4 sự thật khắc nghiệt sẽ giúp bạn trở thành một người tốt hơn
Hãy xem xét một số thực tế khó khăn và học cách nào chúng ta có thể tận dụng nghiên cứu để biến những thứ trông giống như một hố sâu tuyệt vọng thành một tấm bạt lò xo sẽ đưa ta lên một tầm cao mới.
Tại sao mỗi khi ai đó nói rằng “hãy đối diện sự thật” bạn biết mình đang sắp phải nghe điều gì đó bạn không muốn nghe? Có lẽ bởi câu nói sáo rỗng thứ hai: “Sự thật mất lòng.”
Không ai khuyên ta chối bỏ sự thật— nhưng cũng chẳng có ai khuyên hãy trì hoãn. Và chúng ta đều có xu hướng thuộc về cả hai điều này. Chối bỏ là sự trì hoãn hiện sinh.
Nhưng vấn đề không còn đáng sợ khi ta biết có giải pháp. Chúng ta dễ dàng đối mặt với sự thật phũ phàng hơn khi ta biết có một lộ trình, và chúng ta sẽ đi ra từ phía bên kia mạnh mẽ hơn.
Vì vậy hãy xem xét một số thực tế khó khăn và học cách nào chúng ta có thể tận dụng nghiên cứu để biến những thứ trông giống như một hố sâu tuyệt vọng thành một tấm bạt lò xo sẽ đưa ta lên một tầm cao mới. Nghe tuyệt đấy chứ? Ngầu ghê.
Bắt tay vào việc nào…
1. Đoán xem nào? Bạn sẽ chết.
Vui không? Bạn sẽ chết. Ai ai cũng biết điều này nhưng chúng ta chắc chắn không sống như thể ta đã thấu suốt nó. Chúng ta hành xử như thể lúc nào ta cũng sẽ có thêm một ngày mới, một năm khác và sau đó chúng ta tự hỏi thời gian trôi đi đâu mất rồi. Bởi vì nghĩ đến cái chết thật đáng sợ.
Nhưng nhiều nhà tư tưởng vĩ đại kể cả Chủ nghĩa Khắc kỷ (và thậm chí võ sỹ samurai) tin chắc chúng ta sẽ sống tốt hơn khi ta vẫn luôn luôn ý thức về cái chết. Và khoa học cũng nhất trí:
Nghĩ về cái chết thực tế là một điều tốt. Nhận thức về cái chết có thể cải thiện sức khỏe thể chất và giúp chúng ta ưu tiên lại các mục tiêu và giá trị của mình, theo một phân tích mới của các nghiên cứu khoa học gần đây.
Đối mặt với thực tại — bạn sẽ hoàn thành được bao nhiêu việc nếu không có một deadline? Chà, chúng ta có một thời hạn chót. Ngày ta chết có thể hơi mờ nhạt nhưng hãy tin chắc rằng ngày ấy sẽ đến. Nếu chúng ta không chết thì mọi người sẽ đều trì hoãn như thế này, “Tôi sẽ đến đó vào thế kỷ sau.”
Bạn có khoảng 30,000 ngày sống và rồi bạn dùng hết. Và bạn đã tận dụng phần lớn số ngày còn sống của bạn. Cái chết đặt sự tập trung vào cuộc sống.
Nhưng chúng ta lờ cái chết đi, do vậy ta quên mất những điều quan trọng. Mất dấu những điều ưu tiên. Quên đi bức tranh toàn cảnh. Quên mất những điều ý nghĩa. Thậm chí chúng ta quên mất cả những điều vui vẻ.
Những người bạn không gặp và những ngày nghỉ chưa được sử dụng. Chúng ta không thừa nhận rằng có một điểm kết thúc và chúng ta không ưu tiên, chúng ta hoang phí thời gian — và thậm chí không theo những cách thực sự thú vị. Vâng, tôi cho rằng điều đó còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Khi Karl Pillemer ở trường đại học Cornell nghiên cứu 1200 người ở độ tuổi từ 70 - 100+, bài học lớn mà người già muốn truyền lại cho chúng ta là gì?
