6 câu nói đặc trưng của kẻ thao túng tình cảm

6-cau-noi-dac-trung-cua-ke-thao-tung-tinh-cam

Thao túng là điều kẻ bạo hành cảm xúc hay làm, khiến nạn nhân tự hỏi về phán đoán, cảm xúc, ký ức và thực tế của chính mình.

Tại phương Tây, thuật ngữ "thao túng tình cảm - gaslighting" ra đời sau vở kịch của Patrick Hamilton năm 1938, trong đó một người chồng cố thuyết phục vợ rằng cô mất trí để cô không phát hiện ra những hành vi sai trái của hắn. Thuật ngữ này càng trở nên phổ biến sau scandal kiểm soát bạn trai quá mức của nữ diễn viên Seo Ye Ji.

Kẻ bạo hành thao túng cảm xúc người khác để đạt được và duy trì sức mạnh, sự kiểm soát trong mối quan hệ. Nó khiến nạn nhân mất tự tin cũng như niềm tin vào khả năng nhận thức, phân biệt đúng sai của mình.

Theo nhà tâm lý trị liệu Beverly Engel, tác giả cuốn sách Mối quan hệ bạo hành cảm xúc, thao túng còn là cách kẻ bạo hành từ chối chịu trách nhiệm cho hành vi xấu của họ.

"Ví dụ, việc anh ta buộc tội bạn không chung thủy, tán tỉnh đàn ông khác mỗi lần đi tiệc có thể là dấu hiệu cho thấy chính anh ta đang ngoại tình", nữ chuyên gia nói.

Dưới đây là sáu câu kẻ thao túng hay nói để giúp bạn dễ nhận ra hơn.

"Điều đó không bao giờ xảy ra đâu"

Kẻ thao túng thường làm điều gì đó xấu sau đó phủ nhận hoàn toàn những gì đã xảy ra để khiến nạn nhân nghi ngờ bản thân mình.

"Càng băn khoăn về bản thân, nạn nhân càng tin 'thực tế' mà kẻ thao túng tạo ra và càng dễ bị điều khiển", Lisa Ferentz, chuyên gia nghiên cứu sang chấn cho biết.

"Em/anh nhạy cảm quá"

Mỗi khi bạn muốn bày tỏ nỗi đau hoặc sự thất vọng về hành động của kẻ thao túng/bạo hành cảm xúc, họ sẽ lập tức quay lại tấn công bạn. Ví dụ, họ chê bai thể hình của bạn trước mặt gia đình. Lúc bạn thể hiện sự khó chịu, họ sẽ trách bạn quá nhạy cảm và nói rằng "ai cũng biết đó chỉ là trò đùa" nhằm mục đích khiến bạn cảm thấy bản thân ngu ngốc và về sau không dám lên tiếng bảo vệ chính mình nữa.

"Một khi bị kẻ bạo hành phá vỡ niềm tin vào nhận thức bản thân, nạn nhân sẽ chấp nhận những hành vi bạo hành và cam chịu duy trì mối quan hệ", Engel nói.

"Em/anh điên rồi, người khác cũng nghĩ thế đấy"

Theo thời gian, những lời nói dối và bóp méo thực tế của kẻ thao túng khiến nạn nhân nghi ngờ mức độ tỉnh táo của mình. Lúc nạn nhân mất hết sự tự tin, kẻ thao túng sẽ xác nhận nỗi sợ lớn nhất của nạn nhân bằng câu "Em/anh điên rồi".

Bên cạnh đó, kẻ thao túng sẽ cố gắng thuyết phục gia đình, bạn bè của bạn rằng bạn thực sự bất ổn về tinh thần. Theo Ferentz, như vậy, bạn vừa mất uy tín, vừa trở nên xa cách với các nguồn hỗ trợ. Sẽ chẳng ai tin câu chuyện bạn kể nên kết quả, bạn càng phụ thuộc vào mối quan hệ với kẻ thao túng.

Kẻ thao túng khiến nạn nhân mất niềm tin vào bản thân. Ảnh: Healthline.

"Trí nhớ em/anh tệ quá"

Chúng ta đều có những lúc quên các sự kiện, chi tiết trong quá khứ. Với người bình thường, điều này chẳng vấn đề gì nhưng kẻ bạo hành cảm xúc sẽ tận dụng những "lỗ hổng" này để tạo nên những ký ức sai lệch, khiến nạn nhân càng mất niềm tin vào trí nhớ của mình để dễ bề thao túng.

