Phức tạp thật đấy: Vì sao tình yêu và hẹn hò lại khó đến vậy?

phuc-tap-that-day-vi-sao-tinh-yeu-va-hen-ho-lai-kho-den-vay

Khi bạn ngẫm lại, những khó khăn trong chuyện hẹn hò đôi khi nghe có vẻ… lặt vặt.

Cả đời ta đã đi và nói bao nhiêu lần rồi, thế mà chỉ cần bước tới gần một người hấp dẫn và mở miệng nói “xin chào” thôi cũng trở thành thử thách không tưởng. Ta lớn lên cùng chiếc điện thoại bên mình, nhưng khi cầm nó lên chỉ để bấm một dãy số gọi ai đó, cảm giác như thể ta sắp bị tra tấn đến nơi. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng hôn, đã thấy hàng trăm cảnh hôn trên phim ảnh, ngoài đời, ấy vậy mà khi đứng trước người ta thương, ta vẫn cứ ngẩn ngơ nhìn vào mắt họ, tự nhủ: “Làm gì có khoảnh khắc nào đủ hoàn hảo để mình làm chuyện này?”

Nghe thì đơn giản đấy, nhưng tại sao lại khó đến thế?

Chúng ta xây dựng cả doanh nghiệp, viết những cuốn tiểu thuyết đồ sộ, chinh phục đỉnh núi hiểm trở, giúp bạn bè và người lạ vượt qua nỗi đau, thậm chí còn giải quyết được cả những vấn đề xã hội nhức nhối nhất. Vậy mà chỉ cần đứng trước một người khiến trái tim rung động, là tim đập thình thịch, đầu óc quay cuồng. Và ta chần chừ.

Bao lời khuyên hẹn hò thường so sánh chuyện yêu đương với việc học một kỹ năng nào đó như chơi piano hay học ngoại ngữ. Nghe cũng hợp lý, nhưng thử hỏi mấy ai run rẩy mỗi khi ngồi trước đàn? Có ai trầm cảm cả tuần chỉ vì chia động từ sai đâu? Nó không giống nhau chút nào.

Nếu mỗi ngày đều đặn tập đàn trong hai năm, sớm muộn gì bạn cũng sẽ chơi khá ổn. Thế nhưng, có biết bao nhiêu người cả đời loay hoay hết lần này đến lần khác trong tình yêu, mà vẫn chẳng nên hình hài.

Tại sao lại thế?

Tại sao trong lĩnh vực này, những việc tưởng chừng cơ bản lại trở nên bất khả thi, tại sao hành vi lặp đi lặp lại không dẫn đến thay đổi nào đáng kể, và tại sao cơ chế phòng vệ tâm lý của chúng ta lại ra sức ngăn cản chính mình theo đuổi điều mình mong muốn?

Tại sao tình yêu lại khác biệt đến vậy? Tại sao một người có thể leo lên đỉnh cao sự nghiệp, trở thành một CEO đáng sợ, được cả trăm bộ óc thiên tài ngưỡng mộ và tôn trọng, mà vẫn vụng về đến thảm hại trong một buổi hẹn ăn tối với người họ thích?

Image credit: eflon

Bản đồ cảm xúc

Thuở bé, chẳng ai trong chúng ta được đáp ứng đầy đủ 100% nhu cầu của mình cả. Đó là sự thật của bạn, của tôi và của tất cả mọi người. Mức độ thiếu thốn ấy có thể khác nhau, hình thức nó diễn ra cũng vậy. Nhưng, sự trưởng thành luôn đi kèm những vết thương. Có người mang nhiều, có người mang ít. Một người mẹ không ôm con đủ nhiều, một người cha đi xa mãi, một gia đình chuyển nhà quá nhiều lần khiến ta chẳng thể kết bạn… Tất cả những điều đó để lại những vết thương nhỏ mà lâu dần trở thành bản đồ cảm xúc định hình cách ta trải nghiệm tình yêu và sự thân mật sau này.

Nếu mẹ bạn quá bảo bọc, còn cha thì luôn vắng mặt, điều đó sẽ trở thành một phần bản đồ cảm xúc trong bạn. Nếu anh chị em hoặc bạn bè từng bắt nạt, trêu chọc bạn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận bản thân. Nếu cha bạn ngoại tình, còn mẹ thì chìm trong men rượu, điều đó sẽ khắc sâu vào ký ức của bạn. Những vết thương đó không chỉ tác động mà còn định nghĩa toàn bộ mối quan hệ lãng mạn và tình dục sau này trong cuộc đời bạn.

