớ chống lại mọi người vì đã không hiểu được một vài suy nghĩ trong đầu ta khi mà ta chẳng có đủ dũng cảm để nói điều đó ra cùng họ.
18. Ghen tị
Ghen tị là điều cấm kỵ đã quá lâu – ít nhất là trong hai nghìn năm – nên một vài người trong số chúng ta không cưỡng lại được việc tuyên bố rằng ta ‘không bao giờ cảm thấy ghen tị’. Một lời tuyên bố như vậy là bất khả thi về mặt tâm lý học. Ghen tị là thứ tâm trạng cơ bản đối với tất cả chúng ta. Và có lẽ bí quyết ở đây không phải đơn giản là chịu đựng nó, mà là học hỏi từ nó.
Ghen tị là quan trọng bởi vì nó có thể mang tới cho ta những hiểu biết về tiềm năng, niềm đam mê và hứng thú trong ta. Mỗi khi ta cảm thấy ghen tị với một ai đó, ta có được manh mối về việc tận thâm tâm ta thực sự muốn trở thành ai – và có thể trở thành. Ta không ghen tị với tất cả mọi người. Ta chỉ ghen tị với những ai mà ta cảm thấy rằng họ có thứ mà ta xứng đáng được hưởng, thứ mà ta cảm thấy có hứng thú – và điều mà có lẽ ta có thể đạt được vào một ngày nào đó. Mỗi người mà ta ghen tị đều mang đến một sự gợi ý về con người mà ta có thể trở thành trong tương lai.
Vấn đề thực sự ở đây không phải là ta cảm thấy ghen tị, mà là ta ghen tị theo cách thức bồng bột và vô ích. Trước hết, ta vô cùng xấu hổ trước sự ghen tị của bản thân, và do đó có khuynh hướng che giấu cảm xúc từ tâm ý thức của mình. Hai là, ta không tin rằng có thể học hỏi được điều gì đó từ sự ghen tị, và vì vậy mà ta hi vọng rằng tâm trạng này sẽ qua đi, như một trận cúm tai quái.
Và ba là, ta bắt đầu ghen tị với những cá nhân nhất định về mọi mặt, trong khi thực ra, nếu ta dành ra một phút để bình tĩnh phân tích cuộc đời họ, ta sẽ nhận thấy rằng đó chẳng qua chỉ là một phần nhỏ những gì họ làm mới thực sự vẻ vang, và có thể định hướng, cho bước đường tiếp theo của ta. Có lẽ ta chẳng ham hố gì toàn bộ cuộc đời của ông chủ nhà hàng, mà chỉ là những kỹ năng người đó có được để xây dựng nên đế chế ấy. Hoặc là ta không hẳn mong trở thành một nghệ nhân làm gốm, nhưng ta có lẽ muốn có thêm một chút vui chơi trong thời gian làm việc của một hình mẫu mà ta đọc được ở đâu đó trên một trang báo.
Ta càng đào sâu vào nỗi ghen tị của bản thân, ta càng ít gắn bó với cuộc sống thực tế của những con người cụ thể đã gợi ra thứ cảm xúc ấy trong ta.
Những phẩm chất mà ta ngưỡng mộ ở người khác không chỉ thuộc về những phần rất cụ thể, rất hấp dẫn mà ta phát hiện ra nơi họ. Những phẩm chất ấy có thể được theo đuổi với một mức độ ít hơn, yếu hơn (nhưng vẫn thực tế) ở cả những nơi khác nữa, mà sẽ mở ra triển vọng tạo lập nên những phiên bản nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn, và thực tế hơn của những cuộc đời mà ta hằng ngưỡng mộ.
19. Cô đơn
Không có mấy lời thú nhận lại đáng hổ thẹn hơn việc chúng ta đang ở trong một tâm trạng cô độc. Giả định thiết yếu ở đây là không một người đáng kính nào lại từng cảm thấy cô đơn - trừ khi họ chuyển tới sinh sống tại một quốc gia khác hay rơi vào cảnh góa bụa. Nhưng thật ra, một mức độ cô đơn lớn là một phần không thể thiếu của việc trở thành con người nhạy cảm, mẫn tuệ. Đó là tính năng tích hợp của một sự tồn tại phức tạp.
