Ba kiểu cô đơn và cách vượt qua chúng

ba-kieu-co-don-va-cach-vuot-qua-chung

Sự cô đơn là một phần của nhu cầu tình cảm muốn có sự đồng hành và cảm giác thân thuộc. Nếu không được giải tỏa, nó có thể gây tổn hại đến cách mỗi người nhìn nhận giá trị bản thân

Cô đơn có thể là một loại bệnh, nhưng chắc chắn có cách để đánh bại nó.

Sự cô đơn là một phần của nhu cầu tình cảm muốn có sự đồng hành và cảm giác thân thuộc. Nếu không được giải tỏa, nó có thể gây tổn hại đến cách mỗi người nhìn nhận giá trị bản thân (theo Hawkley, Browne, & Cacioppo, 2005). Cô đơn có thể khiến chúng ta băn khoăn về giá trị của mình đối với những người xung quanh và liệu chúng ta thuộc về đâu trong cuộc sống này.

Hầu hết chúng ta không những dành nhiều thời gian kết nối với các thiết bị hơn mức lành mạnh cho mắt và tim, chúng ta cũng dành nhiều thời gian kết nối kỹ thuật số nhiều hơn mức đủ tốt cho sức khỏe cảm xúc của mình. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều nhất cũng cho thấy mức độ tách biệt với xã hội cao nhất (theo Primack, Shensa, Sidani, Miller, 2017). Sự cô đơn sẽ không thể được chữa khỏi bằng các hành vi cô lập kết nối chúng ta với màn hình thay vì thế giới xung quanh.

Sự hiện diện của cô đơn phản ánh sự vắng mặt của những kết nối, không phải sự vắng mặt của những con người. Đó là lý do tại sao một người có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở cùng một đám đông. Trên thực tế, việc ở giữa một đám đông có thể khiến một số người cảm thấy thậm chí còn cô đơn hơn nếu không có thành viên nào trong mạng lưới hỗ trợ của họ ở đó (support network – mạng lưới hỗ trợ, là những người trong các mối quan hệ xã hội lành mạnh của chúng ta như bạn bè, người thân, đồng nghiệp v.v.) Và họ cảm thấy không thể kết nối với những người khác xung quanh.

Mỗi cá nhân cũng trải qua cảm giác cô đơn khi họ cảm thấy mạng lưới hỗ trợ của họ không mang đến sự hỗ trợ mà họ cần tại một thời điểm nhất định.

Ảnh: Ayank/Pixabay

Ba kiểu cô đơn

1. Cô đơn hiện hữu

Từ góc độ tồn tại, một chút cô đơn hiện hữu là tốt cho tâm hồn, và nó chắc chắn là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, sự cô đơn có xu hướng khơi lên những cảm xúc tiêu cực. Và trong khi những cảm xúc đó có thể giúp ích cho việc khám phá bản thân, ta thường có ác cảm với chúng và muốn tránh càng nhiều càng tốt.

2. Cô đơn cảm xúc

Kiểu cô đơn này xuất phát từ cảm giác khi bạn thiếu các mối quan hệ hoặc ràng buộc. Bạn có thể trải qua sự cô đơn cảm xúc khi tất cả mọi người xung quanh đều có một người đồng hành về tình cảm nhưng bạn lại không. Bạn có thể cảm nhận được cô đơn cảm xúc khi bạn cần ai đó để nói chuyện về điều gì đó trong cuộc sống của bạn, nhưng lại cảm thấy không có ai để kết nối được. Nếu trái tim bạn tan vỡ, bạn có thể cảm thấy cô đơn vì người đã bước ra khỏi cuộc đời bạn. Bạn có thể cô đơn vì một người bạn thân, cha mẹ, anh chị em, v.v.

3. Cô đơn xã hội

Cảm giác cô đơn này xảy đến khi bạn không cảm thấy thuộc về một hội nhóm nào ngoài chính bản thân mình. Bạn thậm chí có thể cảm thấy cô đơn xã hội ngay cả khi bạn đang trong mối quan hệ lãng mạn với một người mà bạn trân trọng. Nếu bạn không có mạng lưới hỗ trợ xã hội rộng hơn, bạn có thể cảm thấy rằng chính bạn, hoặc bạn và người thương, chẳng thuộc về một nhóm nào cả. Khi bạn bước vào một căn phòng và không nhận ra bất kỳ ai quen thuộc, cảm giác cô đơn xã hội sẽ xâm chiếm lấy bạn nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi tiếp cận những người mới. Nếu bạn không cảm thấy sự hiện diện của mình có giá trị trong một mạng lưới lớn hơn, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác cô đơn xã hội.

Bạn cảm thấy cô đơn đã bao lâu rồi?

Yếu tố lâu dài của sự cô đơn ảnh hưởng đến cường độ và những tổn thương mà nó có thể gây ra. Sự cô đơn có thể là một cảm giác thoáng qua, một trải nghiệm tình huống, một cảm giác lâu dài.

