Bạn Là Cừu Hay Là Chó Chăn Cừu?

ban-la-cuu-hay-la-cho-chan-cuu

Theo Grossman, toàn bộ loài người có thể phân thành ba nhóm: cừu, sói, và chó chăn cừu.

Vào tháng 12 năm 2012, người đàn ông 58 tuổi tên Ki Suk Han bị đẩy ngã xuống đường ray xe lửa ở thành phố New York. Dù còn 60-90 giây nữa mới có tàu tới, nhưng một nhóm tận mười tám người bàng quang chỉ đơn giản là đứng trên sân ga và nhìn con tàu lao vào người đàn ông. Một trong số đó, một phóng viên ảnh tự do của một tờ báo New York, còn có cả thời gian để ghi lại những giờ khắc cuối cùng của Han.

Sáu tháng trước đó, một người phụ nữ 49 tuổi có tên Patricia Villa từng bị xô xuống cùng một đường ray xe lửa với ông Han. Một trong số những người bạn học của bà, Luis Polanco, đã đuổi theo kẻ tấn công, cho hắn một đấm, và rồi, khi nghe thấy tiếng những người khác hô cứu bà Villa và rằng tàu đang lao tới, ông đã quay lại và gia nhập vào nhóm người kéo bà ra khỏi đường ray xe lửa.

Hai tình huống trên đây gần như giống hệt nhau. Trong câu chuyện đầu tiên, những người ngoài cuộc chỉ đứng nhìn và không làm gì cả khi người đàn ông bị chết. Còn trong câu chuyện thứ hai, họ đã tiến lên để cứu một mạng người. Tại sao có những người lại đứng như trời trồng và phản ứng một cách thụ động khi sự việc khủng khiếp xảy ra, trong khi những người khác lại hành động? Tại sao có những người lại chạy trốn khỏi hiểm nguy và những người khác lại chạy về phía nó?

Tại sao một số người là cừu còn những người khác lại là chó chăn cừu?

Còn bạn, bạn là ai?

Cừu, Sói, và Chó chăn cừu

Năm ngoái tôi đăng ký một khóa học về súng ngắn tại Học viện Bắn súng Hoa Kỳ ở Tulsa. Trong một lần nghỉ giải lao, vị huấn luyện viên vạm vỡ, để ria mép có tên Dave Grossman của chúng tôi đã chia sẻ quan điểm của một trung tá quân đội đã về hưu đồng thời là một nhà văn, và mang tới cho tôi rất nhiều ý tưởng thú vị.

Theo Grossman, toàn bộ loài người có thể phân thành ba nhóm: cừu, sói, và chó chăn cừu.

Cừu

Hầu hết mọi người đều là cừu. Grossman không hề sử dụng từ này theo lối miệt thị, ông chỉ đơn giản muốn đề cập đến yếu tố rằng hầu như phàm là con người ai cũng tử tế, hiền lành, và yêu hòa bình. Những xung đột và tình thế khó xử về mặt đạo đức mà họ thường đối mặt hiếm khi nào lại phát triển tới mức độ sống còn, cái tốt chống lại cái xấu. Hầu như mọi người đều đối mặt với những thách thức mà mang đến sự phiền hà nhiều hơn là cơn khủng hoảng thực sự. Và khi mà họ phải đối mặt với những xung đột, họ thường cố gắng làm điều đúng đắn, tránh xa việc gây nên sóng gió, và thể hiện những hành vi thuận xã hội (prosocial behavior).

Mặc dù hầu hết mọi người đều là người tử tế và tốt bụng, họ đơn giản là không biết làm cách nào để đối đầu với những người độc ác và nguy hiểm bởi vì họ hầu như không chạm trán và tương tác với những đối tượng này trong cuộc sống thường nhật. Giống như loài cừu, họ chỉ qua lại với những người giống như mình và làm những việc mà những người khác vẫn làm. Họ bằng lòng với việc sống trong một xã hội của những lệ thường và có thể đoán định trước. Khi họ sống và ‘nhởn nhơ gặm cỏ’, họ không thể hình dung ra được có thứ gì lại quấy nhiễu sự yên bình và những thói quen thường nhật của họ, họ tưởng tượng rằng mỗi ngày sẽ diễn ra y hệt như ngày hôm trước. Và cũng giống như lũ cừu, hầu hết mọi người đều lệ thuộc vào người khác để được bảo vệ và chăm sóc cho họ và giữ cho cái thế giới tương đối bình yên xung quanh mình vận hành trơn chu, đó có thể là cảnh sát, quân đội, hay một cơ quan chính quyền nào đó.

Sói

Sói là kẻ xấu. Chúng thường tồn tại trong bóng tối bên ngoài khe hở của cái vòng tròn an toàn bao quanh bầy cừu. Lũ sói là những kẻ tâm thần phạm vào tội ác bạo lực hay phớt lờ lương tâm hoặc những ranh giới đạo đức mà không bị trừng phạt. Bọn chúng hưởng lợi từ khuynh hướng ngây ngô trước tội ác, không phòng bị trước sự tấn công, và ngay đơ khi khủng hoảng phát sinh của bầy cừu. Điều này cho phép những kẻ độc ác, theo như lời của Grossman, “ăn tươi nuốt sống [lũ cừu] mà không thương tiếc.”

Theo Grossman, một tỷ lệ nhỏ dân số có thể được miêu tả là những “con sói” thực thụ. Ông cho rằng con số này vào khoảng 1%.

Chó chăn cừu

Chó chăn cừu là những kẻ bảo vệ của xã hội. Bản thân Grossman không khiến điều này (hay những nhóm phân loại khác) sâu sắc đến thế, nhưng khi đọc về vai trò của “chó canh gác” (livestock guardian dog – LGD), tôi nhận thấy được sự miêu tả chính xác một cách kỳ lạ về những con người trong vai chú chó chăn cừu.

Dù cả chó chăn gia súc (herding dog) và chó canh gác (LGD) đều được biết đến với tên gọi là chó chăn cừu, vai trò của chúng lại tương đối khác nhau. Loại đầu tiên thì sủa, cắn nhẹ, và trông chừng đàn gia súc để tập trung chúng lại và buộc chúng di chuyển theo hướng nhất định. Mặt khác, chó canh gác, sống với đàn gia súc trong toàn bộ thời gian, cho phép chúng hòa nhập vào bầy gia súc và bảo vệ bầy khỏi kẻ xâm phạm. Chó canh gác được đưa vào sống chung với bầy gia súc kể từ khi chúng còn bé để chúng “ghi nhớ” những con vật mà chúng có trách nhiệm chăm nom và bảo vệ. Với sự gắn kết chặt chẽ, chó canh gác sẽ nhận thức những giống loài khác như là kẻ xâm lược và bảo vệ những con vật mà chúng quen thuộc khỏi những kẻ thù ngoại bang tiềm tàng này.

To lớn và đầy che chở, chỉ nguyên sự hiện diện của một con chó canh gác trong bầy thôi cũng có thể làm nhụt chí kẻ thù, và những kẻ dám cả gan tiến đến gần bầy hơn thường sẽ cong đuôi bỏ chạy khi mà con chó này thể hiện sự công kích của nó thông qua tiếng sủa và gầm gừ đe dọa. Theo như Wikipedia: “Chó canh gác hiếm khi giết chết kẻ xâm lược; thay vì vậy, hành vi tấn công của chúng có khuynh hướng khiến con thú ăn thịt tìm kiếm những con mồi không được bảo vệ khác (những con vật không phải gia súc). Ví dụ, trong Vườn quốc gia Gran Sasso ở Ý nơi mà chó canh gác và chó sói cùng chung sống trong nhiều thế kỷ, những con sói già và lão luyện hơn dường như ‘hiểu’ rất rõ những con chó canh gác và để cho bầy gia súc của chúng được yên.”

Nếu như một con dã thú không chùn bước trước sự xuất hiện của con chó canh gác, thì nó sẵn sàng tấn công và chiến đấu với con dã thú kia cho đến chết. Và con chó canh gác không chỉ đơn giản chờ đợi một con thú ăn thịt xuất hiện và cố phá hoại bầy gia súc của nó – nó còn tích cực đi tuần trên lãnh thổ của mình, tìm kiếm con thú săn mồi và có khi còn nhử chúng để săn đuổi chúng nữa. Và bất chấp sự hung dữ của mình, chó canh gác là loài vật trung thành, một người bạn đồng hành dịu dàng, và đặc biệt là rất bảo vệ trẻ em.

Theo như Wikipedia, “Ba tính cách nổi bật nhất của một con chó canh gác là đáng tin cậy, chu đáo, và biết che chở - đáng tin cậy ở chỗ chúng không hề chạy lung tung và không hề hung dữ với bầy gia súc, chu đáo ở chỗ chúng luôn nhận biết được mối đe dọa của loài dã thú trong từng tình huống, và biết che chở ở chỗ chúng sẽ cố gắng xua đuổi con dã thú đi xa khỏi bầy gia súc.” Điều thực sự thú vị ở đây là việc những sinh vật có tính bầy đàn này có thể đóng những vai khác nhau tùy theo sự khác biệt trong tính cách của chúng:

“Hầu hết [gắn] liền với bầy, những con khác có khuynh hướng đi theo người chăn cừu hoặc chủ trại gia súc khi họ có mặt ở đó, và một số khác thì tha thẩn xa hơn khỏi bầy. Những vai trò khác nhau thường bổ sung cho nhau ở khía cạnh bảo vệ bầy đàn, và những người chủ trại gia súc và người chăn cừu có kinh nghiệm đôi khi lại khuyến khích sự khác biệt này bằng việc điều chỉnh lại kỹ năng tương tác của chúng nhằm tăng cường tính hiệu quả của đàn chó khi đối mặt với những đe dọa cụ thể đến từ loài thú ăn thịt. Những con chó canh gác theo sát bầy gia súc nhất đảm bảo rằng một con chó sẽ có mặt nếu có kẻ tấn công, trong khi những con chó canh gác mà tuần tra ở bên ngoài đàn gia súc thì ở vào vị trí giữ cho kẻ thù cách bầy một khoảng cách an toàn. Những con chó chăm chú hơn sẽ cảnh báo cho những con khác thụ động hơn nhưng có thể cũng đáng tin cậy và ít hung dữ hơn với đàn gia súc.”

Vai trò của những người trong vị trí “chó chăn cừu” gần như đúng với phiên bản loài chó. Giống như loài chó chăn cừu thực thụ, họ sống chung với bầy – là một thành phần trong đó, và vẫn có sự khác biệt và riêng biệt. Họ bảo vệ ở vòng ngoài và cảnh giác canh chừng những “con sói” độc ác. Sự hiện diện của họ cũng có thể giữ cho những kẻ xấu quay sang cắn nhau thay vì nhắm vào những công dân tôn trọng pháp luật, nhưng nếu như những kẻ xấu thật sự tấn công, những người trong vai chó chăn cừu sẽ chú ý tới và sẵn sàng chiến đấu. Họ được chuẩn bị để chống lại kẻ làm hại những người khác, nhưng ngoài thời điểm rối ren, họ luôn hiền lành và đáng tin cậy. Grossman mô tả những người trong vai chó chăn cừu là những cá nhân mà có khả năng hành xử một cách thô bạo nhưng đồng thời cũng là cá nhân có đạo đức và “yêu thương sâu sắc những người bạn công dân [của họ].” Sự gan dạ và dũng cảm của họ mang tới cho họ năng lực “đi vào trong lòng bóng tối, vào nỗi ám ảnh của toàn thể loài người, và bước ra mà không hề hấn gì.”

Bầy cừu thường thấy lũ chó chăn cừu thật phiền phức những khi sóng yên gió lặng. Ví dụ như, hầu hết mọi người đều kêu ca về giới cảnh sát khi họ nhận vé phạt vì những lỗi vi phạm giao thông nhỏ. Nhưng khi một con sói xuất hiện, và cảnh sát bắt hắn, thì sự phàn nàn chấm dứt và người ta lại đứng dàn hàng trên phố, hoan hô các chiến sĩ công an, và dành cho họ những lời khen ngợi.

Và cũng giống như sói, chó chăn cừu chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ dân số. Grossman cho rằng nhóm tinh nhuệ này chỉ chiếm khoảng 1%.

Thể Liên Tục Cừu/Chó Chăn Cừu

Grossman cho rằng “việc trở thành cừu hay chó chăn cừu không phải là sự lưỡng phân giữa có và không.” Thay vì vậy đó là một thể liên tục. Một số người sống ở cực đầu của cái quang phổ và hoàn toàn là một con cừu thụ động hoặc một chiến binh cứng rắn tột bực. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nằm đâu đấy ở lưng chừng.

Cái tính “cừu” hay “chó chăn cừu” của bạn cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bối cảnh. Tôi có biết những người hành động như một con chó chăn cừu dữ tợn trong một tình huống này, nhưng lại làm con cừu thụ động trong một tình huống khác. 

Chó Chăn Cừu Là Do Rèn Luyện Mà Có, Chứ Không Phải Bẩm Sinh

Trở thành chó chăn cừu không phải là vấn đề bẩm sinh; mà đấy là sự lựa chọn - vấn đề của việc rèn luyện tinh thần và thể lực. Thực ra, như chúng ta sẽ thấy trong những bài viết sau của tôi, chúng ta đã được lập trình sẵn về mặt tâm lý và xã hội để trở thành cừu. Để có thể làm chó chăn cừu, bạn cần phải có ý thức trong việc quyết định làm như vậy và rồi từ từ nâng cấp “phần cứng” tâm lý, thể chất, và cả cảm xúc của bạn từ phiên bản Cừu 1.0 thành Chó chăn cừu 2.0.

