Bạn Bè: Tình Nghĩa Thực Sự, Hay Chỉ Dựa Trên Danh Nghĩa?
Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần khi chúng ta nói chuyện về một ai đó, và cuộc trò chuyện thường không theo tinh thần khách quan, bác ái nhất.
Samuel Beckett có một vở kịch ngắn mang tên Come and Go. Nhân vật chính của vở kịch là ba người phụ nữ cùng ngồi trên một chiếc ghế dài, bọn họ là bạn của nhau từ hồi thơ ấu. Rồi lần lượt, từng người một trong số họ bắt đầu rời khỏi chiếc ghế, và ngay khi người đó bước ra khỏi khoảng nghe được cuộc trò chuyện. Lập tức, hai người bạn còn lại bắt đầu nói với nhau những điều không hay về cô ấy. (Khán giả bên dưới không nghe thấy chính xác những gì họ đang nói). Và khi người bạn vắng mặt ấy trở lại, một người khác đứng lên và rời đi. Tiếp theo, chúng ta thấy khung cảnh lúc nãy được lặp lại, một “vở kịch” trong vở kịch, một liên minh hai chọi một tạm thời được lập ra, với một đối tượng mới.
Samuel Beckett, Come and Go
Source: Production of Beckett's Come and Go, fair use
Các nhân vật của Beckett không hề xa lạ. Đúng vậy, đôi khi cũng tồn tại một chút ác ý ở trong tình bạn. Và đôi khi, chúng ta khó có thể cảm thấy thực sự hoan hỉ khi chứng kiến thành công của một người bạn, hay kiềm chế việc tán gẫu về khuyết điểm của ai đó khi họ đang vắng mặt. Liệu những người phụ nữ trong vở kịch trên có ngạc nhiên khi biết rằng mình cũng là chủ đề của những lời đàm tiếu không? Rằng mình cũng là nạn nhân, chứ không chỉ là một kẻ đi châm chọc? Rất có khả năng. Nhà văn Anthony Trollope đã có đôi lời về điều này, về việc chúng ta thường có một niềm tin mù quáng rằng những người khác sẽ không nói gì khác ngoài những lời ca tụng, tán dương về chúng ta khi chúng ta vắng mặt.
Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần khi chúng ta nói chuyện về một ai đó, và cuộc trò chuyện thường không theo tinh thần khách quan, bác ái nhất. Thật lạ lùng khi chúng ta ít khi nghĩ đến việc người khác có thể nói xấu mình như thế nào, và rồi tức giận, thậm chí tổn thương khi biết bọn họ làm như vậy.
Quan sát của Trollope có thể áp dụng với đa số các trường hợp về bạn bè. Chúng ta có thể nghĩ rằng bạn bè mình chắc chắn sẽ luôn bênh vực và bảo vệ chúng ta, khi ta không có mặt ở đó để tự biện hộ cho chính mình! Và đúng vậy, đôi khi họ có làm thế. Thế nhưng chỉ là đôi khi. Và cũng không phải ai trong số họ sẽ làm vậy. Điều này cũng không có gì là đáng ngạc nhiên cả. Vì nếu suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng dù ít hay nhiều, chúng ta cũng vài lần bỏ qua việc bảo vệ cho bạn bè của mình khi cần thiết, hay khó có thể hoàn toàn vui mừng trước những thành công của họ. (Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như khi nhận xét về khuyết điểm của một ai đó, chúng ta có thể nghĩ rằng, chúng ta làm điều đó không phải vì chúng ta không ưa họ, nên không có gì mà người bạn đó phải buồn. Nhưng có bao nhiêu người trong số chúng ta sẽ hoan nghênh khi người khác nhận xét về khuyết điểm của mình, khi chúng ta vắng mặt, và bởi chính những người bạn yêu mến của chúng ta?).
Ngay cả với những người mà chúng ta nghĩ là cao thượng cũng có thể có một chút ác ý trong các mối quan hệ bạn bè của họ. Thật vậy, nữ diễn viên Claire Bloom, trong cuộc phỏng vấn hồ sơ về một người bạn của cô – Gore Vidal – đã nói: “Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy bộc lộ sự cay nghiệt ra bên ngoài. Tôi cũng chưa bao giờ nghe anh ấy nói bất cứ điều gì độc địa về bạn bè của anh ấy. Ở Gore có một sự khác biệt lớn. Tôi thích tán gẫu về bạn bè của tôi. Còn anh ấy thì thích bàn luận về người của công chúng hơn ”. Tuy nhiên, Vidal lại phản bác: “Chính tôi đã viết: bất cứ khi nào một người bạn của tôi thành công, tôi chết trong lòng một ít”. Nếu những lời nói này của Vidal khiến bạn thấy nhức nhối, thì đừng lo lắng. Hãy nghĩ tích cực lên. Đầu tiên, như bạn thấy, bạn đang ở trong một môi trường rất tốt, bao quanh bởi những người thực sự tài giỏi. Thứ hai, bạn có thể nhận ra một thông điệp đầy động lực qua sự thành công của họ: Nếu bạn của bạn có thể làm được, vậy cớ gì bạn lại không thể?
