5 cách để bỏ lại quá khứ về người yêu cũ mà bạn vẫn còn yêu

5-cach-de-bo-lai-qua-khu-ve-nguoi-yeu-cu-ma-ban-van-con-yeu

Tại sao chúng ta cần phải buông bỏ mộng tưởng

 

Những điểm chính

  • Quên đi một người yêu cũ mà bạn từng yêu bắt đầu bằng việc cắt đứt liên lạc và buông bỏ mối quan hệ mà bạn nghĩ rằng mình có thể có.
  • Các mối quan hệ trong quá khứ luôn sống mãi trong ký ức của chúng ta, trong cảm nhận của chúng ta khi ta nghĩ về chúng, và trong những bài học mà chúng dạy cho ta.
  • Rời bỏ một mối quan hệ không còn tốt đẹp là biết thương lấy chính mình, mà việc này có thể rất khó khăn.

Không gì có thể ngăn cản bạn có được một tương lai hạnh phúc hơn là một vết thương lòng vì mối quan hệ vẫn còn dai dẳng. Tất cả chúng ta đều từng như thế: Một tình yêu đẹp đẽ trở nên tệ đi quả thực là rất đau lòng. Không quan trọng tình huống là gì, hoặc ai đúng ai sai. Điểm mấu chốt là nó gây tổn thương và nỗi đau đang ngăn cản bạn tiếp tục tiến lên.

Mặc dù thời gian là người chữa lành tốt nhất, song vẫn có 5 bước cụ thể mà bạn có thể tiến hành để tạo thuận lợi cho quá trình này:

1. Cắt đứt mọi liên lạc

Hãy làm việc này ít nhất là trong một thời gian. Không, bạn không cần phải là bạn bè với nhau. Vẫn ôm ấp hình bóng của tình cũ trong cuộc sống của bạn tự nó không phải là một dấu hiệu của sự trưởng thành; mà biết cách chăm sóc cho bản thân và sức khỏe tinh thần, cảm xúc của bạn mới là dấu hiệu của trưởng thành.

Nhiều người vẫn bám vào cái suy nghĩ rằng duy trì tình bạn với ex như một cách để giữ cho khả năng mối quan hệ còn tồn tại vì cái ý nghĩ buông bỏ hẳn dường như quá khó khăn. Mặc dù, tùy thuộc vào hoàn cảnh, một tình bạn vẫn có thể có được, nhưng việc là bạn bè của nhau không thể diễn ra theo cách chân thật cho đến khi bạn đã chữa lành hầu hết, nếu không nói là mọi tổn thương, đau khổ, mà điều này thì cần có thời gian.  

Trở thành bạn tốt của chính mình là điều quan trọng nhất trong suốt một cuộc chia tay khó khăn và điều đó có nghĩa là không đặt mình vào trong những tình huống không làm bạn cảm thấy vui vẻ. Khi bạn đang tổn thương thì bạn là người mong manh dễ bị tổn thương. Bảo vệ bản thân bằng ranh giới lành mạnh là một phần thiết yếu của việc biết chăm sóc tốt cho bản thân. Hãy lịch sự cho người yêu cũ của bạn biết rằng bạn cần có không gian riêng và không muốn liên lạc trong thời gian này. (Đừng “ghost” họ: hiện tượng bơ toàn tập ai đó bằng cách dừng liên lạc mà không có lời giải thích nào.)

Nếu bạn phải giữ liên lạc vì con cái hay những bổn phận chung khác thì cần biết rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa trở nên thân thiện và là bạn bè của nhau. Tình bạn đích thực nghĩa là hai người quan tâm đến hạnh phúc của nhau và hết lòng quan tâm và giúp đỡ đối phương. Nhưng đến lúc nhiều mối quan hệ chấm dứt thì người ta thường tự hỏi liệu hai bên có thể chân thành dành cho nhau kiểu quan tâm và hỗ trợ này được không. Mong đợi rằng một ai đó đã không đối xử tử tế với bạn khi hai người còn bên nhau lại có khả năng trở thành một người bạn đích thực sau khi chia tay sẽ khiến bạn tiếp tục bị tổn thương hơn mà thôi. Nhưng chọn cách trở nên thân thiện với nhau nghĩa là bạn có thể, mà không gắn liền với kỳ vọng, thừa nhận tình yêu mà bạn đã chia sẻ và tôn trọng khoảng thời gian đó trong cuộc đời bạn bằng cách đối xử tử tế và tôn trọng người khác.

2. Buông bỏ mộng tưởng    

Nhiều người không nhận ra rằng phần lớn nỗi đau mà họ trải qua khi chia tay chẳng liên quan gì đến mối quan hệ mà họ có.

Các mối quan hệ không phải lúc nào cũng kết thúc vì một nguyên do. Nó hiếm khi là một việc hoàn toàn bất ngờ vì mọi chuyện thường không diễn ra tốt đẹp trong một thời gian rồi. Thường có một danh sách dài về những việc mà mỗi người đã làm hoặc không làm, dẫn tới chuyện gây gổ, tranh cãi và cảm giác tổn thương. Hầu hết mọi người đều không muốn quay lại với mối quan hệ mà họ từng có. Cái mà họ thương tiếc chính là mối quan hệ mà họ tin rằng họ có thể có được nếu mọi chuyện trở nên khác đi.