Những Con Chó Chăn Cừu Có Lương Tâm Và Đạo Đức

Như đã nói ở phần đầu, tôi đã suy nghĩ về hệ biến hóa cừu/chó chăn cừu/sói này suốt một thời gian. Cái suy nghĩ này thôi thúc tôi học hỏi các kỹ năng tự vệ có vũ trang lẫn không vũ trang. Tôi không muốn trở thành một con cừu. Tôi muốn làm chó chăn cừu và có năng lực bảo vệ gia đình và những người thân yêu của mình khỏi những con sói có lẽ đang lảng vảng đâu đó ngoài kia.

Trong khi Grossman sử dụng phép loại suy về cừu/chó chăn cừu/sói của ông để giải thích về những xung đột bạo lực, tôi cho rằng nó còn thích hợp khi áp dụng vào những mâu thuẫn về mặt đạo đức và lương tri mà chúng ta gặp phải trong công việc và trong cả cộng động của mình nữa. Một trong những chương trình truyền hình yêu thích nhất của tôi là American Greed trên kênh CNBC. Kể từ khi tôi biết tới phép loại suy của Grossman, tôi không có cách nào khác ngoại trừ việc chứng kiến nó được thể hiện trong chương trình truyền hình này. Đó là khi có một số người là sói lợi dụng những kẻ ngây thơ – cừu - bằng mưu đồ lường gạt tiền bạc của họ. Sự lừa gạt này diễn ra trong nhiều năm bởi vì không một ai làm điều gì để chấm dứt nó, ngay cả khi họ nhận thấy rằng có điều gì đó không đúng. Không có gì xảy ra cho tới khi một người dũng cảm – chó chăn cừu – hành động khiến kẻ xấu bị đưa ra pháp luật.

Và dĩ nhiên chúng ta cũng nhìn thấy tình trạng “bịp bợm” tương tự như vậy diễn ra trên một quy mô lớn hơn - cuộc khủng hoảng tài chính và bất động sản gần đây, là một ví dụ, ập đến bởi hàng tấn hành vi dối trá được hàng ngàn người chúng kiến, nhưng chỉ rất ít người mới dám lên tiếng.

Trở Thành Chó Chăn Cừu

Trong khi những những người làm việc trong ngành quân đội, công an hay trong các đội cứu hộ hay phản ứng nhanh có trách nhiệm về mặt nghề nghiệp để trở thành chó chăn cừu, thì mọi người nên cố gắng để trở thành chó chăn cừu hơn là làm cừu trên vạch quang phổ. Thế giới này cần những con người sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và đứng lên chống lại sự bất lương để cứu giúp những người khác và gìn giữ những điều tốt đẹp trong cộng đồng của họ.

Dù cho trong khi hệ biến hóa cừu/chó chăn cừu đã trở nên phổ biến và được biết đến nhiều hơn vào ngày nay, tôi vẫn chưa thực sự thấy nó được giải thích xa hơn ngoài việc phân loại và chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Nhưng tại sao mà hầu hết mọi người đều là cừu? Và làm thế nào để bạn có thể trở thành chó chăn cừu? Tôi cho rằng đây là những câu hỏi thú vị và quan trọng cần được trả lời, nên trong thời gian tới tôi sẽ đưa ra một số sự giải thích hợp lý cho việc vì sao cái tính cừu lại là thâm căn cố đế trong mỗi chúng ta, cũng như những phương thức để vượt qua cái khuynh hướng này và trở thành chó chăn cừu.

Vào ngày 19/2/2012, một nhóm mười sáu vận động viên trượt tuyết và trượt tuyết ván hàng đầu nước Mỹ đã vượt cánh cổng của khu trượt tuyết Stevens Pass và tấm biển cảnh báo “đi tiếp sẽ gặp nguy hiểm.” Thuộc rặng núi Cascade ở Washington, điểm đầu cuối là vùng đất xa xôi hẻo lánh có tên gọi Tunnel Creek, vốn nổi tiếng với không gian rộng mở, mặt tuyết trắng mịn, và mặt dốc đứng cao 3000 feet đầy ngoạn mục, nhưng nó cũng được biết đến với những trận lở tuyết thường xuyên xuất hiện. Điều kiện thời tiết của ngày hôm đó rất đáng quan ngại trên cả một vùng rộng lớn: dự báo thời tiết đánh giá nguy cơ lở tuyết ở mức “đáng kể tới cao” với “có thể lở tuyết do con người gây ra.” Nhưng một trận bão vừa đổ xuống hàng tấn tuyết mới và phủ dày khắp rặng núi, và các thành viên trong nhóm không muốn bỏ lỡ niềm phấn khởi khi vừa được trượt tuyết vừa được gặp gỡ nhiều vận động viên hàng đầu đến vậy.

Dù vậy, khi các vận động viên leo lên tới đỉnh của ngọn Tunnel Creek, rất nhiều người cảm thấy e sợ. Như là John Branch viết trong bài báo đặc biệt trên tờ New York Times:

Nỗi lo lắng thầm lặng lan ra giữa những người không mấy quen thuộc với đường trượt xuống. Một số ít người trong nhóm thấy sợ hãi. Những con người này tham gia trải nghiệm ở mọi hình thức - trượt tuyết, trượt ván tuyết, lái xe chạy bằng máy trên tuyết và băng, và leo núi – lo lắng về việc con dốc có thể chịu được sức nặng bao nhiêu trước khi nó sụt xuống. Họ lo lắng về việc những người ở phía trên họ có thể gây ra lở tuyết. Khi mà đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh như vậy, đông người thường không đồng nghĩa an toàn.”

Tuy vậy, không một ai lên tiếng về mối quan ngại của mình. “Nếu như tôi là người quyết định, tôi sẽ không bao giờ đi tới nơi hẻo lánh như thế để trượt tuyết với 12 người [một vài người trong nhóm đã tách ra],” Megan Michelson, phóng viên của kênh truyền hình ESPN và là một thành viên của nhóm Tunnel Creek nhớ lại. “Có nhiều người ở đó quá. Nhưng đó gần như là một loại động lực mang tính xã hội – nơi mà tôi không muốn là người duy nhất lên tiếng, bạn biết đấy, ‘Này, nhóm này đông quá và tôi không muốn làm thế này đâu.’ Tôi được một người khác mời đến, nên tôi không muốn lên tiếng và làm mọi chuyện rối tung hết.” Những thành viên khác của nhóm cũng thấy lo lắng, nhưng họ tự nhủ rằng những chuyên gia của nhóm (bao gồm cả giám đốc marketing của Stevens Pass) sẽ không làm thế nếu thiếu an toàn. Rất nhiều người trong nhóm đã tới đây để trượt tuyết nhiều lần, và những người mới nghĩ rằng họ chỉ cần đi theo người dẫn đầu là được. “Làm gì có chuyện cả một nhóm như thế này lại có thể đưa ra một quyết định kém thông minh được,” nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh các vận động viên trượt tuyết Keith Carlsen tự nhủ. “Dĩ nhiên là không sao cả nếu tất cả chúng ta cùng trượt xuống. Mọi chuyện buộc phải ổn thôi.”

Khi những vận động viên trượt tuyết và trượt tuyết ván bắt đầu trượt xuống, họ gây ra một trận lở tuyết lớn; 7000 mét khối và 5500 tấn tuyết bắt đầu đổ ập xuống sườn núi với tốc độ 70 dặm một giờ. Năm người trong nhóm bị thổi bay, ba trong số đó chịu nhiều thương tích nghiêm trọng dẫn tới tử vong.

Sau tấn thảm kịch, những người còn sống sót, Branch viết, đối diện với câu hỏi khó khăn:

“Họ tự hỏi rằng tại sao họ đã nhận thức tất cả những dấu hiệu nguy hiểm, bắt đầu từ dự báo có lở tuyết khi ngồi uống cà phê vào buổi sáng hôm đó, nhưng lại không hành động đủ để trì hoãn hoặc ngăn cản chuyến đi này… Họ tự hỏi tại sao nhiều người thông minh, giàu kinh nghiệm đến thế lại có thể đưa ra những quyết định như vậy và cuối cùng lại khiến những cuộc đời tốt đẹp, phong phú và đáng ganh tị bị chôn vùi dưới đống tuyết.”


***
Trong bài trước chúng ta đã thảo luận về hệ biến hóa được nhắc đến bởi vị trung tá quân đội Dave Grossman rằng loài người có thể được phân thành ba nhóm: cừu, chó chăn cừu, và sói. Sói là những kẻ xấu trong thế giới này, những kẻ tâm thần độc ác luôn tìm cách hãm hại và lợi dụng người khác. Chó chăn cừu là những người canh gác và bảo vệ của xã hội, những người không sợ hãi khi phải đứng lên vì lẽ phải, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ sẽ phải chống lại đám đông, và đủ dũng cảm để đối mặt với hiểm nguy và cứu những người khác. Grossman cho rằng những người hoàn toàn là sói hoặc hoàn toàn là chó chăn cừu chỉ chiếm một phần nhỏ xíu trong toàn bộ dân số của chúng ta – khoảng 1% mỗi loại.

Phần còn lại nằm ở trong thể liên tục cừu-chó chăn cừu, với phần lớn dân số chắc chắn nằm về phía cừu. Gần như tất cả chúng ta đều là cừu, theo như lời của Grossman, cho dù ông hoàn toàn không có ý xúc phạm gì ở đây – ông chỉ muốn nói rằng hầu hết mọi người đều muốn hòa đồng với những người khác, nghiêng về việc tuân theo đám đông và không mong muốn gây nên sóng gió, và thường không hay đối mặt với nguy hiểm hay những tình huống vô đạo đức thực thụ và do đó không biết phải xử lý như thế nào nếu rơi vào những hoàn cảnh như thế.

Dù vậy, hầu như mọi người đều cho rằng họ là chó chăn cừu, bằng chứng nằm ngay ở những lời bình luận dưới bài viết đầu tiên của loạt chủ đề này. Chỉ rất ít người mới có thể thừa nhận rằng họ là cừu. Nhưng điều đó chẳng có gì phải lấy làm xấu hổ. Tất cả chúng ta đều mang tính cừu cả về mặt sinh học, tâm thần và xã hội. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về khuynh hướng tự nhiên, tính phổ biến rộng khắp, và những nguyên nhân dẫn đến “tính cừu” của con người, cho phép ta có thể tìm ra cách làm thế nào rèn luyện bản thân vượt qua khuynh hướng tự nhiên này. Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy tám lý do, hay chính xác hơn, là những khái niệm về xã hội học và tâm lý học, khiến chúng ta tuân theo thay vì dẫn đầu.

1. Chúng Ta Bị Ảnh Hưởng Bởi Thiên Kiến Bình Thường

Khi những sự kiện nguy hiểm hay không được mong đợi xảy ra, bạn có thể cho rằng sự phản ứng tự nhiên của chúng ta sẽ là lao vào hành động và chống lại hoặc là chạy trốn. Nhưng không phải vậy. Thay vì thế, ta thường phản ứng trước một cơn khủng hoảng bằng cách không làm gì hết cả; chúng ta chỉ có ngồi đó và hành xử như thể mọi chuyện vẫn ổn – ngay cả khi có người sắp chết quanh ta. Nói tóm lại, khuynh hướng tự nhiên của ta là thể hiện như con cừu trước bi kịch.

Các chuyên gia của đội cứu hộ khẩn cấp gọi cái khuynh hướng hành xử như thể mọi việc vẫn ổn trước những cú sốc tinh thần này là “phủ nhận sự hoảng loạn.” Các nhà tâm lý học gọi đó là thiên kiến bình thường (normalcy bias) hay hội chứng não đóng băng. Bộ não của chúng ta được dẫn dắt theo cách khiến ta cho rằng sự việc vẫn luôn diễn ra như bình thường và có thể dự đoán trước ở mọi thời điểm. Khi sự việc không được như bình thường, bộ não của chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để xử lý. Thay vì lao vào hành động khi có điều gì đó không như mong đợi diễn ra, tâm trí của ta gần như là giũ bỏ thực trạng này và suy luận rằng những gì đang diễn ra không đến nỗi tồi tệ đến thế, bởi vì những sự kiện thật sự tồi tệ thì quá đỗi xa vời so với bình thường. Nhiều người chứng kiến những sự kiện khủng khiếp đã nói rằng chúng có cảm giác không thật, như thể họ đang xem một bộ phim và nó không thực sự xảy ra.

Cựu lính cứu hỏa 33 tuổi Jack Rowley nhận thấy thiên kiến bình thường diễn ra ở một mức độ quá thường xuyên tại những quán bar ở Columbus, Ohio. Các trận cháy diễn ra thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên ở các quán bar vào tối thứ Bảy và bất kỳ khi nào Rowley xuất hiện, anh đều thấy khói nhanh chóng bao trùm cơ sở kinh doanh. Nhưng thay vì tình trạng cực kỳ náo loạn, anh thấy mọi người chỉ ngồi bên quầy bar “mà nốc bia.” Khi anh yêu cầu họ sơ tán và các vị khách sẽ bảo với anh rằng, “Không, chúng tôi vẫn ổn.”

Các nhà nghiên cứu viết bài trong tạp chí chuyên đề Journal of Fire Protection Engineering khẳng định rằng những gì Jack Rowley chứng kiến ở những quán bar tại Columbus thường là cách mà mọi người phản ứng trước hỏa hoạn:

Hành vi thực tế của con người trong hỏa hoạn có đôi chút khác biệt với khung cảnh ‘hoảng loạn.’ Điều thường quan sát được là một sự phản ứng thờ ơ. Con người ta thường tỏ ra điềm tĩnh trong các trận cháy, phớt lờ hoặc trì hoãn phản ứng của mình.”

