5 bước đơn giản để xây dựng vốn từ
Cũng như năng lượng rỗng từ thức ăn không mang lại bất kỳ dinh dưỡng nào cho cơ thể, từ ngữ sáo rỗng trong lời nói cũng không mang lại nội dung gì cho người nghe - khiến họ càng thèm khát ý nghĩa và chi tiết hơn.
Kỳ trước chúng tôi đã đưa ra một số lời khuyên giúp bạn loại bỏ những từ lấp sáo rỗng trong lời nói bằng cách giảm thiểu số lần “ờ” và “ờm”.
Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về việc loại bỏ một loại từ lấp khác trong lời nói (và trong cả văn viết): từ ngữ sáo rỗng. Cũng như năng lượng rỗng từ thức ăn không mang lại bất kỳ dinh dưỡng nào cho cơ thể, từ ngữ sáo rỗng trong lời nói cũng không mang lại nội dung gì cho người nghe - khiến họ càng thèm khát ý nghĩa và chi tiết hơn.
Trong khi “ờ” và “ờm” có thể bị loại trừ hoàn toàn, từ ngữ sáo rỗng cần được thay thế một cách thành tâm hơn. Hãy trang bị trong hành trang của bạn một vốn từ rộng lớn và đa dạng.
Có vẻ như người duy nhất nghĩ đến việc trau dồi vốn từ là các cô cậu thanh niên đang chuẩn bị cho các kỳ thi tiêu chuẩn. Đó là một điều đáng hổ thẹn, vì mở rộng vốn từ là điều ta nên theo đuổi suốt đời. Vì sao? Vì khả năng điều khiển lời nói có thể đem lại lợi ích cho cuộc sống của bạn theo nhiều cách khác nhau.
Lợi ích của việc xây dựng vốn từ
Cho bạn khả năng nói điều bạn muốn nói. Lời nói của bạn có phải chứa nhiều cảm xúc hơn là ý nghĩa? Mọi thứ đều “ngu ngốc” hoặc “tuyệt vời”?
Lạm dụng một từ ngữ để diễn tả nhiều sự vật sự việc khác nhau khiến chúng không mang lại ý nghĩa gì cả. Nếu một cây hotdog ngô, một video YouTube, một lần thăng chức, và Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc đều “tuyệt vời”, thì tuyệt vời chẳng có ý nghĩa gì cả. Hãy xem vốn từ như là nút quay tăng giảm âm lượng - nếu tất cả đều là số 11, bạn đâu có cách nào để diễn tả một thứ gì đó thực sự ấn tượng. Cách duy nhất bạn có là thêm vào những từ nhấn mạnh sáo rỗng: “Nhưng nghiêm túc đấy, nó thực sự tuyệt vời.” Một từ ngữ có ý nghĩa, nếu bạn càng sử dụng ít đi, nó sẽ càng có ý nghĩa (điều này cũng đúng với chửi thế nhé).
Ngược lại, vốn từ linh hoạt cho bạn khả năng phân biệt sự vật sự việc tốt hơn và khiến bạn có thể nói chính xác suy nghĩ của mình, và trở nên rõ ràng thay vì mơ hồ mông lung khi chia sẻ suy nghĩa và ý kiến hoặc chỉ đơn giản là khi trò chuyện. Điều này tăng khả năng người khác thấu hiểu điều bạn muốn thể hiện, và đồng thời nó còn…
Giúp bạn hiểu người khác. Trau dồi vốn từ bao gồm nhiều hơn là chỉ học thuộc lòng các danh sách loại từ bạn cần phải biết cho kỳ thi SAT. Cũng giống như việc học một ngôn ngữ thứ hai giúp bạn hiểu người dân của đất nước đó, gia tăng vốn từ cho phép bạn hiểu được người có cùng tiếng mẹ đẻ với bạn nhưng cũng có “phương ngữ” đặc biệt của họ. Lĩnh vực công việc và sở thích của người một người cũng có những thuật ngữ đặc biệt không phải ai cũng biết. Càng học được nhiều những từ ngữ “đặc biệt” này, bạn càng kết nối được với nhiều người hơn.