Trong đời, bạn và tôi đã gặp gỡ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Trong số đó, rất nhiều người đáp ứng được tiêu chuẩn hình thể để trở thành người yêu lý tưởng. Nhưng trong hàng trăm ấy, chỉ có một vài người thực sự chạm đến tâm can, khiến ta mất hết lý trí, nhớ nhung đến mức thức trắng cả đêm.

Điều kỳ lạ là, người ấy thường chẳng phải người ta nghĩ mình sẽ rung động. Một người thì “hoàn hảo trên giấy tờ”, người khác lại có khiếu hài hước tuyệt vời và giỏi chuyện chăn gối, nhưng đôi khi, vẫn có người làm ta không thể ngừng nghĩ đến, người mà ta cứ vô thức quay trở lại, hết lần này đến lần khác.

Các nhà tâm lý học tin rằng tình yêu lãng mạn nảy nở khi tiềm thức của ta nhận ra một ai đó phù hợp với “hình mẫu” tình yêu thời thơ ấu, phù hợp với bản đồ cảm xúc mà ta mang theo trong lòng. Tiềm thức luôn khao khát quay lại trạng thái được yêu thương vô điều kiện như ngày còn bé, đồng thời cũng muốn hàn gắn và chữa lành những tổn thương ngày xưa.

Nói đơn giản, tiềm thức của chúng ta luôn tìm kiếm người có thể bù đắp những nhu cầu chưa được đáp ứng thuở nhỏ, lấp đầy khoảng trống yêu thương mà ta từng thiếu thốn. Đó là lý do người ta thường rơi vào lưới tình với những ai có “màu sắc cảm xúc” giống cha mẹ mình.

Đó cũng là lý do các cặp đôi say đắm trong tình yêu thường thỏ thẻ: “Anh/em làm cuộc sống của em/anh trọn vẹn,”hoặc gọi nhau là “nửa kia hoàn hảo.” Và bạn thấy không, khi mới yêu, người ta thường có những cử chỉ trẻ con với nhau. Tiềm thức không phân biệt được tình yêu từ người yêu hiện tại và tình yêu mà bạn từng nhận được từ cha mẹ thuở ấu thơ.

 

"Vì sao tình yêu và hẹn hò lại đau đớn và khó khăn đến vậy?"

Đây là lý do khiến tình yêu và hẹn hò trở thành nỗi đau và thách thức đối với rất nhiều người, nhất là những ai từng lớn lên trong gia đình thiếu gắn kết. Khác với việc học piano hay ngoại ngữ, chuyện yêu đương và tình dục của chúng ta gắn chặt với nhu cầu cảm xúc. Mỗi khi ta bước vào một mối quan hệ thân mật hoặc gần gũi, những trải nghiệm ấy chạm vào vết thương cũ, đánh thức nỗi lo lắng, bất an, căng thẳng và đau đớn trong lòng.

Bởi vậy, khi ai đó từ chối bạn, trong mắt tiềm thức, đó không chỉ đơn giản là một lần bị từ chối. Thay vào đó, bạn đang sống lại những lần mẹ bạn quay lưng, từ chối vòng tay bạn cần đến.

Nỗi sợ phi lý mà bạn cảm thấy khi đứng trước người mới và cởi bỏ quần áo không chỉ là sự hồi hộp của khoảnh khắc ấy, mà còn là tất cả những lần bạn bị trừng phạt vì có suy nghĩ hay cảm xúc liên quan đến tình dục thời thơ ấu.

Không tin ư? Nghĩ thử mà xem. Ai đó “bùng kèo” một cuộc họp công việc với bạn. Bạn cảm thấy thế nào? Có thể là hơi khó chịu, thấy mình bị thiếu tôn trọng chút đỉnh. Nhưng rồi bạn nhanh chóng quên nó đi. Đến lúc về nhà, bật TV xem, có khi bạn chẳng nhớ nó từng xảy ra.

Bây giờ thử tưởng tượng người bạn cực kỳ thích lại "bùng" một buổi hẹn. Bạn thấy sao? Nếu bạn giống như phần lớn mọi người còn loay hoay trong chuyện tình cảm, bạn sẽ cảm thấy tệ hại khủng khiếp. Cảm giác như mình bị lợi dụng, bị lừa dối và chà đạp.

Tại sao lại thế? Vì bị “bỏ bom” khơi gợi nỗi sợ bị bỏ rơi trong tiềm thức, nỗi lo không ai yêu thương mình và mình sẽ cô đơn mãi mãi. Đau lắm.

