5 kiểu tình yêu đơn phương: xếp hạng từ dễ chịu nhất đến ‘đau khổ’ nhất
Tình yêu không hồi đáp - đó là kiểu tình yêu chỉ đến từ một phía, không bao giờ được đáp lại.
Tình yêu không hồi đáp - đó là kiểu tình yêu chỉ đến từ một phía, không bao giờ được đáp lại. Đa số ai cũng từng trải qua cảm giác yêu ai đó mà người ấy không yêu mình, để rồi trái tim mình tổn thương bởi khoảng cách cảm xúc xa vời đó. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí SAGE Open, tình yêu đơn phương có 5 loại cơ bản. Và mặc dù không mãnh liệt như tình yêu đích thực – với đầy đủ cung bậc của đam mê, cam kết và hy sinh – tình yêu một chiều lại gây nhiều nỗi đau, rối bời hơn hẳn. Các nhà nghiên cứu còn ví von nó là “phiên bản lạc quẻ” của tình yêu lứa đôi – một thứ cảm xúc na ná tình yêu nhưng lại thiếu đi cái “chất” mạnh mẽ, đôi bên đều say đắm.
Hãy cùng khám phá 5 kiểu tình yêu đơn phương, từ “dễ nuốt” nhất đến “khó chịu” nhất theo đánh giá của các chuyên gia nhé!
Source: Valeriia Miller / Unsplash
1. Tình Yêu Ảo Mộng (Parasocial Love)
Kiểu tình yêu đơn phương phổ biến đầu tiên là “thầm thương trộm nhớ” một người không thể với tới – có thể là người nổi tiếng, một ngôi sao nào đó. Đây được gọi là tình yêu ảo mộng, khi ta phát triển tình cảm sâu đậm với ai đó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay.
Nghiên cứu năm 2021 của Frontiers in Psychology cho thấy nhiều người dễ bị “cuốn” vào các nhân vật hư cấu và diễn viên đóng vai đó, dù họ biết rằng mối quan hệ này chỉ là một phía. Dù fan có dõi theo từng bước chân, hiểu rõ về cuộc sống của “người ấy,” nhưng thực tế ngôi sao ấy lại chẳng hề biết đến sự tồn tại của mình.
Ngay cả khi có những khoảnh khắc gặp gỡ ngắn ngủi như trong các buổi ký tặng, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định mối quan hệ đó sẽ không bao giờ trọn vẹn, vẫn là một mối quan hệ “nửa vời” và không có cơ hội phát triển thành một mối tình thực sự. Cái đau ở đây là, ta đã đầu tư biết bao cảm xúc, nhưng lại chẳng bao giờ nhận lại chút đáp trả.
Vậy là, cứ thầm thương người trong mộng rồi chỉ biết tự mình buồn thôi!
2. Say Nắng Người Ở Gần
Có lúc chúng ta lại phải lòng một người ngay gần bên, như đồng nghiệp, bạn học, hay hàng xóm. Khác với tình yêu “ảo mộng” dành cho những người nổi tiếng, kiểu say nắng này dựa trên những tiếp xúc có thật, dù chỉ thoáng qua và hạn chế.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, đây chính là loại “yêu thầm” phổ biến nhất. Sự gần gũi, gặp gỡ thường xuyên như là chất xúc tác khiến tình cảm cứ âm ỉ lớn dần, ngay cả khi chưa ai nói ra điều gì. Mong muốn tiến xa hơn đôi khi lại xung đột với nỗi sợ bị từ chối, tạo nên vòng xoáy bối rối và mệt mỏi trong lòng.
3. Chủ Động Theo Đuổi Một Mối Quan Hệ
Kiểu “yêu đơn phương” này xảy ra khi một người mê đắm ai đó và quyết định chủ động theo đuổi. Sự theo đuổi có thể rất tinh tế, qua vài hành động nhỏ, tăng tần suất gặp gỡ, hay những lời “thả thính” nửa kín nửa hở. Thậm chí có khi là những hành động táo bạo hơn, như ngỏ lời mời đối phương đi chơi.
