Bài tập: những người cha, người mẹ mà ta hằng ao ước

bai-tap-nhung-nguoi-cha-nguoi-me-ma-ta-hang-ao-uoc

Ta thường mải mê với những rắc rối do cha mẹ chưa trọn vẹn hay làm ta thất vọng mang đến, mà quên tự hỏi một câu có sức mạnh chữa lành và khơi gợi cảm hứng vô biên: Những người cha, người mẹ lý tưởng sẽ như thế nào? Và nếu lớn lên cùng họ, ta bây giờ sẽ ra sao?

Có thể ngay lập tức ta sẽ nghĩ: tưởng tượng một điều chẳng thể nào xảy ra thì có ích gì? Sao không chỉ tập trung vào những gì đã thật sự xảy ra? Nhưng câu trả lời có thể là: hình dung về những người cha, người mẹ mà ta khao khát có được có thể giúp ta nhận ra rằng rất nhiều điều về tính cách của mình không phải là do bẩm sinh, mà là phản ứng với những thiếu sót của cha mẹ thực sự. Bài tập này giúp ta nhìn rõ hơn vì sao ta lại thành ra như hiện tại – và có thể, nếu trong hoàn cảnh khác, ta sẽ là một người hoàn toàn khác.

Ta vốn không nhút nhát; ta chỉ trở nên như vậy (và đánh mất bao nhiêu năm tháng đời mình) vì trong gia đình dường như chỉ có chỗ cho một người tự tin mà thôi. Chẳng có lý do gì khiến cho đời sống tình cảm của ta trở nên phức tạp, chỉ là rất khó xây dựng niềm tin khi ta lớn lên bên cạnh một người không có ranh giới, nghiện ngập. Nếu có cha mẹ khác, có lẽ ta đã nhìn nhận bản thân theo một cách khác, ít lo âu hơn, vui tươi và tự do hơn. Bằng bài tập này, ta có thể thôi không tự trách mình vì những phần tính cách kỳ lạ và tổn thương. Ta có thể cảm nhận được – qua một bài thực hành nghiêm túc – những thời điểm mà tính cách của ta đã có thể rẽ sang một hướng khác, nếu có ai đó khác hiện diện trong đời.

Vậy làm sao để thực hiện bài tập tưởng tượng này? Cũng cần có chút khuôn khổ để ta không bị lạc lối. Hãy dành chút thời gian để tập trung vào từng người một; thử phác họa tính cách của họ một cách chi tiết như một nhà văn. Hãy tưởng tượng họ có một cái tên đầy đủ, một diện mạo, một bộ tính cách cảm xúc rõ ràng, một công việc cụ thể, một nhóm bạn, một vài thói quen, thậm chí cả gu ăn mặc riêng biệt. Có thể – như các tiểu thuyết gia – ta sẽ dựa trên hình ảnh của một người nào đó mà ta từng gặp, có thể là cha mẹ của một người bạn, hoặc ai đó trong một bức ảnh, một bộ phim. Ta thậm chí có thể mượn vài nét của một người mà ta thầm ngưỡng mộ.

En La Playa, Joaquín Sorolla, 1908, Wikimedia Commons

Chúng ta có thể bắt đầu với mẹ.

– Hãy thử hình dung mẹ ở tuổi đôi mươi, rồi khi mang thai, và sau đó là khi làm mẹ trẻ. 

– Mẹ sẽ thế nào khi đánh thức ta vào mỗi sớm mai? 

– Giọng mẹ sẽ dịu dàng ra sao khi tắm cho ta? 

– Khi ta còn bé, mẹ sẽ phản ứng thế nào nếu ta làm đổ gì đó lên áo mình? 

– Khi ta lớn thêm chút nữa, mẹ sẽ nói gì khi ta đem vào bếp một bức vẽ tự tay mình tô màu? 

– Cảm giác sẽ như thế nào khi ta nhìn thấy mẹ ngồi một mình trong phòng ngủ hay phòng làm việc của bà? 

– Mẹ sẽ đón ta thế nào khi ta trở về từ trường học? Mẹ sẽ khuyên ta ra sao nếu ta gặp phải một người bạn khó chịu trong lớp? 

– Xem phim cùng mẹ sẽ ra sao nhỉ? 

– Rồi khi ta bắt đầu biết thích một ai đó, mẹ sẽ phản ứng thế nào? 

– Mẹ sẽ thế nào khi thấy ta chuẩn bị đi dự buổi tiệc đầu tiên? 

– Khi cả hai cùng già đi, mối quan hệ sẽ thay đổi ra sao? Đến khi ta chuẩn bị rời nhà đi học đại học, mẹ sẽ đối xử với ta thế nào? 

– Cảm giác sẽ thế nào khi trở về nhà sau một học kỳ hoặc sau công việc đầu tiên ở thành phố khác? 

– Khi ta gặp khó khăn trong công việc, lời khuyên của mẹ sẽ là gì? – Mẹ sẽ đối xử thế nào với bạn đời của ta? 

– Rồi đến khi mẹ đón nhận đứa cháu đầu tiên của mình? 

– Cảm giác sẽ thế nào khi ta nhìn vào khuôn mặt mẹ và thấy dấu ấn của thời gian?

Rồi ta tự hỏi: điều gì sẽ thay đổi nếu ta có được người mẹ như thế? Liệu ta sẽ tin tưởng vào cuộc sống đến mức nào? Còn về tham vọng nghề nghiệp của mình thì sao? Những tình bạn? Và sự tự tin vào bản thân?

Có lẽ, đôi lúc, ta sẽ ngập tràn cảm xúc khi nghĩ về một ngôi nhà đích thực – nơi ta bị lưu đày khỏi từ lâu.

Khi đã sẵn sàng, ta có thể tiếp tục tưởng tượng với người cha, đi theo một dòng hồi tưởng tương tự: ngồi cạnh cha vào cuối tuần, được ông dẫn đi đâu đó, kể với ông về những khó khăn ở trường, quan sát cha làm việc, nghe ông nói về những lựa chọn cho tương lai...

Bài tập này khó vì nó khơi dậy những điều ta đã bỏ lỡ. Ta chợt nhận ra lòng tốt và sự quan tâm từ một người thương yêu, luôn biết lắng nghe, là một đặc ân lớn lao đến nhường nào; ta sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ để có một người gần gũi, luôn cho ta thấy sự tỉnh táo và lương thiện.

Có vẻ như ta chỉ đang tự trêu chọc bản thân, như người tù đói khát tưởng tượng bữa tiệc xa hoa, nhưng thật ra lại hữu ích hơn thế nhiều. Trí tưởng tượng có thể trao cho ta chút quan tâm mà ta đã thiếu thốn, giống như hình ảnh bờ sông êm đềm có thể đem lại chút bình yên trong cơn hoảng loạn.

Giờ đây, khi đã khơi gợi hình ảnh họ, ta có thể giữ họ trong tâm trí, như những điểm tựa, những người đồng hành. Như trẻ thơ và người mê sách vẫn biết, có những người dù chỉ sống trong trí tưởng tượng nhưng vẫn rất sống động và đầy ý nghĩa.

Không ai có thể lấy đi những hình tượng cha mẹ mà ta đã hình dung ra. Họ sẽ giúp ta thấy rõ hình ảnh một phiên bản khác của bản thân – một người mà ta giờ đây hiểu rõ và sẽ nỗ lực mỗi ngày để trở thành.

Nguồn: THE PARENTS WE WOULD LOVE TO HAVE HAD: AN EXERCISE

menu
menu