Ai hiểu biết nhiều hơn: người trẻ hay người già?

Ai là người biết nhiều hơn, người trẻ hay người già? Câu hỏi này rộng lớn và mơ hồ
Ai là người biết nhiều hơn, người trẻ hay người già? Câu hỏi này rộng lớn và mơ hồ, nhưng điều đó chưa từng ngăn cản các xã hội khác nhau đưa ra những kết luận rất chắc chắn – và rất khác biệt – về nó qua từng thời kỳ lịch sử.
Tại phương Tây hiện đại, kể từ giữa thế kỷ 18, câu trả lời nghiêng về một phía rõ rệt: người trẻ biết nhiều hơn. Theo tư tưởng của phong trào lãng mạn (Romanticism), tuổi trẻ được tôn vinh là thời kỳ hoàng kim của con người. Người trẻ được xem là nguồn cội của mọi tri thức quý báu, sự chân thành và lòng tốt đẹp. Ban đầu, tư tưởng này xuất hiện trong thi ca, sau đó lan sang hội họa, âm nhạc, và ngày nay tiếp tục thấm nhuần vào thời trang, điện ảnh, và lối sống. Quan niệm này cho rằng khi già đi, con người không chỉ kém năng động, yếu đuối hơn, mà còn xa rời những gì thực sự có ý nghĩa, sống động và quyến rũ. Theo đó, tuổi tác làm con người trở nên băng hoại, che mờ tầm nhìn bởi những gì đã trải qua. Trong cái nhìn ấy, trẻ thơ là những triết gia tự nhiên tối cao. Khát vọng sâu thẳm nhất của một người 60 tuổi – nếu dựa trên tư tưởng này – là đạt được mức độ thấu hiểu, trong sáng, tinh tế, và hòa điệu với thời đại như một đứa trẻ 4 hoặc 14 tuổi.
Dominico Ghirlandio, Chân dung một cụ già và đứa cháu trai của ông, 1490.
Nhưng không phải ở mọi nơi, mọi thời, sự việc đều được nhìn nhận theo cách này. Trong phần lớn lịch sử của Đông Á, quan điểm ngược lại mới là chân lý phổ quát. Nhà triết học nổi danh nhất của Trung Quốc cổ đại, Khổng Tử, cho rằng trí tuệ và sự bao dung của trái tim chỉ có thể đạt được nhờ thời gian. Chỉ sau khi đã trải qua nhiều thập kỷ, cùng những chiêm nghiệm và bài học đau thương, con người mới có thể thực sự hy vọng chế ngự được những ham muốn ích kỷ, hiểu thấu bản thân, trở nên rộng lượng hơn khi đánh giá người khác, và phân biệt được những gì phù phiếm với những gì thực sự ý nghĩa. Trẻ em tuy rất dễ thương, nhưng dưới cái nhìn của Khổng Tử, việc xem chúng như những người hoàn chỉnh chẳng khác nào xúc phạm đến bản chất chưa trưởng thành của chúng.
Cả chủ nghĩa Lãng mạn lẫn tư tưởng Khổng giáo đều mang đến những bài học quan trọng. Nhưng có lẽ thú vị – và hy vọng hơn cả – là chọn đứng về phía quan điểm không mấy được ưa chuộng, thậm chí đang bị xem thường ngày nay: người già có thể biết nhiều hơn. Điều này không có nghĩa là tất cả những người lớn tuổi đều hiểu biết (chắc chắn chúng ta ai cũng từng gặp những ví dụ trái ngược đầy khó chịu), mà là để khẳng định rằng thời gian – ít nhất về lý thuyết – mang lại cho con người khả năng trưởng thành và đạt được sự thấu suốt, điều mà người trẻ, do hạn chế của tuổi đời, không thể nào có được.
Thật vô lý và bi quan nếu tin rằng bản chất con người đạt đến đỉnh cao thuần khiết chỉ sau vỏn vẹn năm mùa hè đầu đời – và sau đó chỉ còn là sự suy tàn và thoái hóa. Phải có điều gì đó chúng ta có thể học hỏi, phải có ý nghĩa nào đó đằng sau những lớp học, liệu pháp tâm lý, những cuộc trò chuyện và những trang sách.
Nếu không, tất cả chúng ta – và ngay cả người trẻ – đều bị tước đi cơ hội thực tế để được giáo dục về mặt tâm lý. Chúng ta cần tin rằng bản thân có thể xây dựng thêm lòng nhân ái, sự bình thản, đồng cảm và dịu dàng. Chúng ta cần tin rằng, với sự khiêm nhường và nỗ lực, chúng ta có thể cải thiện bản thân để ngày mai ít bận rộn, bối rối, và nóng nảy hơn hôm qua. Chúng ta cần tin rằng, ít nhất về mặt lý thuyết, cơ hội để trưởng thành về mặt cảm xúc luôn tồn tại.
Nguồn: WHO KNOWS MORE, THE YOUNG OR THE OLD? - The School Of Life