Con người sẽ cố gắng sống theo cái nhãn của họ
Ý tưởng ở đây là gán một cái nhãn cho người mà bạn quen biết. Những cái nhãn tạo nên một sự khác biệt lớn. Với cái nhãn được gán cho họ, có khả năng cao là họ sẽ cố gắng sống theo nó.
Bạn có nên khen ai đó rằng họ là người trung thực không?
Đây là tình trạng mà hầu hết chúng ta có vẻ đang mắc phải. Chúng ta không phải là người đạo đức. Chúng ta đơn giản là không có những tính cách đủ tốt để xứng đáng được gọi là người trung thực, nhân ái, khôn ngoan, dũng cảm v.v... Song chúng ta cũng chẳng phải loại người độc ác—bất lương, nhẫn tâm, ngu ngốc, hèn nhát, v.v...Thay vào đó, chúng ta có một sự pha trộn tính cách cả tốt lẫn xấu. Đây là lời giải thích có vẻ hợp lý nhất về những điều mà tâm lý học nói với chúng ta. Nó cũng đúng với kinh nghiệm sống của chúng ta trong thế giới.
Theo tôi thấy thì chúng là sự thật. Bây giờ hãy bàn đến phán xét về giá trị (đánh giá đúng-sai)—đây là một điều thực sự đáng xấu hổ. Đó là điều rất đáng tiếc khi tính cách của chúng ta lại như thế này. Quả thực, là một người tốt thì rất tốt. Tính cách xuất chúng, hay có phẩm hạnh, là thứ mà tất cả chúng ta nên phấn đấu.
Phải thừa nhận là, tin này cũng không đến nỗi tệ. Sẽ tệ hơn rất nhiều nếu hầu hết chúng ta là người xấu xa. Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào khi sống trong một thế giới đầy những kẻ tàn nhẫn, ích kỷ, thiếu trung thực và đáng ghét. Đó sẽ là địa ngục trần gian.
Tuy nhiên, lúc này chúng ta đang đối mặt với một khoảng cách lớn:
Có những chiến lược nào để cố gắng phát triển một tính cách tốt hơn, và chiến lược nào trong số các chiến lược này có nhiều triển vọng? Trong cuốn sách của tôi, The Character Gap: How Good Are We?, tôi xem xét một số chiến lược khác nhau. Tôi thấy có một chiến lược khá thú vị, là cái mà chúng ta có thể gọi là “gán nhãn đức hạnh.”
Giả sử bạn, giống như tôi, tin rằng phần lớn những người mà chúng ta quen biết chẳng có tí đức hạnh nào. Bạn bè bạn, sếp bạn, hàng xóm của bạn… thế thì bạn cần thay đổi quan điểm của mình về tất cả những người ấy.
Giờ là một ý tưởng hay—với quan điểm mới đầy cương quyết này trong tâm trí, bạn nên tiếp tục gọi họ là người trung thực khi bạn gặp họ vào lần tới. Bạn vẫn nên khen họ là người nhân ái. Bạn nên cố gắng nói về sự can đảm của họ.
Tại sao bạn cần làm chuyện như vậy? Chẳng phải điều đó là sai ư?
Hãy cứ chờ xem. Ý tưởng ở đây là gán một cái nhãn cho người mà bạn quen biết. Những cái nhãn tạo nên một sự khác biệt lớn. Với cái nhãn được gán cho họ, có khả năng cao là họ sẽ cố gắng sống theo nó. Và biết đâu họ càng quan tâm đến việc sống theo cái nhãn mác này, chẳng hạn như một người trung thực, thực tế họ sẽ càng trở thành người trung thực.
Hãy cứ khen ngợi tính trung thực của bạn bè bạn, cho dù bạn phải cắn răng khi làm vậy.