Thế nhưng, đối phương lại không phải lúc nào cũng nhận ra hay đáp lại tình cảm này, tạo nên một khoảng cách giữa cảm xúc và kỳ vọng về mối quan hệ. Người theo đuổi đôi khi phải leo lên một “tàu lượn cảm xúc” khi phải đơn phương nuôi hy vọng và giữ cho mối quan hệ tiến triển, mong có thể vượt qua “yêu đơn phương”.
Trong một số trường hợp, sự chủ động này có thể dẫn đến một mối quan hệ đáp lại, nơi tình yêu ban đầu biến thành tình cảm chân thành từ cả hai phía. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự sẵn lòng của đối phương, sự hấp dẫn lẫn nhau, sở thích chung và việc cả hai bên có thể giao tiếp rõ ràng với nhau.
4. Nhớ Người Yêu Cũ
Một kiểu “yêu đơn phương” nữa là khi ta cứ đau đáu nhớ về người yêu cũ. Khi chia tay, nếu một người vẫn còn vương vấn mà người kia thì không, thì người bị “bỏ lại” cứ dằn vặt mãi, còn lòng mình thì vẫn đầy ắp tình cảm. Sự quen thuộc, sự gắn kết từng có khiến người ở lại thật khó để bước tiếp. Họ có thể hy vọng nối lại tình xưa, dù biết rằng điều đó có khi chẳng thực tế nữa.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Personality cho thấy rằng, nỗi nhớ đôi khi không chỉ là vì con người cũ mà vì nỗi sợ cô đơn, sợ mình chẳng còn xứng đáng được yêu thương.
5. Tình Yêu Không Cân Xứng
Ngay cả khi đã yêu nhau, trong tình yêu vẫn có thể xảy ra những chênh lệch về cảm xúc giữa hai người. “Chênh lệch về lượng” là khi một người yêu sâu đậm hơn người kia, ví dụ như một người muốn tiến xa hơn trong khi người còn lại chưa sẵn sàng, khiến cho hai bên dễ bất đồng và thất vọng.
Còn “chênh lệch về chất” thì lại là khác biệt trong cách yêu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tình yêu có nhiều “mặt” khác nhau – đam mê, gắn kết, cam kết, chăm sóc, gắn bó và tình dục. Khi hai người yêu mà lại không đồng điệu trong những mặt này – ví dụ như một người muốn nhiều đam mê, còn người kia lại tìm sự cam kết sâu sắc hơn – thì sự lệch pha này dễ sinh ra những tổn thương và áp lực.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những kiểu yêu đơn phương đau đớn nhất, đặc biệt là tình yêu không cân xứng, thường là những mối quan hệ có nhiều gắn bó, sự thấu hiểu sâu sắc, cam kết, đam mê và hy sinh. Do đó, chúng cũng mãnh liệt và kéo dài lâu hơn.
Đối với tình yêu đơn phương, sự thật đau lòng là một người không sẵn sàng đáp lại tình cảm của bạn sẽ không bao giờ là người phù hợp. Việc ôm mãi một người không thể hoặc không muốn đáp lại tình cảm của bạn đôi khi phản ánh một điều sâu xa hơn – bạn có đang tìm kiếm sự công nhận hay đang trốn tránh việc đối diện với những nỗi sợ và thiếu sót của chính mình?
Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được mình sẽ yêu ai, nhưng chọn cách buông bỏ tình yêu đơn phương có thể mở ra cho mình những cơ hội mới. Đó là một hành động yêu thương chính mình khi nhận ra rằng mình xứng đáng có một tình yêu trọn vẹn, nồng nhiệt và viên mãn. Khi dừng việc đuổi theo người không thuộc về mình, bạn sẽ tạo ra khoảng trống để đón nhận một người thật sự phù hợp.
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/social-instincts/202410/the-5-kinds-of-unrequited-love