Có những người chỉ biết yêu khi mọi chuyện đã kết thúc
Sự “khó ở” của những người hay gây rắc rối trong tình yêu chỉ sánh ngang với tài nghệ xin lỗi của họ mỗi khi mối quan hệ đứng bên bờ vực.
Có một kiểu người yêu luôn bộc lộ sự khéo léo và kiên quyết nhất khi họ vừa bị chia tay. Sau một khoảng thời gian dài mà họ tỏ ra gắt gỏng, lạ lùng hoặc cư xử khó chịu, cuối cùng người kia cũng chịu hết nổi và quyết định kết thúc. Ở thời điểm này, có thể ai cũng sẽ nghĩ rằng họ sẽ nổi giận đùng đùng (vì dẫu sao thì cũng chẳng thiếu những lần họ cáu kỉnh từ trước đến giờ) – và qua cách cư xử của mình, họ sẽ gián tiếp cho đối phương thấy lý do tại sao mối quan hệ này nên dừng lại.
Nhưng không hề như vậy. Một tâm trạng khác hẳn xuất hiện. Người bị từ chối bỗng tìm thấy nguồn năng lượng lạ kỳ, trở nên dịu dàng, chín chắn và chân thành đúng lúc tưởng chừng như tất cả đã chấm hết. Họ không tự ái, không cao ngạo. Họ trở nên khiêm nhường, tập trung vô cùng, nghiêm túc và hoàn toàn thành thật. Họ lắng nghe rất chăm chú, họ xin lỗi với một sự chân thành không gì sánh nổi. Đôi mắt ngây thơ của họ bỗng trở nên buồn bã, tổn thương, đầy khát khao. Họ biết là đã hết, họ nói thế, và họ biết mình đã cư xử ngốc nghếch. Họ không cố chối bỏ những gì đã xảy ra vào cái cuối tuần đáng quên đó, hay khi họ ở bên đám bạn nọ, hay vào lần họ khá là tệ hại; họ thừa nhận rằng mình đã ích kỷ, ở đâu đó xa vời, chẳng để tâm. Họ không cố thuyết phục người kia quay lại. Họ chỉ xin một cơ hội để được nói lời xin lỗi. Và nếu người kia muốn, họ có thể mua chút đồ ăn cho bữa tối, nhưng họ sẽ không ở lại, họ biết sẽ tốt hơn nếu họ không còn ở đây.
Lucien Freud, Girl With a Kitten, 1947
Tất cả những điều này như một phép màu với người đã quyết định chia tay. Vì sau cùng, họ đâu thực sự muốn từ chối người kia; họ chỉ muốn được yêu thôi.
Sự “khó ở” của những người hay gây rắc rối trong tình yêu chỉ sánh ngang với tài nghệ xin lỗi của họ mỗi khi mối quan hệ đứng bên bờ vực. Kỹ năng hàn gắn của họ chẳng kém cạnh chút nào so với khả năng gây sóng gió. Thế nên, đối phương có thể sẽ hết lần này đến lần khác cảm thấy chán ngấy, nhưng rồi lại phớt lờ lời khuyên của bạn bè và một lần nữa đón nhận họ trở lại.
Nghe có vẻ như sự thao túng, và đôi khi đúng là vậy, nhưng hãy thử tưởng tượng, trong vài trường hợp, ta không hề gặp phải một kẻ toan tính nào. Suy nghĩ này có lẽ phức tạp về mặt đạo đức hơn nhiều người mong muốn (đặc biệt là những ai dưới ba mươi). Cách hành xử này phức tạp thật, nhưng không phải lúc nào cũng có ý đồ làm tổn thương hay giành phần thắng.
Ta phải chấp nhận rằng có thể có những người không thể thực sự cảm nhận mình đang yêu – và không thể thực sự nỗ lực vì tình yêu – cho đến khi đối phương phải nản lòng hết mức và tuyên bố chia tay. Khi tình yêu nằm trong tầm tay, họ thấy tình huống ấy vừa xa lạ vừa đáng sợ. Thế giới nội tâm của họ chẳng hình dung được điều gì tốt đẹp như vậy. Có lẽ người này đã lớn lên trong hoàn cảnh phải nỗ lực thuyết phục một người lớn miễn cưỡng nào đó để có được tình thương – một người cha thường xuyên bận tâm, một người mẹ hay đòi hỏi, hoặc một người chăm sóc lúc nào cũng u sầu. Vì thế, họ gắn bó sâu sắc với ý tưởng rằng tình yêu đồng nghĩa với nỗ lực tuyệt vọng giành lại tình cảm của người mình vừa làm phật lòng; và thế là họ cứ lặp lại điều đó hết lần này đến lần khác, ngay cả khi bên cạnh họ là một người bạn đời hiền lành, yêu thương và muốn gắn bó.
Và thế là cảnh tượng diễn ra: người bạn đời mới hôm qua còn bàn tính chuyện kết hôn giờ đây lại buộc phải rút lui khỏi một người đón nhận tình yêu của mình một cách gần như thờ ơ, chỉ để rồi chứng kiến họ bỗng nhiên thể hiện sự tận tụy và thấu hiểu sâu sắc đến mức làm mềm lòng cả trái tim lạnh lùng nhất. Và điều này có thể tiếp diễn suốt nhiều năm trời.
Vừa mới yên ổn bên nhau thì người yêu vốn sợ tình yêu đã bắt đầu phá vỡ mối quan hệ bằng những cách nhỏ nhặt, tinh tế nhưng rất quyết liệt. Một cách vô thức, họ nhắm vào những điểm nhạy cảm của đối phương: có thể họ không thực sự nói rõ mình sẽ đi đâu, đến muộn một chút, hoặc tỏ ra hờ hững, xa cách. Nghe có vẻ như một mưu kế xấu xa, nhưng thực chất đây là một hành vi lặp lại tự nhiên, vô thức của một người từ nhỏ đã luôn khao khát mà chẳng bao giờ được đáp lại.
Tuy nhiên, chiếc yoyo này chỉ có thể kéo ra rồi thả vào một số lần nhất định. Cuối cùng, ngay cả người bạn đời kiên nhẫn và chịu đựng nhất cũng sẽ mệt mỏi và (có lẽ dưới sự chỉ dẫn của bạn bè hoặc nhà trị liệu) sẽ được khuyên rằng tốt hơn hết là nên gửi gắm hy vọng vào một nơi khác. Giữa nỗi buồn thực sự của người bị từ chối, có một cơ hội để nhận ra rằng họ không phải ngẫu nhiên mà bị bỏ rơi. Sự thật vừa đau buồn vừa có chút hy vọng. Họ đã cẩn thận "bày binh bố trận" để rồi cuối cùng đẩy bản thân vào cảnh bị từ chối — vì sự gắn bó và đồng cảm là mối đe dọa quá lớn. Trông có vẻ như họ bị bỏ rơi mà chẳng vì lý do gì; nhưng thực ra, họ đang phải trả giá cho việc đã tự tay phá hủy tình yêu mà mình không thể chịu nổi. Họ thực sự yêu người ấy, nhưng cuối cùng họ yêu việc được ở một mình và đau khổ còn hơn.
Hy vọng là một khi mô thức bi thương này được nhận ra và đau thương được xoa dịu, lần tới khi tình yêu đến, nỗi sợ sẽ không còn đủ sức để phá hủy nó nữa.
Nguồn: THOSE WHO CANNOT FEEL LOVE UNTIL IT IS OVER
The School Of Life