5 Yếu Tố Có Thể Khiến Việc Ngoại Tình Dễ Xảy Ra Hơn
Những yếu tố này như những tín hiệu, cảnh báo về nguy cơ bạn có thể đối mặt với sự phản bội trong tình yêu.
- Kể cả những người luôn nghĩ rằng ngoại tình là sai trái cũng có thể sa ngã do hiện tượng “buông lỏng đạo đức” – tức là cách lý giải để bản thân cảm thấy hành động của mình “chẳng đến nỗi nào.”
- Nghiên cứu cho thấy, nếu một người đã từng ngoại tình thì khả năng cao họ sẽ tái diễn.
- Một số rối loạn về tính cách có thể làm tăng nguy cơ ngoại tình.
image: Dmytro Zinkevych/Shutterstock
Ngoại tình là một trong những thử thách lâu đời nhất với những mối quan hệ độc quyền dài lâu mà con người từng phải đối diện. Nhà trị liệu tình dục Esther Perel từng nhấn mạnh trong cuốn The State of Affairs rằng: “dù ai ai cũng lên án, nhưng ngoại tình lại có một sức bền mà hôn nhân chỉ biết ước ao. Đến nỗi, nó là tội lỗi duy nhất mà Kinh Thánh phải ra đến hai điều răn, một cái cấm làm và một cái cấm nghĩ đến.”
Ước tính về ngoại tình dao động từ 20-25% đối với các cặp vợ chồng, và lên đến khoảng 75% ở nam giới và 68% ở phụ nữ chưa kết hôn nhưng đang có quan hệ tình cảm – tùy vào từng nghiên cứu và cách xác định “ngoại tình” là gì. Thực ra, không ai biết chính xác mức độ phổ biến của ngoại tình, vì hầu hết mọi người đều e ngại thừa nhận mình đã từng phản bội người bạn đời hiện tại hay trước đây. Hơn nữa, khái niệm về ngoại tình ngày càng mơ hồ: liệu có tính không nếu là quan hệ qua mạng? Nếu là với người đồng giới? Nếu không có sự tiếp xúc thân thể? Nếu chỉ là một mối quan hệ cảm xúc thôi?
Dù số lượng những người từng ngoại tình là bao nhiêu, điều quan trọng vẫn là hiểu rõ những yếu tố nào khiến một người dễ ngoại tình hơn. Điều này không chỉ giúp chúng ta điều chỉnh kỳ vọng vào bạn đời, mà còn giúp tự bảo vệ khỏi những tổn thương không mong muốn. (Mà đôi khi, nó còn giúp ta hiểu thêm về chính những thôi thúc của bản thân.)
Dưới đây là năm yếu tố có thể làm tăng khả năng một người dễ ngoại tình hơn:
1. Buông Lỏng Đạo Đức
Ngay cả những người khẳng định ngoại tình là sai trái cũng có thể bước chân vào con đường này. Nguyên nhân có thể nằm ở một “mánh khóe” tâm lý được gọi là “buông lỏng đạo đức”—một khả năng đặc biệt giúp người ta bỏ qua tiếng nói lương tâm, cho phép mình làm điều trái với chuẩn mực bản thân mà chẳng thấy cắn rứt.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Áo năm 2023 chỉ ra rằng những người đạt điểm cao về xu hướng “buông lỏng đạo đức” thường dễ ngoại tình hơn. Họ cũng hay hoang mang lo sợ bị phản bội—điều này có thể là một dạng “phóng chiếu,” tức là tin rằng người khác cũng nghĩ và làm như mình. Để xác định mức độ rủi ro trong mối quan hệ của mình, bạn có thể thử trả lời một số câu hỏi đo lường “buông lỏng đạo đức.” Nếu kết quả không khả quan, bạn và người ấy nên trò chuyện nghiêm túc về cách cả hai sẽ đối mặt nếu có sự không chung thủy xảy ra.