Có thể bạn mất kiểm soát, gọi điện để lại những tin nhắn giận dữ. Có thể bạn cứ nhắn mãi, hết tuần này qua tháng nọ, để rồi mỗi lần bị lờ đi lại thêm một lần tổn thương. Hoặc có khi bạn chỉ biết ngồi một góc, than thở trên Facebook hay các diễn đàn hẹn hò.

Bất kỳ nỗi sợ vô lý, cơn bùng nổ cảm xúc hay sự tự ti nào trong tình yêu đều bắt nguồn từ những dấu ấn trong mối quan hệ gia đình thời thơ ấu.

Đó là lý do bạn sợ hãi khi định hôn người ấy lần đầu. Là lý do bạn cứng đờ người khi phải mở lời với một người lạ hoặc nói với họ cảm xúc của mình. Là lý do bạn bối rối khi nằm cạnh ai đó mới, hay thấy khó chịu khi phải mở lòng và chia sẻ về bản thân.

Cứ thế, danh sách còn dài.

Tất cả những vấn đề này đều có gốc rễ sâu xa trong tiềm thức, từ những nhu cầu cảm xúc chưa được lấp đầy và những tổn thương bạn mang theo từ quá khứ.

Trốn tránh cảm xúc của mình

Một cách phổ biến để né tránh nỗi đau cảm xúc trong hẹn hò là tách biệt cảm xúc ra khỏi sự thân mật và tình dục. Khi ta tự đóng cửa nhu cầu kết nối và gần gũi, những hành động liên quan đến tình dục sẽ không còn "đụng chạm" vào bản đồ cảm xúc của ta nữa. Nỗi bất an và sự yếu đuối từng làm ta khổ sở cũng từ đó giảm bớt. Ta vẫn có thể tận hưởng mặt nổi của chuyện yêu đương mà chẳng cần bận tâm đến sự thân mật, gắn kết hay thậm chí là đạo đức.

Dưới đây là những cách ta thường vô thức tách cảm xúc khỏi chuyện hẹn hò:

  • Biến người khác thành “đối tượng”: Khi bạn chỉ nhìn ai đó như một công cụ – một đối tượng phục vụ cho mục đích của bạn – và quên mất rằng họ cũng là con người đầy đủ cảm xúc như bạn. Bạn có thể xem họ là công cụ tình dục, công cụ xã hội, hay công cụ thăng tiến công việc. Nhưng cuối cùng, việc này chỉ hủy hoại sức khỏe cảm xúc và các mối quan hệ của bạn mà thôi.
  • Định kiến giới tính: Xem thường người khác giới, coi họ kém cỏi hay xấu xa là cách để bạn đổ lỗi cho cả một nhóm người thay vì đối mặt với vấn đề của chính mình. Những người đàn ông có xu hướng xem phụ nữ là “dưới cơ” thường đang trút cơn giận và sự tự ti của bản thân lên phụ nữ họ gặp. Phụ nữ cũng vậy thôi.
  • Chơi trò thao túng: Bằng cách chơi trò "tung hỏa mù", bạn che giấu bản thân thật sự, che giấu cả bản đồ cảm xúc của mình. Bạn xây dựng một hình ảnh giả tạo để người ta yêu phiên bản "đẹp đẽ" ấy, thay vì con người thật của bạn. Việc này giúp bạn tránh được việc đào bới những vết thương cũ nhưng chỉ làm mọi thứ rối ren hơn.
  • Cười đùa quá mức: Sử dụng sự hài hước, trêu chọc hay châm chọc như một cách để đánh lạc hướng. Đùa giỡn không xấu, nhưng khi toàn bộ cuộc trò chuyện chỉ có trêu chọc và cười đùa, thì chẳng có điều gì quan trọng được nói ra. Đây là kiểu điển hình trong các nền văn hóa nói tiếng Anh, nơi người ta dùng sự châm biếm để ngụ ý tình cảm thay vì thể hiện nó thật lòng.
  • Clubs thoát y, mại dâm và phim khiêu dâm: Đây là cách để bạn trải nghiệm tình dục một cách gián tiếp qua những hình ảnh rỗng tuếch, lý tưởng hóa – dù là trên màn hình, trên sân khấu hay một cuộc trao đổi được định giá bằng tiền.

Thường thì, càng mang nhiều oán hận, con người ta càng dễ có xu hướng biến người khác thành công cụ. Những ai từng lớn lên trong gia đình nhiều bất ổn, bị bỏ rơi trong tình yêu, hoặc bị trêu chọc, bắt nạt thuở nhỏ sẽ dễ dàng hơn trong việc biến người khác thành đối tượng tình dục hơn là đối mặt với những tổn thương bên trong.

