Bài học về các mối quan hệ
Trong tình dục, hẹn hò và các mối quan hệ, lời nói và hành động chỉ hữu ích khi chúng sinh ra cảm xúc. Chỉ lời nói và hành động không thôi thực chất không có giá trị gì cả.
PHẦN 1
Trong tình dục, hẹn hò và các mối quan hệ, lời nói và hành động chỉ hữu ích khi chúng sinh ra cảm xúc. Chỉ lời nói và hành động không thôi thực chất không có giá trị gì cả.
Khi ta tương tác với người mà ta thích mà không như mong đợi, ta thường nghĩ rằng đáng lẽ nên nói hoặc làm gì đó khác đi thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Khi ta bị đá, ta liên tục tìm kiếm trong ký ức những khoảnh khắc, hoặc chỉ là một khoảnh khắc, mà mọi sự đổ vỡ, và rồi ta trách móc bản thân vì những việc ta đã làm hoặc đã không làm để cứu vãn sự việc trong khoảnh khắc đó.
Nhưng chính vì sự thiếu chắc chắn phải làm điều gì đã phản pháo lại ta. Vì quá tập trung vào việc phải nói gì hoặc phải cư xử thế nào khi bên cạnh một người – dù là mới gặp hay đã bên nhau nhiều năm – ta không thừa nhận rằng thật ra cảm xúc mới là thứ quyết định chất lượng của mối quan hệ.
Các mối quan hệ nên được quan tâm về khía cạnh nhu cầu cảm xúc hơn là hành động vì nhu cầu cảm xúc là yếu tố cơ bản quyết định chuyện gì thực sự xảy ra trong mỗi lần tương tác. Lời nói, hành động và hành vi có thể luân phiên và thay đổi và xung đột, nhưng cũng như các mảng kiến tạo trôi dạt trên một bề mặt nóng bên dưới, chính những nhu cầu cảm xúc tạo nên kết quả. Nếu bạn cảm thấy thiếu chắc chắn và bất an, nó sẽ thể hiện qua lời nói và hành động của bạn và kìm hãm bạn tiến xa hơn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu và nhàm chán, bạn sẽ có cách để trốn tránh, mặc kệ người khác nói gì hay làm gì.
Nếu bạn có thể nhận diện những thực trạng cảm xúc ẩn sâu trong những tương tác và mối quan hệ, bạn sẽ thực sự hiểu bạn với người ấy đang ở mức nào, cũng như tại sao bạn có cảm xúc đó với họ.
Nghe qua thì có vẻ rất đơn giản. Nhưng vấn đề là những tiến trình cảm xúc lại khá là khó hiểu. Rất dễ để bạn không ngừng suy nghĩ liệu sẽ nói gì với người ấy, hoặc cân nhắc lý do tại sao người ấy lại làm điều đó vào lúc đó – nhưng bạn không thể nhìn thấy hoặc chạm vào những cảm xúc lèo lái sự tương tác đó và, sau chốt, mối quan hệ giữa bạn với người ấy. Đó là cách hiểu chủ quan về một tình huống, và vì thế để chỉ ra ví dụ cụ thể có thể rất khó khăn, đặc biệt là với những ai không hề nhận thức được nhu cầu của người khác (cũng như của bản thân họ). Bảo họ tìm kiếm một thứ họ còn không biết là có cũng giống như việc bảo Stevie Wonder đọc thực đơn bữa trưa cho bạn.
Quan điểm con người được thúc đẩy chủ yếu nhờ cảm xúc và sử dụng những quyết định có ý thức để chứng minh những quyết định vô thức là bản lề của những tư tưởng tâm lý học tính từ thời của Freud. Đó là nền tảng của cả ngành nghề tiếp thị, bán hàng và quan hệ công chúng. Thật vậy, thần kinh học đã chỉ ra hành động và sự thôi thúc hình thành ở hạch hạnh nhân (cơ quan của những thúc đẩy cảm xúc) và sau đó được thực hiện và thay đổi ở võ não trước (suy nghĩ có lý trí), chú không phải ngược lại.
Vậy nên trong những tương tác, chúng ta trải qua một phản ứng nội tâm tức thì sau đó mới hình thành quan điểm có ý thức về người khác. Hành vi sau đó của chúng ta đối với họ, hay thậm chí là ta thay đổi cách nhìn về họ như thế nào, đều dựa trên phản ứng cảm xúc đầu tiên. Võ não trước có thể vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về một người trong một tình huống, nhưng phản ứng đầu tiên trong hạch hạnh nhân chính là thứ lựa chọn bảng màu cho bức tranh ấy.
Ví dụ, một người bạn mới gặp và cũng không đến nỗi để ý bạn nhiều khả năng sẽ đưa ra lý do khá ôn hòa và không thích đáng để từ chối bạn, đó cũng là cách giải thích cảm xúc đầu tiên của họ đối với bạn. Vậy điều này có khiến họ trở nên nông cạn và lạnh nhạt?