Nhờ một số thực nghiệm thông minh mà chúng ta biết rằng mấy trò này khá là hiệu quả, ít nhất trong một vài bối cảnh. Sau đây là ví dụ:
Nghiên cứu về tính ngăn nắp: Thực nghiệm nổi tiếng nhất được công bố từ năm 1975 bởi nhà tâm lý Richard Miller và các đồng nghiệp của ông ở Đại học Nebraska. Một nhóm học sinh lớp năm được liệt vào loại “ngăn nắp.” Các nhà nghiên cứu đã cố gắng thuyết phục một nhóm trẻ thứ hai hãy sống ngăn nắp hơn. Một nhóm thứ ba đóng vai trò làm nhóm đối chứng. Kết quả? Chính nhóm “ngăn nắp” thực tế đã trở thành những học sinh ngăn nắp nhất.1
Nghiên cứu xây tháp: Một nghiên cứu khác với trẻ em, lần này được thực hiện bởi Roger Jensen và Shirley Moore vào những năm 1970 ở Đại học Minnesota, trong đó có một nhóm nhận được cái nhãn “biết hợp tác” trong khi nhóm thứ hai bị gán cái nhãn “thích cạnh tranh”. Rồi cũng trong ngày hôm đó, bọn trẻ chơi trò xây tháp. Hóa ra khi chúng chơi trò chơi, nhiều trẻ quên mất cái nhãn của chúng, nhưng vẫn là những trẻ trong nhóm “biết hợp tác” đã xếp được gấp đôi số khối trong trò chơi!2
Nghiên cứu môi trường: Hãy lấy một nghiên cứu gần đây vào năm 2007, xem điều gì xảy ra khi nhà kinh tế học Gert Cornelissen tại Đại học Pompeu Fabra ở Ý sử dụng cái nhãn “rất quan tâm đến môi trường và có ý thức về hệ sinh thái” đối với một số khách hàng đang tìm mua TV. Những khách hàng được gán nhãn này hóa ra lại biến thành người tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường trong chuyện mua sắm hơn (i) những người mua sắm trong một nhóm đối chứng, và ngay cả (ii) những người mua sắm từng được khuyên nhủ hãy có ý thức về môi trường trong chuyện chi tiêu của họ.3
Chuyện này là sao? Điều gì giải thích cho các kết quả đó?
Một điều mà chúng ta biết đó là cái nhãn không cần phải tạo nên phép lạ ở mức độ ý thức; quả thật, nhiều người tham gia thậm chí chả nhớ gì đến cái nhãn trước đây. Song nó vẫn tạo ra một sự khác biệt. Hơn nữa, chúng ta biết rằng khi chúng ta được gán nhãn theo một cách nào đó, những người khác sẽ kỳ vọng chúng ta hành xử theo cách đó trong tương lai. Nếu cái nhãn là tích cực, chúng ta không muốn làm họ thất vọng. Chúng ta thích được mọi người đề cao và muốn tiếp tục điều đó.2,3 Tuy nhiên, ngoài những quan sát sơ bộ, có vẻ như không có một mô hình được phát triển tốt và được thừa nhận rộng rãi trong tài liệu tâm lý học để lý giải bằng cách nào mà việc gán nhãn tính cách lại tạo nên sự khác biệt như vậy. Chẳng hạn, liệu con người có thực sự dần tin rằng họ là người trung thực và hợp nhất niềm tin đó vào cách họ suy tư và ứng xử không? Hay chỉ là họ biết rằng người khác tin tưởng điều này ở họ, bất luận họ có chia sẻ quan điểm này hay không?
