Cải thiện giao tiếp: giảm thiểu ậm ờ

cai-thien-giao-tiep-giam-thieu-am-o

Người khác sẽ đưa ra đánh giá về học vấn, trí tuệ, gia cảnh, và tình cách chỉ dựa vào âm thanh giọng nói của bạn và thứ ngôn ngữ bạn dùng để thể hiện bản thân.

Để trở thành một người đàn ông tốt hơn, giao tiếp tốt là một nhiệm vụ không nên bỏ qua. Cách ăn nói góp một phần lớn vào ấn tượng về bạn trong mắt người khác, cũng như tiềm năng ảnh hưởng của bạn đối với họ. Người khác sẽ đưa ra đánh giá về học vấn, trí tuệ, gia cảnh, và tình cách chỉ dựa vào âm thanh giọng nói của bạn và thứ ngôn ngữ bạn dùng để thể hiện bản thân.

Ăn nói nhã nhặn lịch sự bao gồm rất nhiều đặc điểm:

  • Cấu trúc câu đúng chuẩn
  • Phát âm rõ ràng
  • Giàu và đa dạng vốn từ
  • Nói rõ ràng (không lầm bầm)
  • Tốc độ, âm sắc, âm điệu tốt (không quá to, quá nhanh, hoặc đơn điệu, ngang phè)
  • Nói lưu loát - từ ngữ dễ dàng đến với bạn
  • Có khả năng giải thích dễ hiểu
  • Nói thẳng vào trọng tâm và hiểu những gì bạn đang nói
  • Lịch sự và quan tâm đến nhu cầu của người nghe
  • Hạn chế sử dụng từ lấp và ngôn ngữ sáo rỗng

Chúng tôi mong là sẽ bàn qua hết tất cả đặc điểm trên, nhưng hôm nay ta sẽ tập trung vào ý cuối trong danh sách: loại bỏ từ lấp - cụ thể là những ờm và ờ - trong lời nói của bạn.

Ờmmmm…

Từ lấp là gì? Từ lấp bao gồm những ngôn ngữ sáo rỗng, không liên quan chen vào các câu nói của bạn mà không thêm bất kỳ ý nghĩa gì cả. Giống như năng lượng rỗng vậy - nó ở đó, nhưng không nuôi dưỡng gì cả. Ví dụ của từ lấp bao gồm những từ và cụm từ như “Ý tôi là”, “đại loại thế”, “bạn biết đấy”, “thực ra thì” và tất nhiên có cả “giống như là”.

Nhưng từ lấp nổi tiếng nhất - loại được chú ý và ghét bỏ nhiều nhất - là “ờ” và “ờm”. Rất rất nhiều, ờm và ờ cũng tương đương với “virus ngôn từ” làm tắc nghẽn ngôn ngữ của những người thiếu văn minh và thiếu học thức. Rất nhiều chuyên gia diễn thuyết trước đám đông khuyên rằng ta nên cố gắng loại bỏ những từ ngữ phiền nhiễu này ra khỏi câu nói của mình.