Không nhất thiết. Phản ứng cảm xúc giữa con người với nhau là sự kết hợp nhiều yếu tố, cả có ý thức lẫn vô thức, mà ta sẽ không bao giờ có thể xác định một cách chắc chắn. Không chỉ vậy, mà điều khiến một người có phản ứng tích cực với bạn, có thể khiến một người khác cảm thấy hoàn toàn ngược lại (hoặc thậm chí họ không quan tâm).
Vậy nên thay vì tìm kiếm lời nói hay hành động nào là tốt nhất trong các mối quan hệ, ta nên để ý đến cảm xúc nào cần được gợi ra để mang lại kết quả tốt nhất và liên kết chặt chẽ nhất. Điều quan trọng là cần xác định rõ động lực cảm xúc đằng sau những đánh giá và nhìn nhận của người khác, chứ không đơn thuần chỉ là những đánh giá và nhìn nhận ấy.
Điều này nghe có vẻ khó khăn và phức tạp, nhưng thực chất là ngược lại. Không cần phải hiểu bất kỳ logic nào. Đây chỉ đơn giản là bài luyện tập sự thấu cảm và dùng trực giác để hiểu người khác cảm thấy như thế nào thay vì đang nghĩ gì và phân tích những phản ứng bên ngoài của họ. Đây là việc gỡ bỏ những khúc mắc trong tâm trí bạn, chứ không phải tạo nên những hình mẫu thông tin mới.
Tôi đã xác định ba nhu cầu cảm xúc chính khi bàn về tình dục, hẹn hò và các mối quan hệ. Ba nhu cầu này hiện hữu ở tất cả mọi người. Ta gặp chúng và không gặp chúng như thế nào sẽ quyết định chất lượng và thời lượng tương tác và mối quan hệ.
Nhu cầu cảm xúc cơ bản trong hẹn hò:
- Địa vị. Cảm thấy quan trọng hoặc địa vị cao, cảm thấy bị thách thức.
- Liên kết. Cảm thấy được hiểu và trân trọng, những giá trị và trải nghiệm được sẻ chia.
- Sự đảm bảo. Cảm thấy an tâm và tin cậy, cảm thấy tín nhiệm.
Ba nhu cầu cảm xúc trên đều phổ biến. Chúng ta ai cũng có chúng và ta bằng lòng trở nên thân mật về tình dục hoặc tình cảm với một người đều dựa trên ba động lực trên và cách ta chọn thứ tự ưu tiên cho chúng. Một số người ưu tiên địa vị và thách thức hơn hẳn sự đảm bảo và niềm tin. Số khác tìm kiếm sự liên kết và trân trọng và không có hứng thú với địa vị.
Trong các mối quan hệ, việc bạn cảm thấy mâu thuẫn hoặc giằng xé với người ấy cũng là chuyện khá bình thường. Bạn có vẻ thích họ, nhưng lại nghĩ liệu có người mà bạn còn thích hơn nhưng chưa được gặp. Có thể bạn rất thích ở riêng với họ, nhưng khi ở bên cạnh bạn bè của bạn, họ lại lạnh nhạt và xa cách và như một con người khác. Trên thực tế, mẫu thuẫn như thế này thường thấy đối với người ta hẹn hò, và được điều khiển bằng những nhu cầu cảm xúc đã hoặc chưa được đáp ứng.
Ví dụ, bạn đang hẹn hò với một người mà bạn bè của bạn đều thích và cho là đẹp (kích hoạt nhu cầu địa vị), nhưng bạn lại thấy người ấy đôi lúc tự cho mình là trung tâm (kích hoạt nhu cầu về liên kết một cách tiêu cực) và có khi họ còn không đáng tin và hơi ngu xuẩn (kích hoạt nhu cầu về sự đảm bảo một cách tiêu cực). Bạn có chịu đựng hành vi của họ không? Mối quan hệ của hai người vẫn chưa quá sâu sắc, nhưng bạn thích khi hai người cùng nhau giao thiệp với người khác. Bạn nhân nhượng với người đó và luôn cho họ cơ hội thứ hai. Dù sao thì bạn bè của bạn ai cũng nói hai người tuyệt vời ra sao, và bạn bè của bạn đều là người tốt mà phải không?
Hoặc có khi bạn gặp một người có vẻ hơi không ổn định và thất thường, nhưng khi cả hơi ở chung với nhau, bạn cảm nhận thứ tình cảm và liên kết tuyệt vời nhất – chỉ là những khoảnh khắc ấy khá hiếm hoi. Cảm giác bất an sẽ luôn xung đột với cảm giác liên kết và trân trọng mà hai người có với nhau và bạn sẽ rất khó khăn để cân nhắc phải làm gì, thường là phân vân giữa việc cắt đứt tất cả và tiến lên phía trước, hoặc quay lại và thử lai một lần nữa.
Dù ai cũng có những nhu cầu cảm xúc này, mỗi người lại có thứ tự ưu tiên các nhu cầu khác nhau. Một số người rất cần sự đảm bảo. Số khác lại muốn tìm kiếm sự liên kết trước. Ngoài ra, những nhu cầu của chúng ta thường tương tác lẫn nhau. Ví dụ, thiếu sự đảm bảo có thể tạo ra nhận thức về địa vị và thách thức ở một số người.
