Bạn đã từng rơi nước mắt khi cắt tóc bao giờ chưa?
Đây là lý do cho việc này.
Khi đưa ra một lời kêu gọi trên Instagram dành cho phụ nữ, đề nghị họ kể lại câu chuyện về cách mà mái tóc gây ảnh hưởng lên bản sắc cá nhân, tôi nhận được hơn 100 tin nhắn. Những câu trả lời cực kỳ đa dạng giúp tôi hiểu được rằng, mặc dù không tồn tại cái gọi là dầu gội phù hợp với mọi loại tóc, và cho dù không có cách nào để mọi chất tóc đều có dáng sóng lơi hoàn hảo, thì vẫn có một sự thật về tóc mà chúng ta có bằng chứng rõ ràng: Nó đóng một vai trò to lớn trong bản sắc cá nhân của chúng ta.
“Tóc là một phần của cơ thể mà chúng ta có thể biến đổi bất cứ khi nào ta muốn mà không gây ra bất cứ thiệt hại vĩnh viễn nào,” nhà tạo mẫu tóc từ Bumble and Bumble, Laurent Philippon, viết trong cuốn Hair: Fashion and Fantasy. “Chúng ta có thể buộc lên hay thả xuống, để phản ánh bản sắc cá nhân của mình, để thu hút sự chú ý, thể hiện một cá tính đã được lựa chọn từ trước hay để nắm bắt tâm trạng trong một khoảnh khắc.”
Năm 26 tuổi, Mariah Gill quyết định “cắt tóc ngắn”, đó là một cách để cho cả thế giới thấy rằng cô tự hào khi là một queer da đen. “Đây là một vấn đề cực kỳ lớn đối với tôi vì nó giúp tôi có được vẻ ngoài mà mình đã tìm kiếm bấy lâu. Một cách để ngay lập tức nói với cả thế giới rằng tôi là một gã đàn ông,” Gill nói, mô tả phong cách hiện tại của mình bằng một kiểu tóc xoăn ngắn với hai bên được cạo nhẵn.
“Kiểu tóc và những lễ nghi xung quanh việc chăm sóc và phục sức cho mái tóc truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, lối sống và sự tận tâm của một người,” Deborah Pergament nêu trong bài viết năm 1999 của bà trên tờ Chicago-Kent Law Review, với tựa đề “Không chỉ là tóc: Những suy xét về Lịch Sử và Văn Hóa đối với một Công Nghệ Đang Lên”. “Những suy luận và đánh giá về đạo đức, xu hướng tính dục, quan điểm chính trị, tôn giáo, và thậm chí trong một vài nền văn hóa là vị thế kinh tế xã hội của một người, đôi khi được phỏng đoán dựa vào một kiểu tóc cụ thể.” Đó là điều đã xảy ra 20 năm trước, và nó vẫn còn đúng cho đến ngày nay.
Mặc dù chúng ta thể hiện ra thế giới bên ngoài thông qua việc lựa chọn kiểu tóc; thì cùng lúc đó kiểu tóc ấy cũng ngầm thông báo rằng ta là ai; làm tôi nhớ đến cô nàng Hilary Sheinbaum 31 tuổi. Cô cắt đi 10 inch (25cm) tóc lần đầu tiên sau 15 năm để hiến tặng cho Locks of Love và nói rằng cô cảm thấy mình “trần trụi” khi lần đầu đứng trước gương với mái tóc ngắn.
Ý nghĩ rằng chúng ta đều cảm thấy điều gì đó về mái tóc của mình khi đứng trước gương đã ăn sâu vào tâm trí con người từ cả quan điểm xã hội và sinh học. Hóa ra, mối liên hệ giữa chúng ta và mái tóc là do di truyền và có ảnh hưởng sâu rộng (bạn khó có thể tìm được một nền văn hóa không coi trọng mái tóc theo cách nào đó). “Có vẻ như chúng ta được lập trình để cảm thấy có liên hệ tình cảm với mái tóc của mình,” tiến sĩ tâm lý học Vivian Diller cho biết. “Chúng ta liên kết nó với địa vị, sự giàu sang và hoàng gia từ thời cổ đại. Mái tóc dày và bồng bềnh luôn gắn với sức khỏe, sự gợi cảm và trẻ trung, vì thế nó tiếp tục mang ý nghĩa ấy với phụ nữ thời nay.”
Điều này cũng là hợp lẽ: Một ngày mà tóc tai rối bù không theo ý muốn đủ để làm hỏng tâm trạng của bất cứ ai, và một kiểu tóc tệ hại có thể khiến bạn cảm thấy tự ti nhiều tuần liền (…thử hỏi tôi về cái ngày tôi cắt tóc mái bằng kéo tỉa lông mày mà xem). Một nghiên cứu vào năm 2000 do Protect & Gamble ủy quyền đã phát hiện ra rằng lòng tự trọng của những người tham gia thí nghiệm giảm sút vào những ngày “tóc xấu”, và nỗi bất an của họ tăng lên. Mặt khác, có một vài điều có thể khiến bạn cảm thấy năng lượng hơn bao giờ hết - cứ nhìn vào thành công vang dội của DryBar mà xem, một công ty phân phối các sản phẩm liên quan đến tóc đã xây dựng hoạt động kinh doanh của mình dựa vào chính tiền đề trên.