Thiên kiến bình thường cũng là thứ ngăn cản mọi người thực hiện những sự đề phòng thích hợp khi những cơn bão lớn như là bão nhiệt đới hay lốc xoáy ập đến. Họ nhìn và nghe thấy những cảnh báo về thảm kịch, nhưng không hành động bởi vì họ nghĩ rằng, “Ôi, mình đã thấy cảnh báo này trước đây và hồi ấy chẳng có gì xảy ra cả. Mọi thứ sẽ diễn ra như bình thường mà thôi.” Nhiều nạn nhân của cơn bão Katrina đã bị thiệt mạng bởi cái thiên kiến bình thường này. Chắc chắn, họ đã nghe thấy cảnh báo về thiên tai, nhưng họ lờ đi, nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn cả - họ đã vượt qua mọi cơn bão trước đó đấy thôi.

Hiện tượng này cũng ngăn cản mọi người khỏi việc chuẩn bị cho bản thân trước những tình thế khẩn cấp khi họ nhìn thấy tai họa xảy ra ở những vùng miền khác của đất nước hay trên thế giới. “Khủng khiếp, khủng khiếp,” họ nói thế khi mặt trời tỏa nắng và chim hót líu lo bên ngoài khung cửa sổ nhà mình. “Nhưng nó sẽ không bao giờ xảy ra ở đây.”

Sự xuất hiện khó quên nhất của thiên kiến bình thường là trong cuộc va chạm máy bay vào năm 1977 làm chết 583 người. Hai chiếc máy bay 747 khổng lồ đâm vào nhau ngay phía trên đường băng của một hòn đảo nhỏ ở Tenerife. Sau cú va chạm, một chiếc máy bay lộn nhào xuống mặt đất và nổ tung, làm chết toàn bộ 248 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay.

Chiếc máy bay còn lại rơi xuống mặt đất, nhưng không nổ. Cú va chạm làm đứt mất phần đầu máy bay và lửa bắt đầu bùng lên khắp thân máy bay. Các hành khách sống sót sau vụ va chạm có thể thoát khỏi máy bay mà không chịu thương tổn gì, nhưng họ cần phải hành động gấp. Paul Heck, một hành khách trên chiếc máy bay bốc cháy, lao vào hành động. Ông tháo dây an toàn, tóm lấy tay vợ mình, chạy trối chết về phía cửa ra gần nhất. Họ, cùng với 68 hành khách khác, đã thoát nạn, trong khi 328 người còn lại thiệt mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn sau tai họa này, ông Heck nhấn mạnh việc hầu như mọi người chỉ ngồi yên trên ghế của mình và hành xử như thể mọi thứ vẫn ổn sau cú va chạm với một chiếc máy bay khác và nhìn cả khoang máy bay phủ đầy khói. Các chuyên gia điều tra tin rằng các hành khách chỉ có khoảng một phút để thoát ra khỏi máy bay trước khi bị ngọn lủa thiêu rụi, và tin rằng nếu có nhiều người hành động ngay lập tức thay vì chỉ ngồi yên trên ghế giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn, thì tỷ lệ sống sót sẽ cao hơn rất, rất nhiều.

2. Chúng Ta Bị Tác Động Bởi Hiệu Ứng Bàng Quan

Vào tháng 2 năm 2010, Valentino Verner bị bắn nhiều phát tại một cửa hàng gà rán ở Tulsa, Oklahoma. Verner vẫn sống sót sau vụ nã súng, nhưng cần được cấp cứu kịp thời mới mong giữ được mạng sống. Bạn có thể cho rằng các vị khách và nhân viên nhà hàng sẽ nhanh chóng đưa người đàn ông vừa bị bắn nhiều phát đạn đi cấp cứu, nhưng đấy không phải là điều đã diễn ra.

Thay vì vậy, nhân viên nhà hàng vẫn tiếp tục ghi món và các vị khách thì bước qua người đàn ông đang hấp hối để lấy suất gà và khoai tây rán của mình. Khi nhân viên cấp cứu có mặt, họ phải vượt qua đám đông những người đang chờ thức ăn. Không một ai giúp đỡ Verner, người sau này đã chết trong bệnh viện vì mất máu quá nhiều.

Vào tháng 4 năm 2010, Hugo Alfredo Tale-Yax bị đâm đến chết ở thành phố New York sau khi cứu một người phụ nữ khỏi bị kẻ cướp tấn công. Yax nằm bên vỉa hè hơn một giờ đồng hồ trước khi đội cứu hỏa có mặt. Gần như hai mươi nhăm người đi ngang qua mà không hề dừng lại giúp đỡ. Một số người còn nhìn vào cơ thể chảy máu của Yax khi họ đi qua đó, và một người bàng quan còn nhẫn tâm chụp ảnh Yax trước khi rời đi.

Điều gì lại khiến cho con người ta bộc lộ một sự thờ ơ nhường ấy trước sự đau đớn của nhân loại? Một phần là bởi thiên kiến bình thường, nhưng phần khác thì là bởi hiệu ứng bàng quan.

Chúng ta hoặc là có khuynh hướng tương trợ hay hành động khi ta nhìn thấy mối đe dọa hoặc là có nhu cầu thu mình lại bất cứ khi nào chúng ta là một phần của một nhóm. Bạn nghĩ rằng có ai đó khác trong nhóm sẽ làm điều gì đó, vì thế mà bạn do dự. Vấn đề nằm ở chỗ, đó chính là điều mà mọi người khác trong nhóm đều nghĩ tới. Với việc tất cả mọi người đều chờ đợi một ai đó khác làm một điều gì đó, thì không một ai làm gì hết cả.

Các nhà xã hội học đã có thể mô phỏng hiệu ứng bàng quan trong phạm vi phòng thí nghiệm. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia điền vào bảng câu hỏi. Những người này được chia ra làm ba nhóm và được xắp xếp vào các điều kiện khác nhau. Nhóm đầu tiên trả lời câu hỏi một mình trong một căn phòng, nhóm thứ hai trả lời câu hỏi trong một căn phòng cùng với hai tình nguyện viên khác, và nhóm thứ ba trả lời câu hỏi trong một căn phòng với hai người của phòng thí nghiệm – mà giả vờ là những người tham gia thí nghiệm bình thường.

Khi những người tham gia trả lời câu hỏi, khói bắt đầu tràn vào căn phòng. Khi những tình nguyện viên chỉ có một mình, 75% số người này báo về việc xuất hiện khói cho nhân viên phòng thí nghiệm. Ngược lại, chỉ có 38% người tham gia ở trong căn phòng cùng với hai người khác thông báo rằng có khói. Còn trong nhóm cuối cùng, hai người giả mạo trong thí nghiệm lên tiếng về việc xuất hiện khói rồi lờ đi, và dẫn tới kết quả rằng chỉ có 10% số người tham gia báo lại điều này với các nhà nghiên cứu.

Bất cứ khi nào ta đọc hay xem các câu chuyện về việc có người không hành động khi chứng kiến người khác chịu đựng đau đớn, phản ứng thông thường của chúng ta là tức giận. Nhưng thật dễ để phán xét việc người khác đầu hàng trước hiệu ứng bàng quan khi mà bạn đang ngồi thoải mái một mình ở nhà.

Trước khi bạn chỉ trích những người này, bạn cần hiểu rằng họ chỉ đơn giản là tuân theo cái đặc tính đã ăn sâu về mặt tâm thần học và xã hội học mà tất cả loài người đều sở hữu. Có thể là bạn cũng sẽ hành xử đúng y như vậy nếu bạn lâm vào hoàn cảnh của họ. Và nếu như bạn tin rằng mình sẽ không như vậy, thì bạn chỉ đang lừa dối mình bởi vì

3. Chúng Ta Đánh Giá Quá Cao Khả Năng Của Bản Thân Trong Việc Đối Mặt Với Những Tình Thế Hiểm Nghèo

Theo như hiệu ứng Dunning-Kruger, chúng ta thường đánh giá quá cao năng lực của mình trước những nhiệm vụ mà chúng ta có quá ít kinh nghiệm. Hiệu ứng Dunning-Kruger giải thích vì sao cái phiên bản mũm mĩm 12 tuổi của tôi lại thích cười nhạo những kẻ quê mùa thô kệch trong trò chơi truyền hình Guts! của kênh Nickelodeon khi họ không thể hoàn thành các nhiệm vụ trong trò chơi một cách chính xác. (“Đấy không phải là cách làm chiếc Tàu Tàng hình đồ ngốc!”) Tôi cũng từng nghĩ rằng tôi sẽ tỏa sáng trong trò Aggro Crag. Nhưng tôi không hề có một chút manh mối nào về việc tôi sẽ thực sự hành động ra sao nếu ở vào vị trí của họ bởi vì tôi nào có kinh nghiệm gì về việc di chuyển trên Đấu trường cảm giác mạnh khi bị buộc dây thun vào người đâu.

Tôi cũng luôn thấy những người trưởng thành làm cái điều mà tôi từng làm hồi còn nhỏ. Thay vì suy nghĩ về việc họ cần làm gì để mang tiền về nhà cho vợ con, thì họ lại ưỡn ngực lên và ba hoa về việc họ thiện chiến ra sao trong một cuộc ẩu đả nơi quán rượu hay sẽ sống sót qua tận thế như thế nào hay chắc chắn là sẽ làm điều đúng đắn trong những hoàn cảnh có liên hệ sâu sắc tới yếu tố đạo đức.

Nhưng đấy chỉ là lời nói suông mà thôi.

Những anh chàng này hầu như chưa bao giờ đối mặt với những tình huống hiểm nghèo hay hoàn cảnh khắc nghiệt hết cả, cho nên là họ đang đánh giá quá cao khả năng biểu hiện xuất sắc của mình.

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy những người đã dành cuộc đời mình để chuẩn bị cho những tình thế hiểm nghèo hoặc đã thực sự đối mặt với nguy hiểm thì khiêm tốn hơn nhiều và cũng nhìn nhận thực tế hơn về năng lực của bản thân. Dù cho họ lặng lẽ tin rằng họ có thể vượt qua thử thách, thì sự tự tin của họ không hề dẫn tới thái độ ngông cuồng. Họ nhìn ra được sự thiếu sót của bản thân và hiểu rằng trong những hoàn cảnh hiểm nghèo luôn tồn tại những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Điều quan trọng nhất là: Nếu như bạn chưa từng đối mặt với một tình huống nguy hiểm hay bấp bênh về mặt đạo đức, nhưng lại nghĩ rằng chắc chắn bạn sẽ vượt qua được một tình huống như vậy, thì bộ não cừu của bạn đang kêu “b-b-eeeeee” đấy.

4. Chúng Ta Có Khuynh Hướng Tuân Theo

Chúng ta là những động vật xã hội. Nhu cầu được thuộc về và là một phần của một nhóm nào đó là bản tính tự nhiên của chúng ta. Việc được lập trình để duy trì tư cách thành viên của chúng ta trong một nhóm là thiết yếu đối với sự sinh tồn của tổ tiên chúng ta. Họ sẽ an toàn hơn nếu sinh sống theo lối quần cư. Và cũng sẽ dễ dàng và an toàn hơn hẳn khi cùng tìm đường xuyên thảo nguyên và tiêu diệt một con voi ma mút trong cuộc săn thay vì chỉ có một mình. Hơn thế nữa, trở thành một phần trong nhóm cũng sẽ cho phép bạn tiếp cận với thông tin và nguồn lực mà bạn không có được nếu chỉ có một mình.

Một trong số những cơ chế đã được tiến hóa của chúng ta nhằm đảm bảo rằng ta có thể gắn kết với một nhóm và sẽ không bị khai trừ chính là sự tuân theo. Là những người phương Tây, chúng ta thích nghĩ rằng ta là những cá thể đặc biệt mà có thể vượt qua được sức ép nhóm (và rằng sức ép nhóm hay áp lực của bạn bè chỉ tồn tại trong những chương trình giáo dục chống lạm dụng chất kích thích mà thôi), nhưng chúng ta không phải vậy. Sự bắt chước là “trạng thái mặc định của chúng ta,” như là chuyên gia tâm lý học Noam Shpancer đã chỉ ra. Chúng ta chú ý tới các tín hiệu xã hội và ngôn ngữ cơ thể của những người khác một cách bản năng và điều chỉnh hành vi của chúng ta để phản chiếu theo hành vi của họ nhằm mục đích được chấp nhận.


Trong thực nghiệm phù hợp được thực hiện bởi nhà tâm lý học xã hội Solomon Asch, nghiệm thể được đưa vào trong một căn phòng cùng với sáu “kẻ giả mạo” của phòng thí nghiệm và tất cả bọn họ sẽ đều trả lời một câu hỏi không chính xác, để cho nghiệm thể tự quyết định về việc đưa ra câu trả lời mà người đó cho là đúng, hay là tuân theo sự nhất trí của cả nhóm.

Trong thực nghiệm phù hợp Asch nổi tiếng, bẩy nam sinh viên đại học được đưa vào một căn phòng và được đưa cho một tờ giấy trên đó có một đường thẳng đen với độ dài nhất định và được yêu cầu so sánh đường thẳng này với ba đường thẳng vẽ trên tờ giấy khác. Chỉ có một người trong số bảy người này là “nghiệm thể thật sự,” trong khi sáu người còn lại là người “đồng mưu” với nhà thực nghiệm. Nghiệm thể được bố trí cho ngồi ở cuối bàn nên anh ta sẽ là người cuối cùng trả lời câu hỏi sau khi tất cả những người giả mạo kia đã trả lời. Trong một số thử thách, những người giả mạo đều đưa ra câu trả lời chính xác và rõ ràng, trong khi ở những lần khác, họ sẽ trả lời sai, và đẩy nghiệm thể vào một tình thế căng thẳng: liệu anh ta có nên giữ vững lập trường của mình và đưa ra câu trả lời mà anh ta biết là chính xác hay nên cúi đầu trước sức ép nhóm và đưa ra câu trả lời sai giống như những người khác trong phòng? Kết quả thu được rất đáng chú ý. Trong những thử nghiệm mà những người giả mạo đưa ra câu trả lời đúng, thì tỉ lệ trả lời sai của nghiệm thể là dưới 1%, nhưng trong những thử thách mà những người giả mạo đưa ra câu trả lời sai, thì nghiệm thể đã nghe theo họ tới 1/3 số lần, và có tới 75% nghiệm thể trả lời sai ít nhất một câu hỏi.

