Bạn nên “kén chọn” người yêu đến mức nào?

Ranh giới giữa sự kén chọn thái quá và sự chọn lọc lành mạnh trong tình yêu.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Trong tình yêu, sự kén chọn là điều cần thiết ở một mức độ nào đó.
- Kén chọn quá mức có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ, nhưng sự kén chọn vừa phải lại lành mạnh và giúp ta tìm được người phù hợp.
- Kén chọn lành mạnh nghĩa là tìm kiếm một người phù hợp, chứ không phải một người hoàn hảo, và biết chú trọng đến những phẩm chất mang tính quyết định, cả tích cực lẫn tiêu cực.
- Kén chọn lành mạnh còn đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc trực giác và lý trí, đồng thời hướng đến việc giúp nhau phát triển và tỏa sáng.
“Tôi không phải là người kén chọn, tôi chỉ biết mình xứng đáng với điều gì.”
— Angelo Caerlang
Sự kén chọn là một trong những lý do chính khiến nhiều phụ nữ kết hôn muộn. Nhiều người cho rằng “linh cảm” là lý do để từ chối một người tiềm năng, trong khi sự kén chọn thái quá lại thường chỉ chăm chăm soi vào những điểm tiêu cực và vì thế mà làm hỏng mọi cơ hội. Dưới đây, tôi sẽ gợi ý bốn cách để phát triển một lối chọn lọc lành mạnh, điều sẽ gia tăng khả năng tìm được người thật sự phù hợp.
Tình yêu lãng mạn vốn dĩ đã mang tính chọn lọc: thời gian của ta là hữu hạn, còn những lựa chọn ngoài kia thì vô số. Ta không thể yêu tất cả mọi người, một mối quan hệ bền vững cần có sự tìm kiếm có chủ đích và tập trung. Dù vậy, không ít người độc thân bị chê trách là quá kén chọn, với ngụ ý rằng nếu họ “dễ tính” hơn, họ đã tìm được người yêu. Nhưng sự kén chọn không thể bị xem là tiêu cực, ngược lại, nó phản ánh mong muốn có những chuẩn mực cao. Vậy thì đâu là những tiêu chí đỏ trong tình yêu mà ta nên giữ vững, và đâu là những điều ta có thể linh hoạt, thỏa hiệp?
Bản chất của sự kén chọn trong tình yêu
“Bạn thấy đấy, tôi còn kén chọn đến từng đôi giày, mà chúng chỉ dùng để đi dưới chân tôi thôi.”
— Alicia Silverstone
Sự kén chọn là một chiến lược cần thiết trong tình yêu lãng mạn (ít hơn trong các mối quan hệ tình dục thuần túy), nhưng bởi việc chọn bạn đời là điều vô cùng phức tạp, nên bản chất của sự kén chọn cũng trở nên rắc rối không kém. Nếu bạn quá kén chọn, bạn có thể sẽ cô đơn suốt đời; nhưng nếu bạn chẳng kén chọn chút nào, bạn có thể phải ly hôn, hoặc tệ hơn, là sống bất hạnh trong một cuộc hôn nhân sai người. Ta còn kén chọn xe cộ, quần áo, thức ăn… thì cớ gì lại không nên cẩn trọng khi chọn người bạn đồng hành suốt đời?
Những người quá kén chọn thường đòi hỏi một danh sách dài những phẩm chất cụ thể và chỉ cảm thấy hài lòng khi người kia gần như phải đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí đó. Cách nghĩ cứng nhắc kiểu “tất cả hoặc không gì cả” này không hề có sự ưu tiên giữa các tiêu chí, và điều đó thật sự nguy hại, bởi nó không phân biệt được giữa những điều bề nổi và những giá trị cốt lõi. Một người quá kén có thể loại ngay một người tiềm năng chỉ vì màu tóc, chiều cao, hay nơi họ đang sống, dù những điều ấy rõ ràng chẳng thể quan trọng bằng lòng tốt và sự chân thành.
Vì thế, chúng ta cần phân biệt rõ giữa sự kén chọn cực đoan, có hại, và một kiểu chọn lọc lành mạnh, có chừng mực. Người quá kén chọn thường giữ thái độ cứng nhắc, vị kỷ, họ chăm chăm tìm khuyết điểm của người khác và cảm thấy lo lắng nếu không phát hiện ra điều gì để từ chối. Họ dễ dàng gạt bỏ những người có thể rất phù hợp, chỉ vì những thiếu sót rất đỗi bề ngoài.