Song những ngày tóc xấu và tóc đẹp chỉ là một phần của câu đố. Khi xem xét mức độ cực đoan của mối quan hệ giữa chúng ta và những lọn tóc của mình, không hề ngạc nhiên khi chứng rụng tóc - đang ngày càng gia tăng ở thế hệ phụ nữ millennial (gen Y) - có thể là một trải nghiệm đau đớn. Theo Hiệp Hội Rụng Tóc Hoa Kỳ, phụ nữ chiếm 40% trong tổng số người Mỹ phải chịu đựng chứng rụng tóc, và website của họ xác nhận rằng “rụng tóc ở phụ nữ có thể tàn phá hình ảnh và cảm giác hạnh phúc của người mắc bệnh.” Nhưng vì vấn đề này không mang tính sống còn, nên họ thường phải nghe những câu như “có gì to tát đâu” và rằng họ sẽ phải “học cách sống chung với nó.”
Tuy nhiên, bất cứ ai đã từng trải qua căn bệnh này đều có thể xác nhận rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. Kimberly Corson, 24 tuổi, người bắt đầu rụng tóc vào năm ngoái, cho biết: “Khi bác sĩ da liễu nói rằng tôi bị chứng hói đầu ở phụ nữ, tôi đã chực khóc - chuyện đó xấu hổ vô cùng. “Từ “hói” khiến tôi cực kỳ khó chịu, và ở thời điểm đó, tôi đã quá gắn bó và có kết nối mạnh mẽ với mái tóc của mình, thế nên ý nghĩ mất đi nó thực sự đau đớn.”
Phản ứng cảm xúc của Corson trước trải nghiệm này hầu như không phải là hiếm. “Cho dù nó xảy ra do hóa trị, thay đổi nội tiết sau sinh, căng thẳng hay thiếu hụt một chất nào đó, thì đối với phụ nữ rụng tóc là một trong những điều tệ hại nhất mà họ phải đối phó,” nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Martino Cartier cho biết. Ông người thành lập một tổ chức từ thiện với tên gọi Friends Are By Your Side, hoạt động trong lĩnh vực hiến tặng tóc giả cho các phụ nữ bị rụng tóc vì hóa trị. “Theo kinh nghiệm của tôi sau khi làm việc với hơn 1000 phụ nữ, điều này còn đau đớn hơn khoảnh khắc cô ấy biết mình bị ung thư,” ông nói. Một người sống sót sau căn bệnh ung thư vú mà tôi từng nói chuyện đã lặp lại chính xác quan điểm này, cô nói rằng điều tồi tệ nhất trong trải nghiệm này không phải lúc cô phát hiện ra mình bị bệnh, mà là ngày tóc cô bắt đầu rụng.
Ngoại trừ chứng rụng tóc thì mái tóc là thứ mà chúng ta có toàn quyền kiểm soát. Nó có thể được cắt đi, nhuộm màu và tạo kiểu theo bất cứ cách nào ta muốn, và chúng ta cũng có thể dùng nó để thao túng bản sắc cá nhân của mình vào bất cứ thời điểm nào. Chúng ta có thể để lộ những lọn tóc màu hồng vào buổi tối, và xuất hiện ở nơi làm việc vào sáng hôm sau với một búi tóc kiểu cách. Song mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta, mái tóc dường như cũng có những quyền năng ngược trở lại. Và mối quan hệ nhân quả này gần như không thay đổi.
Tiến sĩ Diller giải thích: “Phụ nữ đã đi một chặng đường dài để khiến vẻ ngoài chỉ là một trong nhiều khía cạnh đóng góp cho lòng tự tôn bản thân. Song mái tóc của chúng ta vẫn góp phần tạo nên cảm giác mãn nguyện nói chung.” Ngoài ra, mái tóc cũng đóng góp cho cảm nhận chung về bản dạng đích thực của ta. Đó là một cách để truyền đạt cảm xúc và gây ảnh hưởng lên cảm nhận của thế giới về chúng ta. Tóc không đơn thuần chỉ là tóc.
--------------------------------------------
Nguồn: Wellandgood.com
Tác giả: Zoe Weiner
Hình ảnh: MEHMET AYTEMİZ
Dịch bởi: Page Chỉ nói chuyện Tóc
CHỈ NÓI CHUYỆN TÓC (chuyên trang về tóc rất thú vị của 1 bạn trong team TLHTP) là nơi dành cho những ai quan tâm và yêu quý mái tóc - một bộ phận không chỉ thực hiện chức năng thuần túy, mà còn có ý nghĩa trong văn hóa và lịch sử trên khắp thế giới. Ngoài cung cấp các bài viết hàng ngày, Chỉ nói chuyện Tóc còn kinh doanh các sản phẩm chăm sóc tóc từ các hãng uy tín dưới dạng minisize, thuận tiện mang đi trong các chuyến du lịch ngắn ngày hay làm mẫu thử trước khi bạn quyết định mua size lớn.