Bài học từ việc xem trọng tiểu tiết trong nghệ thuật
Cầu toàn tạo nên sự khác biệt
Chúng ta dễ nổi nóng với những người quá bận tâm đến chi tiết. Một dấu phẩy đặt sai chỗ (do cố tình) cũng làm họ bận lòng; họ bực bội khi máy rửa chén bị chất chồng theo cách dưới mức tối ưu; họ mất cả tháng để chọn màu sơn lại căn phòng ngủ; họ biết giá của một chiếc kẹp giấy, họ đếm số email họ gửi trong một tuần.
Cầu toàn tạo nên sự khác biệt
Chúng ta đặt những cái tên khá tiêu cực cho thái độ của họ, ta nói họ chấp nhặt tiểu tiết, họ bị ám ảnh, theo chủ nghĩa hoàn hảo; họ bới lông tìm vết. Họ không biết phân nặng nhẹ; sau lưng họ, chúng ta chế nhạo sự tận tâm phi lý trí của họ. Song, trong văn học và nghệ thuật lại tồn tại một quan điểm khác về tính cầu toàn; đó dường như là một đức tính được tôn vinh.
Trong thơ ca, việc thay đổi một vài từ cũng tạo nên sự khác biệt giữa một vần thơ có thể tồn tại qua hàng thế hệ. Chẳng hạn, T. S. Eliot có một bài thơ bị để trong ngăn kéo nhiều năm trời, cuối cùng ông cũng đưa nó cho một người bạn cực kỳ xét nét của mình, ông Ezra Pound xem và cho Eliot rất nhiều đề xuất cắt bỏ và thay đổi về cách dùng từ. Nhờ sự chú tâm về chi tiết đến mức ám ảnh của Ezra Pound, cuối cùng bài thơ Đất Hoang đã được xuất bản vào năm 1922 và được bầu chọn là bài thơ quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Ezra Pound: người bạn chú trọng tiểu tiết giúp cho Đất Hoang trở thành áng thơ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm Đất Hoang với những ghi chú cặn kẽ của Pound.
Mấu chốt của cầu toàn hiệu quả
Điểm mấu chốt về tính xét nét tiểu tiết trong những trường hợp này là tất cả sự xét nét này đều được hướng đến một mục tiêu rõ ràng. Những kẻ xét nét sáng tạo có một suy nghĩ lớn về lý do vì sao việc tập trung vào một số chi tiết nhất định ở mức độ cao đến vậy lại rất quan trọng. Sự ý thức về mục tiêu tối thượng này giúp ta thấy sự khác biệt giữa phiên bản tuyệt đỉnh và phiên bản tầm thường của nghệ thuật.
Những tác gia vĩ đại cực kỳ ám ảnh về chi tiết – một cách có chọn lọc. Những nghệ sĩ – dù trái ngược nhau - đều kén chọn một cách khắt khe. Matisse có niềm hứng thú to lớn với sự tương phản và hài hòa của màu sắc, và bất chấp tất cả để có được mảng màu xanh chính xác cho nền của bức vẽ. Còn phần chi tiết của các sợi tóc, ông chẳng hề quan tâm.
Tư tưởng của những họa sĩ vĩ đại về những chi tiết cần tập trung được dẫn dắt theo câu hỏi tiên quyết: Mình đang cố chuyển tải điều gì qua tác phẩm này? Nhiệm vụ và mục tiêu của mình là gì?
Nếu mục tiêu ở đây là bắt được nét tinh túy của một cá nhân, vậy không phải chi tiết nào cũng quan trọng như nhau. Một chi tiết trở nên đáng giá vì hiệu quả nó tạo nên. Những họa sĩ vĩ đại được dẫn dắt theo nhu cầu của người ngắm tranh. Họ luôn đặt câu hỏi: vì sao chi tiết cụ thể này có tác dụng với người xem tranh?
Bài học áp dụng của cầu toàn hiệu quả
Các họa sĩ và nhà văn thường không cho rằng bản thân họ cơ bản bị ràng buộc với thương mại. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những thành tựu lớn nhất của họ hóa ra lại thường là vật phẩm đem lại lợi nhuận hiệu quả nhất trong các hoạt động đầu tư: bức vẽ Matisse được mua vào những năm 1930 với giá tương đương với việc một gia đình nhỏ mua một chiếc máy bay tư nhân ngày nay.
Chúng ta có thể rút ra bài học về việc xét nét những tiểu tiết trong nghệ thuật và vận dụng nó cho những ý tưởng về các hoạt động khắc, đặc biệt là thương mại. Xoay quanh lĩnh vực kinh doanh, một vài chi tiết nhỏ có thể có tầm ảnh hưởng to lớn, một vài chi tiết khác thì không quan trọng. Lý tưởng là doanh nghiệp nên xác định đâu là mục tiêu cao nhất của họ và đâu là chi tiết thật sự cần tập trung. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể bỏ qua những chi tiết ít ảnh hưởng.
Chúng ta có thể xem xét một vài ví dụ:
- Một hãng hàng không phục vụ 6 loại sâm-panh trong dịch vụ dành cho hạng thương nhân, nhưng nhiệt độ trong cabin thường quá nóng hoặc quá lạnh. Khi vị khách đang cảm thấy nóng bức hoặc lạnh cóng thì nhãn hiệu sâm-panh họ đang uống sẽ ít quan trọng và trở thành vấn đề lớn. Nên việc cần ưu tiên là cải thiện nhiệt độ trước khi chăm chú vào đồ uống.
- Một công ty xe ô-tô đã đầu tư khoản lớn để giảm 2 giây của thời gian cần để xe có thể tăng tốc từ 0-97 km/giờ - dù hầu như chẳng bao giờ có ai thử nghiệm tốc độ này cả. Nhưng bề mặt hộp số thì không được chăm chút lắm - dù đây là bộ phận bạn luôn luôn phải nhìn đến. Sự tập trung vào chi tiết nên hướng đến mục tiêu cốt lõi được nhiều người theo đuổi: trải nghiệm lái xe vui vẻ.
- Nếu một khách sạn xây dựng thương hiệu là nơi giúp khách hàng có một giấc ngủ an lành sẽ không bận tâm quá nhiều về loại socola trong tủ lạnh. Vì việc ăn loại sôcôla hoàn hảo không ảnh hưởng nhiều đến việc nghỉ ngơi của khách bằng những yếu tố khác, ví dụ như âm thanh. Nếu tiếng ồn của tủ lạnh, âm thanh của quạt thông gió trong nhà tắm và tiếng đóng mở cửa của phòng bên cạnh được ưu tiên tập trung khắc phục thì hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
Kết luận
Điều thật sự khiến ta khó chịu về những người quá xét nét tiểu tiết không phải ở việc họ quan tâm đến chi tiết, mà là vì chúng ta cảm thấy rằng họ tập trung vào những chi tiết không thích hợp - hay những chi tiết không quan trọng. Các doanh nghiệp cần tuyển mộ và trân trọng những người xem trọng tiểu tiết - vì tính xét nét khi được điều hướng tốt chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công. Giờ đây, những nhân viên bị ám ảnh với việc lau bụi trên màn hình máy tính hay phải xếp chồng tài liệu một cách chỉnh chu không cần phải ngừng xét nét và thả lỏng nữa. Họ chỉ cần tìm ra một mục tiêu đáng giá và có ý nghĩa thương mại cho khả năng “điên cuồng” về chi tiết tuyệt vời của họ mà thôi.
Nguồn tham khảo: The school of life
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.