Khi mà những nghiệm thể được thông báo về mục đích của thí nghiệm này sau đó và được hỏi về cảm nhận của họ, thì lý do phổ biến nhất cho việc họ đưa ra câu trả lời sai là vì họ đã trải qua “sự bóp méo trong phán đoán,” do đó họ thực sự bắt đầu tin rằng họ sai thật và những người còn lại mới đúng. Những người khác thì nói rằng họ biết câu trả lời đúng là gì, nhưng không muốn những người còn lại trong nhóm khinh thường họ vì có câu trả lời khác biệt.

Khuynh hướng sâu xa của chúng ta trong việc ghét phải chịu đựng và đi ngược lại bản chất không nên bị xem nhẹ. Bộ não bò sát của chúng ta không muốn chống lại bầy đàn và vì thế ta vô cùng sợ hãi việc mình tỏ ra ngu ngốc trước mặt người khác. Cùng với hiệu ứng bàng quan, tôi có thể dễ dàng hình dung được trong ví dụ về vụ rơi máy bay ở trên vì sao mà rất nhiều người không muốn là kẻ đứng lên và chạy khỏi chiếc máy bay, trong khi những người khác đều có vẻ vô cùng bình tĩnh.

5. Chúng Ta Hành Động Theo Hiệu Ứng Bầy Đàn

Các nhà sinh học trước đây thường thắc mắc về việc làm thế nào mà loài chim có thể cùng lúc bay lên trời hay những con ong sẽ quyết định di chuyển tổ ong tới một địa điểm mới mà không hề có lấy một hệ thống kiểm soát và/hoặc tín hiệu rõ ràng. Điều họ nhận thấy là một số loài thú và côn trùng sở hữu một kiểu ý thức tập thể hay ý thức, do đó chúng quan sát và bắt chước hành vi của những con khác là điều mà nhà sinh vật Pierre-Paul Grasse gọi là “hợp tác mà không giao tiếp”.

Các nghiên cứu được tiến hành gần đây của các nhà sinh học đã phát hiện ra rằng con người cũng hành động theo kiểu hiệu ứng bầy đàn (herd mentality). Ví dụ như, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Leeds lúc ban đầu có hứng thú với sự đồng lòng ra quyết định liên quan tới sự di trú của loài chim, nhận thấy “sự tương đồng mạnh mẽ giữa hành vi bầy đàn của động vật và đám đông loài người.” Trong một thực nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu một nhóm người đi bộ quanh một tòa nhà. Hầu hết mọi người trong số đó không nhận được thông báo về việc họ cần di chuyển theo hướng nào, và chỉ được yêu cầu đơn giản rằng hãy theo sát nhóm. Một số ít người tham gia thực nghiệm – “những cá nhân được thông tin” - được báo rằng họ cần tới một địa điểm mục tiêu cụ thể, nhưng cũng như những người khác, họ không được phép giao tiếp hay ra tín hiệu với những người còn lại dưới bất kỳ hình thức nào. Dù không hề biết rằng mình đang bị dẫn dắt bởi những người khác, những thành viên không được thông tin của nhóm cuối cùng lại đi theo những cá nhân được thông tin tới vị trí mục tiêu mà họ được giao - tạo thành một dòng rồng rắn lên mây ngay sau lưng họ. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng “con người cũng có tính bầy đàn y hệt loài cừu và loài chim, từ trong tiềm thức họ quyết định sẽ đi theo một số ít cá nhân nào đó.”

Trong một nhóm lớn với trên 200 người, chỉ cần tỷ lệ 5% cá nhân được thông tin cũng có thể dẫn dắt những người khác tới một điểm đến cụ thể mà không cần thông báo cho họ. Ngay cả khi sự mâu thuẫn về việc ra quyết định xuất hiện – ba trong số những người được thông tin được yêu cầu đi tới một địa điểm này trong khi bốn người khác được yêu cầu tới một nơi khác – thì cả nhóm người cũng không mất nhiều thời gian hơn so với khi tất cả những người được thông tin được yêu cầu đi tới cùng một điểm đích; mọi người chỉ đơn giản là thực hiện một quyết định chóng vánh, vô thức, và có tính ý thức tập thể mà đi theo những người được thông tin tới bất cứ đâu.

Kết quả của nghiên cứu này có tính tích cực ở một điểm – không cần nhiều hơn một chó chăn cừu cũng có thể dễ dàng dẫn dắt mọi người theo hướng đi đúng và thoát ra khỏi sự nguy hiểm. Dĩ nhiên là vấn đề cũng nẩy sinh khi mà những người đó hành động như thể họ biết mình đang đi về đâu hay đang làm gì, mà thực ra thì không phải vậy, trong khi ấy những người khác lại hăm hở dõi theo và bắt chước hành vi của họ - theo chân họ đi tới bờ vực.

6. Chúng Ta Dựa Dẫm Vào Nhà Cầm Quyền Để Ra Quyết Định

Một thiên hướng khác của con người có liên quan tới xu hướng của chúng ta trong việc tuân theo là chúng ta rất dễ dàng phục tùng uy quyền, ngay cả khi điều đó đi ngược lại nhận định của chúng ta. Một số nhà tâm lý học phát hiện ra rằng thiên hướng của chúng ta trong việc tuân theo uy quyền là một đặc điểm tiến hóa nhằm đảm bảo cho việc sinh tồn và thành công trong xã hội nguyên thủy. Khi mà nền văn minh loài người ngày càng trở nên phức tạp hơn, con người ta ngày càng từ bỏ sự tự do cá nhân nhằm đổi lấy một xã hội ổn định, hiệu quả, và thịnh vượng hơn. Vì vậy, các thể chế - dù là chính phủ hay tôn giáo – luôn đầu tư rất nhiều cho việc điều kiện hóa xã hội (social conditioning) những người trẻ tuổi để họ biết tuân thủ các chính thể này.

Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất trong ngành tâm lý học đã chứng minh rằng sự tuân theo chính quyền của chúng ta đã ăn sâu nhường nào. Vào năm 1963, Stanley Milgram muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi về việc điều gì đã khiến Đảng Quốc xã của Adolf Hitler nhẫn tâm gây ra sự đau đớn và cái chết cho hàng nghìn người Do Thái trong thảm sát Holocaust. Liệu có phải tất cả bọn họ đều là kẻ độc ác hay là họ chỉ đơn giản tuân theo mệnh lệnh?

Milgram yêu cầu những người tham gia thí nghiệm của ông đóng vai “giáo viên,” và gây điện giật cho “học sinh” đang ở trong một căn phòng khác, bất kỳ khi nào mà học sinh trả lời sai một câu hỏi. Học sinh càng trả lời sai nhiều câu hỏi, thì cường độ dòng điện càng lớn. Giáo viên có thể nghe thấy tiếng la hét đầy đau đớn của học sinh, cầu xin lòng khoan dung, và xin được thả ra. Điều mà giáo viên không biết chính là học sinh là người trong nhóm của Milgram, và không hề bị điện giật một chút nào cả. Thứ mà giáo viên nghe được chỉ là tiếng la hét đã được thu âm từ trước.

Nếu như giáo viên lưỡng lự hay từ chối việc nhấn nút gây giật điện, người giám sát thí nghiệm trong chiếc áo choàng trắng sẽ thúc giục họ tiếp tục. Nếu như nghiệm thể vẫn muốn dừng lại sau bốn lần động viên liên tục, thì thí nghiệm sẽ dừng lại. Hoặc là, thí nghiệm sẽ ngừng sau khi nghiệm thể ấn nút gây giật điện ba lần ở mức tối đa 450 volt.

Trong khi những nghiệm thể thể hiện một mức đáng kể sự căng thẳng và lo lắng về việc có thể gây ra sự nguy hiểm tính mạng khi gây giật điện, 65% số người tham gia đã đi đến tận cùng thí nghiệm.

Bạn có thể xem lại buổi ghi hình cuộc thí nghiệm:

Giáo sư Milgram giải thích về kết quả của thí nghiệm của mình rằng những người ở trong những tình huống căng thẳng mà không cảm thấy rằng họ có khả năng hoặc đưa ra được ý kiến về việc ra quyết định thì sẽ nhường lại việc ra quyết định cho cả nhóm và người có khả năng quyết định trong nhóm, và khi mà họ tuân theo lệnh của người khác – ngay cả khi điều này trái với lương tâm của bản thân họ - thì họ không còn cảm thấy rằng họ phải có trách nhiệm đối với hành động của mình nữa, họ tin rằng mình chỉ là một thứ công cụ vô tội của nhà cầm quyền.

7. Chúng Ta Không Biết Cách Giải Tỏa Căng Thẳng

Khi ta đứng trước những người khác hay đối mặt với nguy hiểm về mặt thể chất, cơ thể ta bơm chất adrenaline vào hệ thống thần kinh để ta ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Trong khi chất adrenaline này đổ vào cơ thể ta và khiến ta hoặc là chiến đấu hoặc bỏ chạy đi chăng nữa, thì nó cũng khiến ta tạm thời mụ đi. Các nghiên cứu được thực hiện trong quân đội đã cho thấy mức độ căng thẳng tăng cao có thể dẫn tới việc giảm sút đáng kể trong khả năng nhận thức. Độ trễ của phản ứng sẽ tăng lên và khả năng của bạn trong việc kiểm soát các vấn đề phức tạp phức tạp sẽ giảm xuống. Rất nhiều lính Mỹ tham gia vào chiến dịch Normandy trong Thế chiến II bị đánh giá là “trì độn” bởi vì họ gặp khó khăn trong việc hiểu các mệnh lệnh. Giờ thì ta biết được rằng họ chỉ đơn giản phản ứng tự nhiên trước sự hỗn loạn bao quanh họ.

Nhờ vào khoa học hiện đại, ta mới có được sự hiểu biết rõ hơn về việc sự căng thẳng gây ra tác động như thế nào đối với tâm trí và cơ thể. Ta còn biết được rằng ta có thể kiểm soát được điều này để giảm thiểu những tác động tai hại của nó. Tuy nhiên, bạn không được sinh ra với cái năng lực ấy. Bạn cần phải rèn luyện mới có thể đạt tới trạng thái như vậy.

8. Cơ Thể Chúng Ta Thiếu Cân Đối

Nếu bạn cũng giống như phần lớn những người Mỹ khác, có lẽ bạn đang bị thừa cân và béo phì. Dĩ nhiên là một vài hậu quả về mặt sức khỏe có thể khiến cho cuộc sống trở nên phức tạp và đắt đỏ, nhưng nhìn chung, việc thừa cân và béo phì không phải là vấn đề to tát gì cho lắm trong thế giới an nhàn của chúng ta.

Nhưng khi mà tình hình trở nên tồi tệ, thì cái ngấn mỡ quanh bụng bạn sẽ cản trở bạn trong việc tự cứu lấy mình hay cứu những người xung quanh. Khuynh hướng mà việc thừa cân gây ra cho cơ thể bạn có thể nhanh chóng đẩy bạn ra khỏi sứ mệnh giải cứu này hoặc khiến bạn hoàn toàn vô dụng ngay từ lúc ban đầu.

Trong lớp học bắn súng mà tôi tham gia tại Học viện Bắn súng Hoa Kỳ, khoảng 70% số học viên là người mập. Ở đó tôi từng nói chuyện với một người béo phì đang chuẩn bị làm phẫu thuật bóc mỡ bụng. Khi mà chúng tôi tập bắn sau vật chắn, huấn luyện viên yêu cầu chúng tôi đứng lên từ tư thế quỳ gối. Hai người trong lớp học không thể thực hiện được thao tác này và nhiều người khác thì thở hổn hển trong một bài tập đơn giản nhường ấy.

Còn trong một lớp học nhỏ hơn với hầu hết học viên đều là người có thân hình chuẩn, vị huấn luyện viên đã chia sẻ với chúng tôi rằng rất nhiều người đăng ký học tại học viện đều bị thừa cân. “Họ nghĩ rằng bởi vì họ có súng trong tay, thì họ không cần phải chạy hay quỳ gối hay trườn bò gì cả,” ông nói. “Nhưng điều mà họ không nhận ra là không phải cuộc đối đầu nào cũng là một trận đấu súng và nếu như bạn muốn thành thục như một xạ thủ thật sự, thì bạn phải có một cơ thể vừa vặn, dù chỉ vì việc thoát khỏi những căng thẳng mà một cơ thể béo phì gây ra cho bạn.”

Mang bên mình một thứ vũ khí, dù cho bạn có thuần thục sử dụng nó đi chăng nữa, thì cũng không tự nhiên biến bạn thành chó chăn cừu được. Nếu như bạn không có một thể trạng và nền tảng tinh thần phù hợp để đối mặt với những tình huống đa dạng, thì bạn chỉ là một con cừu được trang bị vũ khí mà thôi.

Kết Luận

Nếu như bạn đã đọc đến tận đây, có một số điểm thật sự quan trọng cần phải làm rõ.

Đầu tiên, hành vi “cừu”, tôi xin nhắc lại một lần nữa, không nhất thiết là điều xấu. Một vài sự hợp tác, tuân theo, và phục tùng nhà cầm quyền là cần thiết cho việc duy trì một xã hội lành mạnh. Bạn không tin tôi ư? Tại sao lần tới bạn không thử vượt đèn đỏ xem sao nhỉ?

