6 Nguyên Nhân Thường Gặp Của Sự Trì Hoãn (Procrastination)

6-nguyen-nhan-thuong-gap-cua-su-tri-hoan-procrastination

Sự trì hoãn có căn nguyên phức tạp hơn là bạn nghĩ đấy.

Một quan niệm đang dần trở nên phổ biến là sự trì hoãn bắt nguồn từ nền tảng là những vấn đề cảm xúc. Đại khái quan điểm này nói rằng, những người hay trì hoãn thì thường có khả năng chịu đựng gian khổ khá kém. Khi phải đối diện với các công việc làm khơi dậy cảm xúc tiêu cực trong họ, họ sẽ bị “tê liệt” và có xu hướng rút lui hơn là đối mặt với mớ cảm xúc hỗn độn để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguyên nhân của sự trì hoãn, còn gốc rễ của nó lại mang nhiều khía cạnh hơn nữa. Sau đây là 6 lý do thường gặp dẫn đến sự trì hoãn:

1. Chứng mệt mỏi khi đưa ra quyết định (decision fatigue)

Chứng mệt mỏi khi đưa ra quyết định xuất hiện khi bạn phải đưa ra quá nhiều quyết định trong cuộc sống, dẫn đến sự mệt mỏi của não bộ. Và từ đó, bạn dễ đưa ra nhiều quyết định cảm tính, chóng vánh và không được cân nhắc kĩ càng. 

Nếu bạn cần phải đưa ra nhiều quyết định liên tục, bạn sẽ có thể cảm thấy, bạn, đã trì hoãn một số sự việc rất nhỏ. Ví dụ, bạn muốn mua một máy đo nhịp tim cho việc tập gym của mình, bạn đã chọn được 1 chiếc máy ưng ý, nhưng khi bạn định bỏ nó vào giỏ thì bạn nhận ra bạn phải chọn giữa 1 trong 2 kích cỡ của máy. Vào thời điểm đó, bạn đối mặt với hội chứng mệt mỏi khi đưa ra quyết định, thế nên bạn rời bỏ và chẳng buồn thanh toán giỏ hàng kể cả 1 tuần sau đó.

2. Khó khăn trong việc sắp xếp và lên kế hoạch

Ở mức độ nhận thức thần kinh, một vài nhóm người không giỏi việc lên kế hoạch chi tiết từng bước một. Khó khăn này đặc biệt rõ ràng ở những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder, ADHD). Tuy nhiên, cũng có một bộ phận lớn người không mắc ADHD và rất thông minh nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chia nhỏ công việc ra thành nhiều bước. Với một số người có thói quen nhìn công việc theo góc độ toàn cảnh, thì việc chia ra mốc và tìm ra cách thức bắt đầu công việc thì dễ dàng. Nhưng đối với một số người khác, thì không.

Ảnh: Unsplash

3. Sự trì hoãn liên quan đến các mối quan hệ

Sự trì hoãn có xu hướng khiến cho mối quan hệ trở nên căng thẳng, nhất là ở các cặp đôi đang gắn kết lâu dài hay, đang đưa ra những quyết định thay đổi cả cuộc sống, và đang phải phụ thuộc vào nhau trong các công việc quan trọng, chẳng hạn như khai báo thuế.

Nếu một người trong cuộc có xu hướng hay trì hoãn, thì những cuộc đôi co, bao gồm những lần cằn nhằn, sự uất ức, căng thẳng, sẽ diễn ra thường xuyên; và cả hai đều cảm thấy không được ủng hộ khi thực hiện những nhiệm vụ chung. Khi các cá nhân ưa trì hoãn càng cảm thấy áp lực, thì họ sẽ càng trở nên bướng bỉnh và từ chối cả những việc mà họ vốn dĩ phải làm.

Quá trình sự trì hoãn dẫn đến các cuộc cãi vã trong mối quan hệ thì rất dễ thấy. Nhưng, một hệ quả cũng không kém phần quan trọng mà chúng ta không hề nhận ra, đó là việc những cuộc đôi co này dẫn đến xói mòn sự gần gũi của mối quan hệ. Ví dụ, những lúc các cặp đôi giành thời gian ở cùng nhau, thì nỗi uất ức kìm nén đến từ những việc-cần-phải-làm-chung trong cả hai nổi lên, và điều này trở thành mối lo ngại lớn trong quan hệ của cả hai.

4. Sự trì hoãn liên quan đến rối loạn trầm cảm

Tác giả (Tiến sĩ Alice Boyes) đã có một bài về mối liên quan giữa trầm cảm và sự trì hoãn. Tóm gọn lại là khi một người rơi vào trầm cảm, họ có xu hướng trì hoãn tất cả mọi việc, kể cả đó là một việc đơn giản hay phức tạp, hứng thú hay tẻ nhạt. Họ thường suy nghĩ rất nhiều (theo hướng tiêu cực), và họ mất đi sự tự tin vào khả năng của mình trong việc trở thành một người bạn, một đối tác hay một cộng sự đáng tin cậy.