Tôi sẽ nói rằng bài học thứ nhất, được chứng thực bởi hầu như tất cả 1,200 người, và là bài học mà mọi người có xu hướng phản ứng dữ dội, đó là “cuộc đời rất ngắn ngủi.” …Họ muốn nhồi nhét nhận thức này vào những người trẻ, không phải để làm lớp trẻ chán nản, mà để khuyến khích chúng đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Trong lĩnh vực lão khoa, có cả một lý thuyết gọi là “lý thuyết chọn lọc cảm xúc-xã hội”. Điều họ tranh luận là một thứ làm con người ở độ tuổi 70 trở lên khác biệt với những người trẻ hơn, về mặt phát triển, là một cảm thức về ngưỡng thời gian giới hạn. Bạn thực sự nhận thức được rằng những ngày còn sống trên đời của mình được đánh số. Thay vì trở nên trầm uất, con người bắt đầu đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
Khi chúng ta nhận thức được số lượng, ta sẽ cải thiện chất lượng. Giờ đây nhà triết học Khắc kỷ Seneca không còn cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi nữa— nhưng ông đi đến một kết luận vẫn phù hợp với điều mà Karl đã phát hiện:
Không phải chúng ta có quá ít thời gian để sống, mà chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian. Cuộc sống này đủ lâu, và được trao đủ biện pháp để làm nhiều chuyện tuyệt vời nếu chúng ta tận dụng tốt. Nhưng khi ta lãng phí cuộc đời cho sự xa xỉ và bỏ bê, khi nó được sử dụng mà không mang lại kết thúc tốt đẹp nào, cuối cùng chúng ta thấy cuộc đời đã qua đi trước khi chúng ta nhận ra nó đang trôi qua. Và do đó – không phải chúng ta có cuộc đời ngắn ngủi, chính chúng ta tạo ra cuộc đời đó.
Vậy ta nên làm gì?
Sống một tháng như thể đó là tháng cuối cùng của đời bạn. Đấy là điều mà nhà nghiên cứu về hạnh phúc Sonja Lyubomirsky cho biết có thể là giải pháp. Đừng tưởng tượng bạn đang bị ung thư giai đoạn cuối— hãy tưởng tượng bạn đang sắp dọn đi xa khỏi công việc của bạn, bạn bè của bạn, gia đình của bạn, cuộc đời bạn như bạn biết đó. Khi một cái kết đang nằm trong tầm mắt, chúng ta sẽ biết ơn nhiều thứ hơn:
Nghiên cứu trước đây gợi ý rằng bài tập này sẽ khiến chúng ta hiểu rõ một cách sâu sắc những thứ mà chúng ta đang chuẩn bị từ bỏ. Khi chúng ta tin rằng mình đang nhìn thấy (hoặc nghe, làm, hoặc trải nghiệm) điều gì đó lần cuối cùng, chúng ta sẽ thấy (hoặc nghe, làm hoặc trải nghiệm) chúng như thể đó là lần đầu tiên. Thay vì đau khổ, biết rằng có một sự kết thúc làm cho cuộc sống phong nhiêu hơn.
Được rồi, những người anh em thiện lành, chúng ta đang làm những điều đúng đắn vì chúng ta không có thời gian vô hạn. Nhưng sự thật khắc nghiệt nào mà chúng ta cần đối mặt về những điều đó và thời gian đó?
2. Bất cứ điều gì đáng giá sẽ tốn nhiều nỗ lực hơn bạn tưởng
Ta đã nghe điều này cả tỷ lần: phải mất 10.000 giờ để trở thành một chuyên gia về một cái gì đó. Nhưng điều ấy không đúng. Thực tế còn tồi tệ hơn cơ…
Phải mất 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” để trở thành một chuyên gia. Bạn đã dành 10,000 giờ lái xe và bạn vẫn chưa sẵn sàng cho NASCAR. “Thực hành có chủ đích” nghĩa là bạn cần dành 10,000 giờ tập trung vào những điểm yếu của bạn và thúc đẩy bản thân đến giới hạn của mình để cải thiện chúng. Thế mới khó. Thực sự khó lắm.
Được rồi, có thể bạn không muốn vẽ nên bức hoạ Guernica thứ hai hoặc bắt đầu một công ty Google tiếp theo. Không thành vấn đề. Bạn vẫn sẽ phải đối mặt với những thử thách tốn nhiều thời gian và công sức. Câu mà mọi người hay nói là gì? “Hôn nhân đòi hỏi sự nỗ lực.” Và nuôi dạy con cái thì sao? Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng đều cho ta biết — ôi chao, rất tốn công sức.
