Vì sao một số kẻ đơn độc lại hạnh phúc đến vậy?

vi-sao-mot-so-ke-don-doc-lai-hanh-phuc-den-vay

Người đơn độc là những người thích ở một mình. Không phải do họ bị tẩy chay hay bị cô lập, họ sống một mình đơn giản chỉ vì họ muốn thế.

Tác giả và chuyên gia tư vấn Dan Savage đã nhận được câu hỏi sau từ một độc giả: “Tại sao phải thử hẹn hò nếu tôi thích ở một mình?” Trong câu trả lời, ông Savage đã chỉ ra những áp lực xã hội gay gắt và mô tả về ba kiểu người đơn độc như sau:

“Bởi vì chúng ta luôn nghe từ gia đình, báo đài hay phong tục tập quán rằng ‘một mình’ là có vấn đề. Những người đơn độc lành mạnh chỉ nhún vai trước các lời phán xét này và nói không với việc đi tìm nửa còn lại, trong khi những người đơn độc dễ dãi sẽ làm hài lòng đám đông và thực hiện hành động tìm kiếm người bạn đời, thậm chí có kiểu người đơn độc mù quáng tự làm khổ mình và người khác bằng cách tìm và lập gia đình với đối tượng mà họ không mong muốn.”

Câu trả lời này được đánh giá cao vì ông Savage đang sử dụng từ “người đơn độc” (loner) một cách chuẩn xác và với sắc thái tích cực vốn có. Giống như nữ tác giả Anneli Rufus đã viết trong cuốn Party of One: The Loners’ Manifesto (tạm dịch “Tiệc tùng một mình: Tuyên ngôn của những kẻ đơn độc”) rằng người đơn độc là những người thích ở một mình. Không phải do họ bị tẩy chay hay bị cô lập, họ sống một mình đơn giản chỉ vì họ muốn thế.

Woman in the woods Nguồn: Unsplash

Hãy cùng xem xét ba kiểu người mà tác giả Savage đề cập tới, theo thứ tự ngược lại:

Kiểu người đơn độc mù quáng “tự làm khổ mình và người khác bằng cách tìm và lập gia đình với đối tượng mà họ không mong muốn”.

Họ không biết làm gì hơn. Họ không nhận ra rằng họ cảm thấy tốt nhất khi ở một mình. Có lẽ họ nghĩ rằng họ vẫn chưa tìm được đúng người, hoặc cũng có thể họ nghĩ họ có “nhiều vấn đề” và một khi họ sửa chữa chúng, họ sẽ sẵn sàng cho một mối quan hệ tình cảm.

Có những người tương đồng với mô tả này nhưng họ lại không phải kiểu người đơn độc. Họ là những người thực sự mong muốn một chuyện tình lãng mạn và tìm cách để hiện thực hóa điều đó.

Những người đơn độc mù quáng là có “vấn đề” nhưng vấn đề chính là họ không nhận ra rằng bản thân sẽ hạnh phúc hơn khi ở một mình. Kết quả là, họ cứ theo đuổi những mối quan hệ chẳng đi đến đâu.

Nhưng chúng ta không nên phán xét những người đơn độc mù quáng. Như tác giả Savage đã giải thích: “Bởi vì chúng ta luôn nghe từ gia đình, báo đài hay phong tục tập quán rằng ‘một mình’ là có vấn đề”. Thật khó để đi ngược lại với những điều quá thâm căn cố đế và ít được thảo luận. Nhưng nhiều người đơn độc mù quáng sẽ không mù quáng mãi mãi.

Kiểu người đơn độc dễ dãi “làm hài lòng đám đông và thực hiện hành động tìm kiếm người bạn đời”:

Họ biết họ đang làm gì. Họ cứ hẹn hò và bắt đầu những mối quan hệ mới trong khi biết rằng mình muốn sống độc thân.

Chính áp lực xã hội đã gây khó khăn cho những người đơn độc dễ dãi, tương tự như đối với những người đơn độc mù quáng. Sự thật đáng buồn là những người đơn độc lại bị người khác lên án gay gắt – đặc biệt là những người không hiểu về nghị lực và sự khôn ngoan khi sống cuộc sống hoàn toàn dành cho bản thân mình – dù cho điều ấy có đi ngược lại các quan niệm xã hội.

