5 giai đoạn của hành động quậy phá ở trẻ

5-giai-doan-cua-hanh-dong-quay-pha-o-tre

Mục đích của hành động quậy phá là gì? Tâm lý học Adler chú ý tới “mục đích” ẩn sau hành động đó.

Tại sao trẻ lại có những hành động quậy phá?

Mục đích của hành động quậy phá là gì?

Tâm lý học Adler chú ý tới “mục đích” ẩn sau hành động đó. Nghĩa là, chia làm 5 giai đoạn để suy nghĩ vì mục đích gì mà trẻ con lại có hành động quậy phá. Và tất cả những hành động quậy phá của con người đều ứng với một trong các giai đoạn đó. Cần phải tìm giải pháp ngay từ giai đoạn đầu trong lúc diễn biến tâm lý còn chưa leo thang.

Giai đoạn thứ nhất của hành động quậy phá là “mong muốn được tán thưởng.”

Tỏ ra là “đứa trẻ ngoan” trước bố mẹ, thầy cô và những người khác. Nếu là người làm việc trong tổ chức thì thể hiện quyết tâm và sự phục tùng cấp trên và những người đi trước. Làm vậy để được khen ngợi. Mọi thứ bắt nguồn từ đây.

Nếu xét từng hành vi riêng biệt thì những đứa trẻ đó là “trẻ ngoan”, “học sinh xuất sắc” chẳng có vấn đề gì. Trên thực tế, trẻ con dốc hết sức vào việc học hành, luyện tập thể thao, nhân viên dốc hết sức cho công việc nên mọi người cũng muốn khen ngợi. Nhưng có một cái bẫy lớn ở đây. Xét cho cùng mục đích của họ là “được khen”, hay nói cách khác là “giành lấy vị trí đặc quyền trong tập thể.” Họ không phải đang làm “việc tốt” mà chỉ làm những “việc được khen”. Và nếu không được ai khen, không được đặc biệt chú ý thì những nỗ lực này chẳng có nghĩa lý gì cả. Thế là ngay lập tức họ mất đi mong muốn đó. Họ sẽ dần học lối sống (thế giới quan) “nếu không có người khen sẽ không hành động đúng đắn” và “nếu không có người phạt sẽ có những hành động không phù hợp.”

Giai đoạn thứ hai của hành động quậy phá là “thu hút sự chú ý”

Mất công làm “việc tốt” mà chẳng được khen. Không có được vị trí đặc quyền trong lớp. Hoặc vốn dĩ không có đủ can đảm và kiên trì để làm “việc sẽ được khen.” Những lúc như thế, con người sẽ nghĩ “chẳng cần được khen cũng được, cứ phải tỏ ra nổi bật đã.” Kể cả làm những việc xấu, những việc sẽ bị mắng. Chúng không còn mong được khen nữa mà chỉ nghĩ đến việc nổi bật.

Nguyên lý hành động của trẻ không phải “việc xấu” mà là “việc nổi bật.” Nổi bật để làm gì? Để có được một vị trí đặc biệt trong lớp. Muốn có “chỗ đứng” cố định trong tập thể.

Nghĩa là không được công nhận theo cách đường đường chính chính như học tốt nên trở thành “tôi đặc biệt” bằng cách khác. Không phải trở nên đặc biệt bằng cách là “trẻ ngoan” mà giành được điều đó bằng cách trở thành “trẻ hư”, đảm bảo chỗ đứng của mình.

Ở cái tuổi dở dở ương ương đó, hơi “hư hỏng” một chút sẽ được chú ý. Những trẻ tích cực thì phá vài điều luật của nhà trường và xã hội, nói cách khác là “nghịch ngợm” để thu hút sự chú ý. Mất trật tự trong giờ học, trêu chọc, cãi lời thầy cô. Chúng tuyệt đối không bao giờ gây chuyện đến mức khiến người lớn tức giận và không ít trường hợp được thầy cô và bạn bè yêu mến như một nhân vật hài hước nổi bật của lớp. Trong khi đó, những đứa trẻ tiêu cực thì học lực giảm sút rõ rệt, thường xuyên quên bài vở, khóc lóc để gây chú ý. Nghĩa là thu hút sự chú ý, giành lấy vị trí đặc biệt bằng cách tỏ ra là “đứa trẻ chẳng làm được gì.” Cản trở giờ học, thường xuyên quên bài vở thì chắc chắn chúng sẽ bị mắng té tát. Nhưng chúng chấp nhận bị mắng vì so với không được chú ý thì bị mắng vẫn còn tốt hơn. Cho dù bị mắng, chúng vẫn muốn được công nhận sự tồn tại, được đặt vào vị trí đặc biệt. Đó là mục đích của chúng.

Những trẻ ở giai đoạn 2 này sống theo một nguyên tắc đơn giản, cũng không hề khó xử lý. Vì chỉ cần thể hiện “sự tôn trọng” để cho chúng thấy không cần phải đặc biệt, cứ như vậy đã có đầy đủ giá trị rồi.