Khi chúng ta nhìn vào những người vĩ đại trong bất cứ lĩnh vực nào, hóa ra họ đều phải đối diện với sự thật phũ phàng này. Hầu hết đều là những người nghiện việc. Rất chán nản phải không? Để thực sự nổi trội — trong sự nghiệp của bạn, như một người bạn đời, như một bậc phụ huynh— dường như bạn phải là một người nghiện việc. Vì vậy bạn sẽ bị căng thẳng, khổ sở và chết sớm…
Dĩ nhiên là không. Ít nhất là không nếu bạn làm đúng. Không đúng nếu bạn sống có đam mê và dám dấn thân. Đam mê một thứ gì đó làm cuộc sống phong phú hơn cho đến phút cuối cùng:
Những người cao tuổi có đam mê hài hòa đạt số điểm cao hơn trong nhiều chỉ số của sự điều chỉnh tâm lý, chẳng hạn như sự thỏa mãn về cuộc sống, ý nghĩa trong cuộc sống và sức sống, trong khi họ thông báo mức độ thấp hơn của những chỉ số tiêu cực của sự điều chỉnh tâm lý, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm.
Và nếu bạn chấp nhận những thử thách thì bạn sẽ không chết trẻ. Nghiên cứu Terman, một dự án nghiên cứu kéo dài 8 thập kỷ, theo dõi gần 1500 người từ lúc bé cho tới khi chết, phát hiện thấy những ai làm việc chăm chỉ hơn thì sống lâu hơn. Lười biếng và không có nhiều thành tựu? Ôi, nó sẽ giết bạn:
Những người thành công nhất là những người ít có khả năng chết ở bất kỳ độ tuổi nào. Tham vọng không phải là một vấn đề và chọn lối sống nhàn hạ là không lành mạnh. Thực tế, những người đàn ông vô tư lự, không ổn định, và không có tham vọng thời thơ ấu và chẳng hề có thành tựu nào trong sự nghiệp của họ thì nguy cơ tử vong cực lớn.
Phải thừa nhận rằng, sự cố gắng không đưa đến một cuộc sống hạnh phúc trong ngắn hạn— nhưng nó đem lại một cuộc đời đầy ý nghĩa về lâu dài:
Xem cuộc đời như một cuộc tranh đấu có tương quan tiêu cực với hạnh phúc nhưng gần như lại có mối quan hệ tích cực với ý nghĩa… Những người có cuộc sống nhiều ý nghĩa thì trăn trở nhiều hơn và gặp nhiều căng thẳng hơn những ai có cuộc sống ít ý nghĩa. Một lần nữa, chúng ta cho rằng điều này chỉ ra sự lo lắng đến từ việc dấn thân vào những hoạt động quan trọng…
Nhưng điều gì xảy ra nếu bạn không được ban tặng cho nguồn cảm hứng mãnh liệt và chưa “tìm thấy đam mê của mình”? Chà, giáo sư Cal Newport cho rằng toàn bộ quan điểm này là xàm bậy. Đối với phần lớn mọi người, bạn không “tìm thấy” hoặc “đi theo” đam mê của bạn — mà bạn xây dựng nó:
Nếu bạn tìm hiểu về những người cuối cùng cũng yêu thích công việc họ đang làm, đây là điều bạn sẽ phát hiện và nếu bạn đọc nghiên cứu về nó, bạn sẽ tìm thấy điều tương tự: Sự mãn nguyện dài lâu trong công việc đòi hỏi những đặc điểm như là một cảm giác của sự tự chủ, một cảm nhận về sự tác động đến thế giới, một cảm giác tinh thông rằng bạn làm gì cũng ngon cơm, và một cảm giác về sự kết nối trong mối quan hệ với người khác. Bây giờ, điểm mấu chốt là những đặc điểm đó không phù hợp với một phần công việc cụ thể và chúng chẳng liên quan gì đến việc kết hợp công việc của bạn với một số loại đam mê ăn sâu trong tim, có sẵn.
Bạn sẽ dành rất nhiều thời gian và công sức cho một điều gì đó trong đời. Bạn có thể phẫn nộ với nó và bỏ cuộc giữa chừng và sống qua ngày— hay bạn có thể cam kết với nó, xây dựng nó, lao vào bằng cả hai chân– và gặt hái những phần thưởng tuyệt vời.
Đừng chịu đựng cuộc đấu tranh của bạn; hãy đón nhận chúng. Hãy hướng chúng đến một mục tiêu và tạo ra ý nghĩa từ chúng.