Vốn từ đa dạng không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ với nhiều loại người khác nhau, mà việc biết thêm từ lóng y học, luật, và các lĩnh vực kỹ thuật/chuyên môn khác có thể giúp bạn tránh bị lợi dụng, và cho phép bạn chủ động hơn khi tiếp cận với bác sĩ, luật sư, kỹ sư cơ khí, chăm sóc khách hàng, và những người tương tự.
Giúp bạn hiểu những gì bạn đọc được. Từ vựng không chỉ trợ giúp trong việc hiểu người khác, chúng còn rất quan trọng để hiểu một quyển sách và bài báo mà bạn đọc. Những từ ngữ bạn không biết sẽ trở thành những lỗ trống nhỏ trong dòng chữ, ngăn chặn bạn hiểu cặn kẽ những gì mình đang đọc.
Trợ giúp bạn trở thành một công dân hiểu biết và có đóng góp. Liên quan đến hai luận điểm trên, càng nâng cao vốn từ tổng hợp, và đặc biệt là những lĩnh vực như chính trị, địa lý, quân sự, vân vân, bạn sẽ càng hiểu rõ tin tức thời sự và sự việc đang diễn ra, đồng thời bạn cũng có thể tham gia vào nhiều và đa dạng hơn các cuộc trò chuyện, bàn luận, và tranh luận. Và khi bạn bước chân vào một cuộc tranh luận, bạn sẽ có thể sử dụng - lấy hơi cái - sự thật, thay vì những lời lẽ sáo rỗng kịch liệt.
Củng cố khả năng giữ vững quan điểm và suy nghĩ hợp lý và sắc bén hơn. Ta thường cho rằng suy nghĩ định hình lời nói, nhưng nó cũng diễn ra theo chiều ngược lại. Hãy xem lời nói như một bộ công cụ - vốn từ hạn hẹp cũng giống như điêu khắc một bức tượng chỉ với một cái máy cưa, so với sử dụng một bộ nhiều dụng cụ khác nhau có thể khắc cả những nét rộng và mảnh. Càng có nhiều từ ngữ để sử dụng, bạn càng có thêm nhiều công cụ để mài dũa quan điểm của mình, đồng thời phân tích và xem xét quan điểm của người khác.
Cho phép bạn giao tiếp hiệu quả. Điều khiển thành thạo lời nói, và khả năng lựa chọn từ ngữ chính xác để diễn đạt một ý niệm xác định, trước một khán giả cụ thể (sẽ nói thêm về điều này ở phần dưới), là điều rất cần thiết trong việc xây dựng lời nói, bài viết mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng. Việc lặp đi lặp lại từ ngữ sẽ nhanh chóng khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, tuy nhiên khả năng sử dụng chuỗi từ ngữ thuần thục khiến bạn thu hút người khác và vẽ ra một bức ảnh tráng lệ. Đây là lý do vốn từ rộng lớn là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của các nhà lãnh đạo lớn - lời nói cho phép bạn nắm bắt sự quan tâm, và sau đó là sự trung thành, của người khác.
Và một vốn từ mạnh mẽ cũng quan trọng khi bạn ứng biến chứ không chỉ riêng gì khi lời nói của bạn được chuẩn bị từ trước - thay vì cứ tằng hắng và ờm ờ lúng túng, tìm kiếm từ ngữ thích hợp để nói, bạn có thể diễn đạt bản thân một cách mạnh mẽ và tự tin.