Hãy bỏ qua một bên sự thiếu rõ ràng đáng tiếc này, bạn có thể đã nhận thấy rằng các nghiên cứu trên không có những ví dụ rõ ràng về những đức tính đạo đức—các ví dụ như tính ngăn nắp, tính cạnh tranh và ý thức về hệ sinh thái. Vậy chúng ta có lý do gì để cho rằng hiệu ứng gán nhãn này cũng xảy ra trong phạm vi đạo đức? Có chứ. Có các kiểu kết quả tương tự xuất hiện trong các nghiên cứu liên quan đến những điều rõ rành rành là các nhãn dán đạo đức. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu ban đầu, Robert Kraut ở Carnegie Mellon đã nhờ các trợ lý của ông gõ cửa từng nhà xin mọi người quyên góp cho Hiệp hội tim mạch trong suốt cả ngày. Đối với những người đã quyên góp, một nửa được gán nhãn “Bạn là người hào phóng. Tôi ước gì nhiều người tôi gặp cũng thích làm từ thiện như bạn,” và một nửa thì không được gán nhãn.4 Đối với những ai không quyên góp, một nửa bị gán cho cái nhãn “không nhân đức” và một nửa thì không bị gán nhãn.
Những cái nhãn ấy đã tạo nên điều gì khác biệt? Vâng, một tuần sau, cũng chính những người ấy được hỏi xin quyên góp cho một chiến dịch gây quỹ địa phương cho bệnh đa xơ cứng. Đây là kết quả:4
Người quyên góp; Cái nhãn Nhân đức | $0.70 |
Người quyên góp; Không gán nhãn | $0.41 |
Người không quyên góp; Cái nhãn Không nhân đức | $0.23 |
Người không quyên góp; Không gán nhãn | $0.33 |
Hãy lưu ý về sự khác biệt lớn trong số tiền quyên góp ở hai dòng đầu tiên, một sự khác biệt dường như bị tác động bởi những cái nhãn khác nhau.
Hãy xem xét cách mà Angelo Strenta ở Đại học Dartmouth và William DeJong ở Đại học Boston đã gán nhãn “người tử tế, chu đáo” cho một số người tham gia, và vài phút sau, một nam diễn viên đánh rơi một chồng 500 thẻ đục lỗ. Những người được gán nhãn đó đã giúp nhặt thẻ trung bình là 163.5 thẻ và dành 30.1 giây để làm. Để so sánh, kết quả là 84.4 thẻ và 21.6 giây đối với những người ở nhóm đối chứng không được gán nhãn!5
Quả thực gán cho người ta những cái nhãn đạo đức dường như tạo ra sự khác biệt, ít nhất thì theo như bằng chứng sơ bộ chỉ ra. Căn cứ vào điều này, hãy suy nghĩ một lát về cách chúng ta có thể lấy những phát hiện đó và sử dụng chúng để phát triển một chiến lược nhằm bắc cầu cho khoảng cách về tính cách. Có một ý tưởng như thế này. Hãy bắt đầu khen ngợi con bạn hay chồng bạn về lòng nhân ái, ngay cả khi bạn có lý do để nghi ngờ. Hãy khen ngợi tính trung thực của bạn bè bạn, cho dù bạn phải cắn lưỡi khi làm vậy. Bất cứ khi nào ai đó làm một điều tử tế dành cho bạn, hãy cảm ơn anh/cô ấy vì là một người tử tế hay đáng yêu hay hào hiệp, thay vì chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với một hành động nào đó.
Càng lắm lời, việc gán nhãn sẽ càng kém hiệu quả vì người ta sẽ bắt đầu nghi ngờ.
Giả sử bạn là giáo viên trung học. Bạn có lý do để nghi ngờ một số học sinh của bạn đã gian lận trong bài tập về nhà gần đây. Nay mai bạn phải cho chúng làm một bài kiểm tra quan trọng, và lớp học thì rất đông. Bạn lo rằng học sinh sẽ bị cám dỗ nhìn bài nhau hoặc trao đổi câu trả lời dưới bàn. Bạn có thể yêu cầu chúng không được gian lận. Bạn có thể nhắc nhở chúng về khả năng bị đình chỉ hoặc bị đuổi. Song bạn nghĩ đến nghiên cứu tâm lý học về sức mạnh của việc gán nhãn. Nên thay vào đó bạn cố gắng truyền đi thông điệp trong những ngày trước khi làm kiểm tra rằng bạn tin chúng là người trung thực. Rồi vào ngày trọng đại, bạn nói những câu đại loại như “Đây là một lớp đáng tin cậy nên cô không lo gì về chuyện quay cóp và cô sẽ không tách các em ra.” Hoặc có lẽ bạn thử, “Vì cô biết các em đều quan tâm đến tính trung thực, nên cô tin chắc rằng các em sẽ làm điều đúng.”