Giai đoạn 3: Căm ghét tôi đi! Vứt bỏ tôi đi!

Mục đích của chúng ở đây là bước vào “tranh giành quyền lực”.

Chẳng nghe ai, luôn tỏ ra khiêu khích, tuyên chiến. Chúng định chứng tỏ “quyền lực” bằng cách chiến thắng trận chiến đó. Định giành lấy vị trí đặc biệt. Một giai đoạn tương đối khó xử lý.

Nếu gói gọn trong một từ thì đó là “tranh đấu”. Khiêu khích bố mẹ, thầy cô bằng những lời lẽ thiếu lễ độ. Cũng có khi luôn tỏ ra giận dữ, hung tợn. Điềm nhiên phá luật lệ như móc túi, hút thuốc. Mặt khác, những trẻ tiêu cực thì tranh giành quyền lực bằng cách “không nghe lời”. Dù bị mắng gay gắt đến mấy, chúng cũng không chịu học hành, tập luyện. Chúng tỏ ra không để ý đến lời người lớn. Không phải là chúng không muốn học hay cho rằng không cần phải học. Chúng chỉ muốn chứng tỏ “quyền lực” của bản thân bằng cách tỏ ra “không nghe lời” thôi.

Lúc này, nhiều bậc phụ huynh và giáo viên đã cầm cây vợt giận dữ trên tay, đánh trả quả bóng trách móc về phía chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là chấp nhận lời thách thức, “đứng trên cùng một sân đấu với đối thủ”. Chúng sẽ vui mừng đánh lại một quả bóng tranh đấu khác. Cho rằng cuộc chiến mình khơi mào đã bắt đầu.

Nếu là vấn đề liên quan đến pháp luật thì cần phải xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, khi phát hiện sự tranh giành quyền lực nằm ngoài điều đó thì ngay lập tức rời khỏi sân đấu của chúng. Trước hết, chỉ cần làm có vậy thôi. Hãy nghĩ rằng không cần trách móc mà chỉ cần tỏ ra bực bội là bạn đã đứng trong sân đấu tranh giành quyền lực mất rồi.

Giai đoạn 4: Trả đũa

Đã quyết tâm khiêu chiến tranh giành quyền lực mà chẳng ăn thua gì. Không thu được thắng lợi cũng chẳng giành được vị trí đặc biệt. Không được coi là đối thủ, thành kẻ bại trận. Những người thua cuộc như thế sau khi tạm thời rút lui sẽ lên kế hoạch “trả đũa.”

Họ trả đũa tình cảm những người không thừa nhận, không yêu quý “tôi” duy nhất.

Mong muốn được tán thưởng, thu hút sự chú ý và rồi tranh giành quyền lực. Tất cả đều là biểu hiện của cảm xúc mong muốn tình cảm “hãy tôn trọng tôi hơn”. Nhưng ngay khi biết rằng mong muốn tình cảm đó không được chấp nhận, con người sẽ thay đổi 180 độ, trở nên mong muốn “sự ghét bỏ”. Tôi biết là các người không yêu thương tôi. Vậy thì hãy ghét bỏ tôi đi. Hãy chú ý đến tôi với cảm xúc thù ghét đó. Họ sẽ nghĩ như vậy.

Chẳng hạn, những đứa trẻ tranh đấu với cha mẹ, thầy cô, khiêu chiến để “tranh giành quyền lực” ở giai đoạn ba. Chúng có chút khả năng có thể trở thành anh hùng trong lớp. Chúng sẽ được tán thưởng vì lòng can đảm dám đứng lên đối diện với quyền uy, đứng lên đối đầu với người lớn.

Tuy nhiên, những đứa trẻ bước vào giai đoạn “trả đũa” sẽ không được ai tán thưởng. Không những bị cha mẹ, thầy cô mà cả bạn cùng lớp cũng ghét bỏ, sợ hãi nên dần trở nên cô độc. Dù vậy, chúng vẫn muốn được gắn kết bằng một điểm duy nhất là “bị ghét.”

Những đứa trẻ ở giai đoạn “tranh giành quyền lực”, đường đường chính chính tuyên chiến một cách trực diện. Cả sự khiêu khích lẫn những lời nói vô lễ cũng là khiêu khích trực tiếp, thể hiện tinh thần nghĩa hiệp theo cách của chúng. Chính vì thế mà cũng có khi chúng được coi là anh hùng. Nếu gặp phải thách thức như thế thì có thể bình tĩnh xử lý. Trong khi đó, những đứa trẻ ở giai đoạn trả đũa khong chọn cách đấu tranh trực diện. Chúng không lên kế hoạch làm “việc xấu” mà cứ lặp đi lặp lại “điều đối phương ghét”.