Tăng sức thuyết phục của bạn. Rất khó để khiến người khác quan tâm đến một quan điểm - dù là một sản phẩm hữu hình, một xu hướng kinh tế, hay một quan điểm triết học - và thuyết phục họ trừ phi bạn 1) hiểu điều đó như lòng bàn tay, và 2) có thể diễn tả nó với người khác một cách thu hút (hãy xem lại hai luận điểm trên). Lặp đi lặp lại một từ (“Tôi có ý này rất hay. Nhìn này, nó có cái bánh xe rất hay ở đây và rồi cái trục xe cũng rất hay này thò ra…”) sẽ nhanh chóng khiến ánh mắt của khán giả đảo đi chỗ khác. Điều đó chắc chắn không giúp bạn thuyết phục được họ về một điều gì cả, hay là về bản thân bạn - chỉ ra những điều bình thường đến tầm thường trong phỏng vấn xin việc (“Tôi là một người chăm chỉ và hòa đồng!”) không giúp bạn nổi bật so với hằng hà sa số những ứng viên cũng chăm chỉ, hòa đồng khác.
Giúp bạn tạo ấn tượng tốt với người khác. Ăn nói lưu loát góp một phần lớn vào ấn tượng bạn tạo ra trong mắt người khác. Dựa trên vốn từ bạn sử dụng, người khác sẽ đưa ra đánh giá về hoàn cảnh kinh tế xã hội, học vấn, nghề nghiệp, và cả kích thích lẫn nhu cầu của bạn trong cuộc sống hàng ngày (một người mẹ nội trợ đôi lúc sử dụng ngôn ngữ em bé khi đang nói chuyện với người trưởng thành, trong khi một giáo sư có lúc chêm vào những từ ngữ học thuật trong cuộc trò chuyện bình thường).
Đó không hẳn là một đánh giá thiếu công bằng. Trường lớp, vòng tròn bạn bè, công việc, và thói quen đọc sách có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vốn từ của bạn. Nhưng điều này không có nghĩa nếu bạn là một công nhân xây dựng hoặc không có nhiều năm đi học thì vốn từ rộng lớn là điều không thể. Trau dồi vốn từ là một việc bình đằng ai cũng có thể theo đuổi: bất cứ ai cũng có thể làm được, và có thể bắt đầu bất cứ lúc nào.
Malcolm X là một ví dụ điển hình cho luận điểm này, cũng như rất nhiều luận điểm trên. Ông nghỉ học từ năm cấp hai, rơi vào cuộc sống tội phạm khi còn rất trẻ và sau đó bị bắt giam vào tù vì tội trộm cắp.
Theo lời hồi tưởng trong tự truyện của mình, đằng sau song sắt, X (lúc bấy giờ được gọi là Malcolm Little), dưới sự dẫn dắt của một bạn tù, người có khả năng tự giáo dục khiến Little ghen tỵ, và là người tạo động lực cho ông trang bị thêm “học vấn nhà làm” cho bản thân.
Little rất bối rối vì không thể “diễn đạt được điều mình muốn giãi bày bằng chữ viết… Trên đường sá, tôi là kẻ bặm trợn ăn nói lưu loát nhất - tôi có thể lãnh đạo mọi sự chú ý khi cất tiếng nói. Nhưng bây giờ, cố gắng viết tiếng Anh đơn giản, tôi không chỉ thiếu lưu loát, mà thậm chí còn không đâu vào đâu nữa.” Little cũng rất bực mình vì chứng khó đọc của mình: “Mỗi quyển sách tôi chọn hầu như ngập tràn những chữ những nghĩa như là tiếng Trung Quốc ấy. Khi tôi bỏ qua những từ ngữ ấy, tất nhiên, cuối cùng tôi chả hiểu quyển sách ấy nói về cái gì cả.”
Ông được tạo động lực để thay đổi tình hình đó cho bản thân, và vì thế đã yêu cầu trại giam cho mình thêm bảng viết, bút chì, và một quyển từ điển. Sau khi đọc lướt qua quyển từ điển trăm nghìn trang giấy, trầm trồ trước số lượng từ ngữ mà ông không biết và bối rối liệu mình cần phải học gì đây, Little lật trang đầu tiên và bắt đầu từ từ chậm rãi đến nao lòng viết tay sao chép từng chữ từng chữ một, “kể cả từng dấu câu”. Ông mất cả một ngày để viết lại một trang, sau đó ông đọc đi đọc lại những từ ngữ ấy.