Có vẻ hợp lý nhỉ? Nhưng một số người sẽ cho rằng bằng cách nhấn mạnh về ý nghĩa, tôi đang né tránh chủ đề hạnh phúc. Chúng ta ai cũng muốn hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì hay thay đổi và thoáng qua, chỉ xuất hiện khi nó muốn. Làm thế nào chúng ta có thể khiến hạnh phúc cứ quanh quẩn bên ta mãi mãi? Đó là điều ta muốn, phải không? Vươn đến hạnh phúc tột bậc và sống mãi ở đấy.
Điều đó dẫn chúng ta đến sự thật khắc nghiệt thứ ba…
3. Bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn
Này, tôi đã ghi “những sự thật khắc nghiệt” trong tiêu đề và bạn vẫn đọc. Đừng rên rỉ nhé. Chúng ta làm việc theo cách của mình để vượt qua những vấn đề kia, và chúng ta sẽ làm theo cách của mình để vượt qua vấn đề này. Cứ làm theo tôi…
Chúng ta luôn luôn tập trung vào liều thuốc tiên đó. Nếu tôi làm ra tiền, tôi sẽ hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi … Nếu tôi gặp được người bạn tri kỷ… Nếu tôi được thăng chức… Nếu tôi chỉ cần, nếu tôi chỉ cần, nếu tôi chỉ cần. Xin lỗi, không đúng. Trả lời sai rồi. Những lo lắng và sự khó chịu luôn luôn hiện hữu. Tại sao thế?
Rất đơn giản, bộ não của bạn không được thiết kế để có hạnh phúc vĩnh viễn. Trên thực tế, nó được tạo ra để chống lại điều đó. Đây là lưu ý của tác giả Robert Wright:
Chọn lọc tự nhiên không “muốn” chúng ta hạnh phúc, sau rốt; nó chỉ “muốn” chúng ta có năng suất/sinh sản nhiều. Và cách thức để làm chúng ta có năng suất hơn là biến mong đợi về niềm vui trở nên vô cùng mãnh liệt nhưng bản thân niềm vui thì lại không kéo dài.
Nhưng chỉ vì bạn không bao giờ chạm được đến hạnh phúc bất diệt không đồng nghĩa với cuộc sống thật tệ hại.
Nghiên cứu Grant là một trong những nghiên cứu khác theo dõi mọi người trong suốt cuộc đời của họ. Những đối tượng thành công và hạnh phúc nhất không phải được như vậy bởi vì “ngày nào họ cũng hạnh phúc.” Họ đứng ở những vị trí hàng đầu xã hội nhờ những kỹ năng đối phó của họ— khả năng xử lý những vấn đề không tài nào tránh được mà cuộc sống ném vào họ:
Những người đàn ông bộc lộ những kỹ năng “phòng vệ trưởng thành”, Vaillant báo cáo vào năm 1977, thì hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn với công việc và hôn nhân của họ, và “được chuẩn bị kỹ hơn cho công việc và tình yêu” hơn những người sở hữu những chiến lược thích nghi chưa trưởng thành. Họ có thu nhập cao hơn, phụng sự xã hội nhiều hơn, có nhiều tình bạn tốt đẹp, ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần so với những người đàn ông có kỹ năng đối phó kém trưởng thành.
Cứ khăng khăng cho rằng cuộc sống nên là chuỗi hạnh phúc bất tận là cách chắc chắn nhất để sống bất hạnh. Cố gắng hướng tới những khoảnh khắc tốt đẹp. Chấp nhận rằng sẽ có những thời khắc tệ hại. Vậy hãy tạo ra nhiều khoảnh khắc tốt đẹp hơn.
Okay, kỳ vọng rằng lúc nào cũng cảm thấy tốt hoặc một sự kiện thần kỳ nào đó sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của bạn là phi thực tế. Ít ra thì bạn có thể dựa vào người khác để giúp bạn vượt qua những giai đoạn cam go.
Vâng…
4. Mọi người sẽ làm bạn thất vọng
Tôi đã nói chúng khắc nghiệt, đúng không? Chúng ta thảo luận về những điều tiêu cực rồi sau đó chúng ta đi đến điều tích cực. Giờ bạn đã biết cách triển khai ý của tôi rồi đấy. Bình tĩnh nào. Chúa ơi.