Hai là, tới đây tôi cá là rất nhiều người trong số các bạn sẽ phản ứng kiểu như, “Tất cả những điều này chỉ thêm củng cố cho việc tôi đã sẵn là chó chăn cừu! Tôi sẽ không bao giờ làm cừu như trong những câu chuyện và thí nghiệm này!” Vì lẽ đó mà tôi sẽ nói với bạn rằng - thật nhảm nhí. Mọi người đều cho rằng nhìn chung họ tốt đẹp hơn số đông trong rất nhiều lĩnh vực, ngay cả khi đây là một điều không tưởng. Rất dễ khi tin rằng ta sẽ lên tiếng và làm điều gì đó đúng đắn và cứu giúp những cuộc đời khác khi mà ta nhìn vào những câu chuyện được đăng tải trên báo chí, và toàn thể những vấn đề khác nổi lên gây xôn xao dư luận trong thời điểm đó. Nhưng thực ra, không một ai biết được chính xác về việc mình sẽ phản ứng ra sao trong những tình huống khủng hoảng, và hầu hết chúng ta đều nằm ở vị trí nào đó trên cái quang phổ cừu-chó chăn cừu thay vì hoàn toàn là con này hoặc con kia. Và không một ai có thể phản ứng hoàn hảo trong mọi loại tình huống cả, và một chó chăn cừu thực thụ cần phải có đủ khiêm tốn để hiểu rõ điều này. Điều tốt nhất mà bạn có thể thực hiện là cam kết sẽ tự rèn luyện và tự chuẩn bị về mặt thể chất, lương tri và trí tuệ ở mức độ cao nhất, để khi mà bạn đối diện với khủng hoảng, bạn dành cho chính mình cơ hội tốt nhất có thể để làm chó chăn cừu thay vì cừu, để có thể dẫn dắt với các kỹ năng, sự thông thái và danh dự thay vì cứ theo sau một cách mù quáng.

Trong hai bài trước, chúng ta đã xem xét về mô hình cừu/chó chăn cừu/sói được đưa ra bởi viên trung tá quân đội Dave Grossman. Trong bài viết đầu, chúng ta được biết tới phép loại suy và ba vai trò khác biệt này: Sói là những kẻ xấu trên thế giới này, những kẻ thần kinh độc ác luôn tìm cách hãm hại và lợi dụng người khác. Chó chăn cừu là những người canh gác và bảo vệ xã hội - những người không sợ hãi trước việc đứng lên vì lẽ phải, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chống lại đám đông, và có đủ dũng cảm để đối mặt với hiểm nguy và cứu giúp những người khác. Phần còn lại trong chúng ta nằm đâu đó giữa thể liên tục cừu-chó chăn cừu, với phần lớn dân số chắc chắn nằm về phía cừu. Trong bài viết tiếp theo chúng ta đã tìm hiểu các nguyên nhân về mặt xã hội học và tâm lý học dẫn tới điều này.

Còn trong bài viết ngày hôm nay, tôi dự tính sẽ trình bày chi tiết về việc rèn luyện thể lực và trí lực mà một người sẽ cần tới nếu muốn thay đổi từ một chú cừu thành chó chăn cừu. Nhưng như những gì mà tôi vẫn thường làm đối với một loạt bài viết (còn nhớ hồi tôi nghĩ rằng loạt bài về chủ đề danh dự sẽ có 3 phần nhưng thực ra lại kéo dài tới 7 phần?! Haha), một khi tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu, tôi nhận thấy có nhiều thứ cần bàn đến hơn so với dự định ban đầu của tôi. Nên thay vì đào sâu vào những chi tiết căn bản và cốt lõi của chủ đề, mục đích của bài viết này là trình bày một số nguyên tắc phổ quát về việc một người cần làm những gì nếu như anh ta muốn trở thành chó chăn cừu. Trọng điểm ở đây là thứ mà Grossman gọi là “phần mềm” hay nếp suy nghĩ trong việc rèn luyện thành chó chăn cừu. Nhiều điểm được đề cập dưới đây có thể phát triển thành một bài viết riêng biệt, và đó chính là kế hoạch của tôi trong năm tới. Hi vọng rằng, những gì bài viết này cung cấp sẽ hình thành một khung sườn cho những bài viết tiếp theo trong tương lai và sẽ mang đến cho bạn một lộ trình trong cuộc hành trình của bạn để trở thành chó chăn cừu. Bạn cũng có thể sử dụng bài viết này như một nguồn dữ liệu và lược qua các điểm khi thực hiện nghiên cứu của riêng bạn; chúng tôi liên kết đường dẫn của một số bài viết liên quan tới chủ để này mà bản thân chúng tôi và cả người khác đã thực hiện trong những năm qua.

Quyết Định Trở Thành Chó Chăn Cừu

Không giống như cừu hay chó chăn cừu thực thụ được sinh ra với vai trò thú vật của chúng, con người được mặc định ở trong trạng thái bị động trừ khi họ thực hiện quyết định trở thành người bảo vệ chủ động. Grossman nhấn mạnh trọng lượng của cái quyết định này trong cuốn sách của ông, On Killing (tạm dịch: Trong sứ mệnh giết chóc):

“Trong tự nhiên loài cừu, những con cừu thực thụ, sinh ra đã là cừu. Chó chăn cừu cũng vậy, và loài sói cũng thế. Chúng không có lựa chọn nào khác. Nhưng bạn không phải là loài thú. Là con người, bạn có thể là bất kỳ thứ gì mà bạn muốn. Đó là một quyết định mang tính ý thức, theo lương tâm.”

Nếu bạn muốn là một con cừu, thì bạn có thể là cừu và như thế cũng không sao cả, nhưng bạn cần hiểu rõ cái giá mà bạn phải trả ở đây là gì. Khi mà con sói đến, bạn và những người thân yêu sẽ sớm bỏ mạng nếu không có con chó chăn cừu nào ở gần đó để bảo vệ bạn. Nếu như mà bạn muốn làm sói, thì bạn cũng có thể trở thành như vậy, nhưng lũ chó chăn cừu sẽ săn lùng bạn và bạn sẽ chẳng khi nào được yên thân, được an toàn, được tin tưởng và yêu thương hết cả. Nhưng nếu như bạn muốn làm chó chăn cừu và đi trên còn đường của chiến binh, thì bạn phải thực hiện một quyết định mang tính ý thức và đạo đức mỗi ngày để dốc sức, trang bị và chuẩn bị bản thân mình cho những thời điểm nguy hiểm đến ná thở khi lũ sói tới gõ cửa nhà bạn.”

Vậy thì bước đầu tiên để trở thành chó chăn cừu là đơn giản quyết định trở thành một trong số đó. Bạn đừng đưa ra quyết định này quá đỗi nhẹ nhàng. Sẽ luôn có những cái giá nặng nề phải trả về mặt đạo đức, thể chất, tinh thần, và cảm xúc đi kèm với nó. Khi mà bạn quyết định trở thành chó chăn cừu, bạn cũng đang quyết định rằng sẽ sống một cuộc đời phục vụ những đồng bào của mình, rằng bạn sẽ lao vào nguy hiểm khi những người khác tháo chạy, và rằng bạn sẽ đứng lên vì chính nghĩa dù cái giá phải trả có là gì đi nữa. Bạn đã sẵn sàng để chấp nhận những trách nhiệm và rủi ro này, và cả những hệ quả đi kèm với nó hay chưa?

Áp Dụng Câu “Nếu Không Phải Tôi, Thì Là Ai?” Như Là Lời Thần Chú Của Bạn

Như chúng ta đã nhắc đến trong bài viết trước về cái tính cừu tự nhiên của chúng ta, tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của Hiệu ứng bàng quan. Bất cứ khi nào chúng ta thuộc về một nhóm người, chúng ta hoặc là có khuynh hướng tương trợ hay hành động khi ta nhìn thấy mối đe dọa hoặc là có nhu cầu thu mình lại. Bạn cho rằng một ai đó trong nhóm sẽ làm một điều gì đó, vì thế mà bạn do dự. Vấn đề nằm ở chỗ, đó chính là điều mà mọi người khác trong nhóm đều nghĩ tới. Với việc tất cả mọi người đều chờ đợi một ai đó khác làm một điều gì đó, thì không một ai làm gì hết cả.

Để vượt qua được Hiệu ứng bàng quan, hãy áp dụng câu “Nếu không phải tôi, thì là ai?” như là câu thần chú dành cho bạn. Ngay ngày hôm nay bạn hãy quyết định rằng mình sẽ hành động bất cứ khi nào bạn thấy có điều gì đó không đúng. Hãy dừng ngay cái suy nghĩ rằng một ai khác sẽ bước tới và làm điều gì đó. Rất có thể là họ sẽ không làm vậy. Nếu như bạn không làm gì cả, thì sẽ chẳng có ai khác làm đâu.

Một ví dụ về một người đã vượt qua được Hiệu ứng bàng quan bằng cách sống chung với câu “Nếu không phải tôi, thì là ai?” là một anh chàng phục vụ bàn 18 tuổi có tên Walter Bailey. Bởi vì hành động dứt khoát của mình, Walter đã cứu sống hàng trăm người trong trận cháy thuộc diện tàn khốc nhất lịch sử nước Mỹ. Đó là vào năm 1977, Walter đang làm việc tại Beverly Hills Supper Club, một câu lạc bộ đêm và rạp hát nổi tiếng ở ngoại ô Cincinnati. Vào khoảng 8:30 tối ngày 28 tháng 5, lửa bùng lên từ một căn phòng trong câu lạc bộ do chập điện. Hai người phục vụ bước vào trong căn phòng, phát hiện ra cháy, và chạy tới báo cho quản lý của họ. Xe cứu hoả được phái tới câu lạc bộ, nhưng việc sơ tán các vị khách có mặt lúc đó đã không được thực hiện. Vào lúc trận cháy bắt đầu bùng lên, có khoảng 3000 người đang ở trong toà nhà, bao gồm cả những người đang tham dự một đám cưới. Bởi vì toà nhà không được trang bị đầy đủ thiết bị chống cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan tới các phần khác của câu lạc bộ.

Khi ngọn lửa bắt đầu bùng lên, Bailey đang làm việc trong một căn phòng khác, cậu dọn bàn trong khi hàng nghìn người đang xem diễn kịch hài trên sân khấu. Một người nữ phục vụ kể cho cậu về đám cháy và cậu ngay lập tức đi thông báo với quản lý của mình và đề nghị ông ‘dẹp sạch’ căn phòng. Người quản lý chỉ đưa cho cậu cây chổi, nên Bailey tìm đến người chủ câu lạc bộ. Nhưng rồi cậu quay lại. “Thế này thật ngu quá,” cậu tự nhủ. “Mình đang lãng phí thời giờ. Hoặc là ông ấy sẽ phải sơ tán mọi người hoặc là mình phải làm thôi.” Cậu lại nhắc nhở người quản lý về việc sơ tán, nhưng người quản lý chỉ nhún vai và bỏ đi. Thay vì chờ đợi người khác làm điều gì đó, Walter Bailey tự nhận trách nhiệm vào tay mình.

“Không thể để cho mọi chuyện như thế này được,” cậu tự nhủ. “Căn phòng này cần được sơ tán, và cần phải làm việc này ngay. Có thể là mình sẽ bị đuổi việc, nhưng mình vẫn sẽ làm như vậy.”

Bailey quả quyết bước lên sân khấu và giành lấy micro từ tay của nghệ sĩ hài đương lúc biểu diễn. Một sự im lặng kỳ dị bao trùm khán phòng. “Tôi muốn mọi người nhìn về phía bên phải của tôi,” cậu lên tiếng. “Ngay góc phải của căn phòng này là lối thoát hiểm. Và hãy nhìn vào bên trái tôi. Ở đó cũng có một cửa thoát hiểm khác. Và giờ hãy nhìn ra phía sau các vị. Có một cửa ra ở ngay phía đó. Tôi muốn mọi người hãy bình tĩnh rời khỏi đây. Hiện trước cửa toà nhà đang có một trận cháy.” Rồi cậu rời khỏi đó để chạy đi cảnh báo các vị khách ở những khu vực khác trong câu lạc bộ.

Một số người nghe lời cảnh báo của Bailey đã bắt đầu rời đi, nhưng rất nhiều người thì ngồi nguyên tại chỗ (Thiên kiến bình thường!).

Trận hoả hoạn nhanh chóng thiêu rụi cả toà nhà. Hai trăm người bị thương và 165 người chết vào đêm đó, biến Beverly Hills Supper Club trở thành trận cháy có số người tử vong cao thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng thật may mắn làm sao vì một chàng trai trẻ đã vượt qua được Hiệu ứng bàng quan với câu hỏi “Nếu không phải tôi, thì là ai?” mà hàng trăm người đã sống sót.

Áp Dụng Câu “Không Phải Là Nếu, Mà Là Khi Nào” Như Là Một Câu Thần Chú Khác

“Thay vì tự nhủ rằng, ‘Nếu điều đó xảy ra thì tôi sẽ hành động,’ người chiến binh nói rằng, ‘Khi điều đó xảy ra, thì tôi đã sẵn sàng.’”  - Grossman, On Combat (tạm dịch: Trong chiến đấu).

Lần đầu tiên tôi học được câu thần chú kế tiếp là từ vị huấn luyện viên về sinh tồn và là cộng tác viên của Học viện quản lý, Creek Stewart. Đó là cách thức mà ông sử dụng để kết thúc mọi email và bài blog của mình. Khi mà tôi tìm tư liệu cho loạt chủ đề này, tôi biết được rằng đó không chỉ là một câu nói phổ biến giữa những prepper (người luôn đưa ra những kế hoạch lớn để đối phó với những thời điểm xấu nhất), mà còn được sử dụng bởi những chó chăn cừu “chuyên nghiệp” như là binh lính, sĩ quan cảnh sát và chiến sĩ cứu hoả.

“Không phải là nếu, mà là khi nào” là một lời nhắc nhở dành cho việc không nên sống trong sự phủ nhận thực tế rằng những điều tồi tệ có thể xảy ra và sẽ xảy ra đối với bạn và những người quanh bạn – rằng đó không phải là vấn đề nếu, mà là khi nào thì chúng xảy ra.