Malcolm tỉnh dậy vào sáng hôm sau “suy nghĩ về những từ ngữ đó - vô cùng tự hào khi nhận ra tôi không chỉ một lúc đã viết rất nhiều, mà còn viết những từ ngữ mà tôi không bao giờ biết là có tồn tại. Ngoài ra, với một chút cố gắng, tôi còn có thể nhớ được ý nghĩa của rất nhiều từ. Sau đó tôi ôn lại những từ tôi không nhớ nghĩa.”
Ông lặp đi lặp lại quy trình này, lật qua hết trang này đến trang khác trong quyển từ điển để chép lại từng chữ từng chữ một, cho đến khi ông chép hết toàn bộ quyển sách. Bài tập này không lâu sau đã đem lại trái ngọt cho người tù nhân:
“Tôi cho là khi cơ sở từ ngữ của mình được mở rộng, tôi có thể lần đầu tiên tìm một quyển sách để đọc và bắt đầu hiểu nó đang nói cái gì. Bất kỳ ai hay đọc sách đều có thể tưởng tượng được một thế giới mới mở ra.”
Little trở nên say mê đọc sách, nuốt trọn mọi quyển sách có trong thư viện nhà tù. Khi đã mãn hạn tù, việc học từ vựng đã biến ông trở thành một diễn giả lưu loát, nổi tiếng với tài hùng biện sắc bén. Ngay cả những người không đồng tính với điều ông nói cũng ấn tượng trước cách diễn đạt của ông. Theo lời hồi tưởng của mình, “Nhiều người hôm nay nghe tôi nói trực tiếp, hay trên TV, hay đọc về điều mà tôi đã nói, sẽ nghĩ tôi đi học cao hơn là chỉ lớp tám. Ấn tượng này hoàn toàn là do những gì tôi học được trong tù.”
Tin tốt ở đây không chỉ là bất kỳ ai có kỷ luật và động lực để trau dồi vốn từ đều có thể thành công, mà có cách đơn giản hơn rất nhiều so với việc sao chép toàn bộ quyển từ điển!
5 bước đơn giản để trau dồi vốn từ của bạn
Có rất nhiều chiến lược tốt để xây dựng vốn từ - học ý nghĩa của các hậu tố, tiền tố, và gốc của từ, lập danh sách từ và làm thẻ ghi nhớ cho những từ bạn không biết, và đăng ký nhận email hằng ngày “Từ vựng của ngày” từ các trang web như Merriam-Webster.com, đó là một số ví dụ.
Nhưng vì bản thân tôi thấy rất khó để tự tạo động lực để nghiên cứu ngữ nguyên học, mấy thẻ ghi nhớ tôi chẳng còn đụng đến từ sau khi rời trường luật, và tôi biết mình sẽ chẳng thường xuyên đọc email “Từ vựng của ngày” (dù mỗi lần như thế tôi đều cảm thấy tội lỗi vô cùng), tôi sẽ chia sẻ cách thức xây dựng vốn từ yêu thích của mình. Đây là một cách đơn giản và kinh điển giúp bạn trau dồi vốn từ một cách từ tốn và tự nhiên - không cần quá gắng sức. Cách thức này có từ lâu rồi, nhưng tôi chỉ phát hiện ra nó qua những bộ phim hướng dẫn cũ nhạt nhẽo, nhưng trí tuệ, mà tôi yêu thích:
Cách thức ấy như sau:
Ngài Willis chậm rãi nhưng nghiêm trang đang cố gắng bênh vực cho việc xây dựng một công viên, nhưng lại gặp vấn đề khi thể hiện suy nghĩ. Trên thực tế, người phụ nữ ở phía bên trái còn lầm bầm “Ông nói cái gì vậy Willis?”