Có lẽ những người đơn độc dễ dãi đã nhận ra rằng, những lời phán xét gièm pha sẽ trút lên đầu nếu họ ngưng trò chơi hẹn hò, vì thế, họ cứ tiếp tục việc hẹn hò.

Kiểu người đơn độc lành mạnh, những người chỉ nhún vai trước những lời phán xét này và “nói không với việc đi tìm nửa còn lại”:

 

Họ là kiểu người đơn độc tuyệt vời nhất. Họ thích ở một mình và đó là cách sống của họ. Họ không bận tâm đến việc phải vờ như là đang hẹn hò trong khi con tim họ không dành cho việc ấy.

Họ có nhiều điểm chung với kiểu người “độc thân vui vẻ” – những người sống tốt nhất, có ý nghĩa nhất, chân thật nhất bằng cách sống độc thân. Vài người trong số họ là những người đơn độc theo kiểu thích dành thời gian một mình, nhưng điều này không phải điểm chính. Một vài người “độc thân vui vẻ” có tính cách rất hòa đồng, đây cũng là đặc điểm chung của những người đơn độc.

(Một lưu ý nhỏ, nữ tác giả Rufus nghĩ rằng mọi người đều có thể là kiểu người đơn độc và vẫn kết hôn. Thực tế, bà Rufus đã kết hôn khi viết cuốn Tuyên ngôn của những kẻ đơn độc).

Nếu bạn thực sự là một người đơn độc, con đường để trở thành một người đơn độc lành mạnh chính là sự tự nhận thức.

Hãy chú ý đến cảm giác của bản thân khi bạn đang hẹn hò hoặc nghĩ về việc bạn sắp hẹn hò. Nếu chỉ vừa nghĩ đến đã sợ, không chỉ bởi lo lắng diễn biến cuộc hẹn sẽ trở nên tồi tệ, mà còn bởi bạn chưa chuẩn bị tâm thái cho một mối quan hệ tình cảm, điều này có thể là một dấu hiệu của kiểu người đơn độc.

Nếu bạn đi hẹn hò và thấy rằng bạn đang cảm thấy tồi tệ khi ở bên một người tốt, và nếu bạn chưa bao giờ cảm thấy vui trong các cuộc hẹn của mình, có lẽ điều đó nghĩa là bạn sẽ thấy hạnh phúc và thoải mái hơn khi ở một mình.

Sẽ ra sao nếu bạn đang có một mối quan hệ lãng mạn và rồi nó chấm dứt? Nếu một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất trong bạn là cảm thấy nhẹ nhõm, nếu bạn rất phấn khởi khi trở lại cuộc sống không-người-yêu thì rất có thể bạn là kiểu người đơn độc. Nắm bắt điều này và bạn sẽ trở thành kiểu người đơn độc tuyệt vời nhất – người đơn độc lành mạnh.

Trở ngại lớn nhất khiến bạn không thể trở thành một người đơn độc lành mạnh, đó là bạn không phải kiểu người đơn độc thực sự – người rất thích ở một mình. Nếu bản thân bạn thực sự muốn có một tình yêu lãng mạn, chứ không phải chỉ vì áp lực xã hội, thì bạn nên tiếp tục cố gắng hẹn hò. Để có những lời khuyên cho chuyện hẹn hò, bạn cần tìm ở một nơi khác. Bài viết này chỉ dành cho những kẻ đơn độc thực thụ và những người “độc thân vui vẻ”.

Tác giả: Bella DePaulo (Tiến sĩ, Harvard, 1979) là một nhà tâm lý học xã hội và là tác giả của cuốn sách Singled Out: How Singles are Stereotyped, Stigmatized, and Ignored, and Still Live Happily Ever After và How We Live Now: Redefining Home and Family in the 21st Century, và nhiều cuốn sách khác. Tạp chí Atlantic gọi tiến sỹ DePaulo là “nhà tư tưởng đầu tiên nước Mĩ và là người viết về trải nghiệm độc thân.” Trong cuốn Singled Out và những tác phẩm khác của bà về người độc thân, DePaulo rút ra dữ kiện khoa học xã hội để thách thức những định kiến xã hội về người độc thân.

 

Ánh Dương dịch

https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-single/201907/why-some-loners-are-so-happy

menu
menu