Nói một cách dễ hiểu thì hành vi đeo bám là điển hình của sự trả đũa. Trả đũa tình cảm đối với người không dành tình yêu cho mình.  Những kẻ đeo bám hoàn toàn hiểu đối phương không thích điều đó. Vfa cũng hiểu sẽ không thể phát triển mối quan hệ tốt đẹp từ hành động đó. Dù vậy, họ vẫn lập kế hoạch để kết nối bằng “thù hận” và “căm ghét”.

Hành vi tự làm tổn thương mình hay lối sống “hikikomori” nhốt mình trong nhà cũng được tâm lý học Adler coi là một kiểu “trả đũa”. Làm tổn thương bản thân, hạ thấp giá trị của bản thân để tuyên bố “Con như thế này là tại bố mẹ.” Tất nhiên, cha mẹ sẽ lo lắng, sẽ đau lòng. Và đứa trẻ coi như trả đũa thành công.

Ngoài bạo lực và bạo lực lời nói ngày càng leo thang thì khồn ít trẻ tham gia vào các băng nhóm bất hảo, tổ chức chống đối xã hội, nhúng tay vào tội ác. Ngoài ra, những trẻ tiêu cực thì trở nên bẩn thỉu đến mức người thường không thể hình dung nổi, chìm đắm trong những thú vui kỳ cục, phản cảm. Có rất nhiều cách trả đũa.

Giai đoạn 5: Chứng tỏ sự vô dụng

Ở đây bạn hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ xem. Mặc dù từ bấy đến giờ đã tìm đủ cách để được đối xử như một “tồn tại đặc biệt” nhưng chẳng hề có hiệu quả. Cả cha mẹ, thầy cô lẫn bạn bè đều chẳng thèm thậm chí là ghét mình. Không thể tìm thấy “chỗ đứng” của mình ở cả nhà lẫn ở trường. Nhưng cha mẹ và thầy cô sẽ nhắc bạn phải học chăm hơn, can thiệp vào mọi chuyện liên quan đến thái độ ở trường, quan hệ với bạn bè. Những người xung quanh mong muốn bạn cố gắng hơn nữa. Họ kỳ vọng nếu làm sẽ được và bạn chắc chắn sẽ thay đổi nhờ tác động của họ. Nhưng bạn muốn họ mặc kệ bạn.

“Đừng kỳ vọng gì ở tôi nữa” chính là cảm xúc gắn liền với “chứng tỏ sự vô dụng.”

Trở nên tuyệt vọng với cuộc đời, ghét bản thân mình đến tận xương tủy, tin rằng mình chẳng giải quyết được gì. Và chạy trốn khỏi mọi nhiệm vụ để không phải tuyệt vọng hơn nữa. Chứng tỏ với những người xung quanh rằng “tôi vô dụng đến thế này nên đừng giao nhiệm vụ gì cho tôi nữa. Tôi không có khả năng giải quyết chúng.” Để không bị tổn thương thêm nữa.

Nếu cố gắng làm một nhiệm vụ để rồi lại thất bại thì bỏ cuộc ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn. Bởi vì làm như thế sẽ không lo phải chịu thất vọng hơn nữa. Vì thế lũ trẻ dùng mọi cách để “chứng tỏ” sự vô dụng của mình. Diễn vai một kẻ ngốc ngờ nghệch, thờ ơ với mọi việc, không còn muốn cố gắng làm bất cứ nhiệm vụ đơn giản nào nữa. Và rồi cuối cùng bản thân cũng tin rằng “mình ngu ngốc.”

Nếu nói ra thành lời được thì chỉ là đang tự giễu mình. Hầu hết những trẻ bước vào giai đoạn 5 thực sự, trong lúc đóng vai kẻ ngốc, cũng có khi bị nghi ngờ mắc một căn bệnh tâm thần nào đó. Chúng tự kìm hãm một bản thân muốn cố gắng thực hiện nhiệm vụ, một bản thân muốn nghĩ về mọi vật. Và chỉ chán nản từ chối nhiệm vụ, từ chối cả những mong đợi của những người xung quanh.

Mong muốn của chúng là “đừng kỳ vọng gì ở tôi”, “cứ mặc kệ tôi”, nói rõ hơn là “hãy từ bỏ tôi”. Cha mẹ và thầy cô càng đưa tay ra, chúng càng tìm những cách cực đoan hơn để “chứng tỏ sự vô dụng”. Đáng tiếc là bạn chẳng thể làm được gì cả. Chỉ còn cách nhờ tới các chuyên gia. Thực ra thì đến cả các chuyên gia cũng rất khó giúp đỡ những trẻ bắt đầu chứng tỏ sự vô dụng của mình.

Hơn một nửa hành động quậy phá đều dừng lại ở giai đoạn thứ ba “tranh giành quyền lực.” Vai trò của các giáo viên rất quan trọng trong việc ngăn trẻ bước vào các giai đoạn tiếp theo.

 

Theo cuốn sách “Dám hạnh phúc” – Kishimi Ichiro và Koga Fumitake

 

menu
menu