Sẽ cần tới rất nhiều cố gắng để lắng nghe người khác và trở nên đồng cảm với những trải nghiệm của họ. Ta không nên kết tội người khác vì những lỗi lầm của họ trong việc không chú ý tới ta. Họ có lẽ cũng muốn gặp gỡ ta, nhưng ta nên chấp nhận nỗ lực để duy trì chủ đề về cuộc đời họ như là trọng tâm của cuộc đối thoại.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ tìm thấy một người cũng đồng điệu với tâm hồn mình: ta sẽ khao khát sự hoàn toàn đồng điệu, nhưng vẫn luôn còn đó sự bất nhất bởi vì chúng ta xuất hiện trên trái đất này vào những thời điểm khác nhau, là sản phẩm của những gia đình và trải nghiệm khác nhau và chỉ đơn giản là không cùng được tạo ra từ cùng một khuôn mẫu. Vì vậy họ sẽ không có cùng suy nghĩ với ta khi bước chân ra khỏi rạp chiếu bóng. Và khi nhìn lên bầu trời đêm, ta những muốn họ thốt lên một lời gì đó thật lãng mạn và đẹp đẽ, thì có lẽ họ lại nhớ về một chi tiết đầy đau đớn tầm thường và không mấy thích hợp trong đời sống gia đình (hoặc ngược lại). Đó – gần như – là một chuyện nực cười.
Một khi ta chấp nhận nỗi cô đơn, ta có thể có được sự sáng tạo: ta có thể bắt đầu gửi đi những thông điệp ở trong chai: ta có thể hát, viết thơ, viết sách và blog, các hoạt động bắt nguồn từ sự nhận thức rằng những người xung quanh ta sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn hiểu được ta nhưng mà những người khác – tách biệt khỏi thời gian và không gian – thì có thể.
Nỗi cô đơn khiến ta có được cơ hội tạo dựng bản sắc của riêng mình. Nó nâng tầm những cuộc đối thoại ta tự thực hiện với chính mình, nó mang đến cho ta một tính cách. Ta không lặp lại những điều mà mọi người khác nghĩ. Ta tự xây dựng cho mình một quan điểm. Có thể vào lúc này ta cô độc, nhưng ta sẽ có khả năng kết nối gần hơn, thú vị hơn với bất kỳ ai mà ta nhận định.
Nỗi cô đơn chỉ đơn giản là cái giá mà ta có lẽ phải trả cho việc duy trì một cái nhìn chân thành, tham vọng về việc tình bè bạn phải và có thể là gì.
20. Hổ thẹn
Ta biết rằng ta đã làm một điều gì đó không được hay ho cho lắm – và có lẽ rất tệ là đằng khác. Có lẽ ta sẽ cố xóa sạch cảm giác tội lỗi. Ta những muốn nói với bản thân rằng mình chẳng làm gì sai cả - và rằng những kẻ khác đang làm nhặng xị hết cả lên. Nhưng giờ đây khi ta ở trong một tâm trạng thành thật hơn, ta có thể thấy rằng thực ra ta đã làm người khác thất vọng hoặc là cho họ lý do vô cùng chính đáng để chán ghét ta và tức giận với ta. Ta chấp nhận hình ảnh về bản thân mình mà tại đó, thật đáng buồn thay, ta phải thừa nhận rằng ta thật khó, thậm chí thật kinh khủng, khi ở bên.
Hậu quả tức thì của nỗi hổ thẹn trong ta chắc chắn là sự tự dối mình. Ta sâu sắc nhận ra rằng ta có điều gì đó cần che giấu. Ta tạo ra một giải thuyết phóng đại rằng mọi chuyện vẫn tốt đẹp; ta bật cười bất an trước những lời thắc mắc; lời cáo trạng khiến ta nổi đóa – chính xác bởi vì ta biết rằng họ nói hoàn toàn đúng. Sự xấu hổ khiến cho ta né tránh, cáu gắt, lo lắng và lạnh lùng.
Tuy nhiên, trên thực tế, ta những muốn thú nhận, xin lỗi và thừa nhận – nhưng thật khó khi phải bộc lộ tâm tình, bởi vì ta lo sợ trước phản ứng chỉ trích từ người khác. Ta đâu cần phải nghe rằng ta quả là đứa ngốc, hay một kẻ kinh khủng, ích kỷ hoặc vô trách nhiệm; ta rõ ràng là đã nhận thức sâu sắc được điều đó. Ta chỉ muốn được nghe người khác nói ra những lời lẽ tốt đẹp mà ta vẫn thường tự nhủ với chính mình.
Điều mà ta hằng tìm kiếm là thứ, mà trong tôn giáo, được gọi là lời xá tội: sự thứ tha gắn liền với sự nhận thức sâu sắc của chính ta về những sai lầm mà mình đã gây ra. Trong một thế giới lý tưởng, nếu như ta thú nhận sạch sẽ, họ sẽ mủi lòng; nếu như ta thừa nhận nỗi buồn đau và tủi hổ của bản thân, họ sẽ gạt sang bên sự khinh thường và phẫn nộ của mình.
Việc được tha thứ không có nghĩa là ta muốn làm gì cũng được. Ta chỉ đơn giản thầm ước rằng nỗi đau khổ của ta trước những việc mình làm có thể được nhìn nhận một cách thích đáng và do đó có thể đưa ta tới con đường cứu chuộc. Nói tóm lại, và với một sự chân thành tuyệt đối, ta thật lòng xin lỗi.
Dịch: December Child
Nguồn: http://www.thebookoflife.org/twenty-moods/