Nhưng sự thật là, mối quan hệ đó không còn tồn tại nữa. Buông bỏ một giấc mơ có thể rất khổ sở. Khi mối quan hệ mới bắt đầu, người ta đã đặt ra những kỳ vọng cho nó dựa trên những điều tốt đẹp dường như đang được biểu lộ lúc bấy giờ. Khởi đầu của gần như mọi mối quan hệ đều luôn tuyệt vời—bằng không thì người ta sẽ không bao giờ bắt đầu mối quan hệ—nhưng toàn bộ mối quan hệ là tất cả những gì diễn ra từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Bởi vì tâm trí chúng ta đang cố gắng chữa lành trái tim mình nên những ký ức đau đớn thường chuyển thành nền và chúng ta thấy mình đang nhớ lại và khao khát những khoảng thời gian tuyệt vời. Chúng ta quên mất con người thực sự của đối phương và lý tưởng hóa về con người mà chúng ta muốn họ là.   

Một chiến lược hay để vượt qua được những khoảnh khắc này chỉ đơn giản là viết ra tất cả những điều đau lòng mà bạn có thể nhớ được, từng xảy ra trong suốt mối quan hệ và đọc nó cho bản thân nghe trong khi đang cố nhớ lại rõ ràng những ký ức đó cho đến khi cảm xúc đau đớn lắng xuống.

Vấn đề ở đây là đừng tức giận, mà hãy nhớ lại toàn bộ sự thật về lý do tại sao mối quan hệ lại chấm dứt. Cuối cùng thì việc buông bỏ những sự việc ấy sẽ là một phần quan trọng của quá trình tha thứ và chữa lành, nhưng để từ bỏ một điều gì đó thì trước tiên bạn phải thừa nhận và chấp nhận rằng nó đã xảy ra.

3. Làm hòa với quá khứ

Khi ai đó đối xử tệ với bạn hoặc làm việc gì đó gây tổn thương thì cảm thấy tức giận là một phản ứng tự nhiên và lành mạnh. Tức giận giúp bạn ý thức được tình huống bất lợi cho mình và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cắt đứt khỏi một mối quan hệ không lành mạnh.

Nhưng khi chúng ta giữ mãi sự giận dữ và oán hận từ những kinh nghiệm trong quá khứ thì chúng ta sẽ mang chúng theo mình vào tương lai. Không gì đau hơn khi một ai đó mà bạn yêu đã làm việc gì đó khiến bạn phải đánh giá lại con người mà bạn tin tưởng. Khi ai đó phản bội lại niềm tin mà bạn trao gửi, điều đó mới đau đớn làm sao. Nhưng để hành vi của người khác hạn chế khả năng tiến lên phía trước của bạn đồng nghĩa với anh (cô) ấy vẫn có khả năng kiểm soát cuộc đời bạn. Tha thứ không phải là về việc để cho người khác không phải chịu trách nhiệm về hành vi xấu của anh (cô) ta; mà đó là về sự tự do cảm xúc/tình cảm của bạn.   

Học cách tha thứ và làm hòa với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ có thể diễn ra một cách dễ dàng hơn khi bạn không tập trung vào những biến cố cụ thể đã xảy ra mà thay vào đó hãy thử nhìn nhận quan điểm của những người có liên quan. Hầu hết mọi người không hành xử với ý định gây tổn thương trực tiếp cho người khác; nói chung, họ đưa ra những lựa chọn nhằm mục đích làm bản thân họ cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn. Dù gì đi nữa, bản chất của loài người chúng ta là hoạt động theo quan điểm tư lợi cho bản thân và ảnh hưởng của hành động của chúng ta lên người khác thường là một mối bận tâm thứ yếu. Dù không thể sửa chữa được chuyện này, nhưng đôi khi nhìn nhận theo quan điểm của người khác có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những sự việc đã diễn ra và bớt đổ lỗi cho bạn.

Bạn cũng có thể dễ dàng tha thứ cho một ai đó khi bạn xem họ như một con người toàn diện. Nếu bạn thấy mình đang ấp ủ cơn giận trong lòng về những chuyện mà người khác đã làm hay không làm thì hãy thử lùi lại và nhớ lại những phẩm chất tốt đẹp mà bạn nhìn thấy ở người đó khi bạn gặp lần đầu tiên, và nhận ra ai cũng có khuyết điểm và tất cả chúng ta đều mắc sai lầm.