Sự thật là gần như tất cả mọi người đều sử dụng “quãng nghỉ được lấp đầy” trong lời nói của mình, nếu bạn nghĩ mình không như thế, đó là vì người nói (và trong nhiều trường hợp là cả người nghe) không giỏi nghe ra được chúng. Nhưng nếu bạn ghi âm mình cả ngày, bạn sẽ nhận ra mình rải rác những ờm và ờ trong các cuộc trò chuyện nhiều như thế nào. Đó là một phần rất tự nhiên trong lời nói con người và đã hiện diện ngay từ thuở sơ khai (dù mang nhiều hình thái khác nhau tùy vào ngôn ngữ - ví dụ trong tiếng Tây Ban Nha là “eh”). Trong cuộc trò chuyện thân thiện, chỉ cần từ lấp của bạn không quá dư thừa hoặc rối rắm, người khác có xu hướng lọc chúng ra và không chú ý đến chúng. Ngoài ra, trái ngược với quan niệm phổ biến, từ lấp không cản trở người nghe hiểu ý bạn, trên thực tế, chúng có thể giúp người nghe hiểu ý bạn, ra hiệu cho người nghe biết rằng bạn vừa nói nhầm và đang định sửa lại hoặc muốn họ chú ý đến điều bạn sắp nói tiếp theo.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể điều khiển được những ờm và ờ hay bạn nên sử dụng chúng bừa bãi. Thay vào đó, vấn đề không phải đúng hoặc sai hoàn toàn. Tính phù hợp của ờm và ờ sẽ khác nhau tùy vào người nghe và mục đích của bạn. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh mức độ nhạy cảm của người nghe đối với những ờm và ờ của người nói là tùy thuộc và địa vị xã hội của người nói. Người ta cho rằng những người phát biểu một lời phê bình đã được chuẩn bị trước, người xuất hiện trên TV, hoặc ở một địa vị quyền hạn nào đó sẽ ít sử dụng hoặc hoàn toàn không dùng đến từ lấp. Ví dụ, bạn sẽ nhanh chóng để ý nếu bình luận viên đọc tình huống trong một trận đấu bóng rổ nói “ờm” trước mỗi câu. “Ờm, Harden có bóng. Ờm, anh ấy lại ném thành công một cú ba điểm. Ờm, râu của anh ấy đẹp ghê luôn.” (Thunder cố lên!) Đó cũng là lý do Tổng thống Obama bị chỉ trích trên các chương trình đêm khuya vì ông thường sử dụng rất nhiều ờờờ và ờmmm khi phát biểu không kịch bản.

Sử dụng ờ và ờm quá thường xuyên sẽ làm mất đi uy lực và tính hùng biện trong lời nói của bạn. Vậy nên trong cuộc trò chuyện với bạn bè thì không vấn đề gì, nhưng trong lần đầu gặp mặt và trong cuộc phỏng vấn xin việc, thuyết trình công tác, diễn thuyết trang trọng, và những trường hợp tương tự, bạn nên sử dụng từ lấp càng hạn chế càng tốt. Nếu gặp khó khăn, hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu tại sao ai trong chúng ta cũng “ờm” và “ờ” và ta cần làm gì để giảm tần suất này và trở thành một người có khả năng ăn nói tốt hơn.

Tại sao ta lại nói ờ ờm?

Nhiều người tin rằng ờm và ờ xuất phát từ nỗi lo lắng, nhưng nghiên cứu vẫn chưa thể chỉ ra được mỗi tương quan mật thiết nào giữa loại từ lấp này với trạng thái cảm xúc ấy (tuy nhiên một số trường hợp “loạn ngôn” khác như lặp từ, lặp âm tiết, mất từ hoặc một phần của cụm từ, hoặc nói nhầm lại có liên hệ đến mức độ lo âu của người nói). Ví dụ, khi nói chuyện với người lạ bạn không dùng từ lấp nhiều như khi nói chuyện với vợ hoặc chồng.

Lý do đằng sau những ờm ờ thực chất mang nhiều sắc thái hơn (và thú vị hơn nữa). Dưới đây là một số giả thiết dựa trên nghiên cứu đã được cải tiến:

Ờm và ờ cho thấy người nói đang “gặp rắc rối”. Cái nhìn căn nguyên về mục đích của từ lấp là chúng là một triệu chứng không tự nguyện hoặc tín hiệu có chủ ý (các nhà ngôn ngữ học không đồng tình với ý kiến này) do người nói tạo ra để báo hiệu cho người nghe biết rằng anh ta đang “gặp rắc rối” - anh ta cần một chút thời gian để lên kế hoạch nói gì tiếp theo hoặc để tìm kiếm một điều gì đó trong trí nhớ. Điều đó cho người nghe biết rằng sắp có một quãng nghỉ. “Ờ” báo hiệu quãng nghỉ ngắn hơn, còn “ờm” báo hiệu quãng nghỉ dài hơn.

Về cơ bản, ờm và ờ xảy ra khi bạn cố gắng suy nghĩ và nói chuyện cùng một lúc. Đó là lý do chúng xuất hiện thường xuyên khi chuyển đổi sang một chủ đề mới hoặc ở đầu một câu nói thay vì giữa hay cuối câu, não của bạn không hoạt động tại giao điểm của lên kế hoạch thực thi lời nói tiếp theo.

