5 lý do khiến đám đông trở nên bạo lực

Nghiên cứu tâm lý xã hội lý giải vì sao những cuộc biểu tình ôn hòa lại dễ dàng biến thành hỗn loạn.
Khi một đám đông tụ họp, dù là trong một bữa tiệc, một cuộc biểu tình hay một trận đấu thể thao, luôn có khả năng mọi chuyện sẽ chuyển từ vui vẻ, yên bình sang hỗn loạn, nguy hiểm chỉ trong chớp mắt. Ít ai biết rằng, trên khắp thế giới, có một số yếu tố rất quen thuộc luôn góp phần đẩy đám đông đến bạo lực. Đó là: hiệu ứng lây lan xã hội, sự ẩn danh, cảm xúc, thời tiết và lo âu.
1. Hiệu ứng lây lan xã hội
Yếu tố quan trọng nhất thường góp phần khiến các cuộc biểu tình ôn hoà trở nên rối loạn là hiệu ứng lây lan xã hội. Khái niệm này chỉ việc những hành vi sai lệch lan truyền trong đám đông, chỉ vì người ta thấy người khác cũng đang làm như vậy.
Khi bạn chứng kiến ai đó ném đá vỡ cửa sổ một cửa hàng, hành động ấy bỗng trở nên “chấp nhận được”. Trong một đám đông hàng ngàn người, chỉ cần một vài cá nhân có hành động bạo lực, sự hiện diện của họ đã đủ để hợp thức hoá điều đó với những người xung quanh. Cảm giác chung là: "Mình làm thế này cũng chẳng sao, vì ai cũng đang làm mà."
Lây lan xã hội có thể dẫn đến điều tốt lẫn điều xấu. Điều tốt: Hẳn bạn từng chứng kiến cả sân vận động cùng nhau làm “làn sóng cổ vũ” – bắt đầu chỉ từ vài khán giả hào hứng, rồi lan ra hàng ngàn người chỉ vì… vui và không tốn công sức. Điều xấu: Cũng chính tâm lý ấy khiến một người bình thường, vốn không bao giờ nghĩ đến chuyện đập phá, lại có thể đập vỡ cửa kính nếu họ cảm thấy an toàn trong số đông. Khi ấy, cảm giác rủi ro gần như biến mất.
Source: Free Photos/Pixabay
2. Sự ẩn danh
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của những khuôn mặt vô danh. Các nghiên cứu trong tâm lý xã hội cho thấy ngay cả trẻ em cũng có thể cư xử hung hăng hơn khi không bị nhận diện. Khi không ai biết ta là ai, cảm giác trách nhiệm giảm đi rõ rệt. Đeo mặt nạ giúp con người “mất hình dạng cá nhân” hay như các nhà tâm lý học gọi là sự khử cá nhân hóa và việc vượt qua ranh giới đạo đức trở nên dễ dàng hơn.
Điều này càng đáng nói trong thời kỳ dịch bệnh, khi phần lớn người tham gia biểu tình buộc phải đeo khẩu trang. Ngay cả những người ôn hoà, vốn chẳng bao giờ che mặt trong đám đông, nay cũng buộc phải “ẩn danh” một phần.
Hơn nữa, khi không thể nhìn rõ khuôn mặt người khác, ta cũng rất khó đoán được cảm xúc hay ý định của họ. Khuôn mặt chứa đựng rất nhiều thông tin xã hội, là công cụ mà hàng ngàn thế hệ loài người từng dùng để nhận biết bạn – thù, sự tức giận hay nỗi buồn. Đó là lý do vì sao giao tiếp qua điện thoại hay tin nhắn dễ gây hiểu nhầm vì ta thiếu đi “gương mặt”.
3. Cảm xúc
Khi đám đông tụ lại, luôn có một dòng cảm xúc chung len lỏi giữa mọi người. Dù là ăn mừng chiến thắng thể thao hay biểu tình vì một lý do chính trị, cảm xúc tập thể thường rất mãnh liệt. Trạng thái tâm lý khi bạn đứng một mình rất khác khi bạn hòa vào một biển người. Và khi con người ở trong trạng thái cảm xúc cực đoan, họ không còn đưa ra quyết định như lúc đang bình tĩnh.
Niềm vui có thể dễ dàng biến thành phấn khích thái quá. Nỗi giận có thể thổi bùng thành cơn bạo lực. Khi hàng trăm người cùng trải qua những cung bậc cảm xúc ấy, ranh giới lý trí trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
4. Thời tiết
Một nghiên cứu cho thấy khả năng một vận động viên bóng chày ném bóng trúng người đối phương tăng lên khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn. Không phải do anh ta kém kiểm soát, mà vì nóng nực khiến cảm xúc dễ bốc hỏa. Thời tiết mùa hè, cộng với nhiều tháng cách ly vì dịch bệnh, tạo nên một hỗn hợp dễ phát nổ. Nhiều người đã bị “nhốt” quá lâu, và khi được ra đường giữa đám đông sau thời gian dài, chỉ cần một hai người khơi mào chuyện gì đó, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
5. Lo âu
Mức độ lo âu vốn có trong mỗi người cũng không giúp ích gì. Học hành, công việc, khủng bố, bắt nạt, nợ nần… khiến giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, luôn mang trong mình nhiều gánh nặng tâm lý. Theo dữ liệu từ NAMI (Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần), có tới 42 triệu người Mỹ – khoảng 18% dân số – sống với các rối loạn lo âu như PTSD, rối loạn hoảng sợ hay ám ảnh. Điều này không có nghĩa là bệnh tâm thần là nguyên nhân chính khiến biểu tình biến thành bạo lực. Nhưng ta cũng không thể xem nhẹ ảnh hưởng của stress và lo âu đối với khả năng kiểm soát hành vi. Khi con người kiệt sức, căng thẳng và tức giận, họ dễ mất đi ranh giới giữa đúng và sai.
Tài liệu tham khảo:
Harrigan, N., Achananuparpb, P., & Lim, E.P. (2012). Influentials, novelty, and social contagion: The viral power of average friends, close communities, and old news. Social Networks, 34, 470-480. https://doi.org/10.1016/j.socnet.2012.02.005
Larrick, R. P., Timmerman, T. A., Carton, A. M., & Abrevaya, J. (2011). Temper, Temperature, and Temptation: Heat-Related Retaliation in Baseball. Psychological Science, 22, 423-428. DOI: 10.1177/0956797611399292
Tsikerdekis, M. (2013). The effects of perceived anonymity and anonymity states on conformity and groupthink in online communities: A Wikipedia study. Journal of the Association for Information Science and Technology. 64, 1001–1015. doi:10.1002/asi.22795.
Nguồn: 5 Reasons Why Large Crowds Turn Violent | Psychology Today