Hy vọng, trong tất cả các ví dụ kể trên, là bạn sẽ thấy được sự thay đổi theo thời gian khi những người đó - các thành viên trong gia đình, bạn bè và học trò của bạn - thực sự cải thiện hành vi của họ, cho dù từ từ, theo hướng sống theo những kỳ vọng của nhãn dán.
Chí ít thì đó là hy vọng. Nhưng một hy vọng có tính thực tế ra sao? Nó chắc chắn là một ý tưởng thông minh. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên tỏ ra ngại ngần khi làm theo nó, vì ba lý do quan trọng. Thứ nhất, chúng ta thực sự không biết được liệu việc gán nhãn đạo đức có hiệu quả không.
Đợi đã nào, chẳng phải tôi vừa đề cập đến một đống nghiên cứu về nó sao? Nhưng chúng ta cần thận trọng. Trước nhất, thực tế chưa có nhiều nghiên cứu được tiến hành để nghiên cứu về hiện tượng này, đặc biệt khi bàn đến việc sử dụng những nhãn dán đạo đức, đó là mối quan tâm chính của chúng ta ở đây. Tất nhiên, điều đó không nói rằng chiến lược này không có triển vọng. Nó vẫn có thể kết thúc rất hiệu quả. Điều này có nghĩa là chúng ta cần làm nhiều việc để thử nghiệm nó trước.
Chúng ta cũng không biết được liệu gán nhãn đạo đức có khuyến khích nhiều hành vi đạo đức hơn chỉ trong ngắn hạn,5 hay liệu hiệu ứng đó có duy trì dài lâu.4,6 Đối với loại khám phá đó, chúng ta sẽ cần đến những nghiên cứu theo chiều dọc theo dõi cùng một người qua thời gian và thường xuyên đánh giá tác động của những cái nhãn ấy lên hành vi của họ, lặp đi lặp lại trong suốt nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm.
Ngoài ra—và đây là lý do thức ba để ngại ngần—ngay cả khi hành vi của một người từng bước được cải thiện trong thời gian dài do hiệu ứng gán nhãn, chúng ta biết rằng chỉ riêng điều này sẽ không thể tự động khiến cho một ai đó trở thành một người đức hạnh. Động cơ cũng quan trọng đối với đức hạnh. Vậy, người được gán nhãn là nhân đức hay trung thực có nuôi dưỡng các loại động cơ phù hợp theo thời gian không?
Bạn có thể nghĩ là không. Như đã nói ở trên, những người nhận được cái nhãn đạo đức có vẻ hành xử tốt hơn. Có phải đó là tại vì, chẳng hạn, họ thực lòng quan tâm đến người khác (động cơ nhân ái) hay họ thực lòng quan tâm đến việc nói ra sự thật (động cơ trung thực)? Hay là bởi vì họ muốn sống theo cái nhãn mà họ được người khác gán cho? Nếu là cái sau, thì nó không phải là một loại động cơ đạo đức. Mà đó là sự vụ lợi, tập trung vào việc gây ấn tượng tốt hay không làm thất vọng ai đó, đó không phải là động cơ cần cho việc trở thành người đức hạnh.
Bạn có thực sự muốn áp dụng một chiến lược—để cải thiện đạo đức, mà suy cho cùng—phải dựa vào tầng tầng lớp lớp lừa dối để thành công?
