5 dấu hiệu cho thấy bạn đang hẹn hò với một kẻ chỉ yêu mỗi bản thân (và tốt nhất là nên chia tay đi)

5-dau-hieu-cho-thay-ban-dang-hen-ho-voi-mot-ke-chi-yeu-moi-ban-than-va-tot-nhat-la-nen-chia-tay-di

Trong cuốn sách của mình, tác giả người Úc Melanie Tonia Evans đã chỉ ra 5 dấu hiệu của một người mắc bệnh ái kỷ (narcissist).

Ái kỷ là gì? Là luôn khen mình đẹp, nghĩ mình đúng, mình giỏi, mình tốt, mình phải được ngợi ca, mình là trung tâm của vũ trụ. Người ái kỷ có thể được tóm gọn trong 2 từ: ích kỷ và cao ngạo.

Ngay cả những người tử tế và vị tha nhất cũng sẽ có lúc ích kỷ. Tuy nhiên, liệu có khi nào người bạn đang hẹn hò cũng rơi vào tập hợp những người mắc bệnh ái kỷ?

Câu hỏi đó sẽ được trả lời trong cuốn sách của tác giả Melanie Tonia Evans, xuất bản tại Anh Quốc tuần này. Bà Evans là chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu hội chứng ái kỷ này, đồng thời là nhà sáng lập của tổ chức "cai nghiện bản thân", một cộng đồng giúp đỡ những người mắc bệnh ái kỷ.

Rất nhiều người chưa lường trước được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh tâm lý này. Chúng ta chỉ nhìn nhận những người ái kỷ là "khá chảnh", cái tôi lớn, yêu bản thân quá đà mà không hề biết đây là tiền đề của những tư tưởng lệch lạc có thể dẫn đến hành vi sai trái.

"Nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng đến việc gặp gỡ, nghiên cứu và chữa trị cho những người ái kỷ. Họ không bao giờ thấy xấu hổ, ăn năn hay day dứt gì cho hành động của mình. Rất nhiều người trong số họ là tội phạm cướp bóc, tình dục, hoặc là những người bình thường nhưng sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được thứ mình muốn: sự chú ý, số điện thoại, chiếm đoạt ai đó. Người ái kỷ hoàn toàn không hề quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của người khác. 

Nếu bạn đang nghi ngờ mình trót "dính" phải một người mắc bệnh ái kỷ (NPD), hãy thử xem anh/chị ta có những biểu hiện nào trong 5 biểu hiện dưới đây.

1. Lúc nào cảm xúc cũng bất an

Ở ngay phía trên, chúng ta đã nói rằng người ái kỷ chỉ biến đến bản thân mình, chỉ yêu bản thân mình. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Các bệnh nhân NPD được nghiên cứu đa phần mắc chứng lo âu, sợ hãi, luôn cảm thấy thiếu an toàn, dựng cả tóc gáy lên với những thứ mà một người trưởng thành bình thường sẽ không bao giờ để tâm đến vậy. Nói chung, người ái kỷ vô cùng nhạy cảm.

Cơn giận của người ái kỷ mới gọi là kinh khủng. Giả sử "nửa kia" của bạn là người ái kỷ, chỉ cần bạn hơi phấn khích khi khen ngợi anh bạn đồng nghiệp thôi, gã cũng có thể nhảy dựng lên buộc tội bạn không chung thủy, "ăn chả ăn nem".

Trong sinh hoạt nhóm, nếu người tự luyến không được chú ý theo cái cách mà họ muốn, họ sẽ nhanh chóng hạ gục, bôi xấu người đang chiếm "spotlight" để thu hút sự chú ý vào mình.

2. "Ảo tưởng sức ảnh hưởng"

Nếu bạn chọn chung sống cả đời với một người ái kỷ, nhiều khả năng là bạn sẽ hối hận, khi phát hiện ra người kia luôn ảo tưởng về sức ảnh hưởng của mình đối với vạn vật và hoàn toàn phớt lờ quan điểm cũng như nhu cầu của người khác.

Người ái kỷ luôn nghĩ mình phải được ưu tiên, phải được đặt lên hàng đầu. Họ tự đặt ra tiêu chuẩn nọ, tiêu chuẩn kia cho mình nhưng lại thoải mái chà đạp lên giới hạn chịu đựng của người khác.

3. Người ái kỷ, họ cãi nhau như nhi đồng 5 tuổi

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh ái kỷ: tranh cãi như nhi đồng mẫu giáo.

Các phương pháp tranh biện của người ái kỷ không quá đa dạng. Họ thích dùng từ ngữ khẳng định, tỏ ra là bị ngắt lời, kiểu như: "Bạn để im cho tôi nói có được không?, "Bạn khó chịu vì tôi không nói những lời bạn muốn nghe chứ gì?", "Tôi chưa thấy ai ngoài bạn phàn nàn về cách sống của tôi".

Trước khi bạn nhận ra nửa kia của mình là một kẻ tự luyến, bạn sẽ bị "cả vú lấp miệng em" và cảm thấy cực kì lo lắng, sợ hãi, không biết liệu mình có vu oan, nghĩ xấu hay làm người ta khó chịu. Nhưng khi bình tĩnh lại bạn sẽ thấy, vấn đề không phải nằm ở bạn. 

Bạn sẽ thấy hoàn toàn thất vọng khi cãi nhau với người chẳng có chút lí lẽ nào khuất phục được người khác. Phí thời gian vô cùng khi phải bực tức với một đứa trẻ năm tuổi, nó sẽ không bao giờ tập trung vào đề tài tranh luận, thay vào đó nó sẽ lôi những chuyện từ 10 năm trước ra để hạ bệ bạn, khiến bạn nghĩ mình không còn đủ tư cách tranh luận.

4. Nói dối thành thần, thành bệnh

Trong nhận thức tự giáo dục vĩ đại của người ái kỷ, họ coi việc sống hai mặt và dối trá là điều quá bình thường, thậm chí còn là đỉnh cao của phản xạ giao tiếp. Tác giả Melanie Tonia Evans đã viết rất rõ trong cuốn sách của bà: người ái kỷ nói dối như thần. Họ luôn bắt đầu một mối quan hệ tình cảm bằng việc nói dối, đóng một vai không phải con người thật của họ.

Thích khoe khoang thành tựu, tẩy trắng quá khứ, lải nhải mãi về việc bị đối xử tệ để làm nổi bật công trạng, ra cái vẻ mình là người vượt khó. Không những thế, bệnh ái kỷ còn phát triển và lan rộng một cách tiêu cực đến nỗi người ái kỷ... tin luôn vào những lời bịa đặt của mình và cố gắng kéo bè cánh, xây dựng một cộng đồng fan cuồng trung thành tin vào những lời trí trá của họ.

5. Thánh đổ lỗi

Ngoài tuyệt chiêu nói lấp cả mồm người khác thì người ái kỷ cũng là những kẻ chuyên đổ lỗi. Đổ lỗi cho bạn chứ ai. Nếu bạn đang hẹn hò với một kẻ ái kỷ, bạn luôn sai! Không có gì là đủ tốt với họ. Mọi hành động của bạn đều được coi là tấn công, định làm đau họ và dựa vào đó, họ đổ lỗi cho mọi vấn đề trong mối quan hệ là do bạn hết!

Tìm đọc cuốn sách You Can Thrive After Narcissistic Abuse của tác giả Melanie Tonia Evans 

Theo Daily Mail

Theo Melody – Helino

 

menu
menu