Thật ra, hầu hết chúng ta đều từng có lúc như thế, biến một ai đó thành công cụ hay đơn giản là một ý niệm xa lạ. Có điều, xã hội luôn tạo áp lực lên đàn ông – nhất là đàn ông dị tính – phải phớt lờ cảm xúc của mình, nhất là những cảm xúc bị coi là “yếu đuối” như nhu cầu yêu thương hay thân mật. Người ta sẽ chấp nhận đàn ông khoe khoang về tình dục và xem đó là điều bình thường. Đúng, sai hay chẳng quan trọng thì nó vẫn đang diễn ra như vậy.

"Đối mặt với vấn đề và giành chiến thắng"

Trốn tránh những nhu cầu cảm xúc của mình là lối đi dễ dàng nhất. Nó chỉ đòi hỏi một chút nỗ lực bề mặt và vài niềm tin hời hợt. Nhưng làm việc thực sự để giải quyết những vấn đề đó thì khác: nó cần máu, mồ hôi và nước mắt. Phần lớn mọi người không đủ sẵn lòng để đào sâu và vượt qua, nhưng nếu làm được, phần thưởng sẽ lớn lao và bền vững hơn rất nhiều.

1. Những hiểu lầm lớn nhất khi đối mặt với cảm xúc

Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực, nỗi sợ, hay tổn thương có thể hoàn toàn biến mất. Nhưng nghiên cứu cho thấy những nỗi đau và bất an được khắc ghi vào bộ não của chúng ta tương tự như cách thói quen hình thành. Cũng giống như việc bạn có thói quen đánh răng mỗi sáng, bạn cũng có thói quen cảm thấy buồn hay giận dữ mỗi khi bị bỏ rơi hoặc cảm thấy mình không được mong muốn.

Thay đổi không phải là xóa bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực đó, mà là thay thế chúng bằng những hành động và cảm xúc tốt hơn, cao cả hơn.

Và cách duy nhất để làm điều đó là hành động. Không có đường tắt nào khác. Bạn không thể tái lập phản ứng của mình một cách lành mạnh và đối diện với những bất an nếu bạn không chủ động đương đầu với chúng. Việc này cũng giống như cố gắng tập ném bóng rổ bằng tay trái mà chẳng bao giờ động vào quả bóng rổ – nó không hiệu quả.

Nếu bạn có thói quen mất kiểm soát, để lại những tin nhắn tức giận mỗi khi ai đó không gọi lại, bạn không thể xóa bỏ cơn giận dữ, nhưng bạn có thể chuyển nó thành một hành động lành mạnh hơn. Hãy thử đến phòng gym, vẽ tranh, hay đấm vào bao cát chẳng hạn.

2. Vượt qua lo âu bằng từng bước nhỏ

Lo âu có thể được vượt qua bằng cách sử dụng những ý định thực thi và tiếp xúc từ từ. Chẳng hạn, nếu bạn lo lắng trong các tình huống xã hội và gặp khó khăn khi làm quen người lạ, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ: tập chào hỏi vài người lạ cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Sau đó, có thể hỏi họ một câu đơn giản như “Hôm nay của bạn thế nào?” mỗi khi chào hỏi.

Rồi dần dần, hãy thử bắt chuyện với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của bạn – ở phòng gym, công viên, chỗ làm, hoặc bất cứ nơi nào. Và khi bạn đã quen, hãy tự thách thức mình thực hiện điều tương tự với những người mà bạn thấy hấp dẫn.

Điều quan trọng là làm từng bước một. Nếu đặt kỳ vọng quá cao ngay từ đầu, bạn sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi lo âu khi không thể đạt được mục tiêu lớn lao của mình. Lại một lần nữa, từng bước nhỏ.

Tất nhiên, điều này cần thời gian và sự kiên trì đối mặt với những tình huống khiến bạn không thoải mái, nhưng đó chính là cách để chiến thắng. Bạn phải chồng lấp thói quen cảm xúc cũ – nỗi sợ và lo âu – bằng những thói quen mới lành mạnh hơn như sự hào hứng hay quyết đoán. Hãy tự huấn luyện mình: mỗi khi cảm thấy lo âu, bạn buộc mình phải làm điều đó.

3. Sẵn sàng minh bạch về nhu cầu của mình

Khi bạn đã biết cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành hành động lành mạnh, khi bạn đã quen đối mặt với lo âu và vẫn hành động bất chấp nó, bước cuối cùng là sống thật với những người bạn hẹn hò. Hãy cởi mở về nhu cầu của mình và bắt đầu tìm kiếm người phù hợp với chúng.