2. Tiền Sử Ngoại Tình
Mặc dù có những người ngoại tình một vài lần rồi thôi, nhưng việc từng ngoại tình là một chỉ báo mạnh mẽ về khả năng tái diễn. Nghiên cứu năm 2018 đăng trên Archives of Sexual Behavior theo dõi 484 người trưởng thành qua hai mối quan hệ khác nhau cho thấy, những người từng phản bội trong mối quan hệ đầu tiên có khả năng tái phạm gấp ba lần trong mối quan hệ tiếp theo. Biết về quá khứ tình cảm của người yêu có thể giúp bạn hiểu rõ hơn nguy cơ bị phản bội.
3. ADHD
Không phải ai mắc ADHD cũng sẽ ngoại tình. Nhưng một số nghiên cứu cho rằng ADHD có thể khiến người ta dễ sa vào con đường này do nhu cầu cao về sự mới mẻ và kích thích. Người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát xung động, hạn chế hành vi và cân nhắc hậu quả lâu dài khi đối diện với điều gì đó hấp dẫn (như một đối tượng ngoại tình chẳng hạn). Nhưng cũng có điểm sáng: người mắc ADHD thường rất phiêu lưu trong “chuyện ấy,” điều này lại có thể là một ưu điểm cho người bạn đời. (Không phải tin nào cũng xấu đâu nhé.)
4. Một Vài Rối Loạn Nhân Cách
Chắc cũng không lạ gì khi nghe rằng những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ dễ ngoại tình hơn hẳn người bình thường. Thiếu khả năng thấu cảm, luôn cần được ngưỡng mộ, hay bốc đồng, và cảm giác mình “xứng đáng” với những gì tốt nhất—tất cả đều dễ khiến họ sa vào cám dỗ. Tương tự, người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới cũng dễ ngoại tình. Họ thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát xung động, có xu hướng tìm kiếm sự khẳng định qua quan hệ tình dục, hoặc dễ lao vào một mối quan hệ chóng vánh để xoa dịu nỗi sợ bị bỏ rơi.
5. Mùa Hè
Hóa ra ngoại tình cũng có “mùa” hẳn hoi! Theo một nghiên cứu của Đại học Bang Florida năm 2017, người ta thường dễ ngoại tình hơn vào mùa hè. Lý do? Vào mùa này, các chuyến du lịch tăng lên, tạo cơ hội lý tưởng cho những cuộc gặp “ngoài luồng.” Trong thời tiết ấm áp, trang phục thường mát mẻ hơn, và công việc cũng ít áp lực hơn, khiến người ta dễ dàng làm theo ý muốn của mình. Cái nóng mùa hè đôi khi cũng làm giảm khả năng tự chủ, khiến người ta không kìm được trước sự hấp dẫn từ một người không phải bạn đời. Hãy nhớ điều này mỗi khi nhiệt độ bắt đầu tăng cao nhé.
Kết Luận
Nếu bất kỳ yếu tố nào trên đây nghe như “đúng là người ấy” (hoặc chính bạn), đừng vội hoảng sợ. Đây không phải là những lời tiên tri bất biến, mà chỉ là những dấu hiệu cho thấy khả năng ngoại tình có thể cao hơn thôi. Nếu bạn thấy những yếu tố này ở người ấy, hoặc cả hai đang bàn về chuyện “thả thính” vào mùa hè, hãy thử cùng nhau thảo luận về quan điểm của mỗi người đối với vấn đề ngoại tình. Rất hữu ích khi cả hai thỏa thuận rõ ràng về định nghĩa “ngoại tình,” các ranh giới của mỗi người, và cách đối mặt nếu chẳng may điều đó xảy ra. Đây là một cuộc trò chuyện cần thiết cho các cặp đôi, mở ra cơ hội tìm hiểu và chia sẻ về những gì cả hai cần để giữ gìn sự chung thủy lâu dài. Cuộc trao đổi này cũng giúp bạn điều chỉnh lại kỳ vọng của mình, xem liệu bạn có thoải mái trong mối quan hệ với người có thể dễ ngoại tình hơn hay không—hoặc đôi khi giúp cả hai nhận ra rằng, có thể việc gắn bó trọn đời không thực sự phù hợp ngay từ đầu.
Nguồn
5 Things That Could Make Cheating More Likely | Psychology Today