Vì vậy tôi chẳng thể hào hứng với chiến lược này, vì hiểu biết hạn hẹp của chúng ta về nó. Nhưng giả sử trong một trăm năm tới, khi các vì sao xếp thẳng hàng. Có nhiều nghiên cứu về hiệu ứng gán nhãn đạo đức được thực hiện, đào sâu tìm hiểu về động cơ cũng như hành động, và các kết quả đầy tích cực cho thấy những hiệu ứng lâu dài về đạo đức. Dù vậy, ta vẫn có một lý do để lo lắng.
Sao thế được nhỉ? Vâng, tôi công nhận là khi người ta trở nên đạo đức hơn thì thật tuyệt vời. Nhưng còn phương tiện để giúp họ đạt được điều đó thì sao? Chẳng phải việc gán cho người khác cái nhãn đạo đức trong khi bạn thừa biết họ chẳng có chút đạo đức nào là một điều hết sức đáng quan ngại sao?
Bây giờ, đối với một số người thì kết quả là tất cả. Kết quả biện minh cho phương tiện. Khi chiến lược này sẽ—nếu các vì sao xếp thẳng hàng theo cách mà tôi vừa mô tả—cho ta một kết quả tuyệt vời, thì khi ấy nó hoàn toàn ổn.
Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta nói chung là chưa chuẩn bị để đi xa đến thế và nói rằng kết quả luôn biện minh cho phương tiện. Tôi là một trong số những người đó. Đối với tôi, lối suy nghĩ này có thể được dùng để cố bào chữa cho những tội ác khủng khiếp trên tiến trình đạt được một thứ gì đó đáng giá.
Khi nói đến việc gán nhãn đạo đức, tất nhiên chúng ta không nói về những tội lỗi kinh khủng. Song vẫn có thể có một điều đáng ngờ về mặt đạo đức khi việc khen ngợi ai đó là người trung thực, dù tất cả đều tin rằng trên thực tế cô ấy không phải người trung thực. Mục tiêu của tôi đáng nhẽ nên là một mục tiêu cao thượng giúp cô ấy trở thành người tốt hơn về lâu về dài. Mặc dù để đạt được mục tiêu đó, tôi sẽ phải khiến cô ấy tin vào một điều gì đó ở bản thân cô mà tôi biết là không đúng, và làm điều này theo cách sao cho chân thành và hết lòng. Nói cách khác, tôi tạo ra một ấn tượng mình thực lòng tin rằng cô ấy là người trung thực, bằng cách ấy cho phép cô ấy tin tưởng tôi và tin tưởng chính mình. Một mưu mẹo thông minh của tôi nghe cứ giống như sự mâu thuẫn về đạo đức—đạo đức giả, lừa dối, thao túng, và xâm phạm quyền tự chủ của. Đối với nhiều người, đó là tất cả.
Quả thật, nếu bạn thật sự cam kết với chiến lược này để thu hẹp khoảng cách nhân cách, bạn sẽ không muốn nói với người khác biết về nó. Bạn thậm chí sẽ bực bội trước ai đó giống như tôi vì đã tiết lộ nó. Càng lắm lời thì việc gán nhãn sẽ kém hiệu quả vì người ta bắt đầu nghi ngờ liệu rằng lời khen ngợi tính cách của họ là chân thành hay thao túng. Vậy nên ở đây lại liên quan đến một mức độ lừa dối khác—để áp dụng hiệu quả chiến lược này, bạn sẽ cần thực hiện các biện pháp nhằm ngăn không cho người khác biết đến chiến lược!
Chẳng thứ gì nghe đúng đắn cả, phải không nào? Bạn có thực sự muốn áp dụng một chiến lược—để cải thiện đạo đức, mà suy cho cùng—phải dựa vào tầng tầng lớp lớp lừa dối để thành công?
Đến bây giờ, bạn có thể đã chán ngấy với chiến lược này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên công bằng với cả hai bên. Tôi luôn nói với các sinh viên của tôi rằng đây là một trong những việc họ cần làm để trở thành những triết gia tốt. Vì vậy đây là một lời kết để bênh vực cho việc gán nhãn đạo đức.