Thực ra, bạn có thể dễ dàng trải qua cuộc đời mình mà không vấp phải bất kỳ xung đột mạnh mẽ nào, không phải đối mặt với bất kỳ một tình thế cấp bách nào, hay rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức; câu thần chú này mô tả một quan niệm hơn là một sự thật được thống kê. Nhưng hầu hết mọi người khi gặp phải tình huống này lại quay ngoắt hướng suy nghĩ của mình theo chiều ngược lại – giả vờ như thể điều tồi tệ chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra với họ. Trong khi họ nhận biết được rằng cái ác hiện hữu hay là thiên tai xảy ra, họ cố gắng để, như là vị chuyên gia về an ninh nổi tiếng khắp thế giới Gavin de Becker từng nói rằng, “phân chia mối nguy hiểm nhằm loại trừ chúng.” Họ tự nói với bản thân mình những điều như, “Chắc chắn rồi, bạo lực là một vấn đề đáng quan ngại, nhưng điều ấy không xảy ra ở cái khu vực này của thành phố.” “Ôi, ờ thì lốc xoáy vẫn làm chết người mỗi năm, nhưng ở đây thì ta không cần phải lo về nó.”

Bên cạnh việc mang tới cho mọi người một cảm giác sai lệch về an toàn, việc phủ nhận cũng mang lại cảm giác sai lệch về sự nguỵ biện. Con người ta không muốn tỏ ra hoang tưởng quá đà về những mối nguy hiểm không nhìn thấy được – điều này khiến họ có vẻ điềm tĩnh, và thông minh hơn hẳn và trên hết là rũ bỏ được cái nhu cầu về việc cần chuẩn bị trước kia. Đối với họ thì việc rèn luyện cho những điều có thể sẽ không xảy ra hình như không được hợp lý cho lắm, và họ cho rằng nếu vì một nguyên nhân điên rồ nào đó mà sự việc có xảy ra thật, thì họ sẽ vẫn luận ra được cần phải làm gì khi đó, hoặc là chính quyền và các đơn vị cứu hộ sẽ đến ngay được với họ.

Nhưng đối với tôi mà nói, việc rèn luyện thành chó chăn cừu là rất hợp lý. Lối suy nghĩ của tôi về vấn đề này như sau: 1) ngay cả khi các kỹ năng của tôi không có cơ hội được tận dụng trong khủng hoảng, thì việc học được những kỹ năng ấy cũng là một quá trình thú vị, mang đến cho tôi cảm giác tự tin và tự chủ, và khiến tôi trở thành một con người hoàn thiện và hiểu biết hơn nữa, 2) ngay cả khi sự rèn luyện của tôi không hữu dụng trong một cuộc khủng hoảng lớn, thì những kỹ năng này, cùng với cảm giác tự tin trong tôi, sẽ rất hữu dụng trong việc giải quyết những vấn đề nhỏ, 3) việc rèn luyện trước những viễn cảnh khác nhau không nhất thiết là một sự hoang tưởng, mà đó chỉ là sự nhận thức, và 4) nếu như có điều gì đó thực sự xảy ra, thì tôi đã hoàn toàn sẵn sàng, và sẽ không phải sống với sự hối hận “nếu như mà”: “Nếu như mà tôi có công cụ cấp cứu!” “Nếu như mà tôi tham gia một khoá học bắn súng!” “Nếu như mà tôi hành động!”

Với tôi, không hề tồn tại cái gọi là mặt trái của vấn đề, và đây là một sự trù liệu vô cùng hợp lý. Dĩ nhiên, là ta phải đầu tư thời gian cho nó, nhưng tôi cho rằng mọi người sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu chúng ta bằng lòng bỏ ra một chút thời gian lướt mạng để học lấy vài kỹ năng hữu dụng, tích cực. Chúng ta sẽ cảm thấy hữu ích khi có được những kỹ năng ấy, vô cùng hữu ích là đằng khác.

Tôi cho rằng rốt cục mọi người không muốn nghĩ về bản thân mình như là đối tượng dễ bị tổn hại, và vì thế họ cố xoa dịu sự bất nhất mà họ cảm thấy mỗi khi họ làm vậy, họ rũ bỏ việc rèn luyện trước những viễn cảnh với lý do chúng thật hoang đường hay ngu ngốc. Sự không thoải mái biến mất họ cảm thấy tuyệt về bản thân. Nhưng họ không có lấy một công cụ bảo vệ nào trước một cuộc khủng hoảng ngoài cái cảm giác tự mãn này.

Grossman cho rằng điều tách biệt giữa cừu với chó chăn cừu chính là sự phủ nhận. “Con cừu giả vờ rằng sói sẽ không bao giờ xuất hiện, nhưng chó chăn cừu lại sống vì ngày đó.” Khi mà bạn sống cuộc đời mình như thể mối nguy hiểm và cái ác sẽ không bao giờ gõ cửa nhà bạn, bạn có thể mở mồm và kêu “B-b-b-eee” được rồi đấy.

Hãy Trở Thành Một Người Lãnh Đạo

Hãy nhớ rằng, hầu hết mọi người đều nhanh chóng tuân theo đám đông khi mà khủng hoảng xảy ra. Họ chỉ đơn giản đi theo bầy đàn, ngay cả khi điều đó có hại cho họ. Và họ rất dễ dàng để cho mình bị dẫn dắt bởi một ai đó sẵn lòng nói cho họ biết rằng cần làm gì và cần đi đâu. Con người thiên về việc tuân theo uy quyền; họ sẽ đi theo người có vẻ tin được. “Đó là một hiện tượng vô cùng kỳ lạ,” cựu chiến sĩ cứu hoả Jim Cline của thành phố New York nhận định. “Mọi người sẽ đi theo bạn, ngay cả khi họ không biết tại sao họ lại theo bạn.”

Giờ thì điều này có thể là phần đáng sợ trong bản năng của loài người, bởi vì điều đó có nghĩa là lũ sói, đôi khi ở trong tư thế của loài cừu, hay chính xác hơn, là dưới bộ lông của chó chăn cừu, có thể dẫn dắt mọi người đi vào con đường vô cùng tồi tệ.

Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là sự hiện diện chó chăn cừu thực thụ là vô cùng cần thiết – vừa để bảo vệ loài cừu và vừa để ngăn ngừa lũ sói trá hình từ xa và không để cho chúng dụ dỗ bầy cừu lao vào nguy hiểm. Grossman nhận định chó chăn cừu thực thụ không chỉ có năng lực lãnh đạo, mà còn làm điều đó vô cùng đồng điệu với định hướng đạo đức tinh thần thúc đẩy họ hành động vì sự tốt đẹp của cả bầy.

Trong thời kỳ khủng hoảng, khi không có người lãnh đạo, con người thường trở nên ngưng trệ bởi sự ì, đi vòng quanh và hỏi nhau rằng, “Chúng ta nên làm gì bây giờ?” Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nhóm người mà có người cầm đầu trong một tai hoạ sẽ có khả năng sống sót cao hơn so với nhóm không có người lãnh đạo. Ví dụ như, một nghiên cứu được thực hiện bởi chính phủ Mỹ trong ba trận cháy khu hầm mỏ khác nhau đã phát hiện ra rằng sự tương đồng giữa tám nhóm có thể chạy thoát là mỗi nhóm này đều có một người lãnh đạo.

Đối với sự lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng, những chó chăn cừu thường có một vài đặc điểm chung. Một là, họ không lạm dụng quyền lực của mình; họ có được sự tôn trọng của những người khác từ sự quyết đoán, trí tuệ, và bình tĩnh của mình. Hai là, giống như một con chó chăn cừu thực thụ, chó chăn cừu loài người không sợ hãi trước việc phải ‘sủa’ lên với những cừu loài người nếu điều ấy có nghĩa là sẽ cứu được mạng người. Hay nói cách khác, đôi khi bạn cần phải từ bỏ sự tử tế mới mong cứu sống được những người khác.

Các hãng hàng không đã giành rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố tìm ra cách khiến cho nhiều người rời khỏi máy bay hơn khi nó rơi xuống đất. Như chúng ta đã nói tới trong bài trước, thiên kiến bình thường khiến hầu hết những người có mặt trên một chiếc máy bay rơi vẫn ngồi yên tại chỗ của họ. Và ngay cả những người đã đứng dậy vẫn có cái khuynh hướng đi tìm hành lý xách tay của mình trước khi tiến tới cửa thoát hiểm! Và rồi, khi mà họ thực sự đã tới vị trí của cửa thoát hiểm, họ thường do dự mất một lúc lâu trước khi nhảy xuống nơi an toàn. Khi mà thời gian là yếu tố quyết định, bạn thường chỉ có khoảng 90 giây để an toàn rời khỏi máy bay, nên sẽ chẳng có thời gian cho bạn sống uổng đâu.

Các chuyên gia hàng không nhận thấy rằng chỉ bằng việc đơn giản là có một tiếp viên hàng không (hoặc một người khác) đứng ở cửa thoát hiểm và hung hăng quát tháo bắt mọi người di chuyển và nhảy xuống, thì thời gian thoát hiểm sẽ giảm hẳn. Chìa khoá ở đây là sự hung hăng. Những nhà nghiên cứu này cũng nhận thấy rằng nếu như các tiếp viên hàng không xử sự lịch thiệp trong quá trình sơ tán, “hay nếu như họ không có mặt nơi cửa ra,” thì thời gian sơ tán sẽ tăng lên.

Các nhân viên cứu hộ có nhiệm vụ giải cứu người chết đuối thường quát mắng các nạn nhân trước khi tiến tới cứu họ. Họ nhận thấy rằng nếu như họ không làm vậy, thì các nạn nhân sẽ có khuynh hướng tóm lấy người cứu hộ và lôi họ xuống nước. Lính cứu hoả ở thành phố Kansas thường sẽ la mắng những lời đe doạ có kèm theo những từ tục tĩu khi tiếp cận nạn nhân nhằm thu hút sự chú ý của họ và để họ không kéo người giải cứu ngã xuống. Đại uý Larry Young nói rằng, “Tôi hi vọng là không làm anh khó chịu khi nói điều này. Nhưng nếu như tôi tiếp cận bà Nội trợ Ngoại ô và nói rằng, ‘Khi tôi tới chỗ bà, bà đừng có mà ******* chạm vào tôi! Tôi sẽ bỏ mặc bà nếu bà chạm vào tôi đấy!’ thì bà ấy sẽ nghe lời tôi.”

Điểm mấu chốt là, nếu như bạn muốn trở thành chó chăn cừu, bạn không thể sợ hãi trước việc nắm lấy vai trò lãnh đạo giống như những gì mà Walter Bailey đã làm tại Beverly Hills Supper Club và bạn không thể e ngại việc trở nên hung hãn và quát mắng những người khác. Cho nên nếu như bạn là “Anh chàng hiền lành” thuần tuý, thì bây giờ chính là lúc để bạn rèn luyện tính quyết đoán của mình rồi đấy; nếu như mà bạn không thể nói với sếp mình rằng bạn không thể làm việc vào cuối tuần này, thì chắc chắn là bạn cũng chẳng tài nào mà bảo những người khác hãy sơ tán khỏi toà nhà đâu. Hãy rèn luyện tính quả quyết trong những việc nhỏ nhặt, rồi thì bạn sẽ có được sự tự tin để tỏ ra quyết đoán trong những việc lớn.

Chắc chắn là, có những người sẽ không thích thú gì việc bạn bảo với họ cần phải làm gì và họ sẽ bực bội với bạn vì điều đó, nhưng đó là điều không tránh được. Như Grossman đã nói, “con cừu thường không thích chó chăn cừu. Nó có bề ngoài rất giống với con sói. Nó cũng có răng nanh và cái khả năng sử dụng bạo lực.” Làm một vài đồng loại chán ghét là một cái giá phải chăng cho việc giữ gìn giữ sự an toàn của cả bầy.

Hãy Rèn Luyện Chăm Chỉ

“Bạn càng đổ mồ hôi bao nhiêu trên thao trường, thì bạn càng ít bị đổ máu bấy nhiêu trên chiến trường.”

Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm để vượt qua cái tính cừu của mình là rèn luyện để đẩy chúng ra khỏi bạn. Ít nhất thì đấy cũng là những gì mà tất cả các nghiên cứu về chiến đấu sinh tồn và viễn cảnh thảm hoạ cho chúng ta biết. Thường thì những người được rèn luyện và chuẩn bị cho những sự kiện như thế sẽ là những người sống sót và vượt qua được.

Để có thể vượt qua được thiên kiến bình thường, bạn cần phải rèn luyện liên tục để bản thân có thể phản ứng theo bản năng trước những tình huống nguy hiểm. Việc rèn luyện cũng ngăn bạn khỏi những tác động có hại mà sự căng thẳng mang lại trong những viễn cảnh nhiều rủi ro.

Trong giới quân nhân có một câu nói quen thuộc như thế này: “anh không bất ngờ vươn lên trong chiến trận, mà anh chìm xuống cấp độ rèn luyện.” Bạn không thể trông đợi rằng sẽ thể hiện xuất thần trong những tình huống hiểm nghèo nếu như bạn chưa bao giờ rèn luyện vì chúng. Hơn nữa, khi mà bạn rèn luyện, bạn cần phải có kỷ luật và chuyên tâm. Bạn không thể cưỡi ngựa xem hoa được.

Nếu như bạn quyết định trang bị cho mình một khẩu súng, hãy tự cam kết rằng bạn sẽ học cách sử dụng nó an toàn và hiệu quả mỗi ngày. Hãy tham gia những khoá học được giảng dạy bởi các chuyên gia; hãy tập luyện bài tập ngắm bắn kéo dài 20 phút mỗi ngày để việc sử dụng súng trở thành bản năng thứ hai của bạn; và hãy cố gắng để tập bắn ít nhất là một lần mỗi tuần.