Nhu cầu cảm xúc cũng có thể bộc lộ qua hình thức lành mạnh lẫn không lành mạnh. Nhu cầu địa vị và tầm quan trọng bình thường và lành mạnh có thể trở thành tính tự cao và thiển cận không lành mạnh. Ta tìm kiếm nửa kia dựa trên ngoại hình, hoặc tiền tài, hoặc danh vọng, hoặc thanh thế, hoặc bạn bè của bạn nghĩ gì về họ. Khi ta đặt nặng những yếu tố này, nhu cầu về địa vị bắt đầu nhiều lên và lấn át nhu cầu về liên kết và sự đảm bảo. Chạy theo những đặc điểm bên ngoài thay vì những nhu cầu cảm xúc thường dẫn đến việc ta cảm thấy cô đơn và trầm cảm.
Nhu cầu về mối liên kết và sự trân trọng bình thường, lành mạnh có thể biến đổi thành tính lệ thuộc, cần được chú ý không lành mạnh. Bạn trai/bạn gái bám dai như đỉa, hay người liên tục gọi và nhắn tin, muốn rủ đi hẹn hò cho bằng được. Nhu cầu được chấp nhận và nhu cầu tình cảm mãnh liệt có thể lấn át những nhu cầu lành mạnh về sự đảm bảo và địa vị. Một con người tuyệt vọng sẽ mặc kệ những khuyết điểm và những lần bội tín của người kia, chấp nhận bất kỳ ai chấp nhận họ và rất ít khi chú ý đến họ.
Nhu cầu lành mạnh về sự đảm bảo và ràng buộc có thể trở thành hình thức chiếm hữu, ám ảnh và ghen tỵ không lành mạnh. Nó có thể lấn át những nhu cầu lành mạnh về mối liên kết và tầm quan trọng. Điều này thường thấy trong những cơn ghen tột đỉnh khi một người nghĩ rằng nửa kia của mình có dấu hiệu tán tỉnh người khác, cho dù là dấu hiệu nhỏ nhất. Đó là một cặp đôi chung sống vì lối sống thoải mái của họ phụ thuộc vào thu nhập của nhau.
Mỗi người biểu lộ những mức độ khác nhau trong nhu cầu cảm xúc, và nhu cầu cảm xúc của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Nhiều người trong độ tuổi 20 tìm kiếm địa vị và thú vui và tiệc tùng. Khi bước sang tuổi 30, có thể họ ưu tiên mối liên kết và sự chấp nhận, và khi đã đến tuổi 40, họ khao khát mãnh liệt sự ràng buộc và đảm bảo. Song song đó, có thể họ sẽ bằng lòng hi sinh một hoặc nhiều nhu cầu để thoải mãn nhu cầu khác khi thứ tự ưu tiên của họ thay đổi.
Vì vậy, việc hiểu nhu cầu của bản thân và thừa nhận nhu cầu nào đang điều khiển động lực của mình là điều rất quan trọng. Có thể có người bước vào một mối quan hệ để có thêm địa vị, nhưng nếu họ thực sự muốn tìm kiếm mối liên kết, họ sẽ cảm thấy thất vọng và giằng xé giữa việc tìm kiếm mối liên kết với người khác hay ở lại mối quan hệ với người cho họ địa vị.
Điều họ suy tính có ý thức không quan trọng nếu nhu cầu cảm xúc lớn nhất của họ là mối liên kết và sự trân trọng. Chỉ là họ không biết điều đó. Lennon có một câu châm biếm nổi tiếng về những gì xảy ra trong đời khi bạn đang có những dự định khác. Bạn có thể nói rằng, “Cảm xúc diễn ra khi ta đang có những dự định khác.”
Nhưng việc hiểu nhu cầu cảm xúc cũng quan trọng trên cơ sở tương-tác-qua-tương-tác. Đó là một cách hay để hiểu rằng không phải sự từ chối nào cũng như nhau. Người đáp trả những nỗ lực bắt chuyện của bạn một cách thô lỗ có thể là đang từ chối bạn vì bạn không đáp ứng nhu cầu địa vị của họ. Một nửa kia rất hợp gu với bạn, nhưng họ lại do dự không mở lòng hoặc thân thiết với bạn hơn, có thể xem là bạn không đáp ứng nhu cầu về mối liên kết và sự trân trọng của họ. Một người không thoải mái ở bên bạn và luôn tìm cớ bỏ đi có thể cảm thấy không đáp ứng nhu cầu về sự đảm bảo.
Giờ thì bạn đã hiểu những nhu cầu điều khiển các tương tác và mối quan hệ, bước tiếp theo là nhận diện cách để kích hoạt những nhu cầu đó ở người khác và ở bản thân bạn.
Làm sao để bạn có thể khiến người khác cảm thấy họ được trân trọng? Làm sao để bạn tạo dựng lòng tin? Làm sao để bạn truyền đạt địa vị và tầm quan trọng?