Hãy xem xét hiệu ứng giả dược. Các bác sĩ đã dùng chúng trên nhiều bệnh nhân trong nhiều thập kỷ, và một số bằng chứng cho thấy chúng hiệu quả. Chúng không bị luật pháp cấm, cũng không bị ngành y tế Mĩ lên án về mặt đạo đức khi sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng (mặc dù người ta ngày càng phản đối việc dùng giả dược trong thực hành lâm sàng).7
Bây giờ hãy nghĩ một chút về những gì mà giả dược bao gồm. Một bác sĩ cho những người tham gia thử nghiệm một viên thuốc đường, biết nó là thuốc giả. Trong quá trình làm thử nghiệm, bác sĩ cố hết sức để tạo ấn tượng là người có thẩm quyền y tế và tự tin, để những người tham gia tin rằng họ đang nhận được một liệu pháp điều trị bằng thuốc hiệu nghiệm. Nếu không thì hiệu ứng giả dược sẽ vô tác dụng. Nói cách khác cô ấy phải cố tình lừa gạt bệnh nhân vì lợi ích của họ về lâu về dài. Cũng như cô ấy không muốn tiết lộ về hiệu ứng giả dược ra ngoài cộng đồng, nếu không thì những người tham gia trong thử nghiệm có thể bắt đầu nghi ngờ, điều đó sẽ làm giảm hiệu lực của giả dược ngay từ đầu.
Sự tương đồng với những cái nhãn đạo đức cũng nên rõ ràng. Quả thực, những cái nhãn đó có thể được xem như một loại giả dược. Thế điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta có thể cố nghĩ về những điểm khác biệt lớn giữa trường hợp gán nhãn đạo đức và trường hợp của bác sĩ. Nếu không có, thì nếu bạn thấy ổn với giả dược, bạn cũng nên thấy ổn với việc gán nhãn đạo đức. Hoặc nếu bạn không thấy ổn với việc gán nhãn đạo đức thì khi ấy bạn cũng không nên thấy ổn với giả dược. Và bạn kết quả là ở đâu?
Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng sự lừa dối liên quan đến việc dùng chiến lược gán nhãn đạo đức này là một vấn đề lớn. Nhưng tôi biết là những người khác có thể đánh giá sự việc khác tôi, và tôi hoàn toàn thoải mái nếu như mình sai.
Tác giả: Christian B. Miller là Giáo sư triết học tại Đại học Wake Forest. Các bài viết của ông đã xuất hiện trên tạp chí Wall Street, Dallas Morning News, Aeon, Christianity Today, và Slate, và ông là tác giả hay biên tập viên của tám cuốn sách. Bài này được trích từ cuốn sách mới nhất của ông, The Character Gap: How Good Are We?
Tham khảo
1. Miller, R., Brickman, P., & Bolen, D. Attribution versus persuasion as a means for modifying behavior. Journal of Personality and Social Psychology 31, 430-441 (1975).
2. Jensen, R. & Moore, S. The effect of attribute statements on cooperativeness and competitiveness in school-age boys. Child Development 48, 305-307 (1977).
3. Cornelissen, G., Dewitte, S., Warlop, L., & Yzerbyt, V. Whatever people say I am, that’s what I am: Social labeling as a social marketing tool. International Journal of Research in Marketing 24, 278-288 (2007).
4. Kraut, R. Effects of social labeling on giving to charity. Journal of Experimental Social Psychology 9, 551-562 (1973).
5. Strenta, A. & DeJong, W. The effect of a prosocial label on helping behavior. Social Psychology Quarterly 44, 142-147 (1981).
6. Grusec, J. & Redler, E. Attribution, reinforcement, and altruism: A developmental analysis. Developmental Psychology 16, 525-534 (1980).
7. See American Medical Association Opinion 8.083—Placebo use in clinical practice. American Medical Association Code of Medical Ethics (2006).
Nguồn: http://nautil.us/issue/61/coordinates/why-you-should-tell-everyone-theyre-honest