5 cách ngăn ngừa cảm giác kiệt sức

5-cach-ngan-ngua-cam-giac-kiet-suc

Cuộc sống hối hả hiện đại khiến nhiều người gặp cảm giác kiệt sức, nguyên nhân là sự suy giảm về cảm xúc, tinh thần, thể chất, do căng thẳng kéo dài hoặc lặp đi lặp lại.

Cảm giác kiệt sức thường gặp nhất trong công việc, nuôi dạy con cái. So với sự căng thẳng thông thường, kiệt sức là một giai đoạn căng thẳng kéo dài và khó có thể cải thiện được.

Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học Jeff Comer tại Đại học Nam California (Mỹ) có 5 bước hiệu quả để đánh bại sự kiệt sức.

Quản lý năng suất hàng ngày của bản thân

Các nghiên cứu khoa học chứng minh con người có khả năng nhận thức tốt nhất trong khoảng 4 giờ mỗi ngày. Bằng cách tập trung vào thời điểm suy nghĩ rõ ràng nhất, sự tập trung nhạy bén và năng lượng ở mức cao nhất, bạn dồn vào giải quyết những nhiệm vụ cấp bách nhất. Điều này dẫn đến kết quả tốt hơn, ít sai sót hơn và cuối cùng mang lại nhiều sự hài lòng hơn, giảm bớt căng thẳng dẫn đến kiệt sức.

Giảm thiểu những căng thẳng và rắc rối hàng ngày

Mỗi người đều có thể gặp phải những yếu tố gây căng thẳng hàng ngày. Các yếu tố này kích hoạt phản ứng cảm xúc của hệ thần kinh giao cảm mà khó có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, việc suy ngẫm và chuẩn bị có thể giúp giảm thiểu các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày một cách lâu dài.

Đầu tiên, xác định điều gì có thể kích thích bạn và tại sao nó lại gây ra phản ứng cảm xúc. Hiểu được các tác nhân thường gặp sẽ mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát được tình huống và phản ứng của mình.

Việc chuẩn bị kế hoạch để giảm thiểu tác nhân gây căng thẳng cho phép bạn nâng cao khả năng kiểm soát và dự đoán phản ứng của mình đối với những tình huống này, giúp bạn chủ động tránh chúng hoàn toàn. Cuối cùng, bạn bám sát kế hoạch và thực hiện các sửa đổi nếu cần thiết.

Điều chỉnh suy nghĩ

Trong tâm trạng không tốt, bạn có xu hướng thổi phồng mọi việc. Trong tình huống này, sẽ rất hữu ích nếu bạn điều chỉnh lại các kiểu suy nghĩ và xem xét một cách khách quan những hậu quả có thể xảy ra của tình huống đó.

Nghiên cứu của Mỹ năm 2019 cho thấy, khi chúng ta lo lắng về điều gì đó, kết quả thường không dữ dội hoặc tiêu cực như những gì chúng ta tưởng tượng. Do vậy, cách tiếp cận hữu ích là hỏi bản thân "Liệu tình huống này có quá quan trọng không?". Câu hỏi này cho phép bạn đặt sự việc vào một bối cảnh thực tế hơn và ít căng thẳng hơn.

Quản lý hormone

Căng thẳng luôn tác động đến hormone của bạn. Khi amygdala khởi động hệ thần kinh giao cảm và trục vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, một trong những hoạt động chính tiếp theo của cơ thể là tiết ra cortisol, testosterone, estrogen, oxytocin và các hormone khác. Sự mất cân bằng hormone sẽ tạo ra căng thẳng, đặc biệt bằng cách làm tăng các phân tử gây viêm cytokine lưu thông khắp cơ thể bạn.

Để quản lý hormone, bạn có thể làm nhiều cách, ví dụ bổ sung đầy đủ protein và chất xơ, tập thể dục, uống các loại trà, ngủ đủ giấc.

Đừng gượng ép bản thân

Kìm nén sự kiệt sức và vượt qua sự mệt mỏi thể xác, tinh thần là phản ứng điển hình của chúng ta, tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó gây hại nhiều hơn là có lợi.

Nếu bạn cảm thấy căng thẳng đến kiệt sức, nên tìm kiếm sự hỗ trợ để kiểm soát chúng. Căng thẳng mãn tính nếu không được kiểm soát sẽ tạo ra tác động tích lũy, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn và có thể góp phần gây ra chứng rối loạn tâm sinh lý.

Điều quan trọng là dành thời gian để hiểu, chuẩn bị và thực hiện các chiến lược giải quyết căng thẳng mãn tính, thay vì cố gắng kìm nén nó.

Thùy Linh dịch

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/beyond-stress-and-burnout/202309/5-more-ways-to-beat-burnout

menu
menu