Hầu hết tất cả mọi người thi thoảng đều trải qua cảm giác cô đơn thoáng qua nào đó. Một trải nghiệm tình huống có thể là một cảm giác trống trải tạm thời, đặc biệt là khi nó đi kèm với một số sự kiện quan trọng khác. Chẳng hạn như một mình trong bữa ăn trưa ở chỗ làm mới, hoặc chuyển đến một nơi ở mới theo chồng/vợ và cảm thấy bị bỏ rơi khi chồng/vợ của bạn đi làm và bạn bị bỏ lại trơ trọi một mình ở nơi mới mà không quen biết ai. Tuy nhiên, sự cô đơn lâu dài có thể xuất phát từ những trải nghiệm tình huống kéo dài từ hai năm trở lên.

Vượt qua cô đơn hiện hữu

Câu nói rằng bạn đến với thế giới này một mình, và bạn ra đi cũng một mình, có ý rằng sự cô đơn hiện hữu là một khía cạnh tất yếu của cuộc sống. Như vậy nghe có vẻ thật đáng sợ đối với một số người khi họ nhận ra tất cả chúng ta trên thế giới này đều cô đơn như thế, cho dù bạn có bạn bè và gia đình yêu thương và hỗ trợ bạn 24/7, cho dù bạn có bất cứ thứ gì.

Hầu như tất cả chúng ta, ở một thời điểm nào đó, đều phải trải qua những nỗi sợ hiện hữu, như nỗi sợ bị cô lập, sợ cái chết, sợ sự vô nghĩa và sự tự do. Nhận ra nỗi sợ hãi đó và dùng nó làm động lực để sống trọn vẹn hơn và thực tế hơn có thể giúp chúng ta đắm mình vào hiện tại. Điều này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở giữa một biển người mà ai ai cũng đang chiến đấu chống lại những nỗi sợ này giống như chúng ta vậy.

Vượt qua cô đơn cảm xúc

Giải pháp lâu dài cho cô đơn cảm xúc là thiết lập và duy trì một mạng lưới hỗ trợ lành mạnh. Bạn không thể có ngay một “tình bạn ăn liền” hay tìm thấy một tri kỷ chỉ sau một cái búng tay. Nhưng bạn có thể tối đa cơ hội làm sâu sắc thêm tình bạn bằng cách chủ động tiếp cận bạn bè và sẵn sàng trở thành người đầu tiên đề nghị tụ tập, gặp gỡ nhau.

Chờ đợi ai đó mở lời trước thì không còn là chủ động nữa, và bởi vì sự cô đơn đã thể hiện cảm giác cô lập, nếu bạn nỗ lực tiếp cận người khác, bạn sẽ ngạc nhiên thích thú nhận ra mình bắt đầu cảm thấy tốt hơn nhiều, ngay cả khi chỉ với một vài dòng tin nhắn hay một cuộc gọi ngắn hỏi thăm bạn bè.

Để ai đó biết bạn “cần được trò chuyện” có thể mở ra cơ hội cho một kết nối sâu sắc hơn, miễn là bạn không làm quá tải người khác với nhu cầu của mình.

Vượt qua cô đơn xã hội

Cảm giác này xuất hiện khi chúng ta cảm thấy bị bỏ lại giữa một nhóm người. Nó có thể là cảm giác của bạn khi bạn bước vào căn tin ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghi hè và không thể ngay lập tức tìm thấy bất kỳ khuôn mặt thân thiện nào để ngồi cùng bàn ăn.

Bị loại trừ khỏi một nhóm có thể là một cảm giác đau đớn, ngay cả khi nó không phải do ai cố ý gây ra cho ai. Một cách dễ dàng để vượt qua sự cô đơn xã hội là tham gia ngay vào một nhóm mới hoặc một hoạt động mới.

Có thể một câu lạc bộ thể dục mới đang mở gần nhà, hoặc một lớp học “Vẽ màu nước cơ bản” đang tuyển sinh ở trung tâm mỹ thuật, hoặc một lớp học ngôn ngữ mới; tình nguyện với tổ chức từ thiện trong khu dân cư; bất cứ điều gì là hấp dẫn với bạn, hãy cứ tham gia! Nếu tất cả mọi người trong phòng đều “lạ”, điều đó thực ra lại càng dễ để bắt chuyện và bắt đầu kết bạn mới.

Nếu bạn và người thương cảm thấy không có mạng lưới bạn bè chung, hãy tham gia một lớp học nhảy rumba hoặc salsa cùng nhau. Tham gia vào các hoạt động tình nguyện cùng nhau, cho dù đó là mang thức ăn cho người vô gia cư, quyên góp quần áo cho người nghèo, hay dạy học cho trẻ em ở trại mồ côi.

Bạn sẽ thấy rằng những người khác ít nhất cũng có một điểm chung sở thích với bạn và đó, chắc chắn là một trong những cách khơi dậy một tình bạn mới.

Tài liệu tham khảo

Hawkley L. C., Browne M. W., & Cacioppo J. T. (2005). How can I connect with thee? Let me count the ways. Psychol. Sci. 16, 798–804. (doi:10.1111/j.1467-9280.2005.01617.x).

Primack, B. A., Shensa, A., Sidani, J. E., Whaite, E. O., Lin, L. Rosen, D., Colditz, J. B., Radovic, A., & Miller, E. (2017). Social media use and perceived social isolation among young adults in the U.S. American Journal of Preventive Medicine, 53, 1-8.

Nguồn: Psychology Today

Người dịch: Dân Ann

menu
menu