Bạn có đang bị người yêu bạo hành tinh thần?

ban-co-dang-bi-nguoi-yeu-bao-hanh-tinh-than

Bạo hành thể xác là thứ dễ thấy, nhưng bạo hành tinh thần trong một mối quan hệ có thể "âm ỉ" hơn nhiều. Nó thường không được bạn bè, gia đình, hay thậm chí cả chính nạn nhân nhìn nhận được.

"Không giống như bạo hành thể xác hay bạo hành tình dục, bạo hành tinh thần có thể rất *ngấm ngầm*" - Lisa Frenentz, một nhà hoạt động xã hội về y tế với chuyên môn về khủng hoảng tinh thần, đã trả lời phỏng vấn của HuffPost. "Điều này càng trở nên khó hiểu đối với nạn nhân, khi bạo hành tinh thần thường đi cùng với những hành vi được cho là "quan tâm" hay "yêu cho roi cho vọt"

Khi bắt đầu một mối quan hệ, người có xu hướng bạo hành thường sẽ trông rất tốt bụng và quan tâm. Ferentz cho rằng thời kì "tử tế" này là một phần trong quá trình "định hướng tâm lý" của người bạo hành.

"Bằng việc đó, họ có được sự tin tưởng và thoải mái của nạn nhân, từ đó khiến nạn nhân dễ bị tổn thương bởi những bạo hành sau này," chị cho biết thêm.

Bạo hành tinh thần, với mục đích là giành lấy quyền lực và sự điều khiển trong một mối quan hệ, thường có nhiều hình thái khác nhau, một số ví dụ như: sỉ nhục, phán xét, đe doạ, thao túng tinh thần (gaslighting), lăng mạ, doạ nạt, chửi mắng, nói dối, vv...

Những vết thương mà bạo hành tinh thần mang lại có thể không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng hậu quả mà nó để lại cho nạn nhân là rất lớn. Những người từng bị bạo hành tinh thần có thể sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, đau mãn tính, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), vv...

Để hiểu hơn về bạo hành tinh thần, chúng tôi đã nhờ đến sáu chuyên gia để chia sẻ về một vài dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại.

1. Bạn làm mọi cách để không làm đối tác của mình thất vọng

"Bạn tự nghi ngờ và tự bắt lỗi bản thân, đồng nghĩa với việc bạn đã nội hoá việc bạo hành này và tự áp lên mình, không cần chờ đối tác phải "ra tay" bạo hành bạn" - Steven Stosny, nhà tâm lý học và tác giả của Love Without Hurt.

2. Đối tác thao túng tinh thần bạn để “ngồi chiếu trên” trong mối quan hệ

“Đối tác của bạn vẽ ra một thực tế khác cho bạn, từ chối hay xáo trộn sự vật sự việc để tạo ra chứng cứ giả rằng họ mới là người đúng. Một cách thường thấy của thao túng tinh thần là nói: “Em nhớ nhầm rồi”, “Em đâu có nói vậy”, “Anh đâu có làm việc đó”. Họ suy diễn rằng bạn đang “vô lý đùng đùng”, cách nhìn nhận vấn đề của bạn là sai trái cho dù bạn không sai. Vì cách nói này khiến bạn dần tự nghi ngờ bản thân mình, khả năng cao là bạn sẽ thuận theo sự thao túng này của người kia. Dần dần, sự tự hoài nghi này sẽ dẫn đến mất niềm tin vào bản thân, khiến bạn càng dễ rơi vào vòng kiểm soát của đối tác hơn.” - Carol A.Lambert, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn "Women with Controlling Partners"

3. Đối tác của bạn yêu cầu phải được “giám sát” bạn 24/7

“Tưởng chừng như chỉ là lo lắng nhất thời, nhưng đây lại thường là cách mà người hay bạo hành tinh thần dùng để kiểm soát nhất cử nhất động của người khác. Nhắn vài tin một ngày để hỏi thăm hoàn toàn có thể trở thành quấy rối không ngừng nghỉ. Việc liên tục đòi hỏi phải được người khác báo cáo nơi họ đang đi, người họ nói chuyện, việc họ làm, chưa kể đến việc đặt giới hạn cho những điều  trên, là ví dụ rất điển hình cho bạo hành tinh thần.” - Lisa Fernentz, tác giả cuốn Treating Self-Destructive Behaviors in Trauma Survivors: A Clinician’s Guide.

4. Đối tác nói những điều về bạn khiến bạn tổn thương nhưng lại coi như trò đùa

"Và khi bạn than phiền, họ nói rằng họ chỉ đang giỡn thôi và bạn đang nhạy cảm quá. Không phải tự nhiên mà người ta nói rằng sau mỗi câu đùa đều ẩn chứa một sự thật nào đó." - Sharie Stines, bác sĩ tâm lý và tư vấn mối quan hệ, chuyên môn về hồi phục sau khi bị bạo hành.