1. Đọc. Đọc là điều tốt nhất bạn có thể làm để gia tăng vốn từ (và tất nhiên nó còn mang đến rất nhiều lợi ích khác nữa). Không nhất thiết phải vì mục đích học từ vựng, bạn có thể bắt gặp vố số từ mới mà bạn có thể nắm bắt ý nghĩa dựa trên ngữ cảnh của từ ấy (tuy nhiên bạn không nên chỉ dựa vào ngữ cảnh - hãy xem tiếp bên dưới). Đọc không chỉ khiến bạn biết được từ ngữ, mà còn có thể thực sự cảm nhận chúng.
Ngài Willis bắt đầu đọc sách để gia tăng vốn từ - ông đọc sách về mọi thứ từ trang trí nhà cửa đến kinh doanh in ấn.
Lựa chọn sách của bạn càng rộng và khó khăn, vốn từ của bạn sẽ càng béo bở. Hãy phấn đấu đọc cả sách giả tuỏng lẫn sách phi giả tưởng. Thay vì chỉ lướt những trang web liệt kê tin tức vắn tắt, hãy đọc trọn những bài viết trên các trang báo tầm cỡ lớn như The New York Times hay The Wall Street Journal, và các tạp chí như The Atlantic. Đồng thời hãy đọc thêm cả các tạp chí định kỳ thuộc nhiều chủ đề như The Smithsonian hay Scientific American.
2. Nghe. Bạn cũng có thể học được từ vựng mới từ những người bạn nói chuyện hay lắng nghe. Đây chính là cách bạn học được từ mới khi còn là em bé. Con trai của chúng tôi Gus luôn học những từ ngữ mới từ những gì chúng tôi nói, cố gắng tìm ra ngữ cảnh, và sau đó tự mình hiểu được nghĩa của từ (đây là động lực tuyệt vời để ngăn chặn những lời chửi thề!). Đôi lúc nó hiểu đúng, đôi lúc nó hiểu sai - thường là dẫn đến kết quả khá hài hước.
Tất nhiên, hiệu quả của cách thức nghe-để-học này phụ thuộc vào người xung quanh bạn. Thử thách bản thân bằng cách giao thiệp với những người học vấn cao, xem các bài giảng lý thú, và chọn những lớp khó hơn trên trường, dù cho điều đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Sắt sẽ mài cứng sắt, và vốn từ của những người có đầu óc sắc sảo ấy cũng sẽ mài giũa cho bạn.
Ngài Willis bắt đầu ghi chép lại những từ ngữ mà ông nghe thấy và đọc được mà không biết nghĩa.
3. Viết lại những từ ngữ bạn đọc được hoặc nghe thấy mà không biết nghĩa. Đọc và nghe là những cách để tiếp cận với từ mới. Khi có người dùng một từ ngữ bạn không biết, hoặc bạn thấy một từ ngữ mới khi đang đọc sách, hãy viết nó lại trong một quyển ghi chú bỏ túi (hoặc trong điện thoại thông minh của bạn).
4. Tra cứu từ ngữ ấy trong từ điển và viết lại nghĩa của từ trong sổ từ vựng. Bất cứ khi nào bạn nghe thấy hay đọc được một từ mới, bạn nên dừng lại và cố tìm hiểu ý nghĩa của nó dựa trên ngữ cảnh được đặt ra. Nhưng một từ ngữ có thể có nhiều ý nghĩa và sắc thái biểu cảm khác nhau, tác giả hoặc người nói có thể sử dụng từ sai cách, và ngay cả khi bạn đoán đúng ý nghĩa, bạn có thể sẽ nhanh chóng quên nó đi. Vì vậy đừng chỉ dừng lại tại đó. Khi có cơ hội, hãy dùng từ điển tra nghĩa của từ bạn viết trong sổ ghi chú (ứng dụng từ điển mới khiến việc này tiện lợi hơn), và rồi viết lại định nghĩa của từ trong một quyển sổ ghi chú lớn hơn dành cho mục đích học từ vựng mới. Giữ cho định nghĩa ngắn thôi và hãy sử dụng cách diễn đạt của bạn - bạn không thực sự hiểu một điều gì đó nếu như không thể tự mình giải thích được nó.
Bạn có thể tùy chỉnh sổ của bạn với những nhãn dán dễ thương.
