5 cách cha mẹ và con đã trưởng thành có thể dùng để cải thiện quan hệ giữa đôi bên

5-cach-cha-me-va-con-da-truong-thanh-co-the-dung-de-cai-thien-quan-he-giua-doi-ben

Mối quan hệ giữa cha mẹ và những người con đã trưởng thành có thể hết sức ý nghĩa nếu được họ cùng nhau vun xới. Nhưng thông thường, những thói quen nói chuyện và tương tác kiểu cũ ngăn chặn các ông bố bà mẹ và con cái xây dựng và duy trì một mối quan hệ

Mối quan hệ giữa cha mẹ và những người con đã trưởng thành có thể hết sức ý nghĩa nếu được họ cùng nhau vun xới. Nhưng thông thường, những thói quen nói chuyện và tương tác kiểu cũ ngăn chặn các ông bố bà mẹ và con cái xây dựng và duy trì một mối quan hệ chung nhiều quả ngọt. Sau đây là năm cách giúp cải thiện những mối quan hệ này:

1. NÓI CHUYỆN VỚI NHAU NHƯ NHỮNG NGƯỜI LỚN.

Sau nhiều chục năm giao tiếp với nhau, cha mẹ và những người con đã trưởng thành của họ dễ rơi vào thói quen giao tiếp không còn phù hợp với tuổi tác. Những người con trưởng thành có thể tỏ ra trẻ con, nhất là trong những lúc có bất đồng với cha mẹ. Còn cha mẹ lại nói chuyện với con của họ như thể nói chuyện với con nít, và đưa ra những yêu cầu vô lý hoặc cho lời khuyên khi con không yêu cầu. Nếu điều này xảy ra, cha mẹ và những người con trưởng thành có thể bắt đầu tập nói chuyện với nhau như những người lớn.

  

Pexels: Ketut Subiyanto

2. CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO MỐI QUAN HỆ NÀY.

Cả cha mẹ và những người con trưởng thành cần chịu trách nhiệm cho việc định hình, nuôi dưỡng và kiểm soát mối quan hệ này. Việc đó đòi hỏi hai bên biết chủ động duy trì liên lạc, nhường nhịn nhau và biết thương lượng với nhau, biết tìm những phương thức kết nối với nhau mà cả hai bên đều thích. Khi một trong hai bên cảm thấy mình có quyền chờ người kia chủ động cố gắng xây dựng và duy trì mối quan hệ, sự bực bội có thể bị nhen nhóm.

3. HỌC CÁCH GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN MỘT CÁCH CÓ TÍNH XÂY DỰNG.

Các kiểu xung đột kém lành mạnh có thể tích tụ suốt thời thơ ấu và khó sửa đổi. Sử dụng sự im lặng, gây hấn thụ động, la hét vào mặt nhau, phớt lờ những vấn đề, khiến đối phương cảm thấy tội lỗi,… là một vài trong số những hành vi không lành mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ. Việc biết chịu trách nhiệm ở đây là mỗi bên nhìn ra vai trò của mình trong những xung đột này và học cách phản ứng khác đi. Nếu các bên liên quan không cùng nhau cố gắng tìm hiểu tại sao những bất đồng cũ cứ liên tục diễn ra và học cách giải quyết chúng theo các cách mới, mâu thuẫn cũ vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện.

4. TÔN TRỌNG NHỮNG RANH GIỚI CỦA NHAU.

Cả bố/mẹ và con cái đều có những giới hạn cần được đối phương tôn trọng và sự bực mình có thể xảy ra nếu các ranh giới này bị xâm phạm. Cha mẹ có thể làm rõ họ có thể hỗ trợ con đến mức nào. Những đứa con trưởng thành cũng phải quyết định xem đời sống riêng tư của mình cần được tôn trọng đến đâu và cha mẹ có thể can thiệp với đời sống riêng của mình đến mức nào, nhất là trong khía cạnh sự nghiệp, tình yêu, hôn nhân, lối sống và chuyện tiền bạc. Nếu cha mẹ và con cái đang muốn tìm cách cải thiện mối quan hệ đang gặp khó khăn giữa hai bên, cả hai có thể xem xét lại mình đang tôn trọng những ranh giới của bên kia đến đâu.

5. CHẤP NHẬN PHẢN HỒI.

Quan hệ bố/mẹ - con cái sẽ được củng cố khi cả hai bên có thể đón nhận ý kiến của đối phương về việc làm sao để cải thiện mối quan hệ. Một người cha/mẹ có lẽ sẽ muốn con mình gọi điện cho mình vào giờ nào đó của buổi chiều hoặc muốn con mình hỏi thăm mình thường xuyên một chút… Trong khi đó, người con đã trưởng thành có thể góp ý với bố mẹ rằng mình thích nói về cái gì và không thích nói về cái gì, hoặc đề nghị bố mẹ thay đổi giọng điệu khi nói chuyện với mình… Biết chấp nhận lời phản hồi là một biểu hiện của kỹ năng quản lý mối quan hệ theo hướng lành mạnh, và điều đó có nghĩa là cả hai dám nhận trách nhiệm cho việc mình đã làm tổn thương hoặc đã gây khó chịu cho bên kia.

Thay đổi là không dễ

Tất cả những điều chỉnh này đòi hỏi cả bố mẹ và con cái phải nhìn lại mối quan hệ giữa hai bên và hỏi bản thân những câu như: “Cách này có còn phù hợp với tôi?”, “Tôi có thể làm gì để mối quan hệ này tốt đẹp hơn?” và “Liệu có cách thức cũ nào trong gia đình chúng tôi mà đã không còn thích hợp?” Duy trì tình trạng cũ thì rất dễ, kể cả khi nó khiến người trong cuộc buồn phiền. Thay đổi là một lựa chọn khó khăn, nhưng cũng là cách nhanh nhất để mối quan hệ được cải thiện và giúp người trong cuộc hài lòng.

Bài gốc:  https://www.psychologytoday.com/us/blog/between-the-generations/202011/5-ways-parents-and-adult-children-can-improve-their-relationship?fbclid=IwAR1InLWaVtOrML2zu40q8Y277LuL2GPIJtXjv8TfOS-mcmey2-3DkpxRMNk

Lược dịch: Triệu Khánh Ngọc

menu
menu