Tôi nói đến đâu rồi? “Bị phản bội bởi những người mà bạn quan tâm nhất.” Vâng, đúng rồi. Được rồi…
Hầu hết những bí mật mà bạn đã kể cho người bạn thân nhất của bạn rằng không được nói lại cho bất cứ ai đã bị tiết lộ cho người khác. (Xin lỗi.) Và nếu bạn thực sự muốn đảm bảo rằng họ không giữ được bí mật thì nhớ nói câu này với họ, “Điều này chỉ có tớ và cậu biết thôi nhé.”
Vì điều đó khiến họ có nhiều khả năng sẽ tiết lộ thông tin bí mật:
…trong một nghiên cứu, 60 phần trăm số người thú nhận đã chia sẻ những bí mật của người bạn thân nhất của họ cho một bên thứ ba. Nghiên cứu khác phát hiện thấy một phần tư số người chia sẻ thông tin xã hội “bí mật” được tin tưởng giao phó cho họ cho ít nhất ba người khác. Thực tế, một vài dữ liệu cho thấy chỉ đơn giản mở đầu việc chia sẻ điều bí mật của bạn bằng một yêu cầu rằng (thí dụ “Làm ơn giữ bí mật về chuyện này” hay “Chỉ có tớ và cậu biết thôi”) thực tế có thể làm người bạn tâm tình có khả năng phụ lòng tin của bạn, vì bạn thực chất đang nhấn mạnh rằng thông tin được tiết lộ là đáng để buôn dưa lê, là thông tin xã hội có giá trị cao.
Vậy rõ ràng, phản ứng đúng đắn là đừng tin tưởng bất cứ ai và giữ khoảng cách với tất cả mọi người, không bao giờ gần gũi hay phụ thuộc ai …
Tồi tệ. Sai. Không đúng. Ừ thì thỉnh thoảng bạn sẽ bị ăn thịt lừa. Chào mừng đến với Trái đất. Nhưng về lâu dài chúng ta sẽ có lợi khi ta tin người nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Và chúng ta không nói về những bí mật nhỏ ở đây. Chúng ta đang bàn về những thứ lớn lao, như tiền bạc chẳng hạn:
Thu nhập đạt đỉnh điểm ở những ai tin người nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Trong một nghiên cứu có tiêu đề “Mức độ tin tưởng phù hợp,” mọi người được hỏi rằng họ tin tưởng người khác nhiều bao nhiêu trên thang điềm từ một đến mười. Thu nhập cao nhất thuộc về những người trả lời điểm 8 … Những ai chịu thiệt nhất? Đó là người có mức độ tin tưởng thấp nhất có thu nhập thấp hơn 14.5 phần trăm so với những người điểm 8. Mất mát đó tương đương với việc không học đại học.
Vì vậy, tin người sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Bạn nên làm gì với số tiền có thêm? Một lần nữa, câu trả lời là người khác. Nghiên cứu của Michael Norton ở đại học Harvard cho thấy chúng ta hạnh phúc hơn khi ta tiêu tiền cho người khác thay vì bản thân.
Mọi người sẽ khiến ta thất vọng. Đấy là cuộc sống. Thật đấy. Nhưng dẫu vậy, chúng ta vẫn thành công hơn về lâu về dài khi ta tin tưởng và tha thứ cho người khác. Các mối quan hệ là yếu tố dự báo hàng đầu của một cuộc sống hạnh phúc. Nếu thiếu lòng tin, bạn chẳng thể hạnh phúc. Nghiên cứu Grant kết luận rằng “khả năng yêu và được yêu là một sức mạnh rõ ràng nhất liên quan đến hạnh phúc ở tuổi 80.”
Vậy làm sao chúng ta quản lý được? Chúng ta không thể né tránh được những thất vọng thi thoảng xảy ra. Đó là điều bất khả thi. Nhà nghiên cứu hàng đầu về các mối quan hệ John Gottman cho biết tất cả đều quy về tỷ lệ. Ví dụ, năm tương tác tích cực cho một tương tác tiêu cực là tỷ lệ dẫn đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc. (Đọc thêm ở cuốn sách dưới đây của Gottman)
Bạn đang kỳ vọng mọi người trở nên hoàn hảo? Bạn có phải là người hoàn hảo không? Không. Và nếu bất cứ ai có vẻ hoàn hảo, chúng ta sẽ nghi ngờ. Gottman cũng tìm ra điều này: 13 điểm tích cực cho mỗi điểm tiêu cực khiến người đó trở nên đáng nghi. Khi ai đó quá tích cực, chúng ta sẽ cho rằng có điều gì mờ ám ở đây.