PHẦN 2
Chìa khóa giải mã nhu cầu cảm xúc của người khác và của bản thân nằm ở việc nhìn vào động cơ của một người thay vì hành động của họ. Người khác chế giễu cái áo thun của bạn, nhưng đó có thể là bởi nhiều lý do. Có thể họ cảm thấy bị bạn đe dọa và tìm cách trả đũa. Có thể đó là cách giao lưu, trêu chọc thiện ý và tán tỉnh của họ. Có thể họ vẫn luôn cảm thấy vượt trội hơn so với người khác trong những lần tương tác xã hội.
Ta không thể có cách phản ứng đúng nếu không biết điều gì khiến họ làm như vậy. Và đây cũng là lúc đại đa số những lời khuyên hẹn hò và các mối quan hệ trở nên vô dụng. Họ đưa ra một cách hô ứng phù hợp với mọi tình huống. Những phản ứng rập khuôn này chỉ giải quyết các biểu hiện bề mặt, những gợn sóng lăn tăn trên cả một đại dương cảm xúc. Chúng chưa chạm đến những điều thâm sâu bên dưới.
Nhận biết những động cơ của người khác không phải là một nhiệm vụ đơn giản, nhất là với những người có lối sống phản xã hội (anti-social). Điểm đầu tiên cần lưu ý là khả năng đọc được cảm xúc của người khác thông qua cử động, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu. Điều này ta có thể luyện tập, nhưng bài viết này sẽ không đi sâu vào nó.
Học cách đọc ngôn ngữ cơ thể, cử động, và giọng điệu là một kỹ năng sống vô cùng cần thiết. Nó sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn – công việc, gia đình, tình yêu, và các mặt khác – một cách tích cực.
Trở lại với ví dụ trên: người khác chế giễu cái áo thun của bạn. Lúc đó họ có cười không? Đó là nụ cười tinh nghịch? Nụ cười hiểm độc? Hay họ trông rất phẫn nộ và bực dọc? Họ đang ra oai với người khác xung quanh hay lúc đó chỉ có một mình bạn? Ngôn ngữ cơ thể của họ cho bạn biết điều gì? Họ có ngả người về sau và khoanh tay lại? Hay họ nghiêng về phía bạn và đôi lúc còn vỗ người bạn?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên đều rất quan trọng. Hãy đặt ra những câu hỏi ấy.
Cách thứ hai để nhận biết động cơ của người khác là qua những ẩn ý. Khi tôi học trung học, giáo viên tiếng Anh của tôi lúc nào cũng la, “Nhà văn thích thế!” với bất kỳ quyển sách nào mà chúng tôi đọc. Vấn đề là các nhà văn không chỉ sắp xếp những con chữ ngẫu nhiên cho đầy trang giấy. Họ miêu tả nhân vật của mình theo một cách nhất định. Họ ngồi một chỗ vật lộn với những chi tiết vụn vặt và những cuộc trò chuyện tầm thường.
Điều tôi muốn nói là mỗi khi ta nói hay viết gì đó, luôn kèm theo những điều tốt hơn mà ta không lựa chọn. Hiện tại tôi đang viết về động cơ học về cảm xúc trong các mối quan hệ. Tôi không viết về bóng đá, hay tranh cử Tổng thống, hay nguồn gốc dân tộc Cuba. Nhưng tôi có thể. Nhưng vì tôi không chọn viết về những điều đó, bạn có thể suy ra được rằng: tôi quan tâm đến vấn đề tôi đang viết. Vấn đề này đủ quan trọng với tôi để tôi bằng lòng ngồi xuống và dành hàng giờ liền để viết. Điều này nói lên vài điều về tôi, cuộc sống, chuẩn mực, kiến thức, ưu tiên và đam mê của tôi.
Tôi muốn chỉ ra rằng không ai nói hay làm điều gì đó mà không có chủ ý. Ta luôn dùng ý thức lựa chọn lời nói, và việc ta chọn những lời nói và chủ đề ấy thay vì những thứ khác nhấn mạnh một điều gì đó. Vào năm 2006 khi tôi bắt đầu đam mê chủ đề này, tôi bắt đầu nhận thấy mỗi một cuộc nói chuyện của tội với người khác đều sẽ quy về đời sống tình dục của tôi. Người quen, bạn bè, người lạ ở các bữa tiệc. Ngay cả khi tôi nói chuyện với ba mẹ (nó trở nên rất kỳ quái).
Có ý thức hay vô thức, tôi dẫn dắt cuộc trò chuyện theo chiều hướng đó. Tôi hiển nhiên là có những bứt rứt khó chịu và những điều ám ảnh tôi và nhu cầu giải quyết chúng hiện ra bên ngoài qua hình thức lời nói và chủ đề trò chuyện.
Nếu tôi hẹn họ với một người phụ nữ và cô ấy thường xuyên nhắc đến mẹ mình – mẹ cô ấy nghĩ gì về điều này, mẹ làm gì với cô ấy khi cô ấy học trung học, hôm trước mẹ nói gì trên điện thoại – tôi có thể thu thập được rất nhiều thông tin từ đó. Không phải do ngẫu nhiên. Cô gái ấy hiển nhiên là có một mối quan hệ rất thân thiết với mẹ. Mẹ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và thế giới quan của cô ấy. Có thể mẹ rất gắn bó về mặt cảm xúc với cô ấy. Cô ấy có lẽ cũng có chuẩn mực về gia đình rất cao. Sự đảm bảo nhiều khả năng là rất quan trọng đối với cô ấy.
