Bạn có phải là người cảnh giác quá mức?

ban-co-phai-la-nguoi-canh-giac-qua-muc

Một bảng câu hỏi đầy trăn trở

Chúng ta có thể đã đi qua một phần đáng kể của cuộc đời trước khi chợt nhận ra—rất chậm rãi—rằng mình có thể là một kiểu người khá đặc biệt. Trong suốt một thời gian dài, ta có thể chỉ nghĩ rằng mình đơn giản là lo lắng nhiều hơn một chút so với người khác, rằng cuộc sống của mình dường như khó khăn hơn người ta một chút theo một cách nào đó không rõ ràng. Bạn bè có thể đôi khi đùa vui về tính cách của ta, nhưng ta—không phải do lỗi của mình—lại không nhận ra mức độ thực sự của vấn đề.

Vì vậy, đôi khi, một vài câu hỏi có thể giúp ta nhìn mọi thứ rõ ràng hơn.

Có bao nhiêu câu trong số này khiến bạn gật đầu đồng ý?

— Mỗi ngày trôi qua đều là một thử thách.
— Dù kiếm được bao nhiêu, tôi vẫn luôn lo sợ rằng mình sẽ hết tiền.
— Tôi rất khó để đặt niềm tin vào ai đó.
— Tôi luôn lo rằng một ngày nào đó, mọi người sẽ quay lưng với tôi.
— Tôi sống trong sợ hãi.
— Nhưng tôi quá xấu hổ để thừa nhận nỗi sợ đó với bất kỳ ai.

Chúng ta có thể đẩy mức độ lên cao hơn một chút:

— Tôi không nghĩ rằng mọi chuyện, xét cho cùng, sẽ ổn cả đâu.
— Một điều gì đó tồi tệ sắp sửa xảy ra.
— Khi không biết mình phải sợ điều gì, tôi rơi vào một nỗi sợ mơ hồ, không tên.
— Cuộc sống lúc nào cũng như một tình huống khẩn cấp.
— Tôi luôn cảm thấy mình đang ở trong vòng nguy hiểm.
— Tôi vô cùng mệt mỏi.
— Nỗi sợ này bào mòn tôi đến mức đôi khi, tôi gần như mong chờ (xin đừng nói với ai) đến cái chết.

Nếu chúng ta gật đầu đồng ý với những câu trên nhiều hơn mức mong muốn, có lẽ đã đến lúc nhìn nhận bản thân theo một cách khác — như một thành viên của hội những người mang trong mình sự cảnh giác quá mức, một hội nhóm không hề nhỏ và cũng chẳng hề tầm thường.

Cảnh giác quá mức không đơn thuần chỉ là lo lắng hay bất an; đó là trạng thái sợ hãi tận gốc rễ trước mọi thành tố của cuộc sống, một cuộc dò xét không ngừng nghỉ vào từng điều tưởng như tốt đẹp để truy tìm dấu vết của hiểm nguy, đau đớn, tàn nhẫn và ác ý.

Mọi khoảnh khắc trong tuần, một người cảnh giác quá mức luôn bận tâm về điều gì đó—một email họ đã gửi, một cuộc họp bất ngờ, một bản tin, một đồng nghiệp lạnh lùng—nhưng chuỗi hoảng loạn luân phiên này thực ra chỉ che giấu bản chất mãn tính của vấn đề. Khi một nỗi lo được giải quyết, không chỉ là sẽ có một nỗi lo khác xuất hiện—mà nhất định phải xuất hiện, bởi đó là cách mà tâm trí họ duy trì niềm tin rằng thế giới này vốn mong manh và bấp bênh.

Và sâu xa đằng sau sự cảnh giác quá mức ấy, gần như luôn luôn, là quá khứ. Như câu nói cay độc vẫn thường nhắc nhở: nếu phản ứng là thái quá, thì gốc rễ của nó thuộc về lịch sử. Thảm họa mà những người cảnh giác quá mức lo sợ thực ra đã từng xảy ra — chỉ là họ đã quên, hoặc chưa bao giờ thực sự đối diện với nó, để rồi bóng dáng của nó phủ lên toàn bộ cuộc đời họ. Mỗi ngày mới lại trở thành một thử thách của nỗi sợ hãi, miễn là ta vẫn chưa hiểu rõ điều gì đã từng khiến ta hoảng loạn đến mức đánh mất chính mình.

Lý do khiến trạng thái này khó nhận diện là vì tâm trí ta luôn khăng khăng rằng mọi rắc rối hiện tại—dù là công việc, gia đình, bạn bè hay mạng xã hội—chính là nguyên nhân thực sự của sự khổ sở. Chúng ta tự nhủ: Chỉ cần giải quyết xong vấn đề này, mình sẽ ổn thôi. Nhưng điều ta không nhận ra, là sự thật nghe có vẻ kỳ lạ: nỗi lo lắng của ta không xuất phát từ một nguyên do cụ thể nào trong hiện tại, mà từ một nỗi sợ sâu thẳm và cổ xưa đã bao trùm toàn bộ cuộc sống của mình.

Đôi khi, ta cần tự hỏi mình một câu thật thẳng thắn:

Liệu có điều gì thực sự, thực sự tồi tệ đã xảy ra gần đây — ngoài những gì đang diễn ra trong tâm trí ta?

Rất có thể, không có gì nghiêm trọng cả. Nhưng điều đó chẳng mang lại lý do gì để ăn mừng. Cơn ác mộng — dù nó chỉ đang diễn ra trong ý thức của ta — vẫn đáng sợ và chân thực chẳng kém gì một thực tại đầy rẫy những bi kịch.

Để bắt đầu tìm ra lối thoát, có lẽ ta cần chấp nhận một vài sự thật sau đây:

Ta không chỉ đơn giản là lo lắng hay căng thẳng; ta xứng đáng gọi cảm giác này bằng một cái tên lớn lao hơn, rõ ràng hơn, và chính xác hơn: sự cảnh giác quá mức.

Nguyên nhân thực sự của nỗi lo không nằm ở những chuyện khiến ta bận tâm hôm nay, mà ẩn sâu trong những điều khủng khiếp ta đã trải qua từ rất lâu nhưng chưa bao giờ thực sự đối diện.

Những nỗi lo không ngẫu nhiên tìm đến ta; chính ta bị thôi thúc phải lo lắng để xoa dịu một sự bất an bên trong. Đó có thể là cách duy nhất giúp ta cảm thấy tạm nhẹ nhõm. Thậm chí, có lẽ đó còn là hình thức thư giãn quen thuộc nhất của ta.

Cuộc sống của ta sẽ mãi là vòng luẩn quẩn của việc thay thế một nỗi lo bằng một nỗi lo khác, cho đến khi ta có thể quay lại và dành lòng trắc ẩn cho đứa trẻ run rẩy, hoảng sợ mà ta từng là.

Khi có thể, ta nên bật cười — một tiếng cười đượm màu chua chát — cho thứ “độc dược” mà số phận đã dành riêng cho mình. Và rồi, ta nên tìm lấy một vài tâm hồn đồng điệu để chia sẻ thời gian bên nhau. Vì giữa tất cả những điều đáng sợ này, ta không cần phải nghĩ rằng mình đang đơn độc trong nỗi khổ của chính mình. 

Nguồn: MIGHT YOU BE HYPERVIGILANT? A SOMBRE QUESTIONNAIRE | The School Of Life

menu
menu