3 bí mật tuyệt vời để có những ký ức hạnh phúc hơn, được hỗ trợ bởi nghiên cứu
Có những ký ức hạnh phúc là một trong những bí mật để cảm thấy tốt về cuộc đời của bạn.
Bạn không thể tin tưởng vào trí nhớ của bạn.
Trí nhớ thì hay thay đổi. Mỗi lần bạn nhớ lại một chuyện gì đó, bạn sẽ viết lại nó trong đầu.
Nhưng bạn có xu hướng ngoan cố tin vào bản sao của một bản sao của một bản sao này — ngay cả khi nó không còn giống với bản gốc:
Robert Burton mô tả một thí nghiệm trong cuốn sách của ông On Being Certain: Believing You Are Right Even When You Are Not, mà tất cả những ai có quan điểm cứng rắn nên đọc. Ngay sau vụ nổ Challenger năm 1986, nhà tâm lý học Ulric Neisser đã yêu cầu 106 sinh viên mô tả bằng văn bản rằng họ đã ở đâu khi nghe thấy tiếng nổ, họ đang ở với ai, họ cảm thấy thế nào, những suy nghĩ đầu tiên của họ là gì. Hai năm rưỡi sau, cũng những sinh viên ấy được tập hợp lại và được yêu câu trả lời lại những câu hỏi đó bằng văn bản. Những bản mô tả mới được đối chiếu với văn bản gốc. Và chúng không khớp với nhau. Mọi người đã thay đổi thông tin về nơi họ đã ở, người ở bên cạnh họ, cảm giác của họ, suy nghĩ của họ. Khi được cho xem những bản trả lời gốc, mọi người đã quá gắn bó với cácký ức mới của họ đến nỗi họ thấy khó tin tưởng vào những ký ức cũ. Trên thực tế, đa số từ chối sửa lại ký ức của họ cho phù hợp với những bản mô tả gốc được viết vào thời điểm đó. Điều gây ấn tượng với Burton là câu trả lời của một sinh viên: “Đó là chữ viết tay của em, nhưng đấy không phải là những điều đã xảy ra.”
Còn lời khai của nhân chứng? Chúng thường vô giá trị:
Theo cuốn sách Why We Make Mistakes: How We Look Without Seeing, Forget Things in Seconds, and Are All Pretty Sure We Are Way Above Average:
Chẳng hạn, từ năm 1989 đến 2007, 201 tù nhân ở Hoa Kỳ đã được trả tự do thông qua việc sử dụng bằng chứng DNA. Trong số này, 77 phần trăm đã bị các nhân chứng xác định nhầm.
Nhưng trí nhớ không chỉ là thứ gì đó được sử dụng khi làm bài kiểm tra ở trường. Nó liên kết chặt chẽ với hạnh phúc:
Nhắc nhở mọi người về thời thơ ấu của họ khiến họ hành động tử tế hơn.
Hoài niệm làm tăng cảm giác về ý nghĩa cuộc sống và giảm bớt cô đơn.
Khơi gợi những ký ức cá nhân khiến mọi người có nhiều khả năng quyên góp cho từ thiện.
Hồi tưởng có tương quan với các mối quan hệ hạnh phúc.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về hạnh phúc nói điều gì là nguyên nhân lớn nhất của sự bất hạnh? Quan điểm chính của tôi được lấy từ cuốn sách bán chạy Stumbling on Happiness (Tạm dịch: Tình cờ gặp hạnh phúc) của giáo sư trường Harvard Daniel Gilbert:
Phần lớn sự bất hạnh của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta rất tệ trong việc nhớ lại một cách chính xác chúng ta cảm nhận như thế nào về các sự việc trong quá khứ, do đó chúng ta đưa ra những lựa chọn tệ hại liên quan tới tương lai.
Bạn đã từng ăn quá nhiều, uống quá chén, hay thức quá khuya, và nói rằng “Tôi không nên làm việc này vì nó khiến tôi cảm thấy kinh khủng”…và sau đó vẫn lặp lại?
Bạn sợ Thứ Hai, sợ đến phòng tập thể dục hoặc những cuộc gặp gỡ … để rồi nhận ra chúng không thực sự tệ đến thế?