Freud, một người khá bi quan khi nói về bản chất con người. Cụ thể, ông đã nhận xét về tính hai mặt luôn tiềm ẩn trong một số mối quan hệ bạn bè. Trong The Interpretation of Dreams, ông đã đưa ra một luận điểm rằng: đôi khi bạn bè và kẻ thù của bạn lại chính là cùng một người. Ông đã kể lại câu chuyện về tình bạn thời thơ ấu với con trai cùng cha khác mẹ của mình, Johann. Freud cho biết, ông và Johann rất yêu quý nhau, nhưng theo người họ hàng lớn tuổi kể lại, hai người cũng không ít lần “xô xát và buộc tội nhau”.
Freud tiếp tục, kiểu kết hợp giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực đối với cùng một người cũng tồn tại trong tình bạn của người lớn, nhưng có một điểm khác biệt: Trong thời thơ ấu, hai cảm xúc này vẫn chưa đủ mạnh nên chúng dường như xen kẽ nhau, chúng ta có thể yêu quý một người, rồi ngay lập tức có thể quay sang căng mặt với họ. Ở tuổi trưởng thành thì không như vậy, khi tâm lý và cảm xúc của chúng ta đã trở nên phức tạp hơn.
Người ta có thể thấy các nhân vật nữ chính trong vở kịch Come and Go là những người bạn thân thiết giống như Sigmund và Johann: Ở họ có một tình bạn thuần khiết được tô điểm thêm bởi sự thù hận. Có thể lý do tại sao tình bạn thời thơ ấu của chúng ta thường bền vững và thỏa mái hơn so với những mối quan hệ sau này là vì khi còn trẻ, chúng ta có thể “xô xát và buộc tội nhau” mà không hề dẫn tới một sự đổ vỡ nào. Như thể họ đã cứ để cho tất cả các cảm xúc tiêu cực đã tích tụ được cứ thế bay đi, rồi sau đó quay lại làm bạn. Người lớn thường không thể làm được điều đó, vì vậy nếu họ phát hiện ra bất kỳ sự tiêu cực nào từ phía đối phương hướng vào họ, họ sẽ chọn đường ai người nấy đi, hoặc nếu không thì sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng bạn của họ, là một người “bạn thù”.
Tôi cũng có một bổ sung rằng hiện tượng tích cực xen lẫn với tiêu cực trong các mối quan hệ, không chỉ tồn tại ở trong tình bạn. Tình cảm cha mẹ và các anh chị em trong gia đình có thể không thiêng liêng hoặc thuần khiết như chúng ta vẫn tưởng. Trong đó vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn và xung đột (cho dù tình yêu của cha mẹ thường được ví như vô điều kiện), giống như trong tình bạn vậy.
Gần đây, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về những người “bạn thù”. Điển hình như cách một người có thể bảo vệ bản thân và danh dự trước những người “bạn” như vậy. Nhiều tác giả đã chia sẻ những hiểu biết và kiến thức hữu ích. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là: không có ranh giới rõ ràng giữa bạn bè và kẻ thù bởi vì nếu không, thì đã làm gì có “bạn thù”, vì vậy cũng không có ranh giới giữa bạn bè và những kẻ chỉ đội lốt là bạn. Nói tóm lại, đây là một ranh giới rất khó nắm bắt. Nếu bạn thực sự muốn chắc chắn rằng không ai trong số bạn bè của bạn là “bạn thù”, thì hãy giữ con số bạn bè mình ở mức kiểm soát được. Và khi ấy, bạn cũng sẽ nhận ra mình thực sự có rất ít bạn bè. Mặc dù bạn bè của chúng ta thường yêu mến chúng ta, nhưng không có gì là chắc họ sẽ không bước qua ranh giới dành cho bạn bè, và bước vào vùng của “bạn thù”. Anh chị em và cha mẹ của chúng ta có thể cũng vậy. Nhưng điều này không phải là lý do để lo lắng. Vì vậy – chúng ta nên miễn cưỡng thừa nhận – chúng ta cũng có thể trở thành “bạn thù” của một ai đó. Và vì thế, nếu chúng ta dành cho tất cả mọi người một cái nhìn khoan dung và từ thiện hơn cho dù đôi khi họ có làm ta phật lòng. Thì có lẽ, họ cũng sẽ làm điều tương tự như vậy với chúng ta.
Dịch: Nguyễn Như Dũng
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-philosophers-diaries/202003/friends-and-frenemies
Nguồn: Acrazymind.vn