Bạn có sợ sự thân mật không?

Nếu ta đang giới thiệu một người Sao Hỏa điển hình về cuộc sống trên Trái Đất, một trong những phức tạp khá buồn bã cần nhắc đến là: con người dường như không có năng lực tự nhiên để nhận ra họ đang yêu hay không.
Nếu ta đang giới thiệu một người Sao Hỏa điển hình về cuộc sống trên Trái Đất, một trong những phức tạp khá buồn bã cần nhắc đến là: con người dường như không có năng lực tự nhiên để nhận ra họ đang yêu hay không. Cảm xúc lớn lao nhất mà ta có thể cảm nhận lại cũng là điều mà chúng ta - một cách bi kịch - khó lòng nhận diện được sự tồn tại của nó.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một mối quan hệ, yêu mến người ấy theo nhiều cách, nhưng cũng đồng thời băn khoăn – có thể với sự ngờ vực ngày một rõ rệt – rằng liệu có nên tiếp tục cùng họ không. Có lẽ khi đã nảy sinh hoài nghi, bạn nghĩ rằng mình nên kết thúc tất cả. Nhưng chính suy nghĩ này lại bỏ qua một sắc thái đau đớn, thường dằn vặt lương tâm của bất kỳ ai hiểu đôi chút về tâm lý học: Liệu mình thực sự không muốn tiếp tục hay chỉ đơn thuần là sợ sự thân mật? Liệu mong muốn rời xa này có phải bằng chứng của sự thờ ơ hay ngược lại – chính là bằng chứng cho một tình cảm mãnh liệt đến mức khiến ta sợ hãi, đến mức muốn bỏ trốn?
Chúng ta phải cảm ơn những nhà tâm lý học tiên phong nửa sau thế kỷ 20 như John Bowlby, Erich Fromm, George Bach, David Shulman và Leslie Greenberg. Họ đều đưa ra một giả thuyết rằng con người bị chi phối bởi hai xu hướng trái ngược: vừa muốn gần gũi với người khác vừa muốn trốn tránh họ vì sợ sự thất vọng, mà nguyên nhân thường là một trải nghiệm thất vọng từ thời thơ ấu chưa được thấu hiểu và giải mã.
Giả thuyết này đẩy ta đến đối mặt với những nan đề của hiểu biết về bản thân. Ta có thể ngồi đối diện với người ấy trong bữa tối, cảm giác rằng có lẽ mình sẽ hợp với người khác hơn, nhưng đồng thời – ngoài ý thức – chính sự phù hợp của người ngồi trước mặt lại đang khuấy động một nỗi sợ sâu kín, bị đè nén trong ta.
Amedeo Modigliani, Reclining Nude, 1919
Làm sao để phân biệt rõ đâu là sự thờ ơ thực sự và đâu là sự sợ hãi sự thân mật? Có thể ta nên bắt đầu bằng cách tự hỏi mình một số câu hỏi sau đây:
1. Hãy hoàn thành câu sau: nếu ai đó hiểu tôi đến tận cùng, họ sẽ nghĩ rằng tôi là…
Một phần của việc muốn rời khỏi một mối quan hệ khi nó trở nên sâu sắc hơn có thể xuất phát từ nỗi lo sợ bị người khác nhìn thấu. Người ta càng hiểu mình bao nhiêu, họ càng có thể hoảng sợ trước những gì khám phá ra. Nỗi sợ sự thân mật, về bản chất, có thể là một niềm tin rằng bản thân mình không thể nào chấp nhận nổi.
2. Trong hai câu sau, điều nào bạn thấy đúng hơn?
a) "Người ta có thể tin cậy được"
b) "Người ta sẽ khiến mình thất vọng"
Đôi khi, mong muốn rời đi không phải vì chúng ta không thích đối phương, mà vì quá khứ không hề cho ta thấy rằng mọi người có thể trung thành hoặc tử tế dài lâu. Không phải sự dịu dàng của người ấy làm ta lo lắng – mà là nỗi sợ ngầm rằng sớm hay muộn điều đó sẽ tan biến, như những gì ta từng trải qua trước đây.
3. Nói chung, bạn có dễ cảm thấy hạnh phúc không?
Câu chuyện tình yêu của chúng ta nên được xem xét cùng với khả năng tận hưởng cuộc sống nói chung – ta có dễ dàng tìm thấy niềm vui trong những điều như kỳ nghỉ, món quà, tiền bạc, hay thành công không? Có khi niềm hạnh phúc lại khiến ta lo lắng, vì nó có thể từng gây ra sự ghen tị hoặc nỗi buồn nơi người thân trong quá khứ. Ta có thể thấy dễ dàng chấp nhận thất bại hơn là “mạo hiểm” để hạnh phúc.
4. Cảm giác muốn rời xa người ấy bắt đầu từ khi nào? Bạn đã từng rất yêu thích họ, hay là sự lạnh lùng chỉ xuất hiện khi họ thể hiện tình cảm với bạn?
Hãy xem xét kỹ thời điểm – liệu cảm giác khó chịu này chỉ mới xuất hiện gần đây hay đã có từ đầu? Vấn đề có khi không phải là không thích người ấy mà là không thể tha thứ cho họ vì một “lỗi lầm lớn”: dám mến mộ một người như mình. Có lẽ ta sẽ thấy tôn trọng họ trở lại nếu họ có thể nhìn nhận mình như chính mình tự thấy: chẳng đáng giá chút nào. Có khi vấn đề nằm ở sự ghét bỏ chính bản thân, chứ không phải ở đối phương.
5. Cha mẹ bạn có yêu thương vô điều kiện không, hay họ thường tỏ ra khó gần?
Tình yêu ở tuổi trưởng thành thường dựa trên những gì ta đã trải qua thời thơ ấu; quá khứ có thể đã dạy ta rằng những người thật sự đặc biệt là những người không dễ gần, không bày tỏ tình cảm nồng nhiệt, và luôn pha chút phán xét lạnh lùng trong mỗi cử chỉ yêu thương. Sai lầm của người bạn đời hiện tại có lẽ là vì họ không giống với hình mẫu “tình yêu đắng cay” mà ta từng biết. Sự tử tế ổn định của họ lại trở nên lạ lẫm và khiến ta thấy bối rối.
Lý thuyết về nỗi sợ sự thân mật đã mở ra những chiều phân tích mới về những gì có thể xảy ra trong tình yêu. Điều tích cực là giờ đây chúng ta có cách để diễn đạt nỗi lo này thay vì bị phán xét. Ta có thể tâm sự với người ấy rằng, thật ra, ta không hề muốn chạy trốn mà chỉ đang phải đấu tranh với cơn thôi thúc mãnh liệt nhưng sai lầm, muốn thoát khỏi cảm giác chấp nhận lạ lẫm này.
Và ngay cả khi không bị mắc kẹt trong chứng bệnh này, sự thấu hiểu về nó cũng giúp ích rất nhiều. Giờ đây, trên khắp thế giới, có hàng ngàn người không còn tin rằng họ bị bỏ rơi vì có gì đó sai lầm ở bản thân. Họ hoàn toàn ổn, thậm chí đúng đắn. Chỉ là họ đã gặp phải một trong những “kẻ phá bĩnh” đáng tiếc trong tình yêu: một kẻ sợ hãi sự thân mật.
Nguồn: ARE YOU AFRAID OF INTIMACY