Ờm và ờ đóng vai trò là vật giữ chỗ để cho người khác biết là bạn sẽ tiếp tục nói. Khi bạn không thể nghĩ được phải nói gì tiếp theo, bạn lâm vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, bạn cần chút thời gian để suy nghĩ, nhưng phong tục xã hội quy định rằng một quãng nghỉ có thể khiến bạn trông như đang lạc trôi, hoặc tạo điều kiện cho người khác nhảy vào và bắt đầu nói. Vậy nên bạn có thể nói “ờm” để báo với người nghe rằng: “Tôi vẫn còn kiểm soát được - đừng ngắt lời tôi.”

Đây là một giả thiết cho việc tại sao đàn ông sử dụng nhiều từ lấp như ờm và ờ hơn phụ nữ: vì họ nóng lòng muốn “giữ chỗ” hơn.

“Ờ” có thể là tiếng khóc cầu cứu. Ờm và ờ không hoàn toàn giống nhau. Ngoài độ dài của quãng nghỉ, ờ còn thường được dùng hơn để cầu khẩn sự giúp đỡ từ người khác. Chúng khiến người nghe biết rằng họ có thể nhảy vào và đưa ra câu trả lời.

Harry: Jack đáng lẽ phải viết email cho, ờ, ờ…

Mike: Steven. Cậu ấy đáng lẽ phải viết email cho Steven.

Harry: Cám ơn nhé.

Ờm và ờ biểu thị bạn không quá tự tin vào những gì sắp nói. Khi được hỏi một câu hỏi, người ta thường dùng nhiều từ lấp hơn nếu họ ít chắc chắn về câu trả lời (và thường họ sẽ trả lời sai). Ngược lại, người ta sẽ dùng ít từ lấp hơn nếu họ biết chắc câu trả lời của mình là đúng (và thường họ sẽ trả lời đúng).

Người ta cũng thường dùng từ lấp trước những câu không phải trả lời như là “Tôi không biết”, khi thực chất họ biết câu trả lời, nhưng không thể hữu hình nó trong đầu và nói ra thành lời.

Ờm và ờ cho thấy bạn đang tìm kiếm từ ngữ đúng. Một người càng quan tâm đến việc nói đúng cách, họ càng có xu hướng ờmmm, đó là lý do mặc dù quá nhiều ờmmm thường được liên hệ với thiếu thông minh, nó thực chất cho thấy người nói có vốn từ rộng. Người thông minh có rất nhiều từ ngữ để lựa chọn, vì thế đôi lúc họ ngắc ngứ không biết chọn từ ngữ nào để thể hiện suy nghĩ, “ờm” chính là âm thanh của quá trình đưa ra quyết định.

Ờm và ờ thường xuất hiện khi bạn nói về một chủ đề trừu tượng. Dù ngoài giờ lên lớp các giảng viên sử dụng từ lấp với tỷ lệ ngang nhau, nhưng khi giảng bài, giáo sư nhân văn nói “ờ” nhiều hơn giáo sư thuần khoa học (4.76 lần mỗi 100 từ so với 1.47 lần mỗi 100 từ). Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt này là do giáo sư nhân văn có chủ để nói rộng và trừu tượng hơn, vì thế có nhiều sự lựa chọn để suy nghĩ hơn. Tác phẩm của Rembrandt có nhiều cách miêu tả hơn là một công thức vật lý. Mỗi khi bạn suy nghĩ về những sự lựa chọn phức tạp để nối kết câu văn của mình, bạn sẽ ờmmm rất là nhiều.

