Tại sao mong muốn người yêu thay đổi lại hoàn toàn hợp lý?

tai-sao-mong-muon-nguoi-yeu-thay-doi-lai-hoan-toan-hop-ly

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa luôn khẳng định rằng bản chất của tình yêu đích thực chính là việc chấp nhận hoàn toàn người kia – như họ vốn dĩ.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa luôn khẳng định rằng bản chất của tình yêu đích thực chính là việc chấp nhận hoàn toàn người kia – như họ vốn dĩ. Trong những khoảnh khắc ngọt ngào nhất của sự thân mật, lời nói lãng mạn nhất mà ta có thể nghe được từ người yêu là: “Anh chẳng muốn thay đổi bất cứ điều gì ở em.” Ngược lại, trong một mối quan hệ đang dần tan vỡ, câu hỏi cay đắng và đầy thất vọng mà ta có thể buông ra là: “Tại sao anh không thể chấp nhận em như em vốn dĩ?” Và nếu mối quan hệ đó chấm dứt, ta gần như chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm từ bạn bè và mọi người xung quanh khi thẳng thừng tuyên bố: “Tôi rời bỏ họ vì họ muốn tôi phải thay đổi.”

Thoạt nghe, những điều này có vẻ hợp lý – cho đến khi ta dừng lại và nghĩ về bản chất của con người. Chúng ta là những sinh vật đầy hỗn loạn: lo âu, vụn vỡ, mê muội, mù quáng, đầy ảo tưởng, và chỉ vừa mới tiến hóa đến trạng thái tạm gọi là “hiện đại”. Không ai trong chúng ta, với mọi ý tốt, có thể tự nhận mình hoàn toàn ổn thỏa. Bên dưới lớp mặt nạ tinh tế, chúng ta chỉ đang cố gắng giữ mọi thứ không sụp đổ. Chúng ta là kết tinh của những tuổi thơ đầy kỳ lạ, phản ứng thái quá hoặc không đủ trong nhiều tình huống, thường xuyên hiểu sai người khác, bối rối về chính con đường của mình, và đôi lúc, thật sự chẳng biết chuyện gì đang diễn ra.

Trong bối cảnh như thế, việc khăng khăng rằng không có gì ở mình cần thay đổi, rằng ai yêu mình phải yêu mình đúng như mình vốn dĩ, không chỉ là một câu chuyện lãng mạn dễ nghe, mà còn là đỉnh cao của sự kiêu ngạo và ảo tưởng. Với bản chất của con người, làm sao ta không thể liên tục cam kết với chính mình rằng ta cần phải thay đổi? Làm sao ta không cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về con người của mình ngày hôm qua, hay thậm chí chỉ vài giờ trước? Làm sao ta lại không trân trọng những lời góp ý, nếu chúng xuất phát từ sự tò mò và kiên nhẫn, giúp ta tiến hóa thành phiên bản tốt hơn của chính mình? Từ khi nào ta lại xây dựng nên một nền văn hóa mà trong đó, việc phủ nhận cơ hội để trưởng thành lại được xem như một biểu tượng của tình yêu lãng mạn?

Một người trưởng thành thực sự không phải là người phản ứng gay gắt khi được khuyên thay đổi, mà là người lập tức đón nhận điều đó như một con đường dẫn đến sự cứu rỗi. Người trưởng thành hiểu rằng mình cần phải lớn lên. Người thực sự khỏe mạnh nhận ra mình đang có vấn đề (và chúng ta ai cũng thế). Ngược lại, những người cần thay đổi nhất lại thường chính là những người khăng khăng rằng họ không cần thay đổi gì cả – và đổ lỗi cho người khác khi ý tưởng đó được đưa ra, thậm chí giận dữ bỏ đi với lời buộc tội rằng bạn quá phiền phức.

Dĩ nhiên, yêu cầu thay đổi cần được nói ra một cách tử tế và trưởng thành. Điều này không có nghĩa là sự áp đặt hay đòi hỏi mang tính bắt nạt. Chúng ta đang nói về cách mà ta yêu một người, đồng thời vẫn muốn họ trưởng thành hơn trong những khía cạnh quan trọng: học cách lắng nghe nhiều hơn, hiện diện nhiều hơn, biết thể hiện tình cảm hoặc ít nhất giải thích vì sao họ không thể, hiểu rõ hơn về quá khứ của mình và cách nó đang ảnh hưởng đến hiện tại, kiểm soát cơn giận vô lý, thừa nhận những hành vi gây nghiện và tìm kiếm sự giúp đỡ, ngừng làm ta bẽ mặt nơi đông người, giữ lòng trung thành và sự tử tế…

Tất nhiên, ta muốn người yêu thay đổi. Và dĩ nhiên, họ cũng nên muốn ta thay đổi. Điều này không mâu thuẫn với tình yêu, mà chính là công việc của tình yêu. Tình yêu nên là một lớp học, nơi cả hai cam kết giáo dục lẫn nhau với tinh thần hỗ trợ và lòng trắc ẩn, để cùng nhau trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tình yêu không nên là một nơi mà ta chấp nhận những điều tệ nhất của nhau và âm thầm chịu đựng những tổn thương do đối phương gây ra. Câu hỏi “Anh/em muốn thay đổi điều gì ở em/anh?” nên trở thành lời đề nghị tử tế và trưởng thành nhất mà các cặp đôi dành cho nhau. Thay vì tặng nhau những món quà vô nghĩa, hãy trao tặng món quà lớn nhất: “Làm sao anh/em có thể thay đổi để em/anh dễ dàng yêu thương anh/em hơn?” Đó mới thực sự là lãng mạn.

Tình yêu không phải là nơi để ta tìm kiếm sự ủng hộ cho những thói quen bồng bột hay sự non nớt của mình, càng không phải để tìm kiếm sự đồng thuận rằng mọi điều mình làm đều đúng. Tình yêu nên mang đến cho ta dũng khí để đối diện với khiếm khuyết của bản thân.

“Anh muốn em thay đổi” không phải là một dấu hiệu của sự tàn nhẫn. Đó là minh chứng rằng ai đó thật sự quan tâm đến ta. Và thậm chí, ta nên đi xa hơn: phản ứng tự nhiên khi ở bên một người không muốn thay đổi và xem nỗ lực của ta như một sự xúc phạm, đó là ta nên tỉnh táo mà rời đi.

Nguồn: WHY IT’S OK TO WANT A PARTNER TO CHANGE - The School Of Life

menu
menu