Ngược lại, những người linh hoạt hơn mới thật sự là người biết chọn lọc một cách lành mạnh, nghĩa là sự kén chọn của họ được đặt trên nền tảng của cái nhìn đúng đắn về thực tế. Trong thời đại hẹn hò ngày nay, khi thông tin bủa vây khắp nơi, thì sự tỉnh táo, biết cân nhắc kỹ càng là điều vô cùng quan trọng. Dù sự kén chọn nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cung – cầu trong tình cảm, thì hầu như ai trong chúng ta cũng mang trong mình một mức độ chọn lọc nhất định.
Sự kén chọn lành mạnh trông như thế nào?
“Phần lớn mọi người không tìm được tình yêu là vì họ quá kén chọn, họ suy nghĩ quá nhiều và luôn tìm thấy điều gì đó không ổn ở người khác. Chúng ta gọi họ là những ‘kẻ săn lỗi’.”
— Patti Stanger
Sự kén chọn lành mạnh thể hiện qua bốn khía cạnh quan trọng: tìm kiếm người phù hợp, chứ không phải người hoàn hảo; tập trung vào những điểm cộng và điểm trừ mang tính quyết định, thay vì những danh sách chi li bề mặt; kết hợp hài hòa giữa trực giác cảm xúc và lý trí; và cuối cùng là khả năng giúp nhau trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình.
1. Tìm người phù hợp, chứ không phải người hoàn hảo
“Nếu bạn cứ mãi đi tìm sự hoàn hảo, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy hài lòng.”
— Leo Tolstoy
Sự kén chọn cực đoan thường dẫn đến việc theo đuổi một hình mẫu không tì vết, tập trung vào so sánh và chỉ ra khuyết điểm và điều đó hủy hoại hoàn toàn khả năng xây dựng một tình yêu bền vững. Tốt hơn cả là tìm một người không hoàn hảo (giống như tất cả chúng ta), nhưng lại hợp với bạn nhất.
Việc cứ liên tục so sánh sẽ giết chết tình yêu sâu sắc. Người yêu không phải là kế toán, không cần tính toán thiệt hơn, điều họ cần làm là vun đắp mối quan hệ duy nhất và riêng biệt của mình. Kén chọn độc hại tìm kiếm sự hoàn hảo; còn kén chọn lành mạnh chỉ đơn giản là đi tìm người thật sự phù hợp với bạn. (Ben-Ze’ev, 2019)
2. Tập trung vào những phẩm chất cốt lõi – những “điểm cộng” và “điểm trừ” rõ ràng
Nhiều người thường viết ra danh sách dài những phẩm chất mong muốn ở bạn đời. Nhưng người quá kén chọn lại xem danh sách ấy như chuẩn mực tuyệt đối, chú tâm vào các điểm tiêu cực (đa phần là những điều bề ngoài), và dùng nó để nhanh chóng loại bỏ người không đạt yêu cầu. Khi làm vậy, họ vô tình bỏ quên những phẩm chất sâu xa và giá trị thực sự.
Thay vào đó, sẽ lành mạnh hơn nếu bạn chọn ra một vài phẩm chất cốt lõi, những điều thực sự quan trọng để nuôi dưỡng một tình yêu lâu bền, cùng với khoảng 5 “điểm trừ không thể chấp nhận”, tức là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự không phù hợp sâu sắc.
Khi chọn người yêu, ta nên ưu tiên những phẩm chất như: lòng tử tế, sự rộng lượng, tôn trọng, sự từng trải, sức hấp dẫn và khiếu hài hước, hơn là những điều hời hợt như tóc đen, mắt xanh, hay cân nặng, chiều cao. Tương tự, chọn một người có hoài bão và khả năng phát triển, sẽ khôn ngoan hơn là chọn một người chỉ có tài sản lớn và xe sang. Sự kén chọn độc hại thường không có thứ tự ưu tiên rõ ràng, còn kén chọn lành mạnh thì luôn biết mình cần gì, và đặt trọng tâm vào những điều thật sự quan trọng.
3. Trực giác cảm xúc hòa quyện cùng lý trí
“Một người lý trí sẽ biết rằng, trong một số hoàn cảnh, tốt hơn hết là lắng nghe trực giác cảm xúc của mình, thay vì xoay vần trong những bài toán trí óc phức tạp.”
— Jon Elster
Trực giác trong tình yêu hay còn gọi là “cảm giác mách bảo” tích cực, có phần giống như tình yêu sét đánh, khi ta có một ấn tượng mạnh mẽ, đầy thiện cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ. Nhưng thực ra, trực giác tình cảm không phải điều gì huyền bí. Nó được hình thành từ những khuôn mẫu đánh giá được vun đắp qua cả tiến trình tiến hóa lẫn trải nghiệm cá nhân. Dù cảm giác ấy không đảm bảo rằng tình yêu sẽ lâu bền và chân thật, nhưng nó vẫn là một khởi đầu đáng trân trọng. Như Steve Jobs từng nói: “Trong tất cả những chuyện liên quan đến con tim, khi nó đúng, bạn sẽ biết.”