Hãy bắt đầu hỏi “Tại sao?” để phản ứng với những hành vi và hành động của người khác. Thử thách bản thân tìm kiếm nguyên do ẩn sâu thúc đẩy họ. Đa số mọi người chỉ làm điều này trong tình huống không còn có thể cứu vãn, hoặc khi người ấy không còn gọi lại cho họ nữa hoặc tương tự. Nhưng bạn nên làm điều này thường xuyên, vì thành công và thất bại của bạn. Vì những khoảng khắc vui vẻ và nhàm chán.
Tại sao cô gái ấy lại có vẻ khó chịu dù các chàng trai đang tán tỉnh và mua đồ uống cho mình? Tại sao bạn tôi luôn chế giễu những chàng trai khác lùn hơn cậu ta? Tại sao bạn gái cũ gọi cho tôi để kể về công việc mới của cô ấy? Tại sao anh chàng pha chế rượu nói chuyện với các chàng trai đang xem trận bóng, mà lại bỏ lơ cô gái lớn tuổi hơn đang ngồi một mình? Tại sao cô gái ở quầy checkout không thể nhìn thẳng vào ánh mắt của khách hàng?
Rồi lấy những câu trả lời ấy, và hỏi “Tại sao?” Tại sao cô gái lại khó chịu khi được phái nam chú ý? Tại sao cậu ta lại cần phải tôn bản thân lên hơn người khác? Tại sao cô ấy muốn chứng tỏ với tôi là cô ấy thành công? Tại sao anh ta cảm thấy thoải mái với các chàng trai hơn là với phụ nữ? Tại sao cô ấy lại ngượng ngùng khi làm việc với người khác đến vậy?
Tất nhiên mọi thứ chỉ là phỏng đoán. Nhưng là một bài tập tốt. Và một khi bạn đã hiểu được một số người, hành vi của họ sẽ bắt đầu trả lời những câu hỏi của bạn.
Đôi lúc cũng hơi đáng sợ. Tôi có thể dành một giờ đồng hồ với một cô gái và biết cô ấy có mối quan hệ rất tệ với bố. Tôi có thể nhận ra được điều này. Và thường là tôi đúng. Tôi cũng thường dễ đọc được những người quan tâm đến gia đình. Và tất nhiên, với những đói khát sự chú ý tôi chỉ mất 30 giây.
Tôi có hay sai không? Có chứ, cũng một chút. Nhưng phỏng đoán cũng rất vui. Và khi khám phá ra thì càng vui hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất, bạn rèn luyện bản thân tìm hiểu động cơ và cảm xúc của người khác. Lời nói bạn lựa chọn nói trở thành tác dụng phụ cho điều này. Và kết quả là, bạn trở thành một người giao tiếp có uy lực hơn rất nhiều và có khả năng kết nối với người khác ở mức độ thâm sâu hơn một cách nhanh chóng.
Nhưng còn bạn thì sao? Nhu cầu cảm xúc của bạn là gì và bạn nên phản ứng với nhu cầu của người khác như thế nào?
Phần 3
Có rất nhiều người, đặc biệt là đàn ông, thờ ơ với những cảm xúc và động lực cho những hành vi của mình, cụ thể là trong những tình huống thiên về cảm xúc như hẹn hò. Những người không nhận thức được cảm xúc của mình thường sẽ cảm thấy mất kiểm soát hoặc bất lực trong những tình huống như thế này, đó là điều những ai thất bại thảm hại trong đời sống hẹn hò thường hay gặp phải vì họ không thể hiểu được hiện trạng cảm xúc của mình.
Như đã đề cập ở phần một, não bộ con người hoạt động dựa trên việc ta đưa ra quyết định theo cảm xúc rồi sau đó hợp lý hóa những quyết định này và tìm kiếm bằng chứng để hỗ trợ cho chúng.
Vậy nên nếu bạn cảm thấy người khác không đáng tin, và muốn tìm kiếm bằng chứng cho điều này mọi lúc mọi nơi, thì rất có thể sâu trong bạn có vấn đề khiến bạn giận dữ cũng như nỗi sợ thân mật. Trong khi đó não bộ của bạn luôn chủ ý tìm kiếm lý do để chứng mình sự giận dữ đó trong thế giới thực.
Ý tôi không phải là trên thế giới này không có người nào không đáng tin. Vẫn có. Nhưng đa số mọi người nhìn chung là đáng tin và có ý tốt. Nếu bạn liên tục tìm kiếm lý do chứng minh một người không đáng tin, thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một người đáng tin. Nếu bạn tìm kiếm dấu hiệu chứng minh người khác đáng tin, thì bạn có thể né tránh được những người không đáng tin.
