Ai là người thực sự kết thúc một mối quan hệ?

Có một nỗi đau đặc biệt mà nhiều người phải chịu đựng khi mối quan hệ đi đến hồi kết.
Có một nỗi đau đặc biệt mà nhiều người phải chịu đựng khi mối quan hệ đi đến hồi kết. Đó là cảm giác rối bời khi ta buộc phải nói lời chia tay, nhưng sâu thẳm trong lòng lại không hề muốn điều đó. Ta không chỉ mất đi mối quan hệ từng trân quý, mà còn phải mang theo cảm giác tội lỗi vì mình là người "kết thúc" – dù ta chưa bao giờ thực sự mong muốn như vậy. Ta hoang mang, tự hỏi liệu mình có làm sai hay không, liệu mình có gây ra nỗi đau không đáng có cho đối phương. Nhưng có lẽ, sự thật ẩn sâu là: ta không hề kết thúc điều gì cả.
Để làm dịu nỗi đau này, hãy thử gỡ rối suy nghĩ bằng cách nhìn nhận lại mọi thứ một cách rõ ràng và thấu đáo hơn. Nguyên tắc ở đây rất đơn giản: người thực sự kết thúc một mối quan hệ không phải là người mở lời chia tay hay tuyên bố “hết yêu”. Việc nói ra chỉ là sự khẳng định, một cách đặt dấu chấm hết. Người thực sự khép lại mối quan hệ chính là người ngừng yêu trước.
Émile Friant, Cast Shadows, 1891
Vấn đề nằm ở chỗ, việc ngừng yêu thường diễn ra một cách lặng lẽ, âm thầm và khó nắm bắt. Họ không thừa nhận, và ta cũng chẳng biết chắc liệu mình đang tưởng tượng hay đang cảm nhận đúng. Họ có thể vẫn hiện diện, nhưng không thật sự ở đó. Họ trở nên lạnh nhạt nhưng luôn phủ nhận. Họ tỏ ra cáu kỉnh, xa cách và lảng tránh bằng những lời buộc tội về sự “quá đáng” hay “nhạy cảm” của ta. Họ dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn, rồi lại trách ta kiểm soát hay ích kỷ.
Cuối cùng, người “chủ động” chia tay – dù tận sâu bên trong vẫn khát khao được yêu thương – đành buông xuôi sau vô vàn nỗ lực níu kéo và thất bại. Chia tay không phải là lựa chọn đầu tiên, hay thậm chí là lần thứ trăm. Đó chỉ là lựa chọn cuối cùng khi mọi con đường khác đều đã bế tắc.
Ngược lại, người còn lại có thể vẫn nói muốn tiếp tục mối quan hệ, nhưng trong lòng (và có khi là vô thức) họ lại từng bước tạo ra tình thế khiến đối phương không còn cách nào khác ngoài việc ra đi.
Mức độ vô thức trong chuyện này có thể tranh luận được. Nếu muốn rộng lượng, ta có thể nghĩ rằng họ không hề nhận thức được mình muốn thoát ra. Nhưng đôi khi, ta cũng nên thừa nhận rằng họ có thể biết rất rõ, chỉ là chọn cách dễ dàng hơn – để người khác làm thay công việc đau lòng này.
Dù lý do là gì, sự thật là: người muốn rời đi hiếm khi nào thừa nhận. Khi được hỏi: “Anh/em có muốn tiếp tục không?”, câu trả lời luôn là: “Có.” Nhưng khi được trao cơ hội để cứu vãn, họ chẳng làm gì để vun đắp. Hôm nay họ nói muốn thử lại, nhưng chỉ vài ngày sau, họ tiếp tục xa cách, lảng tránh và khiến ta phải tự đặt câu hỏi về chính mình.
Đây là lý do vì sao một cuộc chia tay thường phải xảy ra nhiều lần. Để người buông bỏ thực sự hiểu rằng mình không phải là người thực sự kết thúc. Họ có thể quay lại, cố gắng sửa chữa “quyết định” của mình, nhưng rồi thực tế phức tạp lại khiến họ nhận ra: đó chưa bao giờ là quyết định của họ ngay từ đầu. Và dù có thử thêm một, hai hay ba lần nữa, kết cục vẫn không thay đổi.
Vậy nên, một số người trong chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc gánh thêm một nỗi đau khi buộc phải là người ra đi. Ta bị gán nhãn là người “chấm dứt,” mang theo sự xấu hổ và bị phán xét bởi những người ngoài cuộc. Đối phương, trong vai trò người bị “bỏ rơi,” dễ dàng nhận được sự cảm thông.
Nhưng câu chuyện này không phản ánh đúng sự thật. Sâu thẳm, ta từng muốn mối quan hệ tiếp tục. Ta đã cố gắng rất nhiều để cứu vãn nó. Nhưng ta không thể chấp nhận một mối quan hệ nửa vời, thiếu tình yêu, thiếu sự cố gắng, thiếu sự thân mật. Ta buông tay vì những gì còn lại không còn giống một mối quan hệ nữa – dù đối phương vẫn có thể khăng khăng rằng đó là lỗi của ta.
Sự thật phức tạp là thế này: ta đã phải đặt dấu chấm hết – nhưng không phải ta là người kết thúc. Ta cầm chiếc rìu khi nó rơi xuống, nhưng ta chưa bao giờ là người nhặt nó lên. Ta ra đi không phải vì không còn yêu, mà bởi vì ta vẫn yêu.
Nguồn: WHO ACTUALLY ENDS A RELATIONSHIP? - The School Of Life