Nhằm đảm bảo rằng gia đình bạn (và vì lẽ đó, là cả việc làm ăn của bạn) có thể sống sót sau một trận bão hoặc hoả hoạn, hãy hình thành thói quen tập luyện cách ứng phó trong những tình huống tương tự như thế.

Nếu như bạn muốn có thể giúp đỡ những người bị thương, hãy thường xuyên luyện tập các kỹ năng sơ cứu.

Nếu như bạn muốn có thể làm điều đúng đắn khi phát hiện ra một con sói đạo đức giả phá hoại công ty hay cộng đồng của bạn, hãy cùng bạn bè và các đồng nghiệp đồng nghiệp thực hành các bài tập tình huống theo những kịch bản khác nhau.

Cái ngày mà bạn cam kết trở thành chó chăn cừu, bạn cũng đã thực hiện lời cam kết luôn giữ vững vai trò chiến binh của bản thân. Sẽ không có thời gian dành cho việc buông lơi. Thời điểm bạn ngừng rèn luyện cũng chính là thời điểm mà những kỹ năng của bạn sẽ suy yếu.

Rèn Luyện Về Mặt Tinh Thần

Bên cạnh việc thường xuyên rèn luyện thể lực, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia chiến đấu cũng phát hiện ra rằng việc rèn luyện tâm trí cũng góp một phần quan trọng trong việc xoay sở thành công trước những tình huống có tính mâu thuẫn cao và nguy hiểm. Từ lâu các vận động viên đỉnh cao đã biết đến sức mạnh của việc rèn luyện trí tưởng tượng. Các nghiên cứu cho thấy rằng các vận động viên mà thường xuyên thực hiện các bài tập trí óc sẽ biểu hiện tốt hơn hẳn so với những vận động viên không thực hiện bài tập này. Chỉ có gần đây lực lượng quân đội và công an mới bắt đầu áp dụng kỹ năng này trong chiến đấu và trong việc đối phó với những tình huống khẩn cấp.

Nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng những binh sĩ thực hiện bài tập trí óc biểu hiện tốt hơn về thuật xạ kích so với những người không rèn luyện. Cũng có những bằng chứng cho thấy rằng việc rèn luyện tâm trí cũng mang đến sự thành công trong việc kiểm soát những tình huống có tính căng thẳng cao độ và làm giảm nỗi lo lắng và nâng cao khả năng phản ứng với căng thẳng của các chiến sĩ khi những sự kiện thực sự diễn ra.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những cá nhận được rèn luyện kỹ năng CPR (hồi sức tim phổi) mà thường xuyên hình dung về việc thực hiện kỹ năng này sẽ phản ứng nhanh hơn trong những tình huống khẩn cấp nếu so với những người chỉ tập luyện thường xuyên thôi. Không những thế, những người mà thường mường tượng ra việc thực hiện kỹ năng CPR cũng thực hiện động tác chính xác hơn so với những người còn lại.

Tôi có dự định dành hẳn một bài viết riêng về việc sử dụng trí tưởng tượng nhằm nâng cao biểu hiện trong những tình huống khác nhau – không chỉ ở trong những tình huống mang tính chiến lược và sinh tồn – chỉ trong vòng vài tuần. Nhưng trước đó, thì dưới đây là một sự tóm lược về cách thức sử dụng trí tưởng tượng để bạn chuẩn bị trước những tình huống một mất một còn:

  • Thực hiện việc tưởng tượng sống động hết mức có thể. Kết hợp chặt chẽ tất cả các giác quan và cảm xúc của bạn.
  • Hãy hình dung ra các vấn đề và những điểm mấu chốt, nhưng – và đây là phần quan trọng này – luôn hình dung ra việc bạn sẽ thành công vượt qua được vấn đề hay trở ngại. Đừng bao giờ hình dung tới thất bại.
  • Không nên chỉ dựa vào sự tưởng tượng thôi. Điều quan trọng là cần phải kết hợp nó với việc rèn luyện chiến thuật và những bài tập tình huống.

Một vài ví dụ về những viễn cảnh mà bạn có thể sử dụng trong bài tập tưởng tượng của mình là:

  • Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ làm gì nếu xảy ra cảnh chảy máu nghiêm trọng. Hãy hình dung một cách sống động nhất có thể việc bạn sẽ thực hiện những bước cần thiết nào để sơ cứu cho nạn nhân.
  • Nếu như bạn tham gia một khoá học phòng ngự bằng súng, hãy tưởng tượng ra tình huống nổ súng. Liệu có trường hợp nào mà bạn sẽ rút hay không rút súng ra? Nếu như bạn rút súng ra, hãy tưởng tượng về việc bạn có thể xoay sở thành công trong những trường hợp như bị kẹt súng hoặc tương tự như thế. Hãy luôn hình dung rằng bạn chiến thắng trong cuộc chiến.
  • Hãy chuẩn bị cho bản thân mình trở thành một người tố giác những điều sai trái, tưởng tượng ra rằng bạn phát hiện thấy những chứng cứ buộc tội. Tưởng tượng rằng bạn đang nói chuyện với cơ quan chức năng; tưởng tượng về kết quả của cái quyết định ấy – mất việc, sự chú ý của giới truyền thông, v.v – nhưng hãy tưởng tượng rằng bạn có thể kiểm soát và thành công vượt qua cái sự căng thẳng và lo âu ấy. Hãy hình dung về những cảm xúc và sự thoả mãn cá nhân khi biết rằng bạn đã làm điều đúng.
  • Tưởng tượng xem bạn sẽ làm gì nếu máy bay bị rơi. Hãy hình dung rằng bạn ngay lập tức sẽ cầm tay người thân và chạy về phía cửa ra gần nhất. Đừng quên tưởng tượng đến hình ảnh khói và lửa đang vây quanh bạn.

Xây Dựng Tính Cách Kiên Cường Trong Bạn

Khi bạn quyết định trở thành chó chăn cừu, bạn chấp nhận trách nhiệm lao đầu vào nguy hiểm trong khi những người khác thì chạy trối chết. Một hệ quả tự nhiên của cái trách nhiệm này là bạn sẽ đối mặt với những sự kiện có khả năng gây tổn thương và sẽ đập tan ý chí sinh tồn và vượt qua nghịch cảnh của bạn. Trong quá trình rèn luyện, việc thực hiện các bài tập tình huống, và tưởng tượng có thể giúp bạn có được sự tự tin và vượt qua sự căng thẳng, nếu như bạn không có được cái ý chí sắt đá để tiếp tục tiến bước ngay cả khi mọi thứ đều chống lại bạn, thì bạn không thể tự gọi mình là chó chăn cừu được.

Nghiên cứu được thực hiện trên những người sống sót và chó chăn cừu chuyên nghiệp cho thấy rằng họ có khuynh hướng trở thành những kẻ kiên cường, một số người sinh ra đã là như vậy. Dù tính di truyền đóng vai trò nhất định trong việc chúng ta kiên cường ra sao, thì chúng ta vẫn có thể củng cố phẩm chất này thông qua sự nỗ lực.

Vài năm trước, chúng tôi đã viết một loạt bài về việc làm thế nào để tăng cường tính kiên cuờng nơi bạn. Chúng đều được dựa trên những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học. Tôi đề nghị rằng bạn đọc hết các bài viết ấy và rèn luyện theo những gợi ý đã được đề ra. Để có được một cái nhìn sâu hơn về việc nâng cao tính kiên cường, bạn có thể đọc các cuốn sách sau:

Phát Triển Trực Giác Của Bạn

“Công nghệ sẽ không cứu chúng ta. Máy tính, các thiết bị, các loại máy móc là không đủ. Ta cần phải dựa vào trực giác của bản thân, vào con người chúng ta.” — Joseph Campbell.

Đối với đàn ông chúng ta, trực giác là ý niệm kiểu giãi bày tâm sự khiến ta thường liên tưởng tới giới phụ nữ. Như Gavin de Becker diễn giải, đàn ông “ưa thích quá trình suy nghĩ mang tính lô gíc, thực tế, có thể giải thích được, và không quá cảm tính mà cuối cùng sẽ dẫn ta tới một kết luận hữu ích.” Nhưng để trở thành một chiến binh tài giỏi thực thụ hay chó chăn cừu, bạn cần trở nên có tính trực giác và bản năng hơn.

Theo như nhà tâm lý học Daniel Kahneman, tâm trí của chúng ta có hai hệ thống và cách suy nghĩ. Một là, lối tư duy chậm. Đó là kiểu suy nghĩ mà chúng ta quen thuộc hơn cả. Đó là thứ mà chúng ta vẫn thường vận dụng tới những khi ta làm toán, thực hiện những cuộc tranh luận logic, hay cân nhắc về một quyết định với các yếu tố và số liệu. Tư duy nhanh, mặt khác, lại thuộc về tiềm thức, vô thức, và theo cảm tính. Kahneman gọi kiểu tư duy này là “Hệ thống 1.” Một cái tên hay ho hơn hẳn so với trực giác.

Mặc dù trực giác hoàn toàn có thể dẫn dắt chúng ta theo hướng sai lầm, nhưng nếu như được đào tạo thích đáng và tuỳ vào những bối cảnh cụ thể, nó có thể cứu lấy cuộc đời bạn và những người xung quanh. Đó chính là luận điểm trong cuốn sách của de Becker có tên, The Gift of Fear (tạm dịch: Món quà của sự sợ hãi), một cuốn sách mà tôi khuyên bạn nên đọc.

Cũng rất thú vị khi nhấn mạnh rằng nguồn gốc của từ trực giác (intuition), là tuere, có nghĩa là “canh gác, bảo vệ.” Quả là phù hợp với chó chăn cừu.

Hãy Tập Võ/Đánh Trận Giả

Chó chăn cừu, không giống như cừu, có thiên hướng bạo lực – chẳng qua chúng chỉ hướng cái khả năng ấy vào mục đích chính trực mà thôi. Chó chăn cừu phải có khả năng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để xoá bỏ hay ít nhất là giảm thiểu một mối đe doạ. Nhưng như Grossman đã giải thích thấu đáo trong cuốn sách của ông, On Killing, hầu hết loài người (ít nhất là trong xã hội hiện đại, văn minh và đa sắc thái) có một động lực tự nhiên để giết chóc hay tham dự vào sự xung đột, đó có thể là về mặt chân tay hoặc bằng lời nói.

Vài tháng trước tôi từng nói chuyện với một quý ông ở độ tuổi tầm 70 tại nhà thờ. Không rõ vì sao mà ở đó xảy ra xô xát và ông nói rằng ông chưa từng dính líu tới một trận ẩu đả nào trong đời mình. Không phải vì ông cố gắng tránh xa chúng; mà chẳng qua là chuyện này chưa bao giờ xảy ra với ông. Phần lớn đàn ông Mỹ cũng đều ở trong hoàn cảnh ấy; họ chưa bao giờ vung nắm đấm vào một người đàn ông khác, hay không biết cảm giác bị ăn đấm là gì. Họ cũng chưa từng vật lộn với một người đàn ông khác, hay bị lôi kéo vào miếng võ khoá đầu và cảm thấy nỗi sợ hãi và chất adreanaline dâng trào trong cơ thể khi lâm vào một trận quần thảo bằng tay. Dĩ nhiên là, điều này không ngăn trở việc đa số đàn ông tưởng tượng xem họ sẽ gân ra sao nếu như nó có cơ hội xảy ra, nhưng nếu như việc kinh qua một trận ẩu đả là hoàn toàn xa lạ đối với bạn, thì bạn không thể tự dưng mà biết được cần phải làm gì khi rơi vào cái tình huống ấy. Đây là một lĩnh vực mà việc rèn luyện từ trước khi điều đó xảy ra là vô cùng quan trọng.

Phát Triển Năng Lực Yêu Thương

Nhà xã hội học và cũng là người sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust Samuel Oliner đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để nghiên cứu về nguyên nhân của việc khiến con người đi đến hành động cứu giúp những người hác. Nghiên cứu của ông cho thấy những người anh hùng có những điểm chung với nhau. Đầu tiên, những người giải cứu thường có sức khoẻ tốt hơn và có mối quan hệ thân thiết hơn với cha mẹ mình. Hai là, họ thường có nhiều bạn bè ở nhiều tầng lớp và theo đuổi những tôn giáo khác nhau. Ba là, và cũng là điều quan trọng nhất, anh hùng là những người biết đồng cảm.

Trong khi cả chó chăn cừu lẫn chó sói đều có khuynh hướng bạo lực, điều phân biệt chúng với nhau nằm ở chỗ chó chăn cừu có một tình yêu sâu sắc và không bao giờ thay đổi dành cho những con cừu mà nó bảo vệ. Do đó, khi mà bạn rèn luyện cách sử dụng bạo lực, bạn cũng đồng thời phải luyện cách yêu thương nữa.

Bạn có thể làm điều này như thế nào?

Trước hết, điều quan trọng là bạn cần phải phát triển lòng cảm thông. Teddy Roosevelt gọi sự cảm thông là “tình đồng chí.” Đó là khả năng bạn đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác và và nhìn nhận và cảm nhận về sự việc theo cách của họ. Giống như là nhân vật Atticus Finch trong tác phẩm Giết Con Chim Nhại từng nói, “Bạn không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi bạn ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.” Thật khó để thể hiện tình yêu thương đối với một người mà bạn không thể đồng cảm cùng họ. Để có thể đồng cảm, bạn cần phải rời khỏi màn hình máy tính hay điện thoại của mình, và chỉ cần đơn giản tương tác với những người khác như là những cá thể tách biệt. Ta càng dành thời gian ở bên những người khác, thì ta càng phát triển tình đồng chí với họ. Cái cảm giác này được tăng cường thông qua sự giúp đỡ, đặc biệt là với những người khác biệt với chúng ta. Sự lãnh đạo của một con chó chăn cừu về bản chất là sự phục vụ của kẻ đứng đầu – nên hãy tham gia hoạt động tình nguyện, trở thành một người thầy chỉ dạy cho người khác, và tìm kiếm những cơ hội để giúp đỡ người khác trong cuộc sống thường nhật. Khi mà bạn làm việc vì người khác, bạn sẽ thấy yêu những người đồng loại của mình.