4. Hiểu rằng chẳng sao cả khi bạn vẫn còn yêu họ 

Tình yêu không bao giờ sai. Khi ai đó bước vào cuộc đời bạn, cho bạn cơ hội để trải nghiệm tình yêu thì điều đó luôn luôn là một món quà quý. Tuy nhiên, một phần của sự trưởng thành là nhận ra bản thân tình yêu không phải lúc nào cũng là đủ để làm cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Nhiều yếu tố và hoàn cảnh khác, chẳng hạn như thời gian, những giá trị xung khắc hay những lựa chọn của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu mối quan hệ có thể phát triển được hay không. Nhưng từ bỏ một mối quan hệ không còn tốt đẹp không hẳn là phải chấm dứt tình yêu mà bạn đang có. Đôi khi, cách duy nhất để buông bỏ là yêu ai đó đủ để mong muốn điều tốt đẹp nhất cho anh (cô) ấy ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc không ở bên nhau.

Có nhiều dạng tình yêu, và nó có khả năng chuyển đổi, phát triển và thay đổi theo thời gian. Hãy để cho tình yêu lãng mạn trong bạn phát triển thành một kiểu tình yêu khác, bao gồm sự quan tâm và lòng trắc ẩn dành cho một người từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn. Điều này sẽ giúp quá trình chữa lành được diễn ra thuận lợi.  

Phần lớn nỗi đau mà chúng ta cảm nhận khi một mối quan hệ kết thúc có liên quan đến sự mất mát mà chúng ta nhìn nhận. Hãy xem nó như một sự chuyển tiếp thay vì là một mát mát có thể giúp xoa dịu tổn thương trong chúng ta. Sự thật là: Các mối quan hệ mà ta có trong đời luôn sống mãi. Chúng tồn tại trong ký ức của chúng ta, trong cảm xúc của chúng ta khi ta nghĩ về họ, trong con người hiện tại của chúng ta vì họ, và trong những bài học mà ta học được từ họ.

5. Yêu bản thân nhiều hơn 

Sau cùng, việc rời bỏ một mối quan hệ không còn tốt đẹp chính là biết thương lấy chính mình. Đối với một số người thì đây là phần khó nhất. Tin rằng bạn xứng đáng có được một mối quan hệ yêu thương với một ai đó cùng chung giá trị với bạn và đối xử tốt với bạn đòi hỏi bạn phải biết nhìn nhận về mình ở góc độ tích cực. Nếu chỉ nội việc nghĩ đến chuyện này dường như là một thử thách vì cuộc độc thoại nội tâm của bạn đầy ắp sự thiếu tự tin, tự chỉ trích hay chán ghét bản thân thì có thể bạn cần phải nhờ đến sự trợ giúp của một nhà tham vấn tâm lý chuyên nghiệp. Bạn không thể mong đợi người khác đối xử với bạn tử tế hơn bạn đối xử với chính mình.    

Tha thứ cho bản thân là một phần quan trọng của yêu-bản thân. Khi nhìn lại, bạn có thể cảm thấy rằng có những chuyện mà đáng lẽ bạn có thể làm khác đi, nhưng bạn không thể nào biết được những kết quả khác ấy là gì. Đổ lỗi cho bản thân theo cách tự trách móc chỉ lãng phí năng lượng một cách vô ích, mang lại cảm xúc tiêu cực và làm chậm trễ quá trình chữa lành.

Thay vào đó, hãy chọn biến nỗi đau thành một điều lợi lạc. Mọi mối quan hệ, nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận, có thể dạy cho ta điều gì đó về bản thân và giúp ta hiểu rõ hơn những điều mình cần để có được hạnh phúc. Thừa nhận vai trò của bạn trong những chuyện không ổn với một mối quan hệ có thể là một phần quan trọng của quá trình học hỏi. Khi hai người ở trong một mối quan hệ, họ tạo ra một động năng và bất cứ điều gì đã xảy ra thì cả hai đều góp phần vào nó theo một cách nào đó. Khi bạn có sự sáng suốt để hiểu được vai trò của mình, bạn sẽ ở vị thế tốt để làm việc gì đó khác đi.

Nếu bạn tin rằng có thể hữu ích khi thực hiện một số thay đổi trong hành vi của riêng bạn, chẳng hạn như học cách thiết lập ranh giới tốt hơn hay cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình, thì khi ấy hãy nắm lấy cơ hội làm việc này để mối quan hệ sau của bạn có thể trở nên tuyệt vời hơn.

Chúng ta cần có mối quan hệ với người khác để nhìn nhận bản thân một cách rõ ràng hơn. Mọi mối quan hệ chúng ta có phản chiếu lại cho ta biết những gì chúng ta đang mang vào thế giới. Cần hiểu rằng một mối quan hệ không phải là một sự thất bại chỉ vì nó đã chấm dứt. Nếu bạn trưởng thành lên và học hỏi được điều gì đó để đưa cuộc sống của mình tiến lên thì khi ấy nó thực sự đã là thành công rồi.

 

Tác giả: Tiến sĩ Jennice Vilhauer là một nhà tâm lý học ở Los Angeles, nhà phát triển của Liệu pháp Định hướng Tương lai Future Directed Therapy (FDT), và là tác giả của cuốn sách bán chạy Think Forward to Thrive.

Dịch bởi Thợ săn tiền thưởng

Nguồn ảnh: Iakov Filimonov/ Shutterstock

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/gb/blog/living-forward/201508/5-ways-move-ex-you-still-love

menu
menu