Ta cần kết hợp trực giác với suy xét lý trí để đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn, những lựa chọn biết nhìn xa và cân nhắc đến yếu tố lâu dài.
Sự kén chọn cực đoan thường rơi vào hai thái cực: hoặc quá đặt nặng con tim (chẳng hạn, chỉ chăm chăm vào sự hấp dẫn thể xác), hoặc quá đề cao lý trí (ví dụ như chọn người chỉ vì họ giàu có). Trong khi đó, sự kén chọn lành mạnh biết lắng nghe cả con tim lẫn lý trí, nhưng khi cần quyết định hướng đi của tình yêu, thì trái tim nên là người dẫn lối.
4. Giúp nhau trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
“Em yêu anh không chỉ vì anh là ai, mà còn vì em là ai khi ở bên anh.”
— Elizabeth Barrett Browning
Tình yêu đích thực là thứ khiến mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, là cảm giác được là chính mình, một phiên bản trọn vẹn và rạng rỡ hơn. Nhiều cặp đôi yêu nhau thường nói rằng, kể từ khi gặp người ấy, họ đã trở thành một con người khác, mạnh mẽ, sâu sắc, và tử tế hơn.
Ngược lại, sự kén chọn độc hại lại chỉ chăm chăm vào những đặc điểm rời rạc, không hề liên quan đến việc liệu hai người có thể khiến nhau phát triển hay không. Còn sự kén chọn lành mạnh thì tập trung vào chính mối quan hệ ấy, đặc biệt là vào khả năng của người kia trong việc nuôi dưỡng tình yêu, làm cho nó tốt lên mỗi ngày, và giúp cả hai cùng trở nên tốt đẹp hơn khi đi chung một con đường.
Tình yêu lãng mạn có cần phải kén chọn?
“Mẹ tôi cực kỳ kén chọn khi giới thiệu người con dâu lý tưởng. Bà muốn tôi lấy một bác sĩ. Nhưng rồi khi về già, cần người chăm sóc thường xuyên, bà lại khuyên tôi cưới một y tá.”
— Aaron
“Sự kén chọn không nên xoay quanh những đặc điểm rời rạc, mà nên hướng đến mối liên kết cảm xúc. Thật đáng tiếc là trước khi kết hôn, tôi đã không kén chọn hơn.”
— Audrey
Nhiều người giữ thái độ cứng nhắc trong tình yêu chỉ vì họ mong có được một mối tình ngọt ngào như phim ảnh. Nhưng liệu tình yêu có thực sự cần sự kén chọn cực đoan đến thế? Tình yêu lãng mạn là một dòng chảy luôn chuyển động, được nuôi dưỡng và lớn dần theo thời gian. Độ sâu đậm của tình yêu không được định đoạt bởi việc ta tìm thấy một người “lý tưởng” ra sao, mà bởi cách ta chăm chút cho tình yêu độc nhất của chính mình. Sự kén chọn quá mức chỉ chăm chăm tìm kiếm một người hoàn hảo, và chính điều đó lại làm ta bỏ lỡ những người thật sự phù hợp.
Tình yêu và sự kén chọn không đi cùng nhau, thậm chí đôi khi lại đối nghịch. Sự kén chọn thái quá có thể là biểu hiện của nỗi sợ trước một mối quan hệ sâu sắc, lâu dài. Bởi cốt lõi của tình yêu không nằm ở những chi tiết rời rạc, mà ở tổng thể con người ấy, với tất cả những gì họ là. Ngay cả khi ai đó khôn ngoan, xinh đẹp, giàu có, điều đó vẫn không đảm bảo ta sẽ rung động. Trong chuyện con tim, cảm giác mách bảo thường là người chỉ đường tốt hơn cả. Và ta hoàn toàn có thể rèn luyện trái tim mình, trong chừng mực nhất định, để từng bước hướng đến điều mình mong muốn.
Kén chọn một cách lành mạnh sẽ không giúp bạn tìm thấy một người hoàn hảo, nhưng nó lại đồng điệu với mong muốn xây dựng một tình yêu sâu sắc và bền lâu. Và điều ấy quý giá hơn nhiều so với sự kén chọn cố chấp. Sự kén chọn lành mạnh nên hướng đến khả năng phát triển tích cực trong tương lai, điều có thể làm sâu thêm mối kết nối giữa hai người. Bạn không cần phải từ bỏ cảm xúc của chính mình, chỉ cần lắng nghe lại trái tim, xác định điều gì là thật sự quan trọng với mình… rồi sống và yêu theo cách xứng đáng với điều đó.
Tài liệu tham khảo
Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love: How our romantic lives change over time. University of Chicago Press.
Nguồn: How Picky Should You Be About a Romantic Partner? | Psychology Today