Làm sao để giảm thiểu Ờm và Ờ khi nói

Dù việc loại trừ hoàn toàn từ lấp trong cuộc trò chuyện hằng ngày là không nhất thiết, và một số chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng là không đáng mong muốn (trừ phi chúng quá nhiều và rối rắm), chắc chắn bạn vẫn muốn giảm thiểu chúng trong bối cảnh trang trọng khi những ràng buộc, kỳ vọng lớn hơn và những âm thanh dư thừa trở thành điều phân tâm. Quá nhiều ờm và ờ gây khó chịu cho người nghe vì bạn cho người ta biết bạn đang suy nghĩ, và người ta thì không muốn suy nghĩ khi đang lắng nghe người khác nói mà chỉ muốn được đưa đẩy theo từng lời nói mà thôi. Các quãng nghỉ liên tục khiến người nghe không bị cuốn vào cuộc hùng biện của bạn, mà họ còn nghĩ, “Dẹp nó qua một bên đi!”. Chúng cũng tổn hại uy tín của bạn đối với người nghe vì chúng khiến bạn có vẻ không tôn trọng họ nên chẳng chuẩn bị chu đáo mà chỉ tới đâu hay tới đó, và/hoặc rằng bạn không tự tin vào những gì mình nói và không nắm rõ tường tận chủ đề ấy. Cuối cùng, quá nhiều ờm có thể biểu thị sự thiếu chân thật, khiến người khác nghĩ bạn đang câu giờ để bịa ra một lý do hay bằng chứng ngoại phạm. Tóm lại, đó không phải kiểu ấn tượng mà bạn muốn tạo ra.

Con người ta sử dụng từ lấp theo tần suất dao động từ 1.2 lần mỗi 1000 từ đến 88 lần mỗi 1000 từ. Nếu bạn muốn trở thành người thuộc nửa dưới của cán cân, hãy xem qua những lời khuyên sau:

Hạn chế phân tâm. Bạn còn nhớ ờm biểu thị giao điểm giữa suy nghĩ điều cần nói và nói ra điều ấy? Bất cứ điều gì thêm vào tải trọng nhận thức của bạn khi nói đều tăng nhu cầu có các quãng nghỉ, khi đó bạn không chỉ vừa nghĩ vừa nói, mà còn bị phân tâm/xúc động/thực hiện tác vụ khác. Bạn càng tập trung vào hành động nói chuyện, bạn càng ít sử dụng từ lấp.

Đừng bỏ tay vào túi. Nghiên cứu cho thấy khi cánh tay và bàn tay của bạn bị bó buộc, từ lấp bạn sử dụng càng nhiều, vì bạn không thể cử động và do đó ít tự tin với thông điệp muốn truyền tải hơn.

Chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Khi có một bài phát biểu hay thuyết trình cần được lên kế hoạch trước, chuẩn bị thật kỹ lưỡng có thể giảm thiểu từ lấp. Nếu thông tin bạn muốn truyền đạt có sẵn trong đầu, bạn không cần đến quãng nghỉ để nhớ lại chúng. Một số điều rất hữu dụng như sau:

  • Nếu điều bạn muốn nói không bị giới hạn, bạn sẽ dùng nhiều từ lấp hơn. Vậy nên hãy thu hẹp phạm vi chủ đề lại, và rồi thu hẹp thêm một lần nữa.
  • Tập trung vào những quá trình chuyển tiếp mà bạn sẽ thực hiện. Chuyển tiếp giữa chủ để này sang chủ đề khác trong một bài diễn thuyết là khoảng thời gian nguy hiểm dễ dẫn đến ờm, vì tác vụ được thêm vào tải trọng nhận thức của bạn. Lên kế hoạch chính xác bạn sẽ chuyển tiếp các chủ đề như thế nào, và viết những câu chuyển này lên một tấm thẻ chỉ mục để bạn có thể nhìn khi phát biểu.

Kể một câu chuyện. Ờm và ờ tự nhiên sẽ biến mất một khi bạn kể chuyện. Ngoài ra, nhưng câu chuyện là một công cụ hùng biện có sức thuyết phục và dễ nhớ mà bạn có thể tận dụng.

Nói chuyện mặt đối mặt khi có thể. Từ lấp xuất hiện nhiều hơn khi bạn nói chuyện điện thoại. Vì không có ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm gương mặt để sử dụng, bạn càng gặp khó khăn hơn để chọn lựa từ ngữ thích hợp truyền đạt suy nghĩ.