"Anh xin lỗi vì em nghĩ rằng anh tổn thương em"/"Em xin lỗi vì anh nghĩ rằng em tổn thương anh"

Câu nói này nghe như một lời xin lỗi nhưng thật ra không phải. Theo nhà tâm lý lâm sàng B. Nilaja Green, đây thực chất là cách kẻ bạo hành cảm xúc giảm bớt trách nhiệm về nỗi đau họ gây ra và đổ lỗi cho bạn vì đã hiểu sai tình huống.

"Nạn nhân sẽ dần tin rằng họ thực sự quá nhạy cảm và càng tin lời kẻ bạo hành nói", bà Green nhận định.

"Em/anh nên biết anh/em sẽ phản ứng như thế nào chứ"

Đây cũng là một cách kẻ thao túng phủi trách nhiệm. Thay vì nhận lỗi, họ lại trách ngược nạn nhân.

"Kẻ bạo hành coi như hành vi sai trái kia không phải của mình. Bằng cách nói đáng lẽ nạn nhân phải biết trước, kẻ bạo hành đổ lỗi cho cả nạn nhân lẫn bản thân hành vi nhưng không nhận trách nhiệm", Shannon Thomas, tác giả cuốn Chữa lành từ sự bạo hành tiềm ẩn, lý giải.

Thoát khỏi một mối quan hệ độc hại với kẻ thao túng cảm xúc là một điều khó khăn nhưng vẫn khả thi. Để làm được điều đó, bạn hãy lưu ý những điều dưới đây.

Tin trực giác của mình

Kẻ thao túng khiến bạn mất niềm tin vào trực giác bản thân nhưng hãy chân thật với những gì bạn cảm thấy. "Hãy điều tra xem cảm giác bất an, khó chịu ấy có thể nói lên điều gì và thu thập thông tin trước khi thực hiện bước đi tiếp theo", nhà trị liệu tâm lý Robin Stern khuyên.

Giữ email và tin nhắn

Nếu muốn phản kháng lại kẻ bạo hành cảm xúc, lưu giữ email và tin nhắn là một cách tốt. Như thế, bạn sẽ có bằng chứng về những gì đã xảy ra.

Bạn cũng có thể viết lại những chi tiết quan trọng trong các cuộc nói chuyện để phân tách thực tế với sự bóp méo của người kia.

Nói thẳng

Khi bị kẻ bạo hành cảm xúc trách "quá nhạy cảm", đừng im lặng. Hãy đáp lại bằng những câu như: "Không, em/anh không quá nhạy cảm mà chỉ hành xử như bất cứ ai bị anh/em đối xử như vậy" hoặc "Không, em/anh không quá nhạy cảm. Vấn đề là anh/em quá thiếu nhạy cảm".

Lưu ý, nói thẳng không khiến kẻ bạo hành cảm xúc thay đổi mà chỉ giải tỏa phần nào đó cho nạn nhân. Theo Ferentz, bạn tốt nhất không nên đôi co với kẻ bạo hành mà hãy lên kế hoạch rời đi.

Tham khảo ý kiến bạn bè, người thân hoặc nhà trị liệu

Hãy hỏi một người thân xem họ sẽ cảm thấy thế nào nếu nửa kia của họ cư xử giống đối tác bạo hành cảm xúc mà bạn gặp phải. Cũng hãy hỏi họ xem họ có thấy bạn cư xử khác khi ở cạnh kẻ bạo hành cảm xúc hay không.

"Liệu bạn có thu mình lại, đồng ý với mọi điều kẻ bạo hành nói và dường như đánh mất chính mình không", Green gợi ý.

Nhiều nạn nhân sợ chia sẻ với người thân của mình vì không muốn phản bội nửa kia nhưng trong trường hợp một mối quan hệ độc hại, bạn phải lên tiếng để bảo vệ bản thân.

Ngoài ra, hãy cân nhắc liên hệ với một chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp.

 

Tìm đọc cuốn sách về gaslighting - hiệu ứng đèn gas

Thu Nguyệt (Theo HuffPost)

Theo Vnexpress

menu
menu