Gửi những người không thích nói chuyện phiếm: không sao, vẫn ổn

gui-nhung-nguoi-khong-thich-noi-chuyen-phiem-khong-sao-van-on

Có một dạo tôi thường xuyên đến nhà thờ. Đó là một nhà thờ với một thánh đường nhỏ, sẫm màu, được trang trí bằng những ô cửa kính màu sắc tuyệt đẹp.

Có một dạo tôi thường xuyên đến nhà thờ. Đó là một nhà thờ với một thánh đường nhỏ, sẫm màu, được trang trí bằng những ô cửa kính màu sắc tuyệt đẹp. Các nghi lễ ở đây khá yên tĩnh, trang trọng, không ồn ào, không có những tiếng vỗ tay hay la hét như một số nhà thờ khác. Tôi thích sự tĩnh lặng trong khoảng thời gian này cùng những sinh hoạt hằng ngày mà tôi có thể đoán được trước.

Tuy nhiên, nhà thờ vẫn là chốn công cộng, do đó không gian yên tĩnh yêu thích của tôi kéo dài không bao lâu lại phải nhường chỗ cho bầu không khí ồn ã, náo nhiệt, và điều này khiến tôi khá bối rối. Khi buổi lễ kết thúc, tiếng ồn và sự hỗn loạn bỗng nhiên nổ ra như một ngọn núi lửa. Ngay lập tức, vị mục sư giải tán chúng tôi, mọi người đứng dậy và bắt đầu dịch chuyển, lấy áo khoác, dắt những đứa trẻ và tiến về lối giữa nhà thờ. Mọi người nói, nói, và nói, họ càng nói nhiều hơn khi tập trung thành nhóm nhỏ. Họ thường không di chuyển về phía lối ra mà sẽ chỉ đứng đó nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện.

Tôi là người duy nhất đi về phía cửa, miệng không ngừng xin đường trong khi cố gắng chen qua đám đông để đến được lối ra. Tôi ghét phải là người đầu tiên bước ra ngoài. Tôi không quen biết bất cứ ai, nhưng liệu rằng họ có nghĩ tôi là một kẻ hợm hĩnh khi đã không dừng lại để nói chuyện với họ?

Thông thường, sau khi kết thúc mỗi buổi lễ, vị mục sư sẽ đứng ngoài cửa để bắt tay mọi người tiễn họ ra về. Tôi tự hỏi không biết ông ấy nghĩ gì về tôi, một kẻ nhanh chóng lao ra ngoài trong khi những người khác vẫn còn lảng vảng ở lại? Tôi tự hỏi liệu ông ấy có nghĩ rằng tôi không hài lòng với buổi lễ này, hay không hài lòng với ông ta không?

Nhưng lựa chọn khác của tôi có thể là gì? Đứng giữa các nhóm nhỏ mà không có ai để nói chuyện cùng chăng? Nếu họ bàn luận về bài giảng hoặc những suy nghĩ về ý nghĩa của đức tin trong cuộc sống của họ, có lẽ tôi sẽ lấy hết can đảm để tham gia. Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện thường không như vậy, đó thường là những cuộc nói chuyện phiếm cùng những lời giễu cợt rỗng tuếch.

Trên đường về trường, tôi muốn được thả hồn vào những suy nghĩ về những trải nghiệm lúc ở nhà thờ và về bài giảng. Suy nghĩ về những điều này diễn ra như một bữa tiệc trong đầu tôi. Tuy nhiên, tôi không thể tận hưởng được dòng suy nghĩ này nhiều vì thỉnh thoảng, những lo lắng về việc liệu tôi có xúc phạm mọi người ở nhà thờ hay không xen lẫn vào tâm trí tôi.

Những cuộc tra tấn ở khắp mọi nơi

Hiện tại, tôi không còn đến nhà thờ nữa, nhưng tôi vẫn thấy mình lạc lõng trong đám đông mỗi khi tham dự sự kiện nào đó một mình. Mọi người đang chờ đợi để được vào trong hoặc đi loanh quanh để tìm các nhóm nhỏ và nói chuyện. Còn tôi chỉ đứng đó một mình, lấp ló như một kẻ thua cuộc đáng thương. Bởi đó có phải những điều mà sự cô đơn nói với tôi không? Rằng tôi không có bạn bè, hoặc không ai muốn nói chuyện với tôi. Chắc chẳng có sự sỉ nhục nào lớn hơn vậy, đúng không?

Ngay cả khi văn phòng của tôi sắp xếp hội trường để tổ chức một cuộc họp, khi tôi biết mọi người đều đang ở đó, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Trong lúc đợi để vào bên trong, chúng tôi sẽ đứng ngoài hành lang theo từng nhóm nhỏ nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện. Nhóm thì thảo luận về công thức nấu ăn và các chi tiết của mỗi món ăn mà họ từng ăn ở một nhà hàng địa phương nào đó, nhóm thì bàn bạc về bảo hiểm xe hơi và kể nhau nghe về những câu chuyện lái xe với những hành động khua tay múa chân để minh họa.

