Ai càng thông thái thì càng buồn - Courtney Stephens

ai-cang-thong-thai-thi-cang-buon-courtney-stephens

“Ai càng thông thái thì càng buồn.”

Translated by Tam Nguyen
Reviewed by Sharon Nguyen
 

Nỗi buồn là một phần trải nghiệm làm người, nhưng từ nhiều thế kỷ, vẫn còn những bất đồng về việc chính xác thì nỗi buồn là gì, và làm thế nào để vượt qua nó.

Nói một cách đơn giản nhất, người ta thường xem nỗi buồn như một phản xạ tự nhiên trước tình huống khó khăn. Bạn cảm thấy buồn khi bạn mình chuyển đi, khi thú cưng chết. Khi một người bạn nói: “Buồn quá”, bạn thường hỏi lại: “Sao buồn vậy?”

Nhưng nếu bạn tin nỗi buồn đó đến từ bên ngoài, thì đây là một ý nghĩ khá mới lạ. Các bác sĩ Hy Lạp cổ không cho là như thế, mà tin rằng nỗi buồn do một loại dịch màu đen trong cơ thể gây ra. Theo hệ thống dịch thể của Hy Lạp, cơ thể và linh hồn chúng ta bị chi phối bởi 4 loại dịch thể mà trạng thái cân bằng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính khí của ta. Từ “sầu muộn” có bắt nguồn từ “melaina kole”, nghĩa là “mật đen”, được coi là dịch thể gây ra sầu muộn. Bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng, và các liệu pháp y tế, bạn có thể cân bằng lại các dịch thể này.

Dù người ta đã biết nhiều hơn về các hệ thống chi phối cơ thể con người, quan điểm của người Hy Lạp về nỗi buồn, đến nay, vẫn còn giữ được giá trị, không chỉ với loại sầu muộn mà ta thường cảm thấy, mà còn cả với chứng trầm cảm lâm sàng. Các bác sĩ tin rằng những cảm xúc mơ hồ kéo dài ít nhiều có liên quan đến các chất hoá học trong não, sự cân bằng của các chất này bên trong não bộ.

Theo như hệ thống của Hy Lạp, việc thay đổi cân bằng sẽ có tác động lớn đến cách phản ứng của ta hoặc gây ra tình trạng cực kì nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có một nỗ lực từ lâu đời, nhằm nhận biết giá trị của nỗi buồn, trong lúc thảo luận, bạn sẽ tìm thấy một luận điểm mạnh mẽ về nỗi buồn, không chỉ là không thể thiếu mà còn là phần tất yếu trong cuộc sống.

Nếu chưa từng cảm thấy buồn, bạn đã bỏ lỡ một phần ý nghĩa của việc làm người. Nhiều nhà tư tưởng cho rằng nỗi buồn là thiết yếu cho sự khôn ngoan. Robert Burton, sinh năm 1577, dành cả đời để nghiên cứu nguyên nhân và trải nghiệm nỗi buồn. Trong quyển sách để đời của mình, “Giải phẫu nỗi u sầu”, ông viết: “Ai càng thông thái thì càng buồn.”

Những nhà thơ lãng mạn đầu thế kỉ 19 tin rằng nỗi buồn giúp ta hiểu những cảm xúc sâu sắc khác một cách rõ ràng hơn, ví dụ như cái đẹp và niềm vui. Để có thể hiểu nỗi buồn của một cái cây trụi lá vào mùa thu, ta phải hiểu hơn về chu kỳ sự sống khiến mùa xuân, trăm hoa đua nở.

Nhưng sự khôn ngoan và trí tuệ cảm xúc có vẻ là nhu cầu trước nhất. Liệu nỗi buồn có giá trị trên mức cơ bản, hoặc hữu hình, hay thậm chí là cấp độ tiến hóa không? Nhiều nhà khoa học cho rằng khóc và cảm giác muốn trốn chạy là cách mà tổ tiên của chúng ta bảo vệ các mối liên kết xã hội và giúp họ có được sự hỗ trợ cần thiết.

Nỗi buồn, ngược với giận dữ và bạo lực, là biểu hiện của nỗi đau nó có thể lập tức đưa chúng ta lại gần nhau, và điều này giúp cho cá nhân và cộng đồng phát triển. Có thể nỗi buồn giúp tạo ra sự đoàn kết cần thiết để tồn tại, tuy nhiên, nhiều người vẫn tự hỏi liệu nỗi đau của người khác có giống với nỗi đau của mình.

Nhà thơ Emily Dickinson đã viết rằng: “Tôi nhìn từng nỗi đau xa lạ bằng đôi mắt trăn trở sâu xa Trong suy tư, tôi luôn tự hỏi Ai gánh được án khổ nặng bằng tôi.”

Vào thế kỉ 20, các nhà nhân chủng học y khoa, như Arthur Kleinman, thu thập bằng chứng từ cách mà người ta nói về nỗi đau, để giả thuyết rằng cảm xúc không phải là quy luật chung cho tất cả, và văn hóa, đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta.

Khi nói đến cảm giác “đau lòng” nói chung, cảm giác vụn vỡ sẽ thành một phần của trải nghiệm, trong khi dùng ngôn ngữ của một nền văn hoá để nói về tổn thương, mỗi người có thể sẽ có một trải nghiệm khác nhau.

Một số nhà tư tưởng đương đại không hứng thú với nỗi buồn của cá nhân lẫn nỗi buồn phổ quát, và thà sử dụng công nghệ để loại bỏ mọi hình thức khổ đau. David Pearce đã gợi ý rằng công nghệ gen di truyền và một số công nghệ hiện đại khác không chỉ thay đổi cách con người cảm nhận nỗi đau tinh thần và thể xác, mà còn có thể cấu trúc lại hệ sinh thái toàn thế giới để các loài động vật không còn phải đánh vật với tự nhiên. Ông đặt tên cho dự án này là “công nghệ thiên đường”.

Nhưng nếu không còn nỗi buồn trên đời, đó chẳng phải cũng là một nỗi buồn sao? Tổ tiên và các nhà thơ yêu thích của ta chắc cũng sẽ không muốn gia nhập thiên đường này đâu.

Thực tế, điều duy nhất về nỗi buồn mà ai cũng đồng tình, chính là việc hầu như ai, ở thời đại nào, cũng đã từng nếm trải, là dù hàng ngàn năm trôi qua, một trong những cách hiệu quả nhất để đối phó với nó là giải bày, cố gắng thể hiện những cảm xúc khó tả. Như trong lời thơ của Emily Dickinson, “Hy vọng tựa như chim / đậu trong tán linh hồn / bản nhạc không lời chim hót / mãi còn với thời gian.”

menu
menu