Trong lĩnh vực tự lực người ta hay nói về việc “niềm tin hạn chế”. Niềm tin hạn chế như ví dụ trên - hoặc đơn giản là quan niệm không được gọi điện cho một người chỉ sau một ngày gặp mặt - cực kỳ khó để nhận biết trong mỗi chúng ta. Và ngay cả khi ta nhận biết được chúng, rất khó để thuyết phục bản thân từ bỏ và ngưng hợp lý hóa những gì mà ta dành cả đời để chứng minh và hợp lý hóa.
Giải quyết những cảm xúc ẩn sâu có thể là một cách hiệu quả để thay đổi những hành vi này. Thay vì bị ám ảnh và vật vã trong những cuộc tranh cãi với bản thân kéo dài hàng tuần hay hàng tháng liền về một vấn đề mà bạn không thực sự tin tưởng hay cảm nhận sâu sắc, tấn công trực diện những cảm xúc ẩn sâu sẽ khiến những hành vi ấy tự biến mất một cách tự nhiên.
Ví dụ, trong ví dụ được nêu trên về những người không đáng tin, nếu bạn loại bỏ cơn giận dữ và các vấn đề về sự tin tưởng ở sâu trong tâm trí, tự nhiên bạn sẽ ngừng hợp lý hóa lý do để không tin tưởng bất kỳ ai và và ngừng tìm kiếm bằng chứng củng cố cho điều đó. Niềm tin của bạn sẽ thay đổi và kéo theo hành vi của bạn. Khi bạn cảm thấy không chắc chắn hoặc sợ phải gọi hay nhắn tin một người nào đó một ngày sau khi gặp họ, nếu bạn loại bỏ những băn khoăn, thì bạn sẽ cảm thấy tự do liên lạc họ bất cứ khi nào và bằng bất kỳ cách nào mà bạn thấy phù hợp.
Nhắc lại một lần nữa, điều đáng nói là vẫn có những người không đáng tin trên thế giới này. Và cũng có những người không muốn bạn gọi đến vào ngày hôm sau khi gặp. Nhưng quan trọng là những niềm tin này sẽ không cản trở hành vi và hành động của bạn. Bạn sẽ thoải mái theo đuổi những mong muốn của mình mà không e ngại hay bứt rứt.
Người ta hay nhấn mạnh những niềm tin hạn chế thay vì giải quyết những cảm xúc gốc rễ là vì giải quyết những cảm xúc này có thế rất phức tạp. Nhưng, như tôi đã nói, đây có lẽ là cách tốt nhất để thay đổi thái độ và hành vi của bạn theo hướng tốt hơn.
Giờ thì, trước khi ta chuyển sang vấn đề làm thế nào để nhận biết được cảm xúc của chính mình, ta phải nói qua về sự phóng chiếu (projection - có nguồn dịch là “đầu xạ”). Phóng chiếu là một thuật ngữ tâm lý học phổ biến xuất phát từ Freud. Trang Wikipedia có ghi về phóng chiếu:
“Phóng chiếu tâm lý học hay thiên kiến phóng chiếu là một cơ chế phòng ngự tâm lý học khiến tiềm thức một người chối bỏ những thuộc tính, suy nghĩ, và cảm xúc của mình, sau đó đổ thừa cho thế giới bên ngoài, thường là người khác. Vì vậy, phóng chiếu bao gồm tưởng tượng và phản chiếu một niềm tin rằng những cảm xúc đó xuất phát từ người khác.”
Phóng chiếu giảm nỗi lo âu bằng cách cho phép thể hiện những động lực và khát khao không mong muốn, một cách vô thức mà không để cho ý thức tâm trí nhận ra.
Một ví dụ cho hành vi này có thể là đổ lỗi cho người khác vì thất bại của bản thân. Tâm trí né tránh sự khó chịu của việc hữu ý nhận lỗi bằng cách lưu giữ những cảm xúc ấy trong vô thức, và có lại được sự thỏa mãn khi gán ghép, hay “phóng ngoại”, những lỗi lầm ấy lên một người hoặc một vật khác.
Ta cũng thường phóng chiếu nhu cầu cảm xúc của mình lên những người mà ta tương tác. Có thể bạn có nhu cầu cao về địa vị và được công nhận, bạn tìm kiếm điều đó bằng cách hẹn hò với một kiểu người nhất định - ngoại hình đẹp, giàu có, nổi tiếng, hoặc những thứ khác. Nhiều khả năng bạn sẽ phóng ngoại niềm tin của mình lên những người xung quanh và cho rằng mọi người đều thích kiểu người bạn thích. Vì vậy, bạn nghĩ rằng người ta chỉ muốn hẹn hò với những người có ngoại hình đẹp, giàu có, hoặc nổi tiếng. Bạn sẽ cố gắng thu hút người khác bằng cách phát triển và phô bày những đặc điểm này của mình, và nếu có ai đó không bị cuốn hút, bạn sẽ cho rằng là vì bạn không đủ đẹp, không đủ giàu, hoặc không đủ nổi tiếng.
