Bạn đóng vai trò gì trong mối quan hệ của mình?

ban-dong-vai-tro-gi-trong-moi-quan-he-cua-minh

Một trong những gợi ý kỳ lạ nhưng hữu ích nhất từ tâm lý trị liệu – đặc biệt là nhánh Phân Tích Tương Giao

Một trong những gợi ý kỳ lạ nhưng hữu ích nhất từ tâm lý trị liệu – đặc biệt là nhánh Phân Tích Tương Giao (Transactional Analysis) – cho rằng, bên trong mỗi chúng ta luôn tồn tại ba “nhân cách” chính:

  • Một đứa trẻ,
  • Một bậc cha mẹ,
  • Và một người trưởng thành.

Ba phiên bản trong chúng ta

Hãy hình dung rõ hơn về ba nhân cách này:

  • Đứa trẻ thường yếu đuối, dễ tổn thương, ngây thơ, cần sự giúp đỡ và che chở. Nó phụ thuộc, không thể tự chăm sóc bản thân, và luôn mong mỏi sự dịu dàng, hỗ trợ, cũng như những quy tắc rõ ràng để dựa vào.
  • Ngược lại, bậc cha mẹ là biểu tượng của sức mạnh, kiểm soát, trách nhiệm. Nhưng họ cũng thường trách móc, phê bình và áp đặt – bị cuốn vào vòng xoay của công việc và những lo toan.
  • Trong khi đó, người trưởng thành lại bình tĩnh, sáng suốt, cân bằng, không quá yếu đuối cũng chẳng quá cứng nhắc. Họ sáng tạo, thấu hiểu và biết cách giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan.

Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta có thể chuyển đổi dễ dàng giữa ba nhân cách này. Trong một mối quan hệ lành mạnh, cả hai người đều linh hoạt di chuyển qua lại giữa các vai trò: phần lớn thời gian là người trưởng thành, nhưng khi cần, biết cách trở về làm một đứa trẻ yếu đuối hay hóa thân thành bậc cha mẹ vững vàng.

Những chuyển đổi cần thiết trong tình yêu

Khi chúng ta buồn bã hoặc gặp áp lực, điều quan trọng là biết cách “trở thành đứa trẻ” một lần nữa: thể hiện nhu cầu, nhờ cậy sự giúp đỡ, thu mình lại, trở nên nhỏ bé, và tin rằng đối phương sẽ đáp lại bằng sự dịu dàng, an ủi – mà không sợ bị công kích hay coi thường.

Ngược lại, cũng sẽ có lúc đối phương – người vốn luôn hành xử như một người trưởng thành – rơi vào khủng hoảng và trở nên yếu đuối, trẻ con. Khi đó, chúng ta cần bước lên và đóng vai trò bậc cha mẹ: trở nên điềm tĩnh, vững vàng, bao dung với những giây phút bốc đồng hay yếu mềm của đối phương, đủ bình tĩnh để biết rằng họ rồi sẽ quay lại với sự trưởng thành và tự chủ mà ta vẫn mong đợi.

Nếu một cặp đôi có con nhỏ, sẽ có những khoảng thời gian dài họ đều phải trở thành “bậc cha mẹ”. Nhưng khi lũ trẻ đã yên giấc, họ có thể quay về làm những đứa trẻ ngây thơ, nghịch ngợm; hoặc một người trưởng thành dịu dàng chăm sóc cho phần “trẻ con” dễ tổn thương của người kia.

Khi vai trò bị mắc kẹt

Vấn đề nảy sinh khi một trong hai (hoặc cả hai) bị mắc kẹt ở một vai trò cố định: họ chỉ có thể là đứa trẻ, hoặc chỉ mãi là bậc cha mẹ, hay chỉ luôn giữ vai trò người trưởng thành.

Có những mối quan hệ mà ở đó, một người luôn là “đứa trẻ” trong khi người còn lại mãi mãi là “bậc cha mẹ”. Một bên thì lúc nào cũng vô tư, đôi chút vô trách nhiệm, nghịch ngợm. Họ bỏ đồ đạc bừa bãi, không bao giờ nhớ đặt lịch học lái xe, không đưa đồ ra tiệm giặt ủi, quên mua đồ ăn, thậm chí làm mất chìa khóa. Những hành vi đó đôi khi rất dễ thương (khi ta đang trong tâm trạng thoải mái), nhưng thật khó để tin tưởng họ trong việc gánh vác trách nhiệm.

Ở phía đối diện, vai trò “bậc cha mẹ” xuất hiện: người này luôn nhắc nhở, chỉ dạy; họ giỏi giang, đầy trách nhiệm nhưng luôn căng thẳng. Họ thay phiên giữa việc chiều chuộng “đứa trẻ” kia và cảm thấy bực bội, nghiêm khắc với họ. Đồng thời, họ thường không dám tiếp cận phần “trẻ con” của chính mình. Họ buộc phải tỏ ra mạnh mẽ, luôn làm “mẹ” hoặc “bố”, và chẳng bao giờ dám trở thành một đứa trẻ nhỏ bé.

Tại sao chúng ta bị mắc kẹt trong vai trò của mình?

Chúng ta thường bị mắc kẹt vì những tổn thương trong quá khứ khiến việc chuyển đổi vai trò trở nên khó khăn hoặc đáng sợ.

  • Có những người mãi mắc kẹt trong vai trò “đứa trẻ” vì họ cảm thấy trưởng thành là điều không thể vượt qua. Có thể họ từng lớn lên trong sự yêu thương quá mức từ cha mẹ – những người không chấp nhận việc họ lớn lên. Họ chỉ được yêu khi mãi giữ vai trò “em bé”.
  • Hoặc, họ buộc phải ở lại trong vai trò trẻ con vì nếu dám thể hiện sự độc lập và tự hào về chính mình, họ sẽ bị cha mẹ tức giận, chỉ trích hoặc làm nhục.
  • Ngược lại, có những người từ bé đã phải đối mặt với quá nhiều nỗi đau và bất an. Họ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, nên ý tưởng “trở nên nhỏ bé” – ngay cả chỉ trong vài giờ – là điều không thể chấp nhận. Họ cảm thấy an toàn khi làm “bố” hoặc “mẹ”, nhưng không bao giờ dám trở về làm “em bé”.

Cách duy nhất để thoát khỏi những vai trò cố định này, như mọi khi, là sự tự nhận thức và sự trung thực trong mối quan hệ. Những vấn đề tưởng chừng phức tạp sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi chúng ta ý thức được chúng và đưa chúng ra để trò chuyện.

Thừa nhận rằng mình là một đứa trẻ sợ hãi việc trưởng thành, hay là một “bậc cha mẹ” không dám làm trẻ con, không phải là một lời thú tội kỳ quặc. Trái lại, đó là dấu hiệu của một người đang dần tiến tới sự trưởng thành đích thực – và trên hành trình trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình.

Nguồn: WHAT ROLE DO YOU PLAY IN YOUR RELATIONSHIP? – The School Of Life

menu
menu