Chẳng hạn, tôi luôn có nỗi sợ cam kết và cần một người phụ nữ có thể chấp nhận việc tôi cần không gian và tự do. Bây giờ, tôi không chỉ chia sẻ điều này một cách thẳng thắn với người tôi hẹn hò, mà tôi còn chủ động tìm kiếm những người phụ nữ có tính cách này.

Cuối cùng, những nhu cầu cảm xúc của bạn sẽ chỉ được đáp ứng đầy đủ trong một mối quan hệ yêu thương, ý thức và cùng nhau hợp tác. Không chỉ vấn đề của bạn, mà cả những vấn đề của họ nữa. Vô thức, chúng ta tìm kiếm bạn đời để bù đắp những nhu cầu thời thơ ấu chưa được đáp ứng, và việc này không thể thực hiện một mình.

Đây là lý do tại sao sự trung thực và tổn thương (theo nghĩa cởi mở cảm xúc) lại mạnh mẽ trong việc xây dựng mối quan hệ chất lượng. Việc nói ra mong muốn và khuyết điểm của mình sẽ giúp bạn tự nhiên “lọc” được những người phù hợp nhất với bạn.

Thay đổi cả cách nhìn nhận tình yêu

Sự chân thật này sẽ thay đổi toàn bộ cách bạn tiếp cận chuyện tình cảm. Thay vì chạy theo, theo đuổi hay mơ ước viển vông, bạn sẽ tập trung vào việc liên tục cải thiện bản thân và giới thiệu phiên bản tốt nhất của mình với thế giới. Những người phù hợp sẽ chú ý và ở lại.

Dù chỉ bên nhau một đêm hay một năm, mức độ thân mật và sự tổn thương (theo nghĩa cảm xúc) mà bạn tạo ra sẽ giúp hàn gắn vết thương, giúp bạn tự tin hơn, vững vàng hơn trong các mối quan hệ. Cuối cùng, bạn sẽ vượt qua phần lớn những đau đớn và căng thẳng từng đeo bám mình trong chuyện tình cảm.

Một lời mời gọi thay đổi

Hãy dành thời gian để tự suy nghĩ xem những "vướng mắc" cảm xúc của bạn trong lĩnh vực này là gì, chúng đến từ đâu và bạn có thể vượt qua chúng bằng cách nào – một cách cởi mở và trung thực nhất.

Lấy tôi làm ví dụ. Tôi lớn lên trong một gia đình tan vỡ, nơi mọi người thường tự cô lập và hiếm khi chia sẻ cảm xúc. Kết quả là, tôi rất nhạy cảm với sự đối đầu và những cảm xúc tiêu cực từ người khác. Tôi trở thành một chàng trai “tốt quá mức” và trong nhiều năm không dám khẳng định mình trong các mối quan hệ.

Thực tế, tôi đã từng khách quan hóa chuyện tình dục của mình, và đôi khi cư xử như một kẻ tự luyến để che đậy sự bất an. Nỗi sợ cam kết của tôi chắc chắn bắt nguồn từ cuộc ly hôn của bố mẹ, và phản ứng tự nhiên của tôi trong nhiều năm là bỏ chạy bất cứ khi nào một người phụ nữ cố đến gần.

Tôi dần dần gọt bớt nỗi sợ ấy bằng cách mở lòng với những cơ hội thân mật từng chút một. Có thời điểm, tôi chỉ có thể bước vào một mối quan hệ nếu tôi biết chắc mình có “lối thoát” (ví dụ như cô ấy có bạn trai, hoặc tôi sắp chuyển đến thành phố khác).

Việc dành cả tuổi thiếu niên sống với mẹ đã khiến tôi đặc biệt nhạy cảm với sự quan tâm từ phụ nữ. Giống như một người nghiện thuốc lá luôn tìm lý do để hút thêm một điếu cuối, tôi đã tự biện hộ cho mình để bước vào những mối quan hệ mà đôi khi tôi không nên tham gia, hoặc với những người mà tôi không thực sự yêu thích như mình nghĩ.

Đó là bản đồ cảm xúc của tôi – ít nhất là một phần trong đó. Đây là những rào cản và vấn đề mà tôi đã đấu tranh và dần vượt qua qua nhiều năm nỗ lực chủ động. Và đây cũng là những thực tế mà tôi chia sẻ thẳng thắn với người phụ nữ tôi hẹn hò để tìm kiếm người phù hợp nhất.

Còn bạn thì sao?

Nguồn: It’s Complicated: Why Relationships and Dating Can Be So Hard

menu
menu