Hoặc, bạn có nhu cầu cao cho sự gắn kết trong mối quan hệ, và bạn sẽ phóng ngoại nhu cầu đó lên đối phương qua việc cho rằng họ cũng có nhu cầu gắn kết cao. Nếu họ không hào hứng cởi mở với bạn hoặc họ khó chịu mỗi khi bạn muốn họ chia sẻ một điều gì đó riêng tư, bạn sẽ cho rằng là vì họ không thích bạn nhiều như bạn muốn.
Sự thật là, chúng ta ai cũng có những nhu cầu khác nhau về địa vị, sự gắn kết và sự đảm bảo, và ta đều phát triển những chiến thuật để đạt được những nhu cầu ấy bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng chỉ đến khi ta ngừng ý thức được chúng thì mới phát sinh những hành vi quẫn trí. Giải pháp cho điều này là tăng khả năng tự nhận thức bản chất cảm xúc của mình, chấp nhận bản chất cảm xúc ấy và sau đó thể hiện chúng một cách lành mạnh.
Lấy ví dụ từ cuộc sống của tôi, tôi từng không hề để tâm đến khao khát về sự gắn kết của mình. Sau đó tôi nghiệm ra rằng nhu cầu gắn kết của tôi lớn hơn nhu cầu địa vị và còn lớn hơn nhu cầu được bảm đảo còn nhiều hơn nữa. Nhưng vài năm trước, tôi không nhận thức được điều này. Tôi chỉ quan tâm đến địa vị, tập trung vào việc quan hệ tình dục thật nhiều và những mối quan hệ nông cạn, hời hợt với phụ nữ.
Vấn đề nảy sinh khi rất nhiều phụ nữ ngủ với tôi sẽ có các cử chỉ thân mật, và tôi sẽ phát hoảng. Tôi dừng mối quan hệ và đến với những cô gái tiếp theo vì tôi cảm thấy họ trở nên “bám riết” và mong đợi quá nhiều từ tôi. Nhưng thật sự thì hành vi của họ hoàn toàn bình thường và hợp lý. Tôi đã luôn chối bỏ nhu cầu gắn kết và thân mật của mình và tôi phóng ngoại điều đó lên tất cả những cô gái mà tôi hẹn hò. Tôi mới là kẻ bám riết. Tôi mới là kẻ đòi hỏi. Nhưng tôi lại phóng chiếu điều đó lên những cô gái muốn lại gần tôi. Kết quả, tôi bực bội và đá rất nhiều người đang cố gắng hiểu tôi hơn.
Vậy làm thế nào để ta nhận thức rõ hơn về cảm xúc và động lực của mình trong các mối quan hệ? Dưới đây là một số bước để bắt đầu:
- Hỏi bản thân “Tại sao?” - Tôi đã có nói về việc hỏi “Tại sao?” khi quan sát hành vi của người khác. Quy luật này cũng áp dụng đối với bạn. Và phải nhắc lại rằng đa số mọi người rất dở trong chuyện này. Cái tôi luôn cản trở ta. Ta luôn cho rằng mình đúng. Tôi nhận thấy rằng những câu trả lời đầu tiên ta đưa ra cho câu hỏi “Tại sao?” thường là không đúng. Đó chỉ là bản thân ta hợp lý hóa vấn đề. Vậy nên bạn phải tiếp tục đặt câu hỏi sâu hơn. Một số ví dụ:
“Tại sao tôi lại giận khi bạn gái của tôi nói chuyện với một chàng trai khác trong buổi tiệc tối qua?”
“Vì cô ta là một con điếm và tán trai ngay trước mặt tôi. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm.”
“Tại sao tôi lại nghĩ cô ta là một con điếm? Tại sao tôi lại nghĩ điều đó gây xúc phạm?”
“Vì tôi yêu bạn gái mình và rất đau lòng khi nghĩ rằng cô ấy không yêu tôi.”
“Tại sao lại đau lòng đến vậy? Tại sao tôi lại giận?”
“Vì tôi muốn được yêu thương và trân trọng và tôi sợ bị bỏ rơi một mình.”
Tất nhiên những câu trả lời sẽ không đến dễ dàng. Bạn sẽ tự hỏi bản thân một câu hỏi suốt mấy ngày hay mấy tuần trước khi câu trả lời tìm đến bạn. Nhưng hãy chú ý đến cảm xúc của mình. Chú ý vào những thứ mà bạn cảm thấy đúng. Tiếp tục đặt ra những câu hỏi. Tiếp tục tự hỏi bản thân. Bạn sẽ bất ngờ khi sự thật phũ phàng xuất hiện. Và càng phũ phàng thì càng nhiều khả năng đó là sự thật.