Rèn Luyện Thân Thể

Việc có được một cơ thể khoẻ mạnh mang đến cho bạn hai lợi thế vô cùng to lớn trong những tình huống mâu thuẫn cao/căng thẳng nhiều. Trước hết, người có thể chất khoẻ mạnh có được lợi thế về sức mạnh và sức bền so với những người khác. Không phải cuộc đối đầu nào cũng là đấu súng. Vậy liệu bạn có đủ sức mạnh và sức bền để giành chiến thắng trong một cuộc đấu tay đôi hay không? Liệu bạn có đủ khả năng để đuổi theo một kẻ móc túi hay không? Liệu bạn có thể nâng vật nặng rơi xuống cơ thể người khác hay không? Liệu bạn có thể cõng người khác đến nơi an toàn hay không? Liệu bạn có thể tự cứu lấy mình hay không?

Hai là, và quan trọng hơn cả, những người khoẻ mạnh cũng xoay sở với stress tốt hơn những người khác. “Nhìn chung khả năng chịu đựng sự căng thẳng ở những người có thể lực là tốt hơn,” Grossman kết luận và “họ cũng duy trì được một sự ổn định hơn cả về tâm trạng,” cũng như là “cho thấy khả năng làm chủ đầu óc tốt hơn khi phải chịu áp lực.” Như chúng ta đã nói tới trước đây, khả năng thể lực và trí lực của chúng ta bắt đầu giảm sút khi phải chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, ta vẫn có thể rèn luyện được tâm trí và thể lực để duy trì trạng thái tốt dù là dưới tình huống căng thẳng cao độ. Việc rèn luyện kỹ năng và trí tưởng tượng là những miếng ghép quan trọng trong trò chơi xếp hình này, rèn luyện thể lực là miếng ghép thứ ba.

Nếu như bạn chưa bắt đầu thường xuyên rèn luyện thân thể, nhưng lại mong trở thành chó chăn cừu, bạn hãy bắt đầu quyết tâm tập thể dục kể từ ngày hôm nay. Chúng tôi đã đăng lên trên trang web rất nhiều bài tập thể lực trong những năm qua. Hăy lựa chọn lấy bài tập phù hợp với bạn nhất và bắt tay vào tập thôi. Tôi nhận thấy việc đặt ra mục tiêu hay điểm chuẩn như là động lực cho việc tập luyện là rất hữu ích. Bạn hãy đặt ra cho mình mục tiêu qua được bài kiểm tra thể lực của quân đội trong Thế chiến 2 hay hoàn thành những tiêu chuẩn được xem là bằng chứng cho việc một người có thể tự cứu lấy mình được đưa ra bởi ông tổ của bộ môn thể hình Earle Liederman.

Bóp Chết Sự Bất Lương và Hành Vi Vô Đạo Đức Từ Trong Trứng Nước

Trong khi Grossman tập trung quan điểm của ông vào vai trò của chó chăn cừu trong việc có thể chiến đấu với lũ sói về mặt thể lực, tôi cho rằng một con chó chăn cừu thực thụ cũng cần phải chuẩn bị tương xứng cho việc đối đầu với những con sói làm xã hội suy yếu thông qua những hành vi bất lương và trái với luân thường đạo lý. Anh ta phải sẵn lòng đứng lên, trở thành một người tố giác, và ngăn lũ cừu khỏi việc bị lừa phỉnh. Trong khi việc rèn luyện sẵn sàng trước một trận chiến hoặc tình huống thảm hoạ là dễ hơn hẳn, bạn cũng có thể rèn luyện bản thân để trở thành một chó chăn cừu về mặt đạo đức.

Grossman cho rằng chỉ khoảng 1% dân số là sói thực sự - những kẻ loạn thần kinh thật sự - và nhà tâm lý học Dan Ariely đã phát hiện ra rằng điều này là đúng khi tiến hành thí nghiệm về sự lừa dối. Ngay cả khi được trao cho cơ hội để gian lận, và được đề nghị một phần thưởng kinh tế để làm vậy mà không phải chịu hậu quả nào hay nguy cơ bị bắt quả tang, chỉ rất ít người tham gia thí nghiệm của ông thực hiện hành vi gian lận hoàn toàn. Và dĩ nhiên hầu hết mọi người vẫn gian lận – nhưng chỉ một chút thôi. Ví dụ như, khi được giao cho nhiệm vụ giải một bài toán, và được đề nghị rằng những người tham gia thí nghiệm sẽ được thưởng vài đô la cho mỗi câu trả lời đúng, và những người này được phép tự báo cáo về thành tích của mình, nhìn chung họ sẽ báo rằng họ trả lời đúng nhiều hơn hai câu so với thực tế. Ariely gọi điều này là “lý thuyết yếu tố lừa dối” – con người muốn giành được lợi ích tiền bạc, nhưng họ cũng muốn bản thân được xem là người tốt, trung thực. Họ giải bài toán đố bằng việc có gian lận đôi chút – đủ để thu được lợi ích, nhưng không đến mức gây ảnh hưởng tới hình ảnh tích cực của bản thân.

Vấn đề đối với những hành động nhỏ thiếu trung thực như thế này là chúng có thể dẫn tới hiệu ứng domino và làm nhiễm độc tính đạo đức của cả một nền văn hoá. Ariely nhận thấy rằng một người càng hay gian lận, thì họ càng có khả năng đạt tới một “ngưỡng lương thiện,” ở điểm mà tại đó họ trở thành chủ thể của “hiệu ứng cái chết tiệt” mà họ sẽ cho rằng, “Cái hết tiệt, dù tôi có gian dối đi nữa, thì tôi cũng sẽ vô sự.” Họ đi từ gian dối một chút, đến trở nên thiếu thận trọng khi hành động và gian dối trong mọi dịp có thể trong suốt thí nghiệm. Ariely cũng phát hiện ra rằng sự thiếu trung thực có thể lây lan giống như một căn bệnh dịch trong nhóm người; bởi vì chúng ta nhìn vào người khác để cân nhắc xem điều gì là phù hợp về mặt xã hội, khi mà ta thấy người khác gian lận, ta sẽ có xu hướng cũng làm điều tương tự. Nghiên cứu của ông giúp ông đi đến kết luận rằng cách tốt nhất để loại bỏ hành vi vô đạo đức trong xã hội là bóp chết nó từ trong trứng nước khi mà nó vẫn còn yếu ớt và vừa mới xuất hiện:

“Điều quan trọng là chúng ta không nên nhìn nhận một hành vi thiếu trung thực đơn lẻ chỉ như là một hành động vặt vãnh. Chúng ta thường có khuynh hướng tha thứ cho mọi người khi họ phạm lỗi lần đầu với cái suy nghĩ rằng đó chỉ là lần đầu và ai mà chẳng sai lầm. Và dù cho điều này có lẽ đúng, chúng ta cũng nên nhận thức rằng hành động đầu tiên của việc thiếu trung thực có thể là vô cùng quan trọng trong việc định hình cách thức mà một người tự nhìn nhận bản thân và những hành vi của anh ta kể từ đó – và bởi vì vậy, hành vi thiếu trung thực đầu tiên là thứ quan trọng nhất cần phải ngăn ngừa. Vì lẽ đó mà việc giảm thiểu những hành vi thiếu trung thực đơn lẻ có vẻ vô thưởng vô phạt lại quan trọng đến thế. Nếu ta làm như vậy, xã hội này có thể sẽ trở nên trung thực hơn và bớt sai lạc hơn theo thời gian…

Lan truyền từ người này sang người khác, sự bất lương có một tác động chậm chạp, từ từ, ăn mòn xã hội. Giống như là một chủng ‘virus’ biến thể và tăng tốc độ lan truyền từ người này sang người khác, một hành vi hạnh kiểm mới, thiếu đạo đức hơn sẽ được nhân rộng. Và cho dù nó thật yếu ớt và chậm chạp, kết quả cuối cùng có thể vô cùng tai hại. Đấy là cái giá thật sự của một trường hợp gian lận nhỏ bé và là lý do mà chúng ta cần thận trọng hơn trong nỗ lực kiềm chế ngay cả những vi phạm nhỏ.”

Để rèn luyện trở thành một chó chăn cừu có đạo đức. hãy rèn luyện tính chính trực ngay cả trong những điều nhỏ nhặt – nói với người thu ngân rằng họ trả cho bạn thừa tiền hay chiến đấu lại sự cám dỗ của việc nói dối nhằm viện cớ cho sự chậm chạp của bạn. Việc làm gương trước những hành động trung thực sẽ khuyến khích những người khác cũng hành động một cách đáng được tôn trọng như thế.

Ariely cũng nhận thấy rằng việc gian lận giảm hẳn đi khi mọi người biết rằng họ đang bị quan sát. Đó là lý do vì sao mà việc có chó chăn cừu luôn cảnh giác và phát hiện (xem bên dưới) và sẵn sàng lên tiếng ngay cả khi những tiêu chuẩn về đạo đức và lương tri nhỏ nhặt bị vi phạm lại quang trọng đến thế. Một lần nữa, điều này có thể sẽ khiến cho chó chăn cừu không được yêu quý – con người ta thường không thích một “kẻ chỉ điểm.” Nhưng vai trò của chó chăn cừu là ngăn chặn sự “lây lan” trước khi nó chậm rãi làn truyền và làm cả bầy suy yếu.

Semper Vigilantissimi

Semper vigilantissimi. Luôn luôn cảnh giác. Chó chăn cừu thực thụ luôn luôn cảnh giác trước những mối đe doạ. Chúng luôn quan sát môi trường sống quanh mình và điều tra nếu thấy có điều gì đó không ổn. Nếu như bạn muốn trở thành một chó chăn cừu, thì bạn cũng phải cảnh giác tương tự như thế. Bạn nên thường xuyên ở trong trạng thái tâm sinh lý “bình tĩnh cảnh giác,” hay như vị chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng Jeff Cooper gọi là “Trạng thái Màu vàng.” Khi bạn ở trong Trạng thái Màu vàng, không có một mối đe doạ cụ thể nào tồn tại và bạn không hề hoang tưởng về những nguy cơ không tồn tại. Bạn chỉ đơn giản là nhận thức rằng thế giới là một chốn nguy hiểm tiềm tàng và không thân thiện và rằng bạn sẵn sàng để bảo vệ bản thân và hành động để giúp đỡ những người khác. Khi bạn ở trong Trạng thái Màu vàng, bạn thường xuyên tiếp nhận thông tin về mọi thứ quanh mình với một thái độ bình tĩnh nhưng cảnh giác. Bạn ở trong trạng thái mà các chuyên gia chiến thuật gọi là “nhận biết tình huống.”

Kết Luận

Như tôi đã nhắc đến ở phần đầu bài viết, tôi không thể liệt kê hết mọi điều mà một người cần phải biết để trở thành chó chăn cừu chỉ trong một bài viết. Như bạn có thể thấy, ngay việc liệt kê ra những nguyên tắc chung cũng tốn khá nhiều giấy mực! Tuy nhiên, tôi hi vọng rằng bài viết này đã cung cấp được cho bạn một lộ trình về việc bạn cần làm gì để vượt qua cái tính cừu tự nhiên của bạn. Tôi biết rằng nhiều người trong số các bạn muốn có thêm nhiều chi tiết hơn nữa về những khái niệm này, nhưng tôi mong là bạn sẽ tin tưởng tôi khi mà tôi nói rằng mỗi một ý đều xứng đáng với một bài viết chuyên sâu về nó. Tôi rất phấn khích khi được điểm lại chúng trong tương lai và hi vọng rằng cả bạn cũng vậy. Dưới đây là một số chủ đề mà chúng ta sẽ đào sâu trong tương lai, thêm vào đó là việc tiếp tục các bài viết liên quan tới chủ đề chó chăn cừu của chúng ta như là sử dụng súng, sơ cứu, rèn luyện thể chất, tự vệ, và sinh tồn:

  • Làm thế nào để phát huy năng lực trực giác của bạn
  • Làm thế nào để ngăn ngừa bản thân khỏi căng thẳng
  • Làm thế nào để sử dụng trí tưởng tượng
  • Làm thế nào để phát triển khả năng nhận biết tình huống
  • Các mức độ nhận thức
  • Cải tổ đầu óc bạn như là một người lính ở thế kỷ 21
  • Làm thế nào để tăng cường tính chính trực nơi bạn và thúc đẩy sự chính trực trong xã hội
  • Thư viện dành cho chó chăn cừu (những cuốn sách hay nhất dành cho việc trở thành một chó chăn cừu)

Theo bạn tôi cần nói tới những kỹ năng và quan niệm nào nữa trong tương lai? Hãy góp ý cho tôi với nhé!

______________________________________

Sources:

On Killing by Lt. Col. Dave Grossman

The Unthinkable: Who Survives When Disaster Strikes – And Why by Amanda Ripley

Warrior Mindset by Dr. Michael Asken, Loren W. Christensen, Dave Grossman and Human Factor Research

On Combat by Dave Grossman and Loren W. Christensen

The Survivors Club: The Secrets and Science that Could Save Your Life by Ben Sherwood

The Gift of Fear by Gavin de Becker

The Honest Truth About Dishonesty–How We Lie to Everyone, Especially Ourselves by Dan Ariely

 

Dịch: December Child

Nguồn: Artofmanliness

menu
menu