5. Sự trì hoãn liên quan rối loạn lo âu

Khi một người quyết định trì hoãn những công việc do các cảm xúc tiêu cực mà công việc đó mang lại, thì rối loạn lo âu, trong bối cảnh này, cũng giữ một vai rất ư là ra gì. Kể cả khi ngoài mặt, họ từ chối công việc bởi vì nó “nhàm chán”, nhưng thực ra, “nhàm chán” ở đây thường có nghĩa là “khó”. (Trẻ em cảm thấy môn toán rất “chán”, bởi vì thực ra, nó quá “khó”).

Người mắc rối loạn lo âu, đáp ứng lại các lo lắng của chính họ bằng “chủ nghĩa hoàn hảo”. Họ thường thiết kế công việc sao cho nó phải thật chính xác và vượt xa chuẩn cần thiết. Điều này khiến công việc của họ trông trở nên khó thực hiện hơn, và nó khiến họ bị áp lực và bắt đầu trì hoãn, rồi nản chí. Tuy nhiên, người mắc rối loạn lo âu lại không hề nhận ra điều này. Họ không hề nhận ra rằng mình đã tiếp cận vấn đề một cách thái quá so với thông thường. Và đương nhiên họ cũng không nhận ra rằng, công việc cơ bản không khó như cách mà họ biến-nó-trở-thành. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể tham khảo tại đây.

6. Sự trì hoãn liên quan đến óc sáng tạo

Có nhiều tác phẩm sáng tạo thuộc các thể loại khác nhau, chỉ đạt kết quả tốt khi người làm ra chúng, trong quá trình thực hiện, đã cất chúng vào một xó không đụng đến một thời gian, rồi sau đó mới quay trở lại dự án còn dang dở này, bằng một cái nhìn vô cùng mới mẻ. Nhiều khi, bạn cũng có thể đạt được trạng thái này với chỉ đơn giản là một giấc ngủ đêm. Nghỉ ngơi khỏi dự án đôi tháng có thể khá hữu ích. Bỏ lửng một dự án trong một khoảng thời gian dài có thể vừa là trì hoãn, vừa là có ích cho sáng tạo. Hai sự việc này không có một ranh giới rõ ràng nào cả. Bạn có thể đồng thời cảm thấy sức sáng tạo vô cùng dồi dào trong thời điểm này, nhưng cũng có thể thấy cực kỳ khó chịu với sự trì hoãn của bản thân.

Khi con người làm những công việc yêu cầu sáng tạo, họ không làm việc trong trạng thái trống rỗng về mặt tâm trí. Một phần góc nhìn của họ được quyết định bởi những sự kiện đang diễn ra trên thế giới và trong dòng đời họ tại thời điểm đó. Các trải nghiệm trong cuộc sống, bao gồm cả những thú vui trần tục, cũng có thể vẽ nên các tác phẩm mang những nét tương đồng mà vẫn khác biệt. Điều này đóng góp vào nguyên nhân tại sao việc nhìn một dự án trên góc độ mới mẻ lại quan trọng đến vậy.

7. Một nguyên nhân khác: Sự kết hợp

Thường thì không chỉ có một nguyên dẫn đến sự trì hoãn. Cũng có thể là do thói quen của bạn, chẳng hạn như việc đợi đến 3 ngày trước deadline thì mới viết bản báo cáo. Tuy nhiên, nếu đây là cách mà công việc của bạn đạt kết quả tốt, thì nó cũng không hẳn là một thói quen xấu.

Giải pháp khắc phục:

  • Khi bắt đầu trì hoãn, hãy nghĩ đến cái giá kinh khủng mà bạn phải trả, đó có thể là sự rạn nứt của mối quan hệ, sự căng thẳng của chính bản thân mình, hay là sự sụt giảm chất lượng của công việc.
  • Hãy tìm kiếm những hướng đi đúng đắn để tiếp cận gốc rễ của vấn đề. Ví dụ như, hãy rút ngắn và giản lược phạm vi công việc nếu chủ nghĩa hoàn hảo đang gây ra vấn đề. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch và cách thức bắt đầu công việc, hãy tham khảo ý kiến của những người giỏi việc này, và tạo một bảng kiểm (checklist) cho lần tới – khi bạn đảm nhận công việc tương tự. Còn nếu bạn đang phải đối mặt với trầm cảm, hãy điều trị, và cứ tương tự như vậy. 
  • Hãy đề ra thật nhiều chiến lược cho bản thân để tự giúp mình vượt qua sự trì hoãn để dù có ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, bạn vẫn có một giải pháp liên quan khả thi cho hoàn cảnh đó.

Nguồn: 6 Common Causes of Procrastination

Dịch: Vũ Dương, Biên tập: #Zealous

Nguồn: Acrazymind.vn

 

Mời bạn tìm đọc thêm cuốn sách Tâm Lý Học Về Sự Trì Hoãn

https://shope.ee/qGvM855P9

menu
menu