5. Bạn xin lỗi cho dù bạn biết mình không làm gì sai

"Người bị bạo hành tinh thần thường tin rằng mình ngu ngốc, khinh suất và ích kỷ vì họ đã bị đối tác cáo buộc những điều đó quá thường xuyên rồi." - Beverly Engel, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn "The Emotionally Abusive Relationship"

6. Đối tác của bạn lúc "nóng" lúc "lạnh"

"Vài giây trước, đối tác của bạn còn đang dịu dàng nhưng vài giây sau thì ngược lại. Dù bạn có cố gắng thế nào để tìm ra lý do, bạn vẫn không thể hiểu được. Họ không chịu cởi mở với bạn, và bạn bắt đầu hoảng lên, tìm cách để họ vui vẻ trở lại. Bạn bắt đầu tự đổ lỗi cho bản thân mình. Nếu điều này xảy ra quá thường xuyên, từ một người độc lập, bạn có thể trở thành một người lo âu hay cung phụng người khác, và đó chính là thứ mà đối tác muốn ở bạn." - Peg Streep, tác giả của cuốn "Daughter Detox: Recovering from An Unloving Mother and Reclaiming Your Life".

7. Đối tác của bạn không thừa nhận năng lực, điểm mạnh của bạn và coi thường những thành tựu của bạn

"Bình luận mang tính hạ thấp và coi thường thường khó nhìn nhận lúc đầu, nhưng chúng không phải là những lời tự nhiên mà có. Chúng thường có chủ đích nhắm đến những điểm mạnh của bạn mà có thể khiến đối tác cảm thấy mất vị trí "chiếu trên" hay "mất giá". Một cách để nhận ra cảm giác này của đối tác là nhìn vào phản ứng của họ trước những thành công của bạn. Người đó tỏ ra hứng thú hay lờ bạn đi? Họ có đánh giá thấp một hoặc vài điểm trong câu chuyện của bạn không? Hay người đó có chuyển chủ đề và bắt đầu phán xét những điểm xấu, những việc bạn chưa làm được? Qua thời gian, những phản hồi tiêu cực và gây tổn thương này sẽ khiến bạn dần mất đi cảm giác tự tin vào khả năng của mình." - Lambert.

8. Đối tác từ chối sex, tiền bạc và sự thân mật để điều khiển bạn

"Hoặc biến chúng trở thành "phần thưởng" khi bạn phục tùng họ. Bất kỳ mối quan hệ mang tính ràng buộc như vậy mang rất nhiều vấn đề. Người ta thường không nhận ra việc hạn chế thân mật hay trợ cấp tài chính là một dạng bạo hành. Họ chỉ gắn những việc gây tổn thương đến nạn nhân với bạo hành mà thôi. Nhưng trong trường hợp này, sự kìm nén hoặc thiếu vắng hành động, cử chỉ và sự quan tâm mà một đối tác xứng đáng hoặc trông đợi nhận được trong một mối quan hệ chính là một dạng bạo hành." - Ferentz

9. Bạn không còn cảm thấy hứng thú tình dục với đối tác

"Điều này thường xảy ra đối với những người cần cảm giác tin tưởng và thân mật với đối tác để có thể cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục. Nếu họ cảm thấy tổn thương, sợ hãi hoặc tức giận với đối tác của mình, họ sẽ không thấy an toàn hay cởi mở khi ở gần đối tác của mình, và cơ thể họ cũng sẽ phản ứng tương tự." - Engel

10. Bạn luôn thấy có lỗi với đối tác, cho dù họ là người tổn thương bạn

"Những kẻ bạo hành tinh thần là bậc thầy trong việc thao túng người khác. Họ có thể vừa "chơi xấu" bạn, vừa làm bạn cảm thấy đó là lỗi của mình, hoặc khiến bạn nghĩ việc họ làm là không thể tránh khỏi bởi một ký ức tồi tệ nào đó, hoặc do bạn đã nói hay làm gì đó để họ phải làm vậy. Nạn nhân của bạo hành tinh thần thường bỏ qua những hành vi của người bạo hành nếu họ chỉ tập trung vào phần "tổn thương", phần "tốt" của người bạo hành." - Stines

11. Đối tác luôn đổi kế hoạch vào phút chót để "làm bạn ngạc nhiên"

"Những hành động mang tính điều khiển (như đòi hỏi phải làm theo điều của họ mà không có sự đồng thuận qua bàn bạc) thì khá dễ thấy, tuy nhiên theo Tiến sĩ Craig Malkin, "điều khiển ngầm" (stealth control) thì khác. Việc này có thể là tự ý thay đổi kế hoạch mà hai bạn đã đồng ý từ trước với lý lẽ để làm bạn "ngạc nhiên" với một cái gì đó mà họ cho là "tốt hơn". Đương nhiên, làm bạn ngạc nhiên không phải là chủ đích; chủ đích của họ là có quyền điều khiển mà không cần phải đối thoại. Và chao ôi! Bạn thấy họ "lãng mạn" đến mức quên đi rằng nhu cầu của mình bị bỏ qua, quan điểm của mình bị coi thường và dần dần những thứ đó không còn quan trọng nữa." - Streep

​​

Ảnh: MARTIN-DM VIA GETTY IMAGES

Tác giả: Kelsey Borresen

Bài báo gốc: https://www.huffingtonpost.com/entry/signs-of-emotional-abuse-relationship_us_5a999fbee4b0a0ba4ad31a4d

Nguồn dịch: https://nyno.weebly.com/tinhyeu/ban-co-bi-bao-hanh-tinh-than

menu
menu