Ghi lại cách phát âm của từ cũng rất quan trọng - không phải với những ký hiệu hào nhoáng, mà phiên âm làm sao cho bạn hiểu được. Ví dụ, với từ “oblique” (xiên, nghiêng), bạn có thể viết phiên âm là “oh-bleek”. Điều tuyệt vời của các từ điển trực tuyến là chúng thường có nút để bạn bấm vào và nghe phát âm của từ đó. Biết cách phát âm chính xác từ ngữ là một điều vô cùng quan trọng - chêm những từ ngữ đao to búa lớn vào một cuộc trò chuyện nhưng lại nói sai thì còn tệ hơn là không nói. Khi đã viết phiên âm của từ, hãy đọc thành tiếng từ ngữ ấy một vài lần.
Bạn có thể viết thêm từ đồng nghĩa, và vẽ một hình ảnh giúp bạn nhớ ý nghĩa của từ.
5. Sử dụng từ mới vài lần trong cuộc trò chuyện càng sớm càng tốt. Điều này rất hữu ích giúp ghim từ ngữ ấy vào trí nhớ của bạn.
Ngài Willis thực hiện lại phần trình bày của mình, lần này ông thêm vào những từ như “chao đảo” và “tối hậu thư” khiến đám đông phấn khích. Tuyệt lắm Ngài Willis!
Nuôi dưỡng vốn từ cho người nghe của bạn
Một khi bạn bắt đầu xây dựng vốn từ, bạn có lẽ sẽ rất muốn phát ngôn những từ ngữ đao to búa lớn mà bạn học được mỗi khi có thể.
Nhưng học cách sử dụng từ ngữ thích hợp cũng quan trọng như việc mở rộng vốn từ. Một vốn từ uyên thâm không phải để khoe khoang, nó là một công cụ cho phép bạn giao tiếp hiệu quả hơn. Sử dụng sai từ ngữ sai thời điểm sẽ đi ngược lại với chức năng này.
Nếu bạn sử dụng từ ngữ cao siêu, không phổ biến với bạn bè khi đang xem một trận bóng bầu dục, họ có thể sẽ không hiểu bạn, và nhất định sẽ nghĩ bạn đang ra vẻ. Còn đối với người mới quen - thể hiện vốn từ rộng lớn có chủ ý sẽ khiến người khác nghĩ bạn tự mãn và trịch thượng. Đồng thời, bạn cũng chẳng muốn câu nói của mình chỉ toàn từ lóng khi trình bày trước hội động giảng viên để lên chức giáo sư. Và dù bạn muốn sử dụng thuật ngữ chuyên ngành khi thảo luận về sáng chế của bạn với các nhà khoa học đồng cấp, đừng nên làm thế khi đang muốn bán ý tưởng của bạn cho nhà tư bản học thức bình thường đang muốn đầu tư mạo hiểm.
Bạn hiểu ý tôi rồi đấy. Nuôi dưỡng vốn từ theo hoàn cảnh và lựa chọn từ ngữ có thể cho phép bạn vừa diễn đạt bản thân vừa khiến người khác hiểu ý bạn, đồng thời tỏ ra thu hút và giúp người nghe cảm thấy thoải mái. Đừng bao giờ giả định người khác cũng có chung vốn từ với bạn và hãy hiểu người nghe của mình!
Cuối cùng, hãy luôn ghi nhớ lời khuyên của Mark Twain rằng đừng bao giờ “sử dụng một từ ngữ trị giá năm đô la khi có một từ trị giá năm mươi xu đem lại hiệu quả tương tự”. Và thỉnh thoảng, một từ năm xu thôi cũng được rồi, nếu “tuyệt vời” hay “cực phẩm” là từ hợp nhất để diễn tã cảm giác của bạn, hãy sử dụng nó - từ ngữ hoa mỹ cũng chỉ đến thế mà thôi.
Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2012/10/03/the-importance-of-building-your-vocabulary-and-5-easy-steps-to-doing-it/