Ôi, thật sự ám ảnh!

Nhưng tôi buộc phải lựa chọn giữa việc chịu đựng những cuộc nói chuyện rỗng tuếch hay phải đứng một mình như một kẻ thất bại, hoặc tệ hơn, một kẻ hợm hĩnh. Và vì vậy, tôi thường chọn cách cố gắng tham gia vào những cuộc nói chuyện đó hoặc đứng ngoài rìa của một nhóm và giả vờ như tôi thực sự tham gia vào cuộc thảo luận, trong khi tôi ước gì mình có thể biến mất khỏi đây. Đôi khi tôi cũng phát hiện một nhóm khác có kẽ hở rộng hơn, tôi cố tình len lỏi qua đó một cách ngẫu nhiên và hy vọng không ai thấy tôi làm điều này. Tôi phải hòa nhập, để trông như tôi thuộc về một nơi nào đó.

Tôi không thể để ai nhìn thấy tôi đang đứng một mình được.

Nhà tù trong tâm trí tôi

Rồi một ngày, tôi thấy mình không còn chịu đựng được nữa. Tôi đã quá mệt mỏi khi phải cố gắng hòa mình vào một đám đông những người đang diễn tập hỏa hoạn ở tòa nhà văn phòng; một nhóm người chìm đắm trong một bộ phim truyền hình mà tôi chưa từng xem; một nhóm đang la hét, đùa giỡn về một tổ kiến; hay một nhóm khác đang kể chuyện về người đàn ông nào đó mà sẽ không bao giờ có hồi kết.

Tuy nhiên, lần này, thay vì cố gắng chen vào và giả vờ hòa nhập, tôi chỉ lùi lại phía sau và đứng một mình. Không ai chú ý đến hành động của tôi. Không ai nhìn tôi với ánh mắt thương hại hay khinh bỉ. Không ai đuổi theo truy hỏi tôi rằng tại sao tôi lại im lặng như vậy; hay liệu rằng tôi có ổn không. Họ quá bận rộn để nói chuyện với nhau.

Trên thực tế, họ dường như lãng quên mọi thứ xung quanh, đến nỗi anh chàng gọi chúng tôi trở lại tòa nhà đã phải hét lên nhiều lần trước khi có ai đó nhìn lên. Khi quan sát kỹ hơn, tôi nhận ra rằng tôi không hề đơn độc khi đứng một mình phía sau đám đông. Một vài người khác cũng như tôi, cũng đang đứng ở đó, một mình. Và không ai để ý đến chúng tôi cả.

Bây giờ, tôi đã hiểu làm cách nào để một kẻ móc túi có thể hành động mà không bị ai phát hiện. Tôi hiểu rằng những giáo dân ở nhà thờ đó không bị xúc phạm bởi việc tôi rời đi, mà thậm chí họ còn không quan tâm đến việc tôi có rời đi hay không. Tôi nhận ra rằng tất cả thời gian qua tôi đã thu mình lại như một bóng ma.

Ngay cả khi họ có chú ý đến tôi, điều đó có ý nghĩa gì chứ? Tôi vẫn là tôi, là một người hướng nội. Tôi không phải người hay nói chuyện phiếm, và tôi cũng không có gì phải xấu hổ với điều đó. Tôi không muốn lấp đầy khoảng thời gian nhàn rỗi của mình bằng những cuộc nói chuyện, và điều đó không làm cho tôi trở nên khiếm nhã, không khiến tôi trở thành một kẻ thua cuộc hay hợm hĩnh.

Ai đã đặt ra những quy luật này? Ai cho rằng đứng một mình là kỳ quặc? Dù đó là ai đi chăng nữa, tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải ngừng lắng nghe họ.

Tôi sẽ đứng một mình với sự tự hào

Giờ đây, tôi đã luyện tập được thói quen đứng một mình ra khỏi đám đông và xin một lối ra ngay sau khi một sự kiện kết thúc. Không ai để ý đến tôi. Một số người thậm chí còn đi theo sự dẫn dắt của tôi.

Tôi từ bỏ cảm giác xấu hổ và e thẹn. Việc tuân theo một cách giả tạo các chuẩn mực phổ biến của người hướng ngoại không giúp xã hội trở nên hòa nhập và chấp nhận các kiểu tính cách khác nhau. Nếu tôi mãi lo sợ về những kỳ thị liên quan đến sự im lặng và tính cách khác biệt xã hội, tôi khó có thể mong đợi người khác thay đổi suy nghĩ về những điều bình thường cũng như những điều có thể chấp nhận được. Bước đầu tiên để người khác có thể chấp nhận bạn là bạn phải chấp nhận chính bản thân mình.

Giờ đây, viễn cảnh cô đơn trong một đám đông không còn khiến tôi sợ hãi nữa. Tôi có thể đứng một mình với đầy sự tự hào.

Dịch: Ann

Nguồn: https://introvertdear.com/news/chitchat-introvert-okay/

Nguồn: A Crazy Mind

menu
menu