Theo cuốn sách Stumbling on Happiness:
Chúng ta đánh giá quá cao việc mình sẽ hạnh phúc nhiều như thế nào vào ngày sinh nhật, chúng ta đánh giá quá thấp mình sẽ hạnh phúc nhiều như nào vào những buổi sáng thứ Hai, và chúng ta liên tục đưa ra những dự đoán thông thường nhưng sai lầm này, mặc dù chúng thường xuyên không đúng với thực tế.
Vậy giải pháp ở đây là gì?
1. Giữ một danh sách về những điều làm bạn rất hạnh phúc và rất khổ sở
Ngừng tin vào trí nhớ của bạn. Hãy viết ra mọi thứ. Cảm xúc là phù du thoáng qua. Hãy giữ bên mình một danh sách về những điều làm bạn rất hạnh phúc và rất khổ sở.
2. Nhìn vào cách những người khác phản ứng
Gilbert cũng đưa ra một gợi ý rất nhanh chóng và dễ dàng: Hãy quan sát những người khác, họ đang làm gì, và cách họ phản ứng trong khoảnh khắc đó:
Bộ ba nghiên cứu này cho thấy rằng khi con người thiếu thông tin, cần phải dùng đến trí tưởng tượng và do đó buộc phải sử dụng người khác làm người thay thế, họ đã đưa ra những dự đoán đặc biệt chính xác về những cảm xúc trong tương lai của họ, điều này cho thấy cách tốt nhất để dự đoán cảm xúc của chúng ta vào ngày mai đó là hãy nhìn xem những người khác đang có cảm xúc như thế nào ngày hôm nay.
Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, bạn không phải là một bông tuyết độc nhất vô nhị đâu. Chúng ta giống mọi người nhiều hơn là khác biệt với họ. Đừng chống lại, mà hãy chấp nhận điều này. Nó có thể là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều:
Tất nhiên, điều trớ trêu là sự thay thế là một cách thức rẻ tiền và hiệu quả để dự đoán những cảm xúc trong tương lai của một người, nhưng vì chúng ta không nhận ra tất cả chúng ta giống nhau đến mức nào nên chúng ta từ chối phương pháp đáng tin cậy này và thay vào đó dựa vào trí tưởng tượng của mình, vốn thiếu sót và sai lầm.
3. Sử dụng những sai sót của bộ não đế khiến cho các ký ức trở nên vui vẻ hơn
Vâng, bộ não của bạn không hoàn hảo, nhưng nó thường không hoàn hảo theo cách giống nhau. Bạn có thể sử dụng những sai sót của bộ não để có lợi cho bản thân.
Daniel Kahneman, người đã đoạt giải Nobel và là tác giả cuốn sách Thinking, Fast and Slow, đã chỉ ra rằng bộ não của bạn chỉ luôn nhớ hai điều về một sự kiện :
- Đỉnh cao cảm xúc
- Kết thúc
Theo cuốn sách The Paradox of Choice: Why More Is Less:
Nhà tâm lý học từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman và các đồng nghiệp của ông đã cho thấy những gì mà chúng ta nhớ về tính chất vui vẻ của các trải nghiệm quá khứ của chúng ta gần như được quyết định hoàn toàn bởi hai điều: trải nghiệm mang lại cảm xúc gì khi chúng ở đỉnh cao (tốt nhất hoặc tệ nhất), và có cảm xúc gì khi chúng kết thúc. Quy luật “đỉnh-kết” của Kahneman là những gì chúng ta sử dụng để tóm tắt về kinh nghiệm, và chúng ta dựa vào bản tóm tắt đó để sau này nhắc nhở bản thân về về cảm giác mà trải nghiệm đó mang lại.
Vậy làm thế nào bạn có thể lợi dụng thông tin này và có những kỷ niệm hạnh phúc hơn?
Xây dựng các sự kiện để cho đỉnh cao là tuyệt vời và kết thúc cũng tuyệt vời.
Hãy đảm bảo ngày mai sẽ có một điều bất ngờ xuất hiện và cuối ngày sẽ là một thứ gì đó tích cực.
Bộ não của bạn không phải là chiếc máy tính hoàn hảo. Những gì bạn nhớ lại sẽ không giống với những gì đã xảy ra.
Nhưng bạn có thể tận dụng nó để làm cho các ký ức của bạn tuyệt vời hơn những gì thực tế đã xảy ra.
Và có những ký ức hạnh phúc là một trong những bí mật để cảm thấy tốt về cuộc đời của bạn.
Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2013/01/what-are-the-three-secrets-to-happy-memories/