- Thiền - Tôi sẽ không nói quá sâu về thiền, nhưng đây là một cách tuyệt vời để xây dựng nhận thức cảm xúc bên trong bạn. Thiền chỉ đơn giản là quan sát bản thân. Khi bạn ngồi ngồi một chỗ và yên lặng, tập trung vào từng nhịp thở, suy nghĩ và cảm giác sẽ liên tục len lỏi vào tâm trí bạn. Học cách điều khiển dòng chảy đó, quan sát dòng chảy đó chấp nhận những suy nghĩ và cảm giác ấy là một kỹ năng quan trọng truyền tải trên khắp các bộ phận cơ thể bạn. Điều bạn làm là rèn luyện cho tâm trí nhận biết được suy nghĩ và cảm xúc của mình. Vậy nên khi bạn cư xử trong vô thức (nổi cơn thịnh nộ, lo lắng và bồn chồn, viện cớ để ở nhà), thiền giúp rèn luyện tâm trí bạn để nhìn thấu những suy nghĩ diễn ra tại thời điểm đó, và rèn luyện bạn nhận ra những điều như, “Khi bạn tôi rủ đi chơi, tôi cảm thấy bồn chồn và bắt đầu nghĩ lý do để ở nhà. Tôi chưa bao giờ chú ý đến điều đó.” hoặc “Mỗi khi bạn gái kể về người yêu cũ, tôi cứ tìm cớ để nổi giận với cô ấy. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu nguyên nhân của điều này.”
- Trị liệu - Trị liệu với đúng bác sĩ có thể cực kỳ có ích cho đời sống cảm xúc của bạn. Một nhà trị liệu giỏi đảm đương vai trò của những câu hỏi “Tại sao?” phía trên. Họ sẽ dẫn dắt bạn đặt câu hỏi về bản thân mà trước giờ bạn chưa từng nghĩ đến. Họ cũng sẽ cho bạn một góc nhìn khách quan về rất nhiều tình huống, chỉ ra rằng điều mà bạn luôn cho là đúng thực chất là phản xạ cảm xúc tức thời của bạn. Ví dụ, một sự kiện gây chấn thương tâm lý xã hội đã xảy ra với tôi khi tôi 13 tuổi. Nó rất khủng khiếp, nhưng tôi không không suy nghĩ nhiều về nó… cho tới khi tôi đi trị liệu. Khi tôi nói với bác sĩ về nó, phản ứng của ông là, “Ôi trời, hèn chi mà anh có nhiều mối lo âu về điều này quá.” Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình đã sống trong một tình huống cá biệt ảnh hưởng đến cảm xúc của mình một cách mãnh liệt đến thế. Nhưng khi ông giúp tôi hiểu hơn về nó, cả tính nghiêm trọng lẫn cách mà nó ảnh hưởng đến tôi, tôi đã có thể bắt đầu vượt qua được những vấn đề ấy.
Khi bạn ngày cảng hiểu cảm xúc của mình, bạn sẽ nhận ra mọi thứ không cùng xảy ra một lúc. Bạn sẽ không đột nhiên một sáng thức dậy và nhận ra, “Ô, mình có nhu cầu gắn kết rất lớn!” Quá trình thường diễn ra rất chậm và qua một khoảng thời gian dài. Và bạn cũng từng chút từng chút nhận ra điều đó. Cũng giống như bạn bóc củ hành tây, bóc một lớp không khác gì mấy, nhưng mỗi một lớp lại mở ra một lớp khác sâu hơn bên dưới.
Bước cuối cùng để nhận ra nhu cầu cảm xúc của mình là tiết chế nhu cầu của bạn trong các mối quan hệ. Đa số những người không hiểu nhu cầu cảm xúc của mình sẽ cố gò ép người khác và khuôn khổ những gì họ muốn và cần trong một mối quan hệ. Một người rất cần địa vị sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó ngay cả khi đối phương không hề quan tâm đến địa vị.
Một khi bạn đã hiểu hơn về nhu cầu của mình, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng và dễ dàng về việc người nào khiến bạn sẵn lòng theo đuổi và người nào không. Nếu tôi gặp một cô gái có nhu cầu cao về sự đảm bảo và ổn định (nhu cầu thấp nhất của tôi), tôi thường sẽ không để tâm nữa. Tôi hầu như không cần sự đảm bảo và thật ngớ ngẩn khi dành quá nhiều thời gian và công sức để thỏa mãn nhu cầu của cô ấy trong thời gian ngắn khi tôi biết tôi không thể tiếp tục thỏa mãn điều đó dài lâu. Chưa kể cô ấy cũng sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của tôi.
Ghi chú:
- Freud, S. (1915). The unconscious.↵
- Damasio, A. R. (1994). Descartes’ Error: Emotion, Reason, and the Human Brain. New York: Putnam.↵
- Marston, P. J., Hecht, M. L., Manke, M. L., Mcdaniel, S., & Reeder, H. (1998). The subjective experience of intimacy, passion, and commitment in heterosexual loving relationships. Personal Relationships, 5(1), 15–30.↵
- Acker, M., & Davis, M. H. (1992). Intimacy, passion and commitment in adult romantic relationships: A test of the triangular theory of love. Journal of Social and Personal Relationships, 9(1), 21–50.↵
- Baumeister, R. F., Dale, K., & Sommer, K. L. (1998). Freudian defense mechanisms and empirical findings in modern social psychology: Reaction formation, projection, displacement, undoing, isolation, sublimation, and denial. Journal of Personality, 66(6), 1081–1124.↵
Dịch: Hồng Phương
Nguồn: https://markmanson.net/relationships-guide