Hóa ra “sự hoàn hảo” lại chẳng hoàn hảo, và “khá tốt” đã là đủ tốt.
Hãy tổng kết lại — và rút ra bài học tốt nhất từ nỗi đau lớn nhất…
Tóm tắt
Đây là 4 sự thật khắc nghiệt sẽ giúp bạn trở thành một người tốt hơn:
- Bạn sẽ chết: Bạn có một deadline. Theo nghĩa đen. Vì vậy hãy tập trung vào những điều quan trọng. Và đảm bảo ăn mừng những khoảng thời gian tốt đẹp. Tôi thà có một cuộc sống ngắn ngủi tuyệt vời còn hơn một cuộc đời dài lê thê mà tệ hại.
- Bất cứ thứ gì đáng giá đều đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn bạn tưởng: Bạn đã từng loay hoay suốt ngày Chủ nhật mà không thấy vui vẻ và chẳng hoàn thành được việc gì hết chưa? Rồi sau đó bạn nói, “Tôi đang làm cái quái gì cả ngày hôm nay vậy?” Chà, bạn không muốn nói thế về cuộc sống của bạn. Hãy chấp nhận những thách thức và tìm thấy ý nghĩa.
- Bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn: Và bạn cũng không cần phải thế. Cứ khăng khăng truy cầu hạnh phúc trọn vẹn là con đường chắc chắn nhất đưa đến bất hạnh. Hãy biết ơn về những gì bạn có và nhẹ nhàng tìm kiếm thêm một chút nữa.
- Mọi người sẽ làm bạn thất vọng: Bạn được phép đòi hỏi người khác phải hoàn hảo vào cái ngày mà bạn trở nên hoàn hảo. Ngày ấy không bao giờ đến đâu. Mọi người sẽ mang đến nhiều rắc rối cho bạn— nhưng họ cũng là nguồn đem lại hạnh phúc lớn nhất. Năm-trên-một là khá tốt.
Cuộc sống đầy rẫy thử thách. Sống trong sự phủ nhận đồng nghĩa với việc bạn sẽ mù quáng nhiều hơn. Bạn không nên tự đánh lừa mình rằng thế giới này hoàn hảo để sống vui vẻ.
Chúng ta đều nghe nhiều về chứng rối loạn stress sau sang chấn. Điều chúng ta ít khi nghe đến là “sự phát triển sau sang chấn.” Vâng, một số người (thực sự có rất ít người) chịu đựng đau khổ đeo bám họ trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng thường thì, Nietzsche đã đúng. Chuyên gia về hạnh phúc Martin Seligman ở đại học Pennsylvania phát hiện ra, những gì không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn:
Có nhiều người cũng bộc lộ chứng trầm cảm và lo âu nghiêm trọng sau khi trải qua nghịch cảnh cùng cực, thường đến mức bị PTSD, nhưng sau đó họ phát triển mạnh hơn. Về lâu dài, họ đạt đến một mức độ chức năng tâm lý cao hơn trước … Trong một tháng, 1,700 người thông báo ít nhất từng bị một trong những sự kiện kinh khủng đó, và họ cũng đã thực hiện các bài kiểm tra về hạnh phúc của chúng tôi. Thật bất ngờ, những người đã trải qua một sự kiện khủng khiếp có sức mạnh mãnh liệt hơn (và do đó hạnh phúc cao hơn) những người chưa từng trải qua. Những người đã trải qua hai sự kiện kinh khủng thì mạnh mẽ hơn những người chỉ trải qua một, và những người trải qua ba sự kiện kinh hoàng— chẳng hạn như bị cưỡng hiếp, tra tấn, và bị bắt giữ— thì mạnh mẽ hơn những người có hai.
Sự né tránh kéo dài nỗi đau. Chúng ta không thể sửa chữa sự khắc nghiệt mà ta không dám đối diện. Nhưng khi chúng ta xác định được vấn đề thì chúng ta sẽ phát triển và sống tốt hơn.
Maya Angelou rất chí lý khi nói: “Sứ mệnh của tôi trong cuộc đời không chỉ đơn thuần là tồn tại, mà còn phải phát triển; và làm vậy với một chút đam mê, một chút từ bi trắc ẩn, một chút hài hước và một chút phong cách.”
Rubi dịch