Hãy cố gắng thư giãn và bớt ngượng ngập. Những người hay ờm có xu hướng mô tả bản thân là “e dè nhút nhát đến bất thường” và “hay lo lắng về những xui xẻo có thể xảy ra” và do đó cũng nói chậm hơn, chuẩn bị cẩn thận điều cần nói hơn. Thay vì chăm chăm xem người khác nghĩ gì về bạn (lời khuyên này phù hợp cho rất nhiều thứ đấy bạn hiền) hãy tập trung toàn lực vào điều bạn đang làm. Thay vì ngập ngừng, cứ tiếp tục tiến lên, nói nhanh hơn bình thường một tí và để các câu văn tự nhiên kết nối với nhau. Rồi bạn sẽ chọn sai từ ngữ nhiều hơn và phải nói lại câu nói ấy, nhưng là nói sai có phong cách, người nghe sẽ cảm thấy lời nói của bạn trôi chảy, cuốn hút, và mạch lạc hơn

Nếu bạn cần giảm ức chế, nghiên cứu đã chứng minh sau 19 ly bia, người bình thường sẽ không còn nói “ờm” và “ờ” nữa. Tất nhiên là họ cũng chẳng còn nói được những lời lẽ có nghĩa.

Giữ cho câu nói đơn giản và ngắn gọn. Câu càng dài, bạn càng dễ vấp phải từ lấp. Và câu ngắn khiến bạn nói rõ ràng, mạnh mẽ, tự tin và nam tính hơn. Để giữ cho câu nói đơn giản và ngắn gọn:

  • Dùng câu trần thuật đơn giản. Chủ ngữ. Vị ngữ. Chấm hết. Lược bỏ những mệnh đề và liên từ không cần thiết và nhắm thẳng vào trọng điểm. Hãy ghi nhớ lời của E.B. White: “Không có suy nghĩ hay ý tưởng nào không thể được bày tỏ bằng một câu trần thuật đơn giản, hoặc bằng một chuỗi những câu trần thuật đơn giản.”
  • Gạt bỏ từ lấp như: “đại loại thế”, “như là”, “bạn biết đấy”, “ok”, “phải rồi”, “vậy”, “thực ra thì”, “na ná vậy”, “cũng giống vậy”, và “ý tôi là”. Nếu nó không liên quan đến ý nghĩa của câu thì hãy bỏ nó đi.
  • Hạn chế sử dụng những từ và cụm từ “hàng rào”, như là “hy vọng thế”, “có lẽ”, “có thể”, “khá là”, “tương đối”, “hợp lý”, và “cũng kha khá”, và đừng nói những thứ như, “Tôi chỉ đang tự hỏi…”, “Tôi đang nghĩ…”, “Tôi không biết nhưng mà…”

Những từ ngữ hàng rào và từ lấp thường được dùng để nói giảm và làm câu nói trở nên nhẹ nhàng khi người nói đang sợ sai và/hoặc muốn nói hời hợt. Đôi lúc chúng có thể giúp ích khi bạn muốn ngoại giao tốt (và cũng hữu dụng với email khi bạn chỉ có từ ngữ để truyền đạt thông điệp), nhưng nhiều lúc tốt hơn hết bạn chỉ cần nói thẳng suy nghĩ của mình và thật quyết đoán.

Giờ là một điều không nên làm

Có thể bạn từng nghe rằng cách tốt nhất để loại bỏ ờm và ờ là thay thể chúng bằng những khoảng lặng. Đó là giáo điều của phát biểu trước đám đông, bạn sẽ thấy điều này nhan nhản trên những quyển sách dạy nói trước đám đông. Nhìn bề ngoài thì có vẻ hợp lý. Một khoảng lặng nghe thật trang nghiêm và quý tộc còn tiếng ờm nghe thật thiếu chắc chắn phải không?

Sai nhé.

