7 chiêu đối phó với đồng nghiệp độc hại

7-chieu-doi-pho-voi-dong-nghiep-doc-hai

Dù đi đến đâu trong cuộc sống, bạn chắc chắn sẽ gặp phải những người độc hại - đặc biệt là ở nơi làm việc.

Đó có thể là người đồng đội thường xuyên "hưởng hộ bạn" công trạng hoặc người hàng xóm văn phòng thích buôn dưa lê bán dưa chuột. Đó là những người khiến bạn khó từ bỏ những thói quen xấu, cướp đi sức mạnh tinh thần của bạn. Và nếu bạn không cẩn thận, họ có thể làm hỏng toàn bộ triển vọng sự nghiệp của bạn.

Dưới đây là một số chiến thuật mà những người giỏi giang sử dụng để đối phó với những người đồng nghiệp "khó ở" của mình:

1. Họ tập trung vào việc kiểm soát bản thân chứ không phải những người xung quanh

Bạn có thể dễ dàng đầu tư nhiều tâm sức vào việc hy vọng rằng trưởng nhóm của bạn đột nhiên trở nên ủng hộ quan điểm của các thành viên trong nhóm hơn hoặc đồng nghiệp của bạn sẽ ngừng lan man trong các cuộc họp, nhưng bạn không thể kiểm soát những gì người khác làm. Và những suy nghĩ viển vông sẽ chỉ khiến bạn tiêu hao thời gian và năng lượng.

Tuy nhiên, mặc dù bạn không thể kiểm soát người khác, nhưng bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng với họ. Dù là nên lên tiếng hay nên im lặng, hãy dành sức lực để thực hiện hành động mà bạn cho là tích cực với chính mình.

2. Họ bớt phàn nàn

Tất cả chúng ta đều có những cách riêng để giải tỏa sự thất vọng, nhưng việc bực bội chỉ khiến bạn tập trung vào vấn đề và ngăn cản bạn tạo ra giải pháp.

Đặc biệt cẩn thận khi phàn nàn với sếp của bạn. Càu nhàu không chỉ ngụ ý rằng bạn không kiểm soát được tình huống hiện tại của mình mà còn cho thấy bạn thiếu quyền lực với cả chính thái độ của mình. Vì vậy, thay vì phàn nàn về sự không công bằng, hãy đưa ra giải pháp cho vấn đề.

3. Họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình

Khoe khoang rằng đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân hay ca thán rằng sếp khiến bạn phát điên lên đồng nghĩa với việc nói với mọi người rằng người khác có quyền đối với cảm xúc của bạn.

Cho dù đồng nghiệp của bạn có "khó ở" đến đâu, đừng để hành vi của họ điều khiển cảm xúc của bạn. Hãy hiểu một điều rằng việc quản lý cảm xúc của bạn phụ thuộc vào chính bản thân bạn, cho dù người khác cư xử ra sao.

4. Họ không lãng phí thời gian cho những suy nghĩ không hiệu quả

Bạn đã bao giờ đi làm về và dành cả buổi tối chỉ để kể lại về cuộc trò chuyện với đồng nghiệp của bạn hay chưa? Hoặc là dành một nửa ngày Chủ nhật để lo lắng về việc phải giải quyết nó một lần nữa vào thứ Hai? Nếu vậy, bạn đang cho phép những người đồng nghiệp khó tính xâm phạm thời gian cá nhân của mình.

Nếu bạn nhận thấy mình đang làm điều này, hãy hành động ngay lập tức - dọn dẹp nhà cửa, gọi một người bạn để nói về điều gì đó khác hoặc đi dạo… Hãy làm bất cứ điều gì khác có ý nghĩa hơn giúp đổi kênh trong não của bạn.

5. Họ tránh những cách nói ngụ ý rằng mình là nạn nhân

Nói những câu như "Tôi phải làm việc 60 giờ một tuần vì đồng nghiệp của tôi không biết họ đang làm gì" hoặc "Tôi phải nói đồng ý vì gã đó là một kẻ ngốc" cho thấy rằng bạn đang bị buộc phải làm những việc đó bạn không muốn làm. Và điều đó có thể dẫn đến cảm giác bất lực.

Thay vào đó, hãy thay đổi cách nói, thay đổi sang lối tư duy giúp bạn nhận ra rằng mình là người có trách nhiệm. Chẳng hạn, bạn không muốn phải làm thêm giờ, nhưng bạn đã chọn vì bạn muốn duy trì công việc của mình hoặc bạn có thể đã nói không với ai đó, nhưng làm như vậy có thể là một bước đi tồi trong sự nghiệp.

6. Họ thiết lập ranh giới lành mạnh

Điều quan trọng là phải thiết lập các ranh giới lành mạnh. Chẳng hạn, nếu bạn bị ai đó ngắt lời trong một cuộc họp, hãy nói, "Tôi đang là người nói và bạn đang ngắt lời tôi. Tôi cần nói hết những gì tôi phải nói trước đã."

Hoặc, nếu một đồng nghiệp liên tục nói chuyện phiếm với bạn, hãy nói: "Mấy chuyện này xàm quá, tôi còn nhiều việc phải làm nữa nên chúng ta dừng ở đây nhé!". Những người không quen với việc đặt ra ranh giới rõ ràng có thể sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng. Nhưng đặt ra những ranh giới ngay từ ban đầu chắc chắn sẽ giúp bạn bớt nhiều chuyện phải lo lắng hơn sau này.

7. Họ thực hành các kỹ năng đối phó lành mạnh

Ngay cả khi bạn thiết lập ranh giới lành mạnh với những đồng nghiệp "khó ở", họ vẫn có thể tiêu hao trí lực của bạn. Thực hành các kỹ năng đối phó lành mạnh sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn.

Thử nghiệm với nhiều kỹ năng đối phó (coping skills), như lòng biết ơn và thiền định, để khám phá xem điều gì phù hợp nhất với bạn. Hãy chăm sóc sức khỏe của bạn thật tốt. Sẽ không thể giữ tinh thần vững vàng khi bạn lạm dụng rượu bia, thiếu ngủ hoặc ăn quá nhiều thức ăn không lành mạnh.

 

Tác giả của bài viết là Amy Morin, một người có thâm niên công tác trong lĩnh vực xã hội lâm sàng, một người hướng dẫn tâm lý và một nhà trị liệu tâm lý. Cô là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất "13 Things Mentally Strong People Don’t Do" và cuốn "13 Things Mentally Strong Women Don’t Do."

 

Như Nguyễn

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

Ảnh: gigibunny | Twenty20

Nguồn: https://www.cnbc.com/2019/02/11/7-powerful-ways-mentally-strong-people-handle-toxic-co-workers.html

menu
menu