Trong một nghiên cứu trên sinh viên đại học, các sinh viên đầu tiên được hỏi về cảm nhận của họ đối với người thường nói “ờm” và “ờ”. Vì những thành kiến văn hóa đối với chữ ờmmm nên không có gì bất ngờ, các học sinh cho rằng những người hay ậm ờ là “thiếu thoải mái, không rõ ràng, vô vị, chuẩn bị sơ sài, hồi hợp, thiếu trôi chảy, thiếu hấp dẫn, đơn điệu, không tinh tế, và thiếu tự tin”. Thốn chưa!

Các sinh viên sau đó được nghe ba bản thu âm khác nhau về một người đàn ông gọi đến một chương trình radio. Trong một phiên bản, người đàn ông còn nói ậm ờ. Trong phiên bản thứ hai, những tiếng ờm được thay bằng khoảng lặng. Trong phiên bản thứ ba, các khoảng lặng được loại bỏ hoàn toàn và lời nói của người đàn ông được kết nối trôi chảy.

Kết quả? Phiên bản không có một khoảng lặng nào được đánh giá cao nhất. Nhưng phiên bản có những khoảng lặng cũng không được xếp cao hơn về chất lượng so với bản có những tiêng ậm ờ. Những khoảng lặng không giúp cải thiện nhận thức của người khác về khả năng hùng biện của người nói. Và trên thực tế, người đàn ông trong bản có khoảng lặng được cho là đang lo lắng nhiều hơn so với người ậm ờ.

Tóm lại: Giảm thiểu những khoảng lặng không chủ đích (khoảng lặng có chủ đích tăng kịch tính có thể là công cụ hùng biện hiệu quả) có thể tăng khả năng hùng biện của bạn. Nhưng đừng lo về việc thay thế những ờm ờ bằng khoảng lặng, điều đó không cải thiện bài nói của bạn đâu, chưa kể áp lực từ nỗ lực ấy còn khiến bạn nói tệ hơn là chỉ thư giãn và cho phép một vài tiếng ờm lướt qua.

Những ai hay ậm ờ chú ý: Lời khuyên cuối cùng

Ngay cả khi tất cả kỹ thuật được nêu trên đều không thể giúp bạn giảm ờm ờ, vẫn còn một cách có thể khiến bạn nói chuyện rành mạch với người khác: tập trung vào việc luôn làm nổi bật nội dung bạn cần nói.

Trong nghiên cứu được mô tả trên, các sinh viên được chia ra làm ba nhóm trước khi nghe những bản thu âm. Một nhóm được yêu cầu chỉ tập trung vào nội dung của bản thu âm. Một nhóm được yêu cầu chỉ tập trung vào phong cách nói. Và nhóm thứ ba không được yêu cầu gì cả (nhóm kiểm soát).

Khi nghe đoạn thu âm có từ ờm, những người chú ý đến phong cách nói đều nhận ra ngay, nhưng những người tập trung vào nội dung thì hầu như hoàn toàn lọc bỏ chúng.

Giờ thì ta nói đến mấu chốt vấn đề xoanh quanh những ậm ờ trong lời nói. Nếu bạn nhận thấy những tiếng ờm khi người khác đang nói, nhiều khả năng bạn đang chú tâm đến phong cách nói của họ chứ không phải là nội dung, và lý do là vì nội dung ấy không thú vị và đáng để quan tâm. Theo kết luận của tác giả nghiên cứu: “Ờm không liên hệ gì với việc kém ăn nói, nhưng chú ý đến những từ ờm thì có đấy… Bất kỳ người nào cũng sẽ ờm ờ khi nói, nhưng người giỏi ăn nói có thể che giấu những do dự của mình bằng cách giữ cho cái chất của lời nói làm trung tâm chú ý, chứ không phải phong cách biểu đạt.”

 

Sources

Disfluency Rates in Conversation, Effects of Age, Relationship, Topic, Role, and Gender

Does It Hurt to Say Um?

Using Uh and Um in Spontaneous Speaking

Um . . . Slips, Stumbles, and Verbal Blunders, and What They Mean

It’s the Way You Say It: Becoming, Articulate, Well-Spoken, and Clear

 

Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2012/06/14/becoming-well-spoken